• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Phần I

Chương II: Ở một diễn biến khác, Adelardo ngồi ngắm tranh trong phòng

0 Bình luận - Độ dài: 5,487 từ - Cập nhật:

Ở một diễn biến khác, Adelardo ngồi ngắm tranh trong phòng...

***

Đã qua nửa đêm và bên cạnh ly rượu cạn đáy, Adelardo vẫn ngồi thừ trên ghế, ngước mắt nhìn chòng chọc vào bức tranh treo ở đầu giường ngủ. Bức tranh thể hiện một đề tài đã quá quen thuộc đến mức nhàm chán trong Kinh Thánh: Thiên Sứ truyền tin. Adelardo mua lại nó từ một người bạn của anh, một hoạ sĩ vô danh, nhưng nói rằng chính anh đã bỏ tiền ra mua nó cũng không hẳn là đúng. Trên thực tế, Adelardo đã cho gã bạn ấy mượn một số tiền nho nhỏ. Nhưng chẳng biết vì lý do gì, trong lần gặp cuối cùng của cả hai, gã đã trở thành kẻ không còn một xu dính túi. Gã nói mình đã trút hết cho mấy ả điếm trong một quán rượu chui ở Surco. Gã không có cách nào trả lại tiền cho anh nên đành phải thay thế bằng bức tranh này. Nếu không, Adelardo chẳng đời nào lại đi mua tranh, dù là mua ủng hộ người quen đi chăng nữa.

Theo một lẽ tất nhiên, bức tranh cũng có tên “Thiên Sứ truyền tin”, nhưng không giống với Thiên Sứ truyền tin của Leonardo da Vinci - nếu giống được thế hay tốt hơn thế thì thật đáng mừng - dù Adelardo ngờ ngợ rằng gã đã tham khảo hình mẫu từ kiệt tác ấy. Bức tranh anh đang ngắm được vẽ theo trường phái Lập thể, hay Dã thú, Adelardo cũng không chắc. Khi anh hỏi bạn mình nó được vẽ theo kiểu nào trong hai kiểu ấy, thì người bạn chỉ bĩu môi, hỏi lại anh rằng sao có thể nhầm giữa hai thứ đó được, giữa Lập thể và Dã thú còn chẳng có điểm chung nào. Adelardo trả lời là chúng có điểm chung, là Georges Braque. Gã lại bĩu môi một lần nữa, hình như có một lời nào đó gã sắp sửa thốt ra nhưng gã đã quyết định nuốt ngược nó lại, có thể gã muốn nói rằng việc đưa bức tranh này vào tay kẻ nghiệp dư chả biết gì về hội hoạ như anh là một sự phí phạm to lớn.

“Georges Braque thì có gì hay!” Gã phất tay, lúc nào cũng thế, khi nhắc đến tên các danh hoạ nổi tiếng trước mặt gã thì gã cứ phất tay và dùng đúng cú pháp đó: Monet thì có gì hay, Henri Matisse thì có gì hay, Michelangelo thì có gì hay, Vermeer thì có gì hay… Riêng Vermeer thì Adelardo phản đối kịch liệt vì Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai chính là nàng thơ của anh, là người yêu trong những ảo tưởng thiếu niên của anh suốt một thời gian dài. Dù bây giờ anh đã qua giai đoạn đó rồi, và khi nhìn lại anh tự thấy bản thân mình thật điên nhưng tình đầu của anh vẫn là một thứ thiêng liêng bất khả xâm phạm. Vì thế mà cả hai người họ đành gác lại Vermeer vì nếu cứ tiếp tục tranh cãi thì chỉ tổ tốn thời gian mà chuyện cũng không dẫn đến đâu, lại khí gây thêm những xích mích không đáng về một người con gái còn chẳng có thật. Nhưng phải nói thêm là đối với gã vẫn có hai người gã sẽ không dùng cú pháp kia, một là Picasso và hai là Leonardo da Vinci, chỉ duy họ là khiến gã tỏ rõ một thái độ kính trọng nhất định.

Người bạn bảo không cần phải biết bức tranh được vẽ theo trường phái gì, bởi vì chỉ có những kẻ nghệ sĩ rởm mới chạy theo các trào lưu và trường phái, những nghệ sĩ thực thụ thì phải vẽ những tác phẩm mới mẻ với tham vọng tạo ra những hướng đi mới mẽ. Nên Adelardo có thể xem như đây là trường phái của riêng gã.

Trong tranh, Tổng lãnh Thiên thần Gabriel cầm một cành hoa bách hợp, nửa quỳ xuống trước trinh nữ Maria. Vị Thiên thần được vẽ bằng những nét cọ dày và dùng những tông màu rực rỡ của trường phái Dã thú, nhưng Maria thánh thiện lại được vẽ theo trường phái Lập thể, cơ thể Maria như vỡ ra thành nhiều mảnh vụn và mỗi mảnh vụn là một tiểu vũ trụ, bộc lộ một phiên bản Maria khác nhau. Thế nhưng trông cả hai chủ thể ấy vẫn hài hoà một cách kỳ quặc dù nếu nhìn lướt qua vẫn cảm giác được bức tranh đã bị chia làm hai nửa. Như thể gã hoạ sĩ đã vẽ hai bức tranh khác nhau rồi gộp lại thành một. Nhưng vẫn không đúng như thế, người xem vẫn cảm nhận được Gabriel đang truyền tin đến Maria và Maria đang đón nhận tin tức của Gabriel, nàng ngước mặt khỏi cuốn sách trên bàn, một tay vẫn giữ lấy trang giấy đang đọc dở. Nghĩa là giữa họ vẫn có sự tương tác bất chấp bị xé đôi bởi những phong cách, hay cái gì đó lớn hơn, Adelardo cũng không rõ.

Ngày mà gã trao bức tranh này cho Adelardo, anh đã nghĩ gã đang lợi dụng mình, gã chỉ muốn ai đó giữ giùm nó một thời gian trong khi gã không có cách nào giữ nó được nữa, rồi tương lai nếu có cơ hội gã sẽ quay lại để chuộc về sau. Anh giống như một cái kho cất đồ của gã vậy. Anh lo lắng hỏi gã nếu không còn tiền thì gã định làm gì tiếp theo, tại sao gã lại dại dột dùng hết số tiền còn lại vào lúc này, lúc mà có lẽ gã đang cần tiền nhất. Nhưng Adelardo đã lo thừa, người bạn ấy đã “biến mất” ngay ngày hôm sau.

Khi nói đến biến mất, hãy hiểu rằng không có biến mất nào ở đây cả, ai cũng biết gã bạn của anh chắc chắn đã bị người của Chính phủ thủ tiêu. Ochenio và chính sách đàn áp những người thuộc phe phái đối lập và người Cộng sản. Manuel Odría và chủ nghĩa dân tuý. Con người là một giống loài dễ dàng bị biến mất, không có những pha hành động kịch tính hay những tuyên thệ hùng hồn như trong tiểu thuyết của Victor Hugo, chỉ là trong một đêm tối trời họ bước vào một con ngõ vắng và những cái bóng đen từ đâu xuất hiện, thế là họ biến mất. Hoặc người ta nghe tiếng súng vang lên đây đó, bên cạnh nhà hay ở cuối những con đường chằng chịt toả khắp Lima, rồi một tiếng phịch như tiếng một người nhân công chất bao bột mì đang vác trên vai xuống đất, và họ biết ai đó đã biến mất. Không có cuộc điều tra thật sự nghiêm túc nào được thực hiện, bởi vì ai cũng đoán lờ mờ là do người nào làm và động cơ vì sao, nguyên nhân do đâu, chuyện gì đã xảy ra. Bóng tối nuốt mất họ, sao trời kéo họ đi hoặc cũng có thể là đèn đường quá chói đã xoá nhoà sự tồn tại của họ. Nhưng liệu có phải bởi vì có thể biến mất bất kỳ lúc nào mà người ta không còn muốn sống một cách nghiêm túc nữa hay không?

***

Quan sát cho đến khi chắc chắn rằng không còn một chi tiết nào trên bức tranh bị bỏ sót, Adelardo mới dời mắt khỏi nó để quay trở lại những ly rượu trên bàn. Ly trước mặt anh đã cạn đáy, hai ly khác thì vẫn còn như thể chưa được ai động đến. Chúng tạo thành một hình tam giác xấu xí mà trọng tâm bị lệch hẳn về một phía. Đúng là trong hai ly có một ly chưa hề được động đến thật, đó là ly của vị giáo sư Gilberto đáng kính. Theo như Adelardo để ý, suốt buổi gặp mặt vị giáo sư còn chẳng nhìn đến nó lấy một lần. Thầy chỉ dành thời gian cho cơn hào hứng nói về “chúng ta”, lúc nào cũng ở dạng số nhiều, lúc nào cũng là một tập hợp chung chung mà Adelardo tự hiểu là có mình ở trong đó. Người còn lại, Jorge, thì chỉ nhấp môi nhẹ như một phép lịch sự đối với gia chủ, không bình phẩm gì về vị hay mùi. Anh cũng không hy vọng bởi vì dù sao chai rượu này cũng là anh xin được từ chủ nhà, ông Santiago chỉ chọn bừa lấy một chai và ném cho anh, nhưng một điều có thể chắc chắn là nó chẳng được ngon lành gì. Đây dù sao cũng không phải là một buổi nhậu nhẹt say khướt. Ngày mai, giáo sư Gilberto có ý định sẽ sang Hà Lan, chuyến đi nghe sặc một thứ mùi vĩnh biệt, mà Adelardo có linh cảm thầy sẽ bị giết chết ở sân bay trước khi kịp đi bất cứ đâu.

Anh và Jorge chỉ im lặng lắng nghe những gì lão thầy nói, nào là tình hình của “chúng ta”, đất nước của “chúng ta”, xã hội của “chúng ta”. Giáo sư Gilberto tất nhiên là không sợ chết, và chàng thanh niên Jorge cũng không sợ chết - ít nhất là y cố tỏ ra cho người khác thấy điều đó. Nhưng còn Adelardo, anh có sợ chết không? Anh cũng không chắc, chỉ biết là trong ba người chỉ có mình anh là đã nốc hết chỗ rượu sẫm màu trong ly, dường như là để tiếp thêm can đảm cho bản thân.

Tối hôm nay anh không thể tập trung vào những gì mà vị giáo sư lẫn Jorge nói, những câu chữ thoát ra từ miệng họ cứ trôi tuột đi, sượt qua tai anh, làm màng nhĩ anh rung lên nhưng đó chỉ là một thứ rung động vật lý thuần tuý chứ thực chất anh chẳng thể tiếp nhận được gì, hay nói thật lòng là chẳng nghe ra được gì. Giữa những từ ngữ bùi nhùi ấy, anh đột nhiên cảm thấy váng vất và nghĩ đến một cái cây thật cao thật cao, cành lá của nó đang xen chằng chịt và có vô số những chú chim đủ mọi giống loài làm tổ trên đấy. Chúng đông đúc đến mức bắt đầu có dấu hiệu muốn ăn thịt lẫn nhau, chúng tranh giành địa bàn làm tổ, tranh giành vị trí tốt nhất, chúng xông vào nhau và dùng mỏ rúc rỉa lông cánh, xé toạc da thịt của đối phương, dùng những cái vuốt của mình để rạch bụng đối thủ, hoặc tìm cớ lấn chiếm không gian của nhau bởi vì trong thế giới loài chim chẳng có bất kỳ sự hoạch định ranh giới nào, chúng tự do trong một không gian quá rộng lớn vì thế mà chúng bắt đầu cư xử theo luật lệ do chính chúng đặt ra. Để rồi khi quay trở lại câu chuyện, Adelardo đã bị bỏ lại quá xa, anh không thể theo kịp được nữa. Hình như Gilberto đang bảo chủ nghĩa dân tuý của Manuel Odría là một trò lừa đảo gì đó, rằng có quá nhiều tham nhũng và tàn sát trong bộ máy này, Odría đã lợi dụng sự phát triển kinh tế của đất nước để thực hiện những hành vi xấu xa và chắc chắn lịch sử mai sau sẽ kết tội hắn. Rồi Jorge nói gì đó, Gilberto trả lời gì đó. Adelardo ước gì mình đã không nốc một hơi cạn sạch chỗ rượu trong ly như thế.

Giờ ngẫm lại, cuộc trò chuyện khi nãy có lẽ cũng không quan trọng lắm, anh không cần quá tập trung cũng được. Lòng anh dậy lên một thứ linh cảm chẳng lành, thứ linh cảm của một người đang ngồi yên vị chỗ của mình và chẳng có chuyện gì xảy ra nhưng đột nhiên hắn biết rằng mình sắp chết. Điều đó làm anh run rẩy và anh bị kéo về phía hiện thực: Anh đang ngồi trong phòng và ngắm một bức tranh. Bên ngoài, đã qua nửa đêm và không biết tiếp theo ai sẽ biết mất, ánh đèn tù mù nhưng đủ sức lấp đầy không gian. Adelardo chưa cần phải đặt lưng xuống giường cũng thừa biết là đêm nay mình sẽ không ngủ được nữa. Đôi mắt anh cứ chong ra, tìm kiếm một thứ gì đó để quan sát, do đó mới có chuyện anh cứ thừ người trước bức tranh kỳ quặc của bạn mình, không vì mục đích nào cả.

***

Adelardo nhớ về mẹ, không phải Peru, anh không phải kiểu người sẽ gọi Tổ quốc bằng mẹ, mà là mẹ ruột của anh. Bà chẳng bao giờ hiểu rốt cuộc tại sao những đứa con của bà phải chia phe chia phái, mỗi đứa ôm lấy một lý tưởng và không bao giờ nhìn mặt nhau chỉ vì những lý tưởng ấy xung khắc với nhau. Chúng tranh luận những điều mà bà không hiểu vì thứ duy nhất bà hiểu và thứ duy nhất bà quan tâm là làm cách nào để nấu sữa bò thành phô mai và từ phô mai trở thành loại phô mai ngon nhất. Bà quanh quẩn với những chú bò trong nông trại, và đôi khi bà ngây thơ hỏi những thứ lý tưởng kia có thật sự quan trọng bằng công thức làm phô mai gia truyền của bà không, vì cái công thức này đã nuôi sống gia đình bà hơn hai mươi năm nay, giúp con bà ăn học, đưa chúng từ những vùng quê xa xôi đến Lima. Bằng chính món phô mai này, mà bà đã xây dựng cả cơ ngơi của bà, nhờ phô mai mà bà đã đi đến được ngày hôm nay, đã nuôi dưỡng và giáo dục ra thế hệ tiếp theo cho đất nước. Chúng ta nhất định không được phép quên điều ấy. Thế nhưng những lý tưởng mà bà không biết chúng rốt cuộc tròn méo ra sao kia một ngày nọ lại xuất hiện và khiến đàn con bà xoay mũi kiếm chiến đấu với chính ruột thịt của mình. Lẽ ra đời bà sẽ yên ổn với phô mai nhưng giờ thì không như vậy nữa. Nên bà luôn nghĩ phô mai thì tốt hơn là lý tưởng này lý tưởng nọ, phô mai thì đáng quan tâm hơn những điều lớn lao xa vời mà bà không hiểu.

Đó là những trận cãi nhau chí choé giữa Adelardo với những người anh em khác, sự bất hoà không chỉ len lỏi ở mức vĩ mô mà còn ở mức vi mô, nghĩa là các thành viên trong một gia đình cũng có thể bị chi phối bởi những quan điểm chính trị. Và kéo theo đó là những trận tranh cãi không dứt, những trận đả kích bằng lý lẽ, hay lớn hơn là những dịp về thăm nhà mà không nhìn mặt nhau. Tất cả những thứ đó khiến cho mẹ anh phải tuyên bố một chính sách “không có chính trị trong nhà”. Đây là nhà bà và đây là một xưởng sản xuất phô mai với quy mô hộ gia đình, vì thế mà ở đây chỉ có câu chuyện về phô mai, về sữa và về những con bò, về những vi sinh vật lên men, thời gian ủ hay thứ mùi béo ngậy của những sản phẩm được chế tác từ sữa. Bà cho rằng mình chẳng quan tâm đến những “lý tưởng” thế mà bà vẫn đang sống tốt và luôn sống tốt đấy thôi, bà vẫn là mẹ của các anh em và khuyên họ đừng chạy theo những điều đao to búa lớn, rằng chúng ta đã có một cuộc sống lý tưởng ở ngay đây rồi. Mẹ sinh ra những đàn con và nuôi dưỡng chúng không phải để một ngày chúng chém giết lẫn nhau vì những thứ vô hình.

“Nếu ví đất nước Peru này như một người mẹ, người mẹ ấy cũng sẽ nói như thế. Còn nếu ví thế giới này như một người mẹ, người mẹ ấy cũng sẽ nói như thế. Không có quá nhiều khác biệt giữa những bà mẹ đâu nhé!” Bà tuyên bố trong lúc phết phô mai lên bánh mì ăn sáng cho cả gia đình.

Nhưng ta có thể sống như thế chăng? Quá mức hồn nhiên và ngây thơ, quá mức bản năng và dễ dàng bị cuốn vào máy nghiền thời cuộc mà chẳng thể tỉnh táo nhìn ra được bản chất của sự việc. Bằng cách đặt một dĩa bánh ngọt trước mặt hai đứa con đang tranh luận về cánh tả và cánh hữu, bà chỉ ung dung bảo đừng ồn ào nữa, lo mà ăn bánh đi. Chuyện chính trị có thể kết thúc bằng cách đó được hay sao, bằng bánh ngọt? Tất nhiên là không, cái ngây thơ thuần tuý cũng là một thứ tội lỗi mà một người như Adelardo không được phép phạm phải. Và nhắc đến mẹ, anh lại nghĩ đến quyền bầu cử cho phụ nữ của chính quyền Ochenio, mà nhắc đến bầu cử thì anh lại nghĩ đến đợt bầu cử chỉ có duy nhất một mình Odría, mà nhắc đến duy nhất thì anh lại nhớ đến…

Bệnh vô sinh. Anh có cảm giác mình là người duy nhất trên thế giới này, hoặc trên đất nước Peru này, hoặc ít nhất là trong thủ đô Lima này, là bị vô sinh. Bác sĩ bảo tinh trùng của anh không được khoẻ, tất nhiên vẫn có cơ hội thụ tinh thành công nhưng khả năng quá thấp, chúng không xâm nhập vào trứng nổi, chúng không phá được cái màng gì đó, không chui được vào trong và trở thành hợp tử. Tinh trùng của anh như một lũ chiến binh ngốc nghếch. Adelardo tưởng tượng chúng là một đám người lùn lố nha lố nhố, tên nào tên nấy cũng đần độn, cầm thanh kiếm gỗ huơ lung tung vào không khí, rồi chúng tự giết mình trước khi công phá được toà thành của đối phương. Chúng hy sinh một cách nực cười như màn kịch của những kẻ khờ khạo, bán mạng mà chạy nhưng vẫn quá chậm, với tinh thần cảm tử nhưng toàn là hy sinh vô ích. Điều kỳ lạ là dòng họ anh có truyền thống sinh được rất nhiều con trai, không có ai có dấu hiệu hiếm muộn, khó thụ thai hay khó sinh nở. Giống như mỗi người sinh ra trên đời sẽ được ban cho một đội quân và đội quân mà anh nhận được chỉ là một đám bị thịt ngớ ngẩn không thật sự biết phải làm gì, không có chỉ huy, không có chiến thuật, không có đường lối, không được đào tạo bài bản.

Từ khi biết được điều đó, Adelardo bắt đầu quan tâm đến chuyện sinh nở nhiều hơn dù trước đây anh chẳng quan tâm lắm, anh nhận ra không ai bị vô sinh ngoài mình, ai xung quanh anh cũng đều có thể sinh con. Hoặc có lẽ những người vô sinh cũng giống như anh, họ không tiết lộ điều đó. Vì thế mà những người vô sinh không thể chia sẻ hay tìm thấy nhau, đồng cảm cho nhau. Mỗi khi gặp một ai đó, Adelardo đều phải tự suy đoán xem đối phương có bị vô sinh hay không, trường hợp ấy luôn nằm trong đầu anh khi anh nói chuyện với họ, chạm vào người họ hay ăn uống với họ. Dần dần, anh buộc phải chấp nhận rằng mình là người duy nhất, dù xét cả đàn ông lẫn đàn bà, trên thế giới này ngoài anh thì không còn ai khác nữa hết. Suy nghĩ ấy khiến anh có cảm giác mình đã mất đi một cơ quan nội tạng nào đó bên trong cơ thể, một cái lỗ trống rỗng, một khoảng không sẽ chẳng bao giờ được lấp đầy, nó sẽ rỗng tuếch và chỉ toàn là không khí, và anh mang cái cơ thể bị mất một cơ quan ấy đi ra ngoài, đi trên đường, biết rõ sự hiện diện của “khoảng trống” nhưng phải giấu kín để người khác không được biết.

Ban đầu, Adelardo nghĩ điều ấy cũng ổn. Anh không có ý định sẽ kết hôn hay sinh con, bởi vì như đã nói, anh không biết mình sẽ biến mất vào lúc nào, vì thế nếu vướng bận với thứ gọi là gia đình thì chỉ tổ nhọc công. Nhưng anh vẫn tức điên lên, vẫn sấn sổ đến và tung một cú đấm vào giữa mặt người bạn hoạ sĩ khi gã bật cười, nói với anh nếu gã là anh, nếu gã cũng được chẩn đoán là bị vô sinh và lũ tinh trùng của gã cũng ngu độn như của anh thì gã sẽ chơi hết đàn bà con gái của Lima, bởi vì vô sinh thì chẳng còn phải sợ gì cả. Thật may cho gã vì đã ăn một cú đấm mà không bị gãy cái răng nào, chỉ có môi bị dập và khoé miệng bị rách, và gã phun ra một bụm máu, lấy tay lau khoé miệng rồi nhìn vệt đỏ trộn lẫn nước bọt trên mu bàn tay mình, gã reo lên phấn khích:

“Màu này, đúng rồi, là màu đỏ này. Đẹp quá! Mình phải tìm cách pha cho ra màu đỏ như thế này mới được. Phải cố nhớ lấy nó!”

***

“Peru ơi Peru!” Bên dưới nhà vọng lên tiếng rên rỉ của lão Santiago. Lão chủ nhà ấy, suốt mấy đêm rồi - có lẽ từ lúc lão biết được một thứ gì đó thậm ghê gớm - cứ luôn rên rỉ như vậy. Adelardo rón rén đi xuống thang, nhưng dù đang nhập tâm vào việc than khóc, lão già vẫn có thể nghe được tiếng cọt kẹt phát ra không ở đâu xa mà ngay chính trong căn nhà quen thuộc của lão. Lão ngước nhìn anh và lúc đó anh biết là lão không hề khóc, lão chỉ đang rên rỉ đến khản đặc giọng mà thôi.

Santiago đứng trước một bức chân dung, được treo ở nơi có lẽ là dễ thấy và trang nghiêm nhất trong phòng khách. Qua ánh đèn có lẽ đã được vặn nhỏ hết mức, trong bức hoạ hiện lên một người đàn ông nghiêm nghị, mặc quân phục, khuôn mặt hồng hào và ngoài ra thì không có gì để miêu tả thêm về diện mạo đó nữa, vì không biết tại sao Adelardo cảm giác những tay chính khách ai cũng giống như ai, hoặc có thể anh không giỏi khám phá những nét đặc trưng trên diện mạo của một người. Manuel Odría trong tranh không nhìn thẳng về phía người xem mà nhìn nghiêng lấy góc ba phần tư, bên dưới là dòng chữ nổi tiếng “Hechos y no palabras…” (Thực tế chứ không nói suông). Có lẽ hơi kỳ quặc khi vô tình trông thấy cảnh tượng này, lúc đồng hồ đã điểm qua hai giờ sáng: Một lão già đầu hói, đôi mắt trừng trừng với những nếp nhăn trên trán như một ngọn đồi cằn cỗi, rên rỉ trước một bức chân dung vẽ một lão già khác. Nhưng khung cảnh trước mắt đã dần dần trở nên quen thuộc đối với Adelardo, lão Santiago dường như đang phải trải qua một giai đoạn gần với sự vỡ mộng, gần với sụp đổ hình tượng hay bị phản bội đức tin.

“Tôi làm cậu thức giấc à?” Lão hỏi.

“Không, tôi vẫn chưa ngủ.” Anh lắc đầu và trả lời.

“Xã hội này rõ ràng là có vấn đề.” Lão săm soi lớp đất bám trong kẽ móng tay mình, dù không rõ lão có thấy được gì trong cái không gian quá thiếu ánh sáng hay không.

“Xã hội nào mà chẳng có vấn đề.” Adelardo lúc này đã đến gần lão, ngồi xuống chiếc ghế bành bên cạnh.

Bởi vì theo chủ nghĩa dân tuý nên ban đầu Manuel Odría rất được nhân dân ủng hộ, lão Santiago phát cuồng đến mức đã gọi vị Tổng thống mới này là thiên tài, là thần thánh, là thánh nhân, thế nhưng gần đây lão đã bị làm cho vỡ mộng. Chính sách của thời kỳ Ochenio đã bắt đầu bộc lộ nhiều nhược điểm cho thấy sự độc tài trong việc quản lý của Odría, lão nhìn thấy quá nhiều người bị đàn áp, quá nhiều chính sách giới hạn và quá nhiều nhiễu nhương. Lão bắt đầu nhận ra thánh nhân không hề tồn tại trên đời, hoặc có lẽ thánh nhân sẽ đi làm việc khác chứ không phải đi làm chính trị.

Lão Santiago bảo lúc chiều có một đám người đến và hỏi về Adelardo, lão chỉ bảo anh hiện giờ không có ở nhà, anh đã đi từ sớm mà không biết là đi đâu. Một cơn run rẩy chạy dọc sống lưng Adelardo, chắc có lẽ là tác dụng phụ của ly rượu. Anh cảm ơn người chủ nhà đã chịu che giấu cho mình, nhưng anh cũng biết là chuyện này sẽ không thể giấu được lâu và việc anh theo chủ nghĩa Cộng sản sẽ bị bại lộ. Họ sẽ khiến anh phải biến mất như cách mà những người khác bị ép phải biến mất. Ai có thể cứu được ai vào lúc này?

Lão chủ nhà nói với anh rằng đây không phải là điều Chúa muốn, Chúa tạo ra thế giới không phải là vì những điều này và hãy tin rằng Ngài có sự sắp đặt khác cho tất cả mọi thứ. Lão nói về Người gieo giống, về Tin mừng Nước trời, về ân điển, về hồng ân. Lão khẳng định rằng thế giới này không có gì đáng để sợ hãi, bởi vì thế giới, tuy bên ngoài xù xì là thế, tuy đáng sợ và đầy rẫy những bất an là thế, nhưng nếu Chúa đã tạo ra nó để con người sinh sống thì chắc chắn nó sẽ là một nơi đáng sống dù mọi thứ có thành ra như nào đi chăng nữa. Trong lúc lão cao hứng luyên thuyên với Adelardo, anh vẫn im lặng lắng nghe như một buổi giảng đạo của các Cha vào những ngày Thánh lễ. Anh không ý kiến gì ngoài việc thụ động tiếp nhận, dù sao thì cái giọng nói ôn tồn, đều đều và ít vấp váp của lão cũng giống như một bài ru ngủ, có thể làm dịu tâm trí của người nghe và khiến anh cảm thấy thư giãn. Anh cố đoán xem giờ này vị giáo sư đã chuẩn bị đồ đạc đến đâu, đã bắt xe đến sân bay hay chưa, đã làm thủ tục và trình hộ chiếu rồi bị bắt lại, cuối cùng là bị xử biến mất hay chưa. Còn Jorge, không biết y đã về được đến nhà an toàn hay trong một khúc ngoặc nào đã đụng phải những cái bóng đen vô danh rồi cũng biến mất hay chưa. Tất cả mọi viễn cảnh về sự thất bại và cái chết bủa vây lấy Adelardo, bỗng nhiên anh cảm thấy mình hèn nhát một cách vô lý, trong khi đó lão Santiago vẫn cứ nói và nói. Sao lão không tháo bức chân dung kia xuống? Có thể lão vẫn còn chút niềm tin nào đó, một chút hy vọng nào đó của một người bước đi trên sa mạc chạy theo một ảo ảnh quang học về một ốc đảo xanh mướt ở phía xa thật xa.

***

Họ bắn lão Santiago trước. Tiếng con chó xù lên, sau đó thì kêu ẳng ẳng vì gót giày của một tên vừa dúi cho con vật một phát ngay bụng, khiến nó thay vì tiếp tục nhặng xị thì lại lủi thủi chạy đi mất. Lão chủ nhà run rẩy khi ai đó gõ cửa và chưa kịp hốt hoảng, chưa kịp chạy hay gào thét, chưa kịp phô ra những cử động và hành vi bản năng nào, chỉ ngay khi lão vừa xoay lưng thì cái chốt cửa đã bị phát nát một cách quá dễ dàng và hai hoặc ba phát súng vang lên nhắm vào lão. Lão giật người mấy cái, một lớp bụi trên quần áo tung lên và cả thân hình vậm vạp ấy ngã vật ra sàn, trừng trợn nhìn gót giày của Adelardo, miệng há ra. Và mọi thứ đến đó thì quá nhanh, tiếng lạch cạch của đạn tra vào ổ và những kẻ lạ mặt xông vào nhà lúc nửa đêm vây xung quanh nhân vật chính, lúc này hình như đã không còn thấy sợ nữa. Adelardo nhận ra rằng trước khi đối mặt với cái chết người ta sẽ rất sợ hãi và hèn nhát, nhưng khi cái chết đã đến gần, đạt một ngưỡng nhất định, thì người ta sẽ cảm thấy rất bình tĩnh. Thật ra không hẳn là vẫn tỉnh táo, có thể sự bình tĩnh đó chỉ đơn giản đến từ chất cồn rẻ tiền lúc này đã ngấm hết vào người.

Adelardo, trong cơn mất tự chủ và say khướt, đã nhìn thấy mình trở thành một phần của bức tranh “Thiên Sứ truyền tin” được vẽ bằng một kiểu phong cách khó gọi tên vẫn còn đang treo trong phòng ngủ của anh. Anh thấy mình là người vừa ngồi xem tranh mà cũng vừa là nhành hoa bách hợp trong tay vị Tổng lãnh Thiên thần Gabriel, hoặc cũng có thể là cuốn sách mà bàn tay Maria đang đặt lên, anh có thể vừa là Dã thú cũng vừa là Lập thể, hơn hết còn có thể vừa là người ngắm tranh mà chẳng can dự gì vào đó. Adelardo nhận ra trinh nữ Maria không cần thụ thai mà vẫn sinh ra được Đức Chúa, Maria vẫn còn trong trắng ngay cả khi hoài thai một đứa con trong bụng, điều đó chẳng hiểu sao làm anh cảm thấy được an ủi, chút an ủi kỳ quặc cuối đời. Và anh còn nghĩ, không biết họ sẽ làm gì với bức tranh ấy, với kiệt tác hội hoạ của một hoạ sĩ vô danh đã chết. Có thể họ sẽ đốt bỏ nó hoặc giữ lại nó, hoặc vứt nó ở xó xỉnh nào rồi đến một tương lai mơ hồ, sẽ có người tìm thấy và cho nó một cơ hội để được chiêm ngưỡng lần nữa, có thể sau này cả thế giới sẽ được nhìn thấy nó, hoặc cũng có thể không. Ôi bức tranh của bạn anh, chúng ta đều là loài người tội nghiệp!

Nhìn họng súng đang chĩa ngay trước mắt mình, nhìn tên đao phủ đối mắt với anh qua hai cái lỗ được khoét trên tấm khăn bịt mặt, Adelardo đột nhiên cầu mong cho vị giáo sư Gilberto đáng kính sẽ tẩu thoát đến Hà Lan an toàn và Jorge sẽ về nhà an toàn, ít nhất thì đêm nay đừng có thêm người nào chết nữa. Có khi một đoạn đường về nhà cũng trở nên quá đáng sợ, con đường đã quen đi lại biết bao nhiêu lần bỗng nhiên trở nên khó khăn và không thể nào hoàn thành được nữa, bỗng nhiên giữa muôn vàn những phe phái đối lập ra sức trừ khử nhau thì có một phe trội hẳn lên và mọi thứ cứ lao theo đà như thế.

“Chúc ngủ ngon! Peru muôn năm!” Adelardo vô thức đưa tay lên, làm động tác giả vờ nâng cốc.

Giống như một thứ hiệu lệnh, cùng lúc đó là ba phát súng liên tiếp, một phát vào đầu và hai phát vào ngực. Điều cuối cùng Adelardo nhớ đến là món phô mai với hương vị đặc trưng chỉ có công thức gia truyền của mẹ anh mới có thể làm ra được, ít ra thì vẫn còn phô mai là có ý nghĩa, lẽ ra anh nên tin vào sự thần thánh của những miếng phô mai.

Tiếng quạt trần quay rõ ồn...

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận