• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Phần I

Chương VI (3): Ở một diễn biến khác, Hoài qua đêm trong quán cà phê và gặp lại người quen cũ ở đó

0 Bình luận - Độ dài: 7,455 từ - Cập nhật:

4.

Để trả lời câu hỏi của Hoài, Đinh chỉ tay vào thứ đó, cái thứ hình chữ nhật đang được dựng đứng trong góc. Câu hỏi của Hoài: Rốt cuộc chuyện gì đang diễn ra? Câu trả lời: Nó đó, ở đằng kia! Giống như đang chỉ vào một đứa trẻ mũm mĩm hiếu động và bảo rằng giờ thì giải quyết nó đi, nhiệm vụ của cậu chỉ bấy nhiêu thôi.

Hoài nhìn trân trối món đồ, ước gì mình có thể cảm thấy chút bất ngờ khi chuyện này xảy đến nhưng không, cậu không hề cảm thấy bất ngờ, điều đó càng làm cậu khó chịu hơn. Giờ thì Hoài đã rõ được một số điều như sau: đêm qua Phố lén lút rời đi trong đêm quả thật là để thực hiện hành vi phi pháp, hiện tại chắc là hắn đã chơi chán rồi nên bỏ lại hậu quả ở đây, nài nỉ Hoài xử lý nó giùm hắn và tụi bạn hắn. Đinh nhìn Hoài với ánh mắt ái ngại, anh chủ nhà nghỉ không đưa ra bất kỳ ý kiến gì, anh bảo mình cũng không thật sự rõ lắm và cũng không tiện xen vào.

“Tao không giúp! Đừng có vẽ chuyện, ngày mai tao có tiết trên trường nhưng tao đã xin nghỉ vì biết không thể đi ra đây và về lại Hải Phòng trong ngày được. Tao đã mất một tiết học bởi một lý do vô lý!” Hoài hét vào điện thoại, mắt nhìn chằm chằm kiệt tác Quốc gia đang trong tình trạng đầy nhục nhã.

Cậu không chắc đây có phải hàng thật không. Khi đứng trước một thứ gì quá nổi tiếng và giá trị, người ta thường nảy sinh nghi ngờ về độ chân thật của nó.

Phía đầu dây bên kia, vẫn y như cũ, như thể thời gian vừa bị lặp lại, Phố đang ngồi trên một con xe phóng bạt mạng cùng ai đó, nói lớn, “Ngày mốt thì sao? Ngày mốt mày có tiết không?”

“Ngày mốt thì không, nhưng ngày kia tao lại có tiết.” Hoài trả lời mà không cần kiểm tra lịch trình, “Nhưng khoan đã, mày hỏi chuyện này làm gì? Tao đã bảo là tao không…”

“Vậy thì được rồi, mày ở lại Hà Nội thêm một ngày đi. Ngày mai mày đem bức tranh đi trả, rồi chơi bời đâu đó thoả thích rồi đến ngày mốt thì quay về, ngày kia mày vẫn sẽ lên giảng đường như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Thời gian rộng rãi chán!”

“Ê, đừng có làm chủ cuộc đời tao!”

Hoài chẳng hiểu sao Phố có thể tính toán gọn gàng mọi thứ như thể cậu đã đồng ý tất cả như vậy. Chưa kể, bỏ qua chuyện lịch học không gặp vấn đề, nhưng cậu vẫn còn lịch tham gia hội kín, cái này thì không thể nói cho Phố hiểu được. Dẫu thời gian dự họp với Hội khá vô nghĩa, nhưng Hoài vẫn muốn tham gia đầy đủ, chẳng hiểu sao cậu lại thích cái sự vô nghĩa mà nó mang lại. Do đó, cậu không muốn phải bỏ họp dù biết có bỏ cũng chẳng sao. Đây là vấn đề nguyên tắc cá nhân.

“Thế nhé! Trông cậy hết vào mày.” Phố chốt lại, rồi nhanh chóng giở ra giọng điệu nài ép van xin quen thuộc, “Làm ơn đi Hoài, việc này có liên quan đến tính mạng của rất nhiều người. Nếu mày đàm phán êm xuôi - mà sẽ êm xuôi thôi vì chuyện nào với mày mà chẳng thuận lợi - thì mày đã cứu tất cả mọi người tránh khỏi việc phải đi tù và bị bêu rếu trên báo đài.”

“Tất cả mọi người là những người nào? Tao làm gì có quen biết mấy đứa bạn của mày.” Hoài đứng bật khỏi sô pha, bàn tay buông thõng chợt siết lại thành nắm đấm.

Bên kia lại đột ngột bị dập máy tiếp, Hoài lười phải đếm đây là lần thứ bao nhiêu trong ngày rồi. Cậu nghiến răng nhìn điện thoại. Đinh mấp máy muốn khuyên gì đó nhưng chỉ đành bất lực, khi cậu ngước lên nhìn anh, anh chỉ đáp lại bằng một cái nhún vai.

Hoài nghĩ đến người giám đốc bảo tàng, nếu cậu nhờ cô giúp đỡ giải quyết chuyện này một cách êm thấm có lẽ cũng không khó. Bằng một cách vô tình hay cố ý, Hoài đã chiếm được cảm tình của cô. Có thể trong mắt giám đốc, Hoài như một Cái Đẹp (in hoa) vậy - một món đồ dành để thưởng thức nhưng không thể chạm đến hay chiếm lĩnh được. Nhưng nghĩ đến việc phải gặp lại người phụ nữ đó và nhờ vả, chưa gì Hoài đã thấy cạn kiệt sức lực trong người.

Hôm nay là một ngày quá dài. Sau khi lấy lại chút tinh thần, cậu rũ sạch mọi thứ, bảo với anh Đinh mình cần nghỉ ngơi và đi lên phòng. Trên giường, cậu đánh một giấc trái giờ đầy mệt mỏi. Trong mơ, cậu lại thấy những con cá đen bơi trong một bể nước đen.

Khi tỉnh lại, tồi tệ thay, đã là bảy giờ tối. Hoài rơi vào một trạng thái uể oải và vô nghĩa. Trong một giây phút thoáng qua, cậu không chắc lắm việc mình đang ở đâu và làm gì.

Cậu kiểm kê lại mọi thứ, anh Dũng ở toà soạn có gọi đến hai cuộc, chắc là để hỏi thăm tình hình vụ bức tranh. Hoài nhớ ra mình phải viết gì đó, nhưng rồi cậu nghĩ bây giờ vẫn chưa thật sự cần thiết, chờ đến khi mọi việc xong xuôi, bức tranh được trả về đúng chỗ như-một-màn-ảo-thuật thì lúc đó hẵng viết một bài tóm lược toàn bộ sự kiện thì tốt hơn. Dù có lẽ nếu lên bài vào thời điểm này, khả năng thu hút dư luận sẽ đạt cao nhất, nhưng Hoài có cảm giác làm vậy giống như cậu đang tố giác chính mình. Bức tranh đang hiện diện sát bên cậu, mà cậu lại viết một bài báo kể việc nó bị mất cắp, nghe cứ trơ trẽn thế nào.

“Chậc! Quên mất, còn Plato…”

Hoài vừa bật khỏi giường vừa kêu lên lí nhí. Cậu nhớ ra hạn nộp tiểu luận cuối kỳ đang đến mà mình vẫn chưa đọc xong một trong những tài liệu quan trọng nhất được yêu cầu. Một chuỗi hoảng loạn nổ ra.

Quyển Cộng hoà vẫn còn trên bàn, chỉ mới được hoàn thành một nửa. Chừng nào còn chưa đọc xong thì cậu chưa thể tìm ra được vấn đề để khai thác. Vẫn còn một tuần nữa. Hoài nhìn ra cửa sổ.

Phòng mà Phố đặt có thể nhìn xuống đường, con ngõ nhỏ vắng vẻ đọng nước mưa lấp loáng. Bầu trời đen kịt không trăng sao. Chắc chắn đêm nay trời sẽ lại mưa tiếp. Hoài nhớ về những ngày tháng mình từng sống ở Hà Nội. Cậu quyết định đên nay mình sẽ tìm một quán nước mở xuyên đêm rồi ở lì trong đó để đọc xong cuốn sách, hoặc có thể không xong nhưng được bao nhiêu hay bấy nhiêu.

Hoài không thể ở nhà nghỉ này tiếp được, bức tranh sẽ làm khổ làm sở cậu. Thật ra nó đã làm khổ anh Đinh rồi - cả ngày hôm nay anh không dám mở cửa nhà nghỉ để đón khách. Cậu mặc áo khoác và rời đi. Lúc xuống nhà, cậu chạm mặt Đinh, nhân tiện thông báo tối nay mình sẽ ở ngoài không về. Còn chuyện bức tranh, Hoài bảo anh cứ giữ nguyên tình trạng như vậy, mai cậu sẽ tính. Anh gật đầu, nhắc cậu đi đâu cũng phải cẩn thận, đường xá buổi tối có nhiều kẻ phóng xe rất nguy hiểm. Hoài nhớ đến Phố và tưởng tượng hắn đang vặn ga vù vù trên đường chẳng thèm quan tâm tới ai, đó chắc là dẫn chứng rõ ràng nhất ta có thể thấy.

5.

Giờ thì một chàng sinh viên nghiên cứu Văn chương đang phải ngồi suy nghĩ về ý nghĩa của những sự kiện đang dồn dập đến với mình, trong một quán cà phê giữa lòng Thủ đô, vào nửa đêm và ngoài trời đang mưa lất phất. Để cuối cùng đi đến kết luận là mọi thứ chẳng có ý nghĩa gì sất.

Tiếng ro ro của máy pha cà phê lẫn vào với tiếng mưa bên ngoài. Mùi cà phê hực lên quá nồng. Cà phê ở đây, theo Hoài đánh giá, là quá mức cho phép, nhằm để giúp những người muốn làm việc xuyên đêm có thể giữ được tỉnh táo, nhưng đổi lại là những cơn nghiện nặng và sức khoẻ suy giảm, cùng rối loạn sinh học dẫn đến cái chết từ từ.

Cửa kính bám đầy những giọt nước mưa nhoe nhoét. Dưới đường, những cái bóng được bọc kín nilon chạy trong đêm, chịu đựng sức nặng của thứ dung dịch từ đêm tối và sấm sét. Trong quán, phía quầy pha chế có ba nhân viên, một trong số đó đang nói chuyện với một khách hàng nữ, có thể họ quen biết nhau, hai người còn lại di chuyển tới lui chầm chậm trong sự tồn tại nhạt nhoà.

Hoài ngồi ở bàn gần cửa sổ, nghe rõ mồn một tiếng lách tách của mưa đập vào lớp kính mỏng manh và hình bóng phản chiếu xiên xẹo, biểu cảm đầy hoài nghi và tiều tuỵ quá mức bình thường của mình. Bàn bên cạnh là hai người phụ nữ, có vẻ chỉ lớn hơn Hoài một chút, đang nói về một người chủ tiệm may nào đó. Ở một góc khác, một cô gái, có vẻ là nữ sinh cấp ba, đã trải bài tarot liên tục được một tiếng rồi, cậu không biết cô bé xem gì mà lắm thế. Ngoài ra, còn một cặp đôi đang ngủ, ngả ngớn dựa vào người nhau. Còn Hoài thì chú tâm trò chuyện với Plato đến mức bây giờ các dòng chữ đã rối lên lung tung, chẳng thể chui nổi vào đầu.

Ánh đèn vàng tẻ nhạt kèm với một bài nhạc không lời buồn buồn, bất ngờ thay, lại khiến mọi thứ trở nên ấm cúng. Dẫu ở một nơi xa lạ nhưng lại không khác gì đang ở nhà. Những tạp âm loanh quanh và những tiếng trò chuyện rì rầm lúc này sẽ rất phù hợp nếu được dùng làm âm thanh trong một bộ phim buồn bã thê thiết nào đó. Tất cả bọn họ, kể cả Hoài, trong một không gian nho nhỏ và im lặng, mỗi người chú tâm làm việc của mình. Hôm nay là một đêm thường lệ.

