Phần I
Chương VI (1): Ở một diễn biến khác, Hoài qua đêm trong quán cà phê và gặp lại người quen cũ ở đó
1 Bình luận - Độ dài: 5,319 từ - Cập nhật:
Ở một diễn biến khác, Hoài qua đêm trong quán cà phê và gặp lại người quen cũ ở đó…
1.
“Đừng tìm kiếm? Ý mày là sao?”
Hoài gằn giọng vào điện thoại. Cậu đang đứng đối diện tấm kính bám đầy những giọt mưa li ti và xiên xẹo, nhìn ra khu vườn Bảo tàng nghệ thuật Thủ đô. Từ sáng trời đã có dấu hiệu mưa, bây giờ thì mưa thật. Những giọt nước đan vào nhau, khu vườn trở thành một mảng xanh lục nham nhở nhưng lấp lánh.
Ở đầu bên kia điện thoại, vẫn là Phố với âm thanh phần phật của tiếng gió. Chúng bạt đi giọng nói truyền đến làm từ ngữ của đối phương giật xốc liên tục. Hoài phải một lần nữa tập trung lắng nghe xem hắn nói gì.
“Tao nghe anh Đinh bảo mày bị cuốn vào vụ án trộm tranh rồi. Tao muốn nói với mày là không cần tìm kiếm nó nữa.”
Linh cảm xấu đeo đẳng trên đầu Hoài từ sáng đến giờ đột nhiên trào lên làm cậu lạnh sống lưng.
“Khoan đã, chưa nói đến chuyện đó. Nhưng sao lần nào mày điện tao cũng nghe ồn ào hết vậy. Cả ngày hôm nay mày sống ở trên xe à?” Hoài lắc đầu, tập trung vào tất cả mọi thứ rối rắm đang diễn ra, cậu buộc phải giải quyết từng thứ một.
“Phải, tao đang ở trên xe.” Phố trả lời, “Xe chạy nhanh nhưng an toàn lắm.”
“Mày không cần giải thích chuyện an toàn hay không an toàn với tao. Nghe tiếng thôi là tao thấy không ổn rồi.”
“Tao vẫn ổn, mày chỉ được cái khéo lo.”
Những đường nước mưa ngày càng dày đặc hơn, lúc này hơi ẩm đã phủ mờ khung cảnh bên ngoài. Hoài chạm tay vào mặt kính, cảm giác lạnh toát truyền đến cơ thể cậu.
“Vậy còn chuyện bức tranh thì sao? Mày ăn cắp nó đúng không?” Hoài vào vấn đề chính, quyết tâm phải làm rõ những suy đoán của mình.
Người ở đầu dây bên kia thoáng chút bối rối, “Không… Chuyện khó giải thích lắm, tao sẽ kể hết cho mày sau. Tao đang cố gắng tìm cách giải quyết. Có thể sắp tới phải nhờ đến mày.”
“Không có việc gì mày nhờ mà dễ cho tao hết.” Hoài lại lớn tiếng. Cậu chẳng biết thằng bạn cùng phòng của mình còn định nhờ thêm việc gì sau khi đã bắt cậu phải ra đến tận đây. “Vả lại, mày nói thế chẳng khác nào thừa nhận mày có dính líu đến vụ này.”
“Thì có.” Phố trả lời và trong khoảnh khắc đã thành công làm bạn mình giật bắn, hắn nói tiếp, “Nhưng không phải như mày nghĩ đâu, tao sẽ kể cho mày sau. Trước hết, mày cố gắng đừng làm lớn chuyện, đừng cố tìm kiếm gì cả, cứ về nhà trọ ở Thanh Xuân đi rồi tính.”
Nói đến đó, lần thứ hai trong ngày Phố đột ngột dập máy mà không cho Hoài nêu thêm bất kỳ ý kiến phản bác nào. Cậu chậc lưỡi, hàng loạt dự cảm lướt qua đầu, có lẽ đúng như cậu nghĩ, Phố đã tham gia vào phi vụ ăn cắp bức tranh Chân dung cô Phương cùng với ai đó. Tên ấy khi điên lên thì có thể làm được tất cả mọi thứ, chưa kể nhóm bạn của hắn hình như cũng chẳng ai được bình thường, bằng chứng là người đang chở hắn trên xe máy chắc chắn là bị ngáo rồi, không một người tỉnh táo nào dám phi xe ngoài đường với tốc độ như thế hết.
Nhưng bây giờ có nghĩ nhiều cũng chẳng dẫn đến đâu, cậu sẽ nghe lời Phố quay về trọ trước, có thể hắn đang ở đó đợi cậu, hoặc có một thứ đang ở đó đợi cậu. Cơn mưa bên ngoài bắt đầu ầm ĩ, khung cảnh tối đen như điềm báo cho những sự kiện tồi tệ sắp diễn ra. Hoài quay lại phòng giám đốc.
Sáng nay, khi giám đốc bảo tàng đang kể về tiền kiếp của cậu, đột nhiên cả hai người họ đồng loạt ngất xỉu trên hành lang. Cậu không chắc mình nghe được câu chuyện đến đoạn nào, nhưng có cảm giác như cậu đã mơ thấy toàn bộ vậy. Thế là một khả năng khác về tiền kiếp của cậu hiện lên, cậu là một cô gái bị vô sinh ngồi lắng nghe người bạn vừa đi phá thai chui của mình kể về hành trình phá thai ấy.
Hoài có nên tin vào câu chuyện của cô giám đốc hay không? Cậu cũng không chắc, giống như lần với cậu thủ thư ở cảng biển Chùa Vẽ, câu chuyện này cũng rất kỳ quặc, tất nhiên là không đáng tin, tuy vậy, nó được miêu tả hết sức kỹ lưỡng như một trích đoạn ngẫu nhiên từ một cuốn tiểu thuyết nào đó. Lại thêm một người có trí tưởng tượng phong phú nữa, Hoài nghĩ.
Sau khi tỉnh lại, cậu thấy mình nằm ở trên ghế sofa trong phòng giám đốc. Người phụ nữ thì đã tỉnh từ lúc nào, cô đang ngồi bên cạnh nhìn cậu, không, cô đang ngắm cậu. Hoài cố tình bỏ qua chuyện đó, không thắc mắc rằng lúc cậu ngủ thì có gì để ngắm bởi vì dự cảm câu trả lời sẽ không được hay ho cho lắm. Cậu ngồi dậy, đầu lâng lâng như đang say.
“Cậu có bị sao không?” Người phụ nữ hỏi, trên bàn có một tách trà. Có thể vị giám đốc này là người duy nhất còn có tâm trạng uống trà trong tình huống hiện tại - nhưng trên đời, ngoài họ ra thì chắc chẳng còn ai rơi vào tình huống kỳ quặc giống thế này nữa.
Hoài ngay lập tức lấy lại sự tỉnh táo, xoa tròng mắt nóng hực đang hơi rát và nuốt khan. Cậu nhìn giám đốc bảo tàng như muốn hiểu một ý tứ nào đó, rồi nói, “Bức tranh chúng ta vừa xem có vấn đề. Cô có thấy vậy không?”
Người phụ nữ gật đầu xác nhận, “Đúng là nó có vấn đề. Người ta đã đem đi kiểm tra rồi.”
Theo lời cô, khi hai người họ ngất xỉu trên hành lang trước bức tranh có mùi hương kỳ lạ, những nhân viên ở xung quanh đã chạy đến đỡ họ. Người phụ nữ có vẻ vẫn còn tỉnh táo hơn Hoài - việc này có thể giải thích là do trước khi ngất đi cậu đã tập trung hít thở sâu liên tục - nên cô bảo hãy dìu mình và Hoài vào phòng giám đốc. Sau đó, khi ổn định hơn, cô đã kêu người đem bức tranh đi điều tra. Theo lời khai của các nhân viên trực và trải nghiệm của chính cô, có khả năng cao trong bức tranh ấy có chứa chất gây ảo giác.
Thất thiểu bỏ điện thoại vào túi quần, Hoài bước vào phòng. Lúc này, người phụ nữ đang ngồi ở bàn làm việc.
“Gọi điện xong rồi à?” Cô hỏi.
Hoài gật đầu thay câu trả lời, bước đến ngồi trên sofa đối diện với người phụ nữ. Văn phòng rất nhỏ, có lẽ chỉ bằng căn phòng cậu và Phố sống ở Hải Phòng, nhưng lại chứa quá nhiều đồ, chúng làm cho không gian lại càng nhỏ hơn nữa.
Hoài ngồi dạng chân, chắp hai tay lại xoa xoa mũi. Thủ đoạn của bọn trộm thật kỳ quặc và điên rồ. Có kẻ đã tẩm thuốc gây ảo giác vào trong bột màu của bức tranh để khiến cho các nhân viên của bảo tàng mất tỉnh táo rồi thừa cơ đột nhập vào trộm cắp. Tình huống ấy liệu có thể diễn ra ngoài thực tế hay không, nó có khả thi hay quan trọng hơn, nó có đáng tin cậy để ai đó quyết định áp dụng vào một kế hoạch tham vọng? Nhưng có một điều Hoài chắc chắn - dù hình như lại là kết quả của thói hay móc nối những tình tiết ngẫu nhiên - rằng Phố là sinh viên ngành Sinh học, nếu Phố nhún tay vào thì bằng kiến thức của mình, dù chỉ là một mớ lý thuyết, hắn có khả năng biến những tính toán này thành hiện thực.
Hắn bảo cậu ngừng tìm kiếm bức tranh, không cần phải làm gì cả, rốt cuộc hắn có ý gì? Ngoài cái ý là chính hắn biết rõ bức tranh ở đâu, hay chính hắn đã tham gia vào việc này và “đừng tìm kiếm nữa” không phải là một lời khuyên mà là đang đe doạ.
“Cậu Hoài.” Người phụ nữ ngồi đối diện gọi khi thấy cậu đang đăm chiêu chìm vào những lo lắng của bản thân.
Cậu ngước lên nhìn cô. Nữ giám đốc hơi vén tóc ra sau vành tai, những móng tay sơn đỏ, một màu đỏ đằm thắm thật đẹp và trẻ trung.
“Chắc cậu không thích phụ nữ lớn tuổi.” Người ngồi ở bàn làm việc lại nói.
Không biết đúng không, nhưng Hoài có cảm giác mình đang rơi vào một cái bẫy. Như thể đây là một chuỗi âm mưu kỳ quặc mà tất cả đều lấy cậu làm trung tâm, tất cả đầu mối khi lần mò suốt một đoạn đường dài với vô số nhánh lớn nhỏ rốt cuộc sẽ đi đến chỗ cậu. Hoài ngửi được mùi của nó, giống như những đám mây xám xịt bên ngoài cửa sổ không ngừng ám lấy bầu trời, và những lớp bụi bốc lên góp phần vào cảm giác hoang tàn vốn hay xuất hiện vào những ngày dông gió, tất cả bị phủ bởi một lớp màn của những âm mưu to lớn, hoặc có khi là vụn vặt.
Căn phòng tối tăm, mưa vẫn rơi không dứt, ánh đèn đìu hiu chiếu xuống chỗ họ. Giống như một căn phòng ở tận cùng thế giới, tách biệt với những chuyển động khủng khiếp của mọi thứ ở bên ngoài. Giống như một nơi biệt lập chỉ có họ tồn tại.
Cậu đi đến chỗ người phụ nữ, cậu hỏi cô có ý gì khi nói như vậy. Chưa kể, Hoài có cảm giác giám đốc bảo tàng đã biết về vấn đề của bức tranh, thế nên cô mới kéo cậu, hoặc không phải kéo mà dẫn dụ cậu đến gần nó. Bởi vì bức tranh với những đường kỷ hà đầy màu sắc ấy không chỉ chứa chất gây ảo giác, mà qua những biểu hiện báo động của cơ thể mình, Hoài đoan chắc nó còn chứa cả chất kích dục.
“Không, không phải hoàn toàn như cậu nghĩ. Mục đích của tôi không phức tạp đến thế.” Người phụ nữ chối bỏ vế sau, cái vế cô biết về tình hình bức tranh và lợi dụng nó để - ai biết được - kích động ham muốn của một chàng trai trẻ.
Nhưng lời nói không phản bác việc người phụ nữ này có nảy sinh ham muốn với cậu. Hoài không chắc nữ giám đốc có thật đã suy nghĩ kỹ chưa vì thời gian đâu mà suy nghĩ kỹ khi hai người họ chỉ vừa mới gặp nhau hôm nay. Hay đây chính là một điều gì đó khác, vẫn lấy Hoài làm trung tâm, nhưng là xem cậu như một công cụ để thoả mãn tình dục cho những người phụ nữ đã quá thiếu thốn và rất cần để họ bớt tính khí cáu bẳn hơn.
“Tôi được trưởng ban tờ báo gửi ảnh của cậu cho xem trước, tôi nghĩ vẻ ngoài của cậu hợp với sở thích của mình. Nhưng có lẽ ở phía ngược lại, phía của cậu, thì không.”
Giống như một cuộc chào mời hàng họ và toà soạn chỗ cậu làm việc là nơi cung cấp trai bao cho các quý bà vậy.
Hoài thầm nguyền rủa anh Dũng trưởng ban biên tập, lần sau cậu sẽ yêu cầu không được phép sử dụng hình ảnh của mình lung tung. Điều đó gây nên quá nhiều hệ luỵ, giờ thì người phụ nữ trước mặt đang trở nên vô cùng khổ sở vì mọi tính toán của cô đã bị bại lộ theo cách tệ hại nhất có thể. Có lẽ cô không ngờ rằng Hoài chẳng có ham muốn gì với mình, hoặc có nhưng cậu lại quá lý trí trong những hành động của bản thân.
Nhưng không phải như vậy, khi người phụ nữ định xin lỗi cậu, Hoài đã ôm lấy đối phương trước. Trong lúc ấy, dông gió vẫn thịnh nộ, cửa kính va đập lách cách, âm thanh bão tố được lọc đi qua những lớp tường của toà nhà, rơi vào tai họ như những tiếng kêu mịt mùng, xa xăm. Hoài nói khẽ với nữ giám đốc một điều gì đó. Rồi cậu lùi lại, rời tay khỏi cô. Người phụ nữ trợn mắt nhìn Hoài. Sau đó, cô bật khóc trong im lặng. Không có bất kỳ âm thanh nào ngoài tiếng mưa rơi và sấm chớp.
***
Hôm đó khác hôm nay. Một buổi trưa nóng như đổ lửa. Nhưng riêng sự bất an thì y hệt, chúng vẫn luôn tràn ngập, quanh quẩn dù trong những khối khí nóng hay khối khí lạnh, dưới bất kỳ điều kiện không gian nào. Hoài đến một trung tâm xã hội theo hướng dẫn trên điện thoại. Cậu không biết phải đổ xe ở đâu. Đó là một khối nhà cho thuê văn phòng, mặt tiền hướng ra lộ, không có chỗ đậu xe. Cậu cho xe lên lề, lúc này mới nhìn thấy bảo vệ đang ngồi bên trong, cạnh một cầu thang đá uốn lượn dẫn lên lầu.
Một người đàn ông da sạm và gò má xương xẩu. Ông bảo Hoài dắt xe vào trong nhà. Cậu gật đầu, tỏ ra khép nép quá mức cần thiết.
“Cậu đến đây gặp ai?” Người mặc đồng phục bảo vệ hỏi.
Câu hỏi này là để xác nhận xem trong vô số văn phòng ở đây, với những tầng lầu mà mỗi tầng là một cơ sở khác nhau, thì Hoài muốn đến đâu, người bảo vệ chỉ đang muốn hướng dẫn cậu đến tầng mà cậu cần đến. Không có ác ý hay xách mé, không có làm khó làm dễ, không có hách dịch cửa quyền, đơn thuần người đàn ông hiền lành ấy chỉ đang muốn giúp đỡ. Nhưng lòng tốt của ông khiến Hoài đâm khó xử.
“Con đến khám bệnh.” Cậu trả lời.
“Vậy thì lên lầu, ngay tầng trên.” Người đàn ông nói, đi kèm là hành động đưa ngón tay chỉ lên trần nhà.
Không biết ông ấy sẽ nghĩ gì, có thể ông ấy sẽ nghĩ cậu đến chỉ để khám bệnh bình thường. Nhưng Hoài biết không có người thanh niên nào, như cậu, đến đây với mục đích khám bệnh bình thường cả. Trung tâm này do hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hải Phòng thành lập, là một nơi tư vấn sức khoẻ sinh sản, những bệnh lây qua đường tình dục, hay chủ yếu là xét nghiệm HIV miễn phí. Vì thế ai bước vào đây, nói rằng mình đến với mục đích khám bệnh thì khả năng cao là họ muốn đi xét nghiệm HIV. Hoài nghĩ vậy. Nhưng có lẽ cậu chỉ đang làm quá vấn đề lên mà thôi.
Cảm ơn người bảo vệ và ôm balo bước lên cầu thang. Cậu thấy những căn phòng đóng kín cửa. Những tấm cửa trượt bằng nhôm với lớp kính in hoa văn mờ. Không biết phải kéo cánh cửa nào, cậu chọn cánh cửa ở gần mình nhất. Đó là một văn phòng.
Những người phụ nữ bên trong ngước lên. Một người trong số họ nhìn thấy vẻ bẽn lẽn và chắc là có chút hồi hộp trên mặt chàng trai vừa đến, chị đứng dậy hỏi bằng giọng hoà nhã như thể muốn trấn an một con thú đang hoảng loạn.
“Em đến xét nghiệm HIV đúng không?”
Tại sao người nhân viên ấy có thể đoán ra ngay lập tức nhỉ? Bằng kinh nghiệm chăng?
“Vâng.” Cậu gật đầu.
Quá nhiều người. Những nhân viên trong căn phòng cũng đã biết, dù họ sẽ cố lờ chuyện này đi, xem như không phải việc của mình, nhưng họ đã biết vì cậu vừa gật đầu xác nhận. Xác nhận việc mình đi khám HIV không khác nào là đang xác nhận mình là một kẻ ngỗ nghịch, người đã vướng phải một tội lỗi nào đó bởi vì nếu mọi thứ diễn ra một cách lành mạnh và trong sáng thì không có lý do gì để cậu xuất hiện ở đây. Và tại sao hành trình này lại nhiêu khê đến thế? Quá nhiều người biết. Cậu muốn đây là cuộc gặp chỉ có hai người và sẽ được giữ bí mật tuyệt đối. Nhưng không như thế, Hoài đã phải gặp quá nhiều người không cần thiết.
“Em qua phòng bên đợi nhé, chị ra ngay.” Người phụ nữ đưa tay hướng vào bức tường đối diện.
Hoài gật đầu, đóng cửa lại với một sự mủ mỉ như thể từng hành động lúc này của bản thân đều nằm trong một chuỗi đánh giá không hồi kết của tất cả mọi người. Hình ảnh cậu cùng chiếc balo có thể sẽ khiến cậu trông đáng thương hơn. Cậu đang diễn vai gì trong vở kịch này? Cậu đang cố tỏ vẻ mình là một chàng trai hiền lành, nhu nhược để ngầm gợi ý rằng tình trạng bây giờ không phải lỗi của cậu mà là của một người khác, chính một người róc đời, dạn dĩ, nhiều chiêu trò hơn đã dụ dỗ cậu. Cậu đang cố chứng minh mình là nạn nhân. Nhưng điều đó có ý nghĩa gì?
Xoay người và mở cánh cửa bên cạnh, Hoài bước vào một căn phòng sáng đèn, ở giữa phòng là những hàng ghế chờ. Có một cặp vợ chồng, không già không trẻ, nhưng trông lam lũ và một người phụ nữ có vẻ chỉ hơn tuổi cậu một chút. Cậu và họ đang cùng chờ đợi một điều gì đó, hoặc cũng có thể không, thứ họ chờ đợi không giống cậu, vấn đề của họ là những thứ khác. Có lẽ cặp vợ chồng kia bị hiếm muộn nên muốn đi khám sức khoẻ sinh sản hoặc xin tư vấn, còn cô gái kia có thể chỉ mắc một căn bệnh nào đó dễ chữa. Dễ chữa chính là từ khoá, thứ kéo Hoài ra xa thế giới này, bởi vì điều cậu đang đối mặt không phải là dễ chữa hay khó chữa, mà là không thể chữa.
Lặng lẽ, cố không phát ra bất kỳ tiếng động nào, Hoài đóng cửa lại và bước từng bước thật chậm rãi, chọn một chỗ ngồi ở xa họ nhất, một cái ghế ngoài hàng rìa, bên cạnh kệ sách. Bốn bức tường xung quanh dán đầy những hình ảnh về HIV, STD, tuyên truyền tình dục an toàn và lối sống lành mạnh, ảnh chụp người ta mở những buổi động viên, trò chuyện cởi mở và hoạt động nhằm giúp những bệnh nhân mắc căn bệnh thế kỷ có thể vui vẻ yêu đời chiến đấu với bệnh tật. Kệ sách bên cạnh Hoài là một loạt những cuốn cẩm nang, những cuốn sách mỏng giống nhau được in và trưng bày hàng loạt, về cách phòng tránh, những dấu hiệu, tác hại hay liệu trình điều trị HIV/AIDS. Người ta sẽ đọc nhưng có thực hiện theo hay không là một câu chuyện khác. Những lúc cần phòng tránh người ta sẽ quên, sẽ bị kéo đi, bị dẫn dắt hay nói một cách thẳng thắn và bớt đóng vai nạn nhân hơn: Họ lựa chọn một trò may rủi nhưng kết quả thì không công bằng - rủi thì đã thấy nhưng còn may, may chỗ nào? Nếu bạn tham gia một ván cược, một trò “may rủi” bình thường thì nghĩa là nếu thua bạn sẽ mất tiền còn nếu gặp vận đỏ thì sẽ được tiền. Còn trò này thì không, nếu xui bạn bị HIV, còn nếu may, bạn không được gì hết. Không được gì hết sao gọi là may? Đây là một trò “rủi hoặc không rủi” thì đúng hơn.
Không gian trong căn phòng im ắng nhưng dễ chịu, một nơi có lẽ khi bước vào người ta sẽ bắt đầu hối hận, những câu như lúc đó không nên làm vậy, lúc đó nên làm khác, lúc đó không nên để bản thân sa ngã sẽ ùa đến. Nhưng nỗi hối hận nhục nhã này sẽ không kéo dài lâu bởi vì - nếu may mắn - họ sẽ không bị sao và qua vài ngày tới họ sẽ quên mất cảm giác thấp thỏm, bồn chồn, bất an ấy, họ sẽ tiếp tục ăn trái cấm. Loài người là một chuỗi hành động ăn trái cấm, Kinh Thánh đã nói rồi. Con người không thể sống mà không mắc phải tội lỗi.
Cặp vợ chồng hình như đang thì thầm gì đó với nhau. Người phụ nữ trẻ đang ngồi vắt chéo chân bấm điện thoại, không thể nhìn ra cảm xúc trên khuôn mặt vô định nhìn vào vùng ánh sáng kia, cô lướt điện thoại dường như chỉ để lướt, hành động ấy không mang theo nhiều ý nghĩa lắm. Chỉ có cậu đeo khẩu trang và ôm khư khư cái balo trong người.
Cánh cửa trượt kêu lên, người phụ nữ khi nãy nói chuyện với cậu bước vào, cầm theo vài tờ giấy A4. Chị đi đến cánh cửa ở cuối phòng, hình như lại dẫn đến một căn phòng khác nữa.
Đoạn, chị xoay qua, hướng về phía Hoài và gọi, “Em vào đây!”
Vậy là rõ, chỉ có cậu đến để xét nghiệm HIV miễn phí, những người khác có những câu chuyện khác. Bởi vì nếu họ cũng giống cậu thì họ phải vào trước vì họ đợi trước, cậu là người được gọi vào lúc này chứng tỏ cậu là người duy nhất. Vị khách duy nhất trong phòng, người duy nhất trong những người cậu quen, thành viên duy nhất trong lớp, sinh viên duy nhất trong trường Đại học của mình, có nguy cơ bị HIV. Cậu gật đầu ngoan ngoãn và bước về phía ấy.
Những lúc thế này, kẻ hay hùng hồn vỗ ngực tỏ vẻ gan dạ hay những tên ăn chơi trác táng đều bỗng trở nên hiền như bột. Chúng đột ngột thay đổi, thật khép nép, thật ngoan hiền, thật vô tội.
“Đóng cửa lại đi em.” Người phụ nữ nói khi vuốt chiếc đầm liền thân và ngồi xuống ghế. “Em không cần cởi khẩu trang cũng được nhé!”
Cậu gật đầu, ngồi xuống ghế với cái balo thật ra chẳng đựng gì ngoài mấy cuốn vở hú hoạ, một đạo cụ cho vở kịch làm kẻ đáng thương.
Căn phòng nhỏ chỉ bằng một nửa phòng chờ, người phụ nữ đặt những tờ giấy lên bàn, chúng là những tờ thông tin. Chị gái nhờ cậu điền thông tin cá nhân vào những mục trống.
“Em có giấy chứng minh nhân dân hay căn cước công dân rồi đúng chứ?”
Người đối diện hỏi với biểu cảm như nếu Hoài bảo mình chưa có thì hẳn căn phòng này sẽ mở ra một màn lâm li bi đát. Hoài nghĩ thầm trong lòng có lẽ vai diễn của cậu đã thành công, người phụ nữ hướng dẫn đã âm thầm xếp cậu vào danh mục nạn nhân, cậu còn quá trẻ nên sẽ cần phải thông cảm. Cậu bảo mình có căn cước công dân rồi. Chị gật đầu, tiếp tục trình bày những thủ tục. Có những chỗ trên tờ thông tin Hoài không cần phải điền. Cậu cảm giác bản thân đang thở thật chậm và lời nói nhỏ nhẹ đến mức đám bạn cậu mà có ở đây chúng sẽ cười chết mất, chúng sẽ ôm bụng lăn lộn hay phá lên ha hả, chúng sẽ hỏi nhau từ đâu ra một phiên bản thảo mai của thằng Hoài như thế vậy.
“Em có quan hệ đồng tính không?” Người đối diện lại hỏi.
“Không ạ.” Hoài trả lời.
Rướn người lên một chút để xem những khung vuông nho nhỏ mà Hoài đang di chuyển đầu bút tìm kiếm mục thích hợp để đánh dấu, nữ nhân viên hình như muốn xác nhận gì đó, rồi nói:
“Chỉ quan hệ không an toàn thôi đúng không em?”
“Vâng.”
“Em và bạn đó có dùng miệng không?” Nhân viên lựa chọn từ ngữ cẩn thận.
“Cả hai đều dùng miệng.” Hoài trả lời mà trong đầu không khỏi nhớ lại những chuyện đã diễn ra.
Hoài cố tỏ ra bình tĩnh hết mức có thể để cố nhanh cho xong thủ tục. Dù biết chúng là những thông tin cần thiết nhưng việc nhớ lại và xác nhận là cả một quá trình khó khăn, nó càng khó khăn hơn khi người hỏi và cậu đều không cảm thấy thoải mái. Không ai ưu tiên sự thoải mái trong một tình huống thế này. Hoài muốn có thể làm xét nghiệm thật nhanh và nhận lại kết quả với hai chữ “bình thường”, sau đó cậu sẽ quay về cuộc sống như trước nay vốn dĩ và quên toàn bộ chuyện này, sống một cuộc đời mới với sự yên tâm rằng mình vẫn còn cơ hội để lựa chọn lại.
Đã điền xong những thông tin cần thiết, Hoài đưa trả tờ giấy cho người phụ nữ. Lúc này, chị gái lấy ra một bộ kit xét nghiệm HIV. Cậu đặt tay lên bàn, đối phương sát trùng và vuốt ngón áp út của cậu theo chiều dọc để máu chảy về đầu ngón tay. Chị nhấn dụng cụ chích máu, Hoài chưa kịp cảm thấy đau thì đầu kim đã đâm xong, cảm giác không đau đớn, chỉ là một cơn nhói rất nhỏ, không bằng cả khi bị giấy cứa trúng tay. Nhân viên trung tâm nặn và cho mẫu máu lên que xét nghiệm, rồi nhỏ dung dịch đệm. Xong, chị bảo cậu đợi một lát.
Trong lúc đó, người phụ nữ hỏi Hoài về thời gian xảy ra vụ việc, cậu trả lời là chỉ mới cách đây chưa đến hai tháng, chị bảo nếu muốn chắc chắn thì đợi hai tháng sau đến để xét nghiệm thêm lần nữa cho yên tâm - nếu trong trường hợp lần này xét nghiệm âm tính.
Nhưng không, Hoài dương tính với HIV. Cậu không biết đọc kết quả trên que thử. Người phụ nữ giải thích với cậu, hai vạch là dương tính, và dương tính là…
Một thoáng bối rối diễn ra. Nhân viên bảo cậu đợi thêm chút nữa rồi rời đi, chắc là để thông báo cho ai đó.
Ngồi một mình trong phòng, ôm cái balo tồn tại với mục đích cho bản thân bớt cô độc, cậu nhìn chằm chằm vào kit xét nghiệm hình chữ nhật nằm trên bàn. Đầu ngón áp út được dán băng cá nhân, từ vết châm ở đó dậy lên một cơn nhói buốt vô lý so với thứ còn chẳng đáng để gọi là một vết thương. Hoài đang phân vân mình nên phản ứng thế nào, bình tĩnh quá thì có kỳ quặc không mà nếu hoảng loạn quá thì hình như cũng không ổn. Cái gì ở giữa hai trạng thái đó, đủ lo lắng nhưng vẫn rất bình tĩnh. Hoài không biết.
Nữ nhân viên quay lại với một người đàn ông mặc đồng phục bác sĩ. Theo bảng trên ngực áo, anh ta tên Từ.
Bác sĩ Từ giải thích mọi chuyện với cậu, anh ta bảo cậu cần đến cơ sở y tế để kiểm tra kỹ lưỡng hơn, bởi vì chỗ này của họ dẫu sao cũng chỉ là “một trung tâm sức khoẻ nhỏ nhắn và dễ thương”, có thể khi kiểm tra lại sẽ ra một kết quả khác. Hoài nghĩ đó có phải là một hạt giống hy vọng không, có nên tự an ủi mình bằng cách ấy hay không. Bác sĩ giải thích, khi đến bệnh viện, cậu sẽ được khám những thứ khác, hệ thống miễn dịch, tình trạng bệnh đang tiến triển như thế nào và cơ thể cậu có đang khoẻ mạnh không. Từ tất cả những thông tin đó, mọi người sẽ có kế hoạch điều trị tốt nhất cho cậu - tất nhiên là trường hợp nếu kết quả ở phía ấy lại tiếp tục là dương tính. Và hãy luôn nhớ rằng HIV không nhất thiết sẽ dẫn đến AIDS, nếu được điều trị tốt bằng thuốc ức chế thì có thể làm chậm, thậm chí là ngăn chặn sự tiến triển ấy. Bây giờ có lo lắng bất an cũng chẳng được gì, và đây không phải điều tồi tệ nhất.
“Em đừng lo, thời nay bệnh nhân HIV vẫn có thể sống khoẻ mạnh, tuổi thọ vẫn có thể kéo dài như người bình thường, sinh hoạt không thay đổi gì nhiều cả. Chỉ cần uống thuốc, mà đối với nhiều căn bệnh thì uống thuốc đã là việc dễ dàng nhất rồi.” Từ giải thích với Hoài.
Cậu gật đầu, không có vấn đề gì, cậu vẫn thấy ổn, nói đúng hơn là không cảm thấy gì hết. Có những điều theo thời gian ta mới cảm nhận đầy đủ cảm giác mà nó mang lại.
Chào cả hai nhân viên rồi rời khỏi phòng, Hoài nhẹ nhàng khép cửa lại. Không gian nhỏ xíu bên trong làm cậu thấy khó thở. Bên ngoài, người phụ nữ trẻ đã đi đâu mất, còn hai vợ chồng đang cùng nhau nheo mắt đọc một tờ giấy, họ đồng lòng lần mò và cố hiểu nó viết gì. Đột nhiên Hoài chợt nghĩ là cả đời này cậu sẽ không bao giờ được như họ.
Lủi thủi rời đi, xuống lấy xe và cảm ơn bảo vệ, Hoài không biết nét mặt của mình lúc này liệu có để lộ điều gì không, có giống vẻ mặt của một người vừa nhận tin mình bị HIV không, cậu sẽ không bao giờ biết. Cậu rời khỏi trung tâm, trời bên ngoài vẫn nắng chang chang. Vết châm ở đầu ngón áp út vẫn còn nhói lên rậm rật. Và sau này, ngay cả khi nó đã lành lặn và mất đi vết tích, ngay cả khi Hoài đã tháo băng cá nhân, ngay cả khi nhìn nó chẳng khác gì một ngón áp út bình thường, thì cơn đau vẫn luôn hiện diện. Như một vết thương vĩnh cửu. Cơn đau âm ỉ ấy khiến cho cậu luôn vô thức vảnh ngón áp út cao hơn những ngón khác, vì tật này mà cậu thường gây được chú ý với những người đồng tính nam. Nó khiến họ nghĩ cậu “cùng hệ” với họ. Những lần như vậy, cậu phải giải thích là mình không hề cố ý. Không một chút nào.
1 Bình luận