Những bàn tán trên mạng đã bắt đầu đi xa. Từ sự việc bức tranh bị mất cắp, giờ nó đã mở rộng đến tình hình nghệ thuật, về hội hoạ hay những phiếm luận khác. Rõ ràng, đây chẳng khác nào là một chiêu trò quảng cáo để thu hút sự chú ý của dư luận đến địa hạt nghệ thuật cả - với điều kiện nó thật sự chỉ là dàn dựng. Hoài nhắn với anh Dũng trưởng ban là mình sẽ cố gắng gửi bài sớm, hiện giờ thì vẫn đang viết chưa xong. Thật ra là cố kéo dài thời gian, bởi vì đến mai là mọi thứ kết thúc rồi.

Đột nhiên, Hoài nổi lên hứng thú muốn nghe một câu chuyện nào đó để tạm quên đi và giết thời gian. Câu chuyện về nữ thần tượng Hoàng Liên luôn án ngữ trong đầu cậu vẫn chưa đâu vào đâu, nó cần bồi da đắp thịt.

Cậu trộm nhìn qua hai người phụ nữ đang nói chuyện bên cạnh. Họ rất biết giữ ý nên luôn điều chỉnh âm lượng ở mức vừa phải, đôi lúc nếu phấn khích thì có hơi cao giọng hơn một chút nhưng vẫn chấp nhận được. Dù vậy, chỉ cần tắt nhạc đang phát trong tai nghe và giữ sự tập trung, Hoài vẫn có thể theo dõi được khá rõ câu chuyện của họ.

Thế là đã được quyết, Hoài sẽ làm theo cách cũ, góp nhặt những câu chuyện ngẫu nhiên để gắn kết chúng thành một câu chuyện chung. Cậu chống tay lên trán, nhắm mắt giả vờ như đang chìm vào suy tưởng, nhưng thật ra là đang ngóng tai lắng nghe. Câu chuyện trong đầu Hoài dần dần thành hình.

***

“Con gái của chị ấy trông thế này! Con nhỏ cũng xinh nhưng mắt xếch, xếch theo kiểu xinh, nhưng vẫn xếch. Sau này lớn chắc không vừa đâu.” Người phụ nữ số một mở điện thoại lên và dùng bộ móng màu nhũ hồng lấp lánh gõ gõ màn hình.

Người phụ nữ thứ hai nghiêng đầu nhìn, đưa ra nhận xét, “Tao nghe nói mắt xếch cũng là xu hướng đó, dù sao thì đặc điểm cơ thể nào mà chẳng trở thành xu hướng nếu biết cách tận dụng! Con bé thắt tóc hai bím trộm vía trông cũng xinh.”

“Phải, phải…” Người phụ nữ số một gật đầu, “Cũng hiền lắm, thật ra là hơi lầm lì.” Đoạn, cô hạ giọng xuống và đưa bàn tay lên khẽ che khuôn miệng, “Người lạ đến chơi mà cứ thui thủi như đang ngại ngùng chuyện gì.”

“Trộm vía vậy cũng không xấu, con gái khép nép rụt rè chút mới hay.”

“Ừm, mà mẹ nó, cái cô thợ may, thì phước bạc. Gớm khổ, gã chồng ly dị rồi mà cứ đến quấy suốt. Nằn nì quay lại không được, gã lại đánh!” Người phụ nữ số một rút lại điện thoại và tắt màn hình.

“Ấy chết, đáng sợ vậy cơ á!” Người phụ nữ số hai nhăn mặt bất bình.

Người phụ nữ số một gật đầu chắc mẩm, “Bởi thế đấy mà chớ nên tin thằng đàn ông nào. Con bé nhìn mẹ nó bị đánh trối chết, nó chỉ biết trơ ra chẳng làm được gì. Rõ tội nghiệp!”

***

Không được, Hoài nghĩ thầm. Cứ thế này thì chẳng ra hồn một câu chuyện gì cả.

Cậu chật vật tìm cách xây dựng khác. Hãy thử dùng câu chuyện phiếm của họ làm sườn, cậu sẽ đắp vào những miêu tả, so sánh, bộc lộ nội tâm và vài thủ pháp khác để cho nó giống một phân đoạn trong tiểu thuyết hơn. Thử lại lần nữa xem.

Trong khi đó, người phụ nữ số hai đổi tư thế. Cô vắt chân phải lên, chiếc dép bệt màu đỏ đô đung đưa dưới chân bàn. Đoạn, cô ta chỉnh cái áo khoác đắp trên chân của mình cho ngay ngắn.

***

Tiếng máy may lạch cạch đều đặn đánh thức Hoàng Liên dậy sau một giấc ngủ trưa ngắn. Cô bé nghiêng người ngắm con suốt xoay đều và những đường chỉ ung dung di chuyển trước mặt. Mẹ cô bé lưng hơi gù xuống, chú tâm chỉnh tấm vải màu cánh sáo trên bàn may, dưới chân là những cử động nhấn thả đã khắc sâu vào phản xạ của bà. Đôi khi, bà như thể đã hoà làm một với cái bàn may, bà đã trở thành một động cơ của nó, trở thành một cơ cấu trong dây chuyền sản xuất của nó.

Những hình ảnh còn lại trong ký ức tuổi thơ của Hoàng Liên chỉ còn lại bao nhiêu đó, mẹ cô ngồi im lặng đạp bàn may, dường như có chút gì đó nhẫn nhục và bé nhỏ. Bà may quần áo mới cho người khác trong khi chính bà, đã từ lâu lắm rồi, chẳng có một cái áo cái quần nào mới để diện lên người. Bánh xe con suốt xoay như một thứ định mệnh, như một chuyển pháp luân xa, như một vòng tròn số phận. Nó bị bòn rút từng chút một đến khi chỉ còn lại cái lõi kim loại trống hoác. Cô bé mê mải nhìn nó, để chắc chắn mẹ mình chưa biến thành một cỗ máy vô tri, hay bị cuốn vào trong tấm vải và bị may đủ thứ đường chỉ vào tai, vào bụng, vào chân, vào mặt.

Hoàng Liên uể oải ngồi dậy, vươn vai ngáp dài. Một bên má đầy đặn của cô bé ửng đỏ, trông đáng yêu như vỏ một trái đào. Mái tóc hai bím mà mẹ nó đã tỉ mỉ thắt cho nó lúc sáng giờ đã sổ ra và rối tung. Ngoài sân là tiếng ve râm ran.

“Thức rồi hả con!” Mẹ nhìn nó, đoạn hất cằm về phía chiếc bàn cao sau lưng, “Ăn bánh đi, mẹ để trên bàn đấy.”

Dĩa bánh cốm với những chiếc bánh xanh xanh, căng bóng và mượt như nhung như lụa, chồng lên nhau thành hình tam giác.

“Nhiều quá! Bánh ở đâu vậy mẹ?” Cô bé hỏi, chưa bao giờ nó nhìn thấy nhiều bánh trái trong nhà đến thế.

“Bác cả cho đó, hôm nay bên nhà bác có tiệc!” Mắt vẫn không rời khỏi bàn may, mẹ cô trả lời.

Nhưng khoảng cách từ chỗ nó đang nằm đến chỗ dĩa bánh, ngỡ như gần mà lại xa ngút ngàn. Nó thấy tay chân ê ẩm sau một giấc ngủ quá sâu, hằn những đường chiếu đây đó như những hình khắc trên đá của lũ trẻ con có sở thích muốn làm dấu mọi thứ. Nó không bao giờ chạm được đến dĩa bánh, không thể biết ngon hay dở. Bởi vì lúc ấy, xen vào giữa khung cảnh yên bình, như một tấm vải vì không khéo nên đã bị chỉnh lệch khỏi đường may, tạo thành một đường chỉ xiên xẹo chẳng ra đâu vào đâu, là tiếng đập cửa ầm ĩ. Mẹ nó khoá cửa làm gì? Mẹ nó sợ ai mà phải khoá cửa? Không một căn nhà nào khoá cửa kín mít từ sáng đến đêm trừ khi có lý do nào đó. Và con bé biết lý do ấy là gì. Tiếng đập cửa dồn dập, nôn nả, một kiểu đập cửa nhằm để thị uy và đe doạ…

***

Dĩa bánh cốm dường như không liên quan lắm, có thể nó sẽ mang tác dụng đặc tả được cái nghèo khó mà Hoàng Liên phải trải qua cùng mẹ trong thời thơ ấu. Nhưng có thật sự cần thiết không?

Hoài xoa xoa cằm, cân nhắc lại chi tiết này, có lẽ cậu nên cho Hoàng Liên thức dậy vì nghe được tiếng động khi mẹ mình bị bố đánh cho xong. Mở câu chuyện bằng cách ấy sẽ vừa trực tiếp, vừa gây được sự chú ý ngay lập tức. Nhưng nếu vẽ ra một cảnh tượng bình yên trước lúc bạo lực xảy đến thì sẽ tạo được tình huống đối lập, có thể sẽ gây xúc động, đây cũng là lựa chọn không tồi. Nên làm thế nào nhỉ?

Quả thật nếu chỉ có một cái sườn ngẫu nhiên rồi từ đó viết thành một câu chuyện thì sẽ rất khó. Hoài cân đo đong đếm giữa các khả năng. Cậu sẽ thử với đoạn người bố đột nhiên xông vào.

***

Một thân hình to lớn như cọp xông vào họ. Mặt gã đỏ như Quan Công, đôi mắt lồi ra vằn vện tia máu. Gã lăm lăm trên tay chai rượu rỗng, tay còn lại ửng đỏ lên vì cái tát vừa rồi. Gã hướng chai rượu về phía họ như người quản trò hướng ngọn roi về phía một cặp sư tử trong rạp xiếc. Hai mẹ con như hai con thú, bấu víu lấy nhau, mà chủ yếu là bà mẹ khốn khổ bấu lấy Hoàng Liên. Người đàn bà vừa khóc vừa run cầm cập, một bên má sưng to. Gã bặm trợn vẫn không thôi gào mồm những lời như bà là hạng điếm, là con đàn bà trắc nết, là quân lộn sòng, là người đã hại đời gã thành ra thê thảm. Nhưng giữa những lăng mạ hạ nhục đó, gã vẫn chêm vào những câu bắt người đàn bà phải về với mình, bởi vì gã không thể sống thiếu bà được.

Hoàng Liên trừng trừng nhìn người bố như đang lên cơn dại. Lần nào cũng thế, cô bé đứng thẳng thớm như một khúc gỗ, cả người cứng đờ, chỉ nhìn gã với ánh mắt tăm tối. Gã càng điên hơn khi bị con gái mình nhìn đểu. Gã chỉ vào mặt nó, bảo sẽ giết nó, nhưng nó vẫn nhìn.

Với bàn tay to bè đầy những nốt chai, gã nắm lấy mái tóc dài của người đàn bà và kéo lê đi. Mẹ nó bị kéo như người ta kéo chân lợn ra lò mổ. Chỉ khác là bà khóc lóc chứ không gào thét. Hoàng Liên vẫn đứng nhìn, khuôn mặt hầu như không lộ chút biểu cảm nào hợp lý so với một đứa trẻ ở tuổi cô bé.

Một ông thần báo điềm gỡ, một ôn dịch gieo rắc tai hoạ, một thần trùng chỉ đem lại xui xẻo. Bố Hoàng Liên là một tên thù địch phụ nữ nhưng gã không thể phản bác việc gã không thể sống mà không thể dựa vào phụ nữ. Gã muốn chiếm lấy quyền hành nhưng không muốn lãnh kèm trách nhiệm. Một con lợn đáng sợ và thối tha. Trong đầu Hoàng Liên nảy ra vô vàn lời chửi rủa nhưng không có từ ngữ nào trong số đó lọt khỏi miệng nó.

Trong lúc mẹ mình đang bị đánh đập và hạ nhục, nó vội vàng chạy ra sau nhà. Rồi không cần phải đợi quá lâu, con bé xuất hiện với một cây kéo cắt vải. Da thịt con người là một khúc vải khổng lồ và nếu muốn ta có thể cắt nó thành những hình thù mà mình thích, bằng một cây kéo thật bén thật sắc. Với bố nó, có thể xem gã là một khúc vải thô vụn, thứ vải dùng để may bao bố, may những cái bị ăn mày, gã không thể là một khúc vải để may quần áo mới, không thể dùng để may áo dài hay quần lụa, một thứ vải rẻ tiền.

Nó xông tới, ngay lúc cả bố và mẹ nó chưa phán đoán được chuyện gì đang diễn ra. Và đúng không, Hoàng Liên đã chuẩn bị, đã tưởng tượng, đã hình dung, đã vẽ ra hàng trăm lần tình huống này, tình huống mà nó sắp làm. Di chuyển thế nào, tay đưa lên thế nào, vòng vèo thế nào, né tránh thế nào, nó đã tua đi tua lại đủ nhiều. Để bây giờ tất cả bộc phát thành hành động thật ngoài đời. Chúng không chỉ còn dừng lại ở những kế hoạch hay tính toán.

Nhưng gã đàn ông chó lợn kia sẽ không thể chết chỉ vì bị một đứa con nít đâm lưỡi kéo vào người, liệu Hoàng Liên có thay đổi được gì hay chỉ càng khiến cho con quái vật ấy điên tiết lên hơn nữa. Nó không biết và bây giờ nó không thể suy nghĩ quá nhiều về điều đó. Nó chỉ xông đến chỗ bố mình với một cây kéo trên tay, trong tiếng hét của mẹ…

***

“Vậy đấy, mà trong đám cưới của họ thì cô dâu chú rể lại vui vẻ lắm cơ, ai ngờ được đến nông nỗi như hôm nay!” Người phụ nữ số một chống cằm, ta thán.

“Mày có biết về đám cưới của chị ấy nữa à?” Người phụ nữ số hai hơi trợn mắt, đưa tay chỉnh phần tóc trên vành tai.

Đối phương gật đầu chắc nịch, “Hôm đó tao có dự, cưới chạy bầu hẳn hoi đấy nhé! Đi cổng sau chứ làm gì được đi cổng trước như người ta.”

Chậc, đột nhiên lại bẻ ngoặt sang chuyện đám cưới với chả đám ma. Hoài cấm cảu, cảm giác như bản thân là một trái bóng bị tung hứng trong một trật tự kỳ lạ. Bây giờ cậu phải khéo léo điều chỉnh câu chuyện trong đầu cho khớp mới mạch trò chuyện của hai người họ.

***

Người mẹ chỉ có thể trơ mắt nhìn đứa con gái bé bỏng của mình cầm món hung khí xông vào đâm bố nó. Bỗng nhiên trong đầu bà, như một tiếng chuông nào đã đánh thức những tháng ngày ban sơ ngủ quên, hiện về cái thời khắc trọng đại của cuộc đời một người phụ nữ: Ngày đám cưới.

Hôm đó trời mưa tầm tã, khách khứa đến chẳng được bao nhiêu, nhưng cũng may là họ cũng không mời nhiều, chỉ dọn vài bàn cho có lệ. Bà phải vào nhà chồng bằng cổng sau vì lỡ mang bầu trước khi đám cưới, nhà chồng bà cho rằng việc này sẽ phạm kỵ, sẽ đem đến xui xẻo cho gia đình. Đi cổng sau thì cổng sau, bà cũng chẳng cần, chỉ cần chồng yêu mình là đủ, nhưng nghĩ lại nếu chồng thật sự yêu mình thì có chấp nhận để người mình yêu chịu thiệt thòi như thế không? Bà phân vân trong những câu hỏi. Rốt cuộc, tuy mặt thì luôn nở nụ cười nhưng trong lòng bà thì lại đau nhói.

Vài đứa trẻ đứng bên đường nhìn lễ rước dâu, tụi nó nhìn lom lom mà bà không chắc trong mắt tụi nó hình ảnh này mang ý nghĩa gì. Có phải những đôi mắt ngây thơ đang dõi theo ấy cũng hiểu sâu xa cái việc đi cổng sau này không? Có phải chúng nhìn bà là để cười cợt, để bè dỉu và để quan sát một sự kiện thú vị hiếm hoi? Bà đột nhiên cảm thấy nhục nhã với cả con nít. Trời, không có gì nhục bằng cảm thấy nhục với con nít, bởi vì bị sỉ nhục bởi một người lớn tuổi hơn mình thì còn nhịn được, bằng vai phải lứa cũng không có vấn đề, nhưng nhục mặt với tụi con nít thì nhục lắm, nhục lắm.

Trong bộ váy cưới trắng tinh, bà cúi đầu hổ thẹn, cố bước vào trong cho nhanh, trên tay là bó hoa cưới mà giờ đây trông cũng chẳng còn tươi lắm. Phải không, lúc đó bà đã xác định rồi, rằng những thứ này là sai lầm, tất cả đều là sai lầm. Và đứa con trong cái bụng đã nhô lên này, đã rõ hình rõ tướng này, một ngày nào đó cũng sẽ lớn bằng tuổi đám con nít kia. Nó có phải đang nhìn bà qua đôi mắt của tụi chúng, nó đang ở đây và chứng kiến tất cả? Bởi vì không ai là không để ý đến cái thứ đang hiện diện trong bụng bà.

Bây giờ, khi nhớ lại bà trộm nghĩ con bé Hoàng Liên lúc này hẳn đã bằng tuổi tụi nhóc năm đó rồi ấy chứ. Vào cái tuổi này mà nó đã biết nuôi dưỡng ý định giết bố mình, vậy thì tương lai đời nó còn có thể ra sao nữa.

Chồng bà vào ngày cưới thì cứ hí hửng cười ngoác mồm ra. Nhưng ít nhất lúc đó gã còn khờ khạo, trẻ trung, hiền lành và hơn hết là còn yêu bà. Gã nói gã sẽ bù đắp cho bà sau. Và giờ đây, gã bù đắp bằng những thứ này. Chưa một ngày một bữa nào bà thấy mình được bù đắp. Theo thời gian, tại sao lại có sự khác biệt ghê gớm đến thế ở một người bà cũng chẳng rõ. Có thể nó diễn ra từng chút một, nhưng cũng có thể vào một ngày tỉnh dậy gã đã ngay lập tức biến thành người khác hồi nào không hay.

Nhưng kỳ lạ là khi nhìn vào lưỡi kéo trong tay Hoàng Liên, bà đột nhiên nhận ra hình như con bé biết nó đang làm gì. Đây không phải chỉ là phản xạ từ lòng thù ghét đơn thuần. Nó đã nhắm vào điểm dễ gây chết người nhất, cách cầm kéo vững vàng nhất và lực mạnh nhất có thể. Con gái bà biết hết, và điều ấy khiến cho bà sợ. Bà nghĩ, gã đàn ông có khả năng sẽ chết vì lưỡi kéo đó thật, vì lưỡi kéo biết bản thân đang làm gì…

***

“Thôi trễ lắm rồi!” Người phụ nữ số một dí cổ tay lên sát mặt để xem đồng hồ, “Nói chuyện đến đây thôi, lần sau gặp mình nói tiếp!”

“Ừ, tao cũng về luôn.” Người phụ nữ thứ hai bỏ chân phải xuống, làm chiếc dép rơi ra rồi cô phải mò bàn chân để khều nó lại, đoạn dợm người đứng dậy.

Thế là cả hai mặc áo khoác và xách ví rời đi, trông cử chỉ có đôi chút vội vàng. Hoài ngớ người nhìn theo họ. Câu chuyện trong đầu cậu lại bị cắt đứt vào đúng đoạn hay nhất.

Hai người phụ nữ chỉ kể đến khúc con bé nhà bà thợ may cầm kéo tấn công cha mình, về sau thế nào thì không rõ. Rốt cuộc mũi kéo đó có nhắm trúng điểm trí mạng hay không, gã bợm nhậu hung bạo kia có chết không, mọi thứ sẽ được giải quyết theo hướng nào? Tất cả sẽ không bao giờ được giải đáp bởi vì Hoài hiểu rõ cậu không hề có cơ hội nghe tiếp câu chuyện trong tương lai. Họ là hai người lạ mặt ngẫu nhiên mà cậu chọn, ngẫu nhiên thì thường chỉ xảy ra một lần.

Hoài bất giác thở dài, phân đoạn ở hiện tại và quá khứ của nữ thần tượng Hoàng Liên đều dở dang. Giờ chúng giống như những mảnh xếp hình không đầu không cuối, cậu buộc phải tìm các mảnh khác và suy nghĩ cách liên kết tất cả lại thành một câu chuyện hoàn chỉnh.

Nhìn ra cửa kính, Hoài dõi theo hai người phụ nữ đứng đợi taxi bên dưới. Họ còn nói gì đó thêm một chút nữa, không biết đấy chỉ là những câu chào tạm biệt đơn thuần hay chính là phần sau của câu chuyện đang khiến Hoài tò mò. Một lát sau, mỗi người bắt một chiếc taxi và rời đi, mất hút vào đêm tối và mưa.

6.

Với những người đang có ý định muốn thức trắng đêm ở một quán cà phê nào đó để làm việc - vì nghĩ rằng làm việc cả đêm sẽ khiến bản thân tập trung và năng suất hơn, có một lưu ý quan trọng dành cho họ, rằng thời điểm ba bốn giờ sáng sẽ là khoảng thời gian tồi tệ nhất. “Giờ Hối Hận” hay “Giờ Tiêu Cực”, muốn gọi là gì cũng được. Đó là lúc ta cảm thấy tất cả mọi thứ thật vô nghĩa, rằng lẽ ra mình không nên có mặt ở một nơi như thế này. Thay vì ở đây, bình thường mình đang chăn ấm nệm êm ở nhà. Ta thấy mình đã lựa chọn sai, lựa chọn cái xấu, một cách sống tồi tệ cho sức khoẻ của bản thân và không thể quay lại được nữa. Nhất thiết phải vượt qua khoảng thời gian đó, cố gắng chấp nhận nó và tin rằng điều tốt đẹp sẽ đến. Bởi vì, đúng thật như ta nghĩ, không có bất cứ ai có quyền lựa chọn lại.

Hoài đang phải trải qua trạng thái ấy. Trời gần sáng và tinh thần của cậu càng lúc càng tệ đi.

Cậu vật vờ nhìn xung quanh, những người khác trong quán đều đã đổ gục, cả ba người nhân viên cũng không khá hơn. Cặp đôi vẫn đang ngủ ngon lành từ nửa đêm thì vẫn say sưa trong cuộc phiêu lưu mộng mị của họ, có khi họ còn cảm thấy ngủ trong điều kiện khó khăn một chút sẽ khiến bản thân sảng khoái hơn bình thường chăng? Người phụ nữ ngồi ở quầy đã di chuyển ra bàn thấp có gối, cô đang nhắm mắt nhưng không rõ là có ngủ hay không, bởi vì tướng ngồi của cô đẹp và hơi cứng so với một người đang ngủ. Chỉ có Hoài trông còn khá tỉnh táo, nhưng đã không thể đọc thêm bất kỳ một dòng nào của cuốn sách được nữa, và bất ngờ thay, cả cô nữ sinh cấp ba xem tarot cũng trông vẫn còn tỉnh.

Cô bé đã trải bài suốt đêm, không rõ là xem cho những ai. Có thể cô đang phải giải quyết một đơn đặt hàng dài dằng dặc với vô số câu hỏi - mà những người hỏi thật ra cũng đã phần nào biết câu trả lời. Theo như Hoài quan sát, cô bé ấy cứ đều đặn một tiếng sẽ trải hai tụ bài. Mỗi khi trải xong, cô sẽ dùng điện thoại chụp lại và gửi cho ai đó, hình như còn kèm cả lời giải. Hoài từng nghe về những dịch vụ bói toán qua mạng, chắc cô đang làm công việc tương tự như vậy.

Lát sau thì bình minh lên, Hoài nhìn ra cửa kính và nghiền ngẫm cái quầng sáng đang trồi đầu ở phía xa xa. Phải khẳng định trước rằng, đây không phải lần đầu tiên Hoài thức trắng đêm trong một quán cà phê, trước đây khi còn ở Thái Bình, cậu đã từng vài lần ra những quán cà phê mở xuyên đêm để học bài, cậu đã Tốt nghiệp cấp ba và vào Đại học bằng cách đó. Nhưng có thể nói đây là lần đầu sau hơn hai năm, cậu làm việc này.  Có đôi chút khác biệt giữa hai khoảng thời gian ấy. Theo cậu nhớ, hồi đó trong một đêm cậu hoàn thành được nhiều việc hơn, bây giờ chỉ có đọc sách mà cũng không xong.

Dưới đường đã thấp thoáng bóng dáng của những người dậy sớm. Cửa kính mờ hơi nước. Bầu trời vằn vện những lớp mây màu óng ánh như xà cừ. Cậu thì đang muốn chịu thua và gục đầu xuống bàn.

Sáu giờ sáng, Hoài quyết định ăn một món gì đó. Cậu bước đến quầy và gọi một ổ bánh mỳ. Hình như nhân viên đã thay ca, những người đứng trực lúc này trông thật tươi tỉnh và rạng rỡ.

Một buổi sáng Hà Nội, đối với Hoài, diễn ra như thế, cái lạnh của điều hoà và sự mệt mỏi chán chường, kèm theo cảm giác muốn chết quách cho xong.

Nạp năng lượng xong nhưng vẫn không thấy khá hơn, Hoài vẫn phải tiếp tục chiến đấu với sự rệu rã thần kinh. Đột nhiên, vào lúc cậu chấp nhận chắc là mình buộc phải ngủ thôi thì một tiếng gõ vang lên. Cậu nhìn ngón trỏ của ai đó đang gõ xuống mặt bàn. Và hình như, một cách thoáng qua, cậu đã đoán ra được đây là ngón tay của ai trước khi ngước lên, hoặc chỉ là do cậu tưởng mình làm được điều đó. Dù sao thì, người đối diện đã thành công khiến Hoài bất ngờ thật.

Ly nhìn cậu, tủm tỉm cười, “Anh ra Hà Nội từ khi nào vậy?”

“Trời, Ly!” Dường như quên mất cơn buồn ngủ vừa chực đến, Hoài bật dậy, “Em ở đâu gần đây à?”

Cô gái Hà thành lắc đầu, “Không gần lắm, nhưng em hay đến quán này.”

“Trùng hợp quá!” Mặt cậu rạng rỡ lên, rồi lúng túng đưa tay ra trước, “Em ngồi đi, ngồi đi! Dạo này nhà bác thế nào?”

Và trong những dây nhợ chằng chéo được cài vào não của Hoài, một công tắc được bật lên và hình ảnh cô em gái cậu quen biết thời thơ ấu hiện ra. Lần gần đây nhất cậu đến thăm Ly và gia đình cô là hồi năm nhất Đại học. Giờ gặp nhau ở đây đúng là một sự trùng hợp bất ngờ. Bởi vì thật ra Hoài chỉ định ở lại Hà Nội trong thời gian ngắn nhất có thể, nên cậu đã không hề nghĩ đến việc sẽ gặp được cô nàng, còn là ngẫu nhiên trong một quán nước nữa chứ.

Bây giờ Ly đã trở thành một thiếu nữ, vẻ xinh đẹp và chững chạc ở cô ngày càng được thể hiện rõ. Hoài vẫn nhận ra cô nhưng không khỏi bất ngờ trước sự khác biệt quá rõ ràng ấy. Nhưng lòng ngưỡng mộ với cô, có lẽ còn sâu xa hơn, đã khắc sâu vào cậu hình tượng một cô em gái gia giáo và xinh xắn, một bóng hình nàng thơ lấp ló phía sau song cửa, của một dáng vẻ sang quý mỹ miều nhưng không hề xa lạ, ngược lại rất gần gũi là đằng khác.

“Anh ra Hà Nội mà chẳng thông báo với em một tiếng!” Ly ngồi xuống, đoạn nhìn Hoài hờn dỗi.

“Anh định ở lại một hai ngày thôi, báo với mọi người sợ phiền hà lắm.” Cậu đưa tay dụi mắt cho tỉnh táo.

Được Hoài hỏi đến, Ly kể lại một số chuyện xảy ra dạo gần đây, đa phần mọi thứ vẫn diễn ra một cách bình thường. Về gia đình mình, Ly chỉ bảo rằng em trai cô đã vào cấp ba, cha cô đang làm thầu cho một công trình gần sân bay Nội Bài, ngoài ra cũng không có gì mới. Rối đến việc gia đình cô có nhắc về Hoài nhiều lắm. Còn về bản thân cô, Ly vẫn được nhiều người theo đuổi nhưng cô không có ấn tượng với bất cứ ai trong số họ, thật ra là có, cô có để ý đến vài người nhưng đó là kiểu để ý khác.

“Thế, tại sao anh lại ra Hà Nội?” Ly hỏi, tay khuấy cốc trà vải của mình.

Hoài khoanh tay thở dài, “Trời ạ, bây giờ bảo anh kể anh cũng chẳng biết phải bắt đầu từ đâu luôn. Mọi thứ đang rối tung hết cả lên, mà không phải, nói đúng hơn là chính anh cũng chẳng biết chuyện gì đang diễn ra!”

“Nghe có vẻ nan giải.”

“Hơn cả những tưởng tượng mà em có thể nghĩ đến, em sẽ không tin được anh đang vướng vào vụ gì đâu!”

Ly gật gù, “Anh cũng không thể tưởng tượng được hôm qua em vừa vướng vào vụ gì đâu.”

Cô nàng nhớ đến viễn cảnh náo loạn ngày hôm qua khi bức tranh Chân dung cô Phương xuất hiện. Mọi người nhốn nháo hết cả lên, họ tranh cãi và xông vào nhau. Ban đầu, họ có lẽ muốn tấn công đối phương vì hiềm khích, ít nhất là Phố với Hùng thì vậy. Nhưng sau đó, cuộc chiến dần trở nên buồn cười và tất cả những người có mặt đều muốn tham gia, tạo nên một vụ đùa giỡn nho nhỏ giữa đám thanh niên.

Còn Hoài, như đã biết, cậu đang lo lắng nghĩ cách giải quyết ổn thoả món đồ quốc bảo bị dúi cho mình. Phố, bạn cùng trọ của cậu, thì chẳng rõ là đang chu du nơi nào, đáng sợ hơn là cậu cũng không chắc giờ phút này khi cậu ngồi đây thì tên đó còn sống hay đã chết.

Hai người họ, tất nhiên, vẫn chưa được biết rằng họ đang vướng vào cùng một vụ.

Hoài nói tiếp, “Thế là em vẫn chưa có người yêu à? Sao có thể nhỉ, một cô gái như em. Chắc là vì em khó tính quá thôi.”

“Em khó tính thật mà.” Ly xác nhận điều này. “Những tên con trai em quen biết kỳ lạ lắm, chẳng tên nào được bình thường.”

“Em nói thế làm anh lo đấy, em giao du với những loại người nào vậy? Anh mách hai bác cho xem!”

Có lẽ là vào lúc này đây, cái lúc hai người họ đang nói chuyện vui vẻ với nhau, “ôn cố tri tân” và trêu chọc nhau, thì hai con người khác bước lên cầu thang, thấy họ và vội vã quay mặt chạy đi. Nhưng thôi đó lại là một câu chuyện khác ở một diễn biến khác.

Nhưng dù sao, ta hãy nhớ cho, rằng Hoài bây giờ đã đạt đến giới hạn của cơ thể, và có nhiều quy luật sinh học mà dù có cố gắng thế nào con người cũng không thể chống lại được. Cậu đang rất buồn ngủ. Khi không còn đủ tỉnh táo, Hoài thật sự chẳng thể kiểm soát được suy nghĩ của bản thân, đặc biệt trong số đó là những mong muốn bộc phát một cách phi lý. Chỉ những lúc thế này, chúng mới bỗng nhiên trào lên như đã ngủ yên từ sâu bên trong. Bây giờ chính là một trường hợp như vậy.

Cậu không ngừng liếc mắt về phía cô bé nữ sinh đang ngồi trải bài. Chẳng ai có được khả năng phi thường nhường ấy, từ tối qua đến giờ vẫn miệt mài với những lá bài. Ly hình như đã nhận ra điều đó. Cô liếc mắt nhìn theo cậu.

“Anh muốn xem bói à?” Ly hỏi, đoạn nheo mắt tinh nghịch, “Hay muốn xem người xem bói?”

“Qua đó đi!” Bỗng nhiên, Hoài kéo ghế đứng lên, “Để anh xem một tụ bài.”

Ly hình như không bất ngờ lắm, cô chỉ nhún vai và đi theo Hoài. Hai người họ đến ngồi trước cô bé cấp ba. Cô bé ngước lên, nhìn họ thắc mắc.

Hoài nhìn vào mắt cô bé với mi mắt gần như sụp xuống, “Xem cho anh một tụ với nhé.”

Như đã nắm bắt được tình hình, người thầy bói gật đầu với hai người họ, “Được ạ, anh chị muốn xem gì?”

Đoạn, cánh tay thon thả với phần móng sơn bóng thuần thục trải bài ra bàn theo hình vòng cung.

“Xem thử kiếp trước anh là ai, được không?”

Tưởng đâu tình hình từ nãy đến giờ đã đủ bất ngờ, nhưng câu hỏi của Hoài càng khiến hai cô gái bất ngờ hơn nữa.

“Được chứ anh.” Cô bé nữ sinh gật đầu, đoạn đưa tay ấn nhẹ lên phần mái ngố trước trán. “Anh bốc bài đi.”

Hoài bốc ba lá ngẫu nhiên.

Death.

The Tower.

Ten of Swords.

“Hay nhỉ!” Chẳng hiểu vì lý do gì, nữ sinh đột nhiên bật cười. “Kiếp trước của anh vui lắm đấy ạ.”

“Anh nghe thấy mùi mỉa mai đâu đây!” Hoài bĩu môi.

“Anh nhắm mắt lại đi.” Cô bé ra lệnh cho cậu.

Hoài bối rối nhìn qua Ly, rồi nhìn người đối diện, “Anh mà nhắm mắt lại lúc này là anh sẽ ngủ luôn đó.”

“Em biết mà, chúng ta đã ở đây cùng với nhau cả đêm còn gì.” Người thầy bói vẫn gật đầu chắc nịch.

Ly nhướn mày, “Anh thức suốt cả đêm hôm qua à? Chả trách trông mặt anh ghê quá, em còn tưởng anh càng lớn càng xấu vì lo nghĩ nhiều.”

Xem như chưa nghe thấy những lời nhận xét của Ly, Hoài nhìn quanh quán cà phê một lượt. Người phụ nữ ngủ như không ngủ hình như đã ra về trong lúc cậu và Ly nói chuyện, còn cặp đôi thì vẫn đang dựa vào nhau ngủ như hai xác chết.

Vậy là, Hoài nhắm mắt lại rồi thả trôi tâm trí. Đúng như cậu đã tiên liệu, cậu bắt đầu chìm vào giấc ngủ không thể kiểm soát nổi, nhanh như thể đôi mắt và tâm trí của cậu chỉ đang chờ đến khoảnh khắc này để được nghỉ việc.

Trước khi hoàn toàn chìm vào mê man, bên tai cậu vẫn loáng thoáng nghe được giọng cô bé đang nói:

“Anh đột nhiên có một khẩu súng…”

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận