• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Phần I

Chương III (1): Ở một diễn biến khác, có kẻ đã trộm mất “Chân dung cô Phương” khỏi bảo tàng nghệ thuật

0 Bình luận - Độ dài: 6,432 từ - Cập nhật:

Ở một diễn biến khác, có kẻ đã trộm mất “Chân dung cô Phương” khỏi bảo tàng nghệ thuật...

1.

Tiếng quạt trần quay rõ ồn khiến Hoài tỉnh giấc, đây có lẽ là lần đầu tiên trong đời cậu bị đánh thức bởi một âm thanh kỳ quặc đến như thế, không phải tiếng báo thức, không phải tiếng người khác gọi, mà là tiếng những cánh quạt trần xé gió và tiếng động cơ rì rì đều đặn. Phải tỉnh ngủ trong hoàn cảnh này thực không dễ chịu chút nào và cậu nghĩ lẽ ra mình không thể bị cái thứ ấy đánh thức mới phải. Sống trong căn phòng này hơn một năm qua, đi ngủ với thứ tiếng ồn đều đều ảm đạm, nó hiện diện cả lúc ngủ lẫn lúc thức, nếu nghĩ theo lẽ thường thì đáng lý cậu phải quen với sự tồn tại của nó và bị đánh thức bởi một thứ khác chứ không phải là nó. Hoài cho rằng có thể hôm nay cây quạt đã kêu ồn hơn mọi khi, dù chỉ một chút nhưng vẫn đủ để tạo thành sự khác biệt.

Cậu chồm người ra ngoài và nhìn xuống tầng dưới, nhưng chẳng có ai ở đó. Tầng dưới trống trơn, chỉ còn lại chăn gối và lớp đệm mỏng dính đã hơi ố. Phố không còn trên giường, không biết đã đi đâu, đêm qua tên đó leo lên giường ngủ cùng lúc với Hoài nhưng bây giờ lại đột nhiên biến mất. Trên chiếc ván gấp ở cuối giường mình, hắn đặt ngổn ngang mấy cuốn tạp chí và một mô hình vệ tinh địa tĩnh, cao khoảng hai mươi centimet, nghe bảo là hàng thủ công do hắn tự chế ra, giống y hệt một mô hình quả địa cầu bình thường chỉ khác là có thêm hai đoạn dây đồng ngắn, một đầu của chúng cắm vào đường xích đạo của Trái đất và đầu còn lại gắn một miếng xốp trắng tượng trưng cho vệ tinh địa tĩnh. Hai vệ tinh địa tĩnh sẽ không bao giờ va vào nhau, bởi vì khi Trái đất quay quanh trục, chúng cũng sẽ quay với vận tốc y hệt vậy, mỗi vệ tinh quan sát một điểm duy nhất trên mặt đất, Phố đã giải thích với cậu như vậy.

Gã bạn cùng phòng có một sở thích bệnh hoạn với vệ tinh địa tĩnh, Hoài chắc chắn về điều đó dù không phải chính miệng hắn nói ra. Dù sao thì cuộc đời hắn, ngoài chuyên ngành Sinh học chẳng liên quan gì đến khoa học vũ trụ, khí tượng thuỷ văn hay công nghệ viễn thông, hắn chỉ nói về những chiếc vệ tinh địa tĩnh, gần một kiểu say mê như nói về phụ nữ hoặc xe cộ. Hắn bảo chúng ta có thể quan sát được vệ tinh địa tĩnh khi ở trên mặt đất bởi vì nó luôn vận động theo chiều xoay Trái đất giúp tạo cảm giác nó luôn ở một điểm cố định trên bầu trời, nghĩa là cái vệ tinh ấy vẫn di chuyển nhưng vì chúng ta cũng di chuyển nên chúng ta mới có cảm giác nó đang đứng im. Nhưng trên thực tế, nếu không dùng dụng cụ quan sát thì không thể thấy được chúng.

Nhưng Hoài không biết lý do vì sao bạn cùng phòng của mình lại đột nhiên không còn trên giường nữa. Cậu mở điện thoại lên xem giờ, hơn bốn giờ sáng, vẫn còn quá sớm, tên đó có thể ở đâu vào giờ này nếu không ở trong phòng? Cậu leo xuống giường, tắt quạt trần vì âm thanh của nó đang làm đầu cậu ong lên. Cậu nhìn chiếc bàn lớn gần cửa sổ, chiếc bàn học chung mà cậu và Phố chia nhau sử dụng, trên mặt bàn có một xấp tài liệu, không dày lắm, chỉ hơn một trăm trang A4. Xấp giấy là tập hợp một số bài báo trên tờ Tạp chí Khí tượng thuỷ văn của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, xuất bản năm 2017, trang đang được mở là một bài viết về phương pháp phân loại những đám mây, cũng liên quan đến hoạt động của vệ tinh địa tĩnh. Bên lề văn bản là mấy dòng ghi chú nguệch ngoạc bằng bút chì như sau:

“Giống như đôi mắt anh chăm chú vào một nốt ruồi trên khoé mắt em, khi em xoay đầu, anh cũng tự động di chuyển cơ thể theo cùng hướng, em xoay một vòng anh sẽ đi giáp một vòng, chỉ để nhìn vào nốt ruồi ấy mãi mãi. Giống như một vệ tinh địa tĩnh gắn vào một điểm cố định trên mặt đất. Có lẽ tình yêu là như thế chăng?”

Phố có thể đi đâu trong lúc đọc dở bài viết này?

Hoài vào nhà vệ sinh. Lúc đánh răng, cậu nhớ lại câu chuyện hôm qua người thủ thư của Thư viện cảng Chùa Vẽ đã kể khi cậu yêu cầu muốn biết kiếp trước của mình. Nhân đã kể nó như một đoạn cắt trong một cuốn tiểu thuyết lớn, quá mức chi tiết và kỳ quặc, cậu ta bảo đó là kiếp trước của Hoài: một người Peru sống dưới thời Manuel A. Odría. Tất nhiên là đến bây giờ cậu vẫn còn bán tín bán nghi về câu chuyện ấy, nhưng dù có là bịa, cậu vẫn bị ấn tượng về khả năng tưởng tượng của Nhân. Hoặc có thể là cậu chàng thủ thư có khả năng nhìn thấy tiền kiếp thật. Người phụ nữ, sau khi mọi người đã ra khỏi thư viện và đi dọc theo những container, đã nói rằng cô tin vào câu chuyện đó, vì nghe có vẻ thật và linh cảm của phụ nữ mách bảo cô nên tin.

“Vậy có nghĩa kiếp trước tôi là một người đàn ông bị vô sinh, chết vì lý do chính trị trong một nhà trọ thuê ở Lima?”

“Có thể là như thế.” Người phụ nữ nhún vai.

Lúc ấy, bão đã tan, xe buýt không còn chạy nữa và cậu phải bắt taxi. Lần sau, cậu sẽ yêu cầu ngài Chủ tịch và Phó chủ tịch hỗ trợ tiền phí đi lại.

Đến tầm chín giờ, khi đang tiếp tục cuộc nói chuyện với Plato thì Hoài nhận được một cuộc gọi từ Phố. Có vẻ hắn đang ở một nơi nào đó gió rất to, hoặc có thể hắn đang chạy trên một chiếc xe gắn máy, tiếng hắn bị gió bạt đi, thành thử Hoài chỉ nghe ra chữ được chữ mất.

“Tao đang ở Hà Nội.”

“Mày đến Hà Nội làm gì?” Tạp âm trong điện thoại khiến Hoài vô thức hét to hơn bình thường.

“Chuyện dài lắm, tao đi gặp một cô ngoài đây.” Phố trả lời, giờ thì Hoài có thể chắc chắn hắn đang trên một chiếc xe máy.

“Mày ra tận Hà Nội để gặp gái! Mày bị điên à?”

“Bạn tôi ơi, hứng thú có thể khiến một người làm được rất nhiều thứ.”

Gió vẫn quật tới tấp, Hoài đâm nghi ngại khi Phố dám chạy xe với tốc độ này, cậu có thể tưởng tượng được cảnh hắn vặn ga lao điên cuồng trên đường, xa hơn còn tưởng tượng được mình đang ngồi trên chính chiếc xe đó.

“Khi nào mày về?” Cậu đành phải gấp sách lại, tạm biệt Plato.

“Chưa biết nữa.” Phố trả lời. Ít ra thì trước nay Hoài chưa từng nghe giọng hắn hí hửng như thế. “Nhưng có chuyện này quan trọng hơn. Mày ra đây với tao đi, tao đang thuê một phòng ở Thanh Xuân, tao sẽ gửi địa chỉ cho mày.”

“Khoan đã. Mày đang nói nhảm gì vậy, chưa biết nữa là thế nào? Còn việc học thì sao?”

“Chỉ là một khoảng thời gian ngắn thôi.” Có thể tưởng tượng một cái nhún vai ở đầu dây bên kia. “Mày ra đây với tao đi!”

“Tao không đi đâu hết, đừng có rủ rê.” Hoài gạt phắt.

Chỉ còn lại tiếng gió, giờ thì có cả tiếng còi xe và những tạp âm khác. Hoài đâm lo không biết Phố có đang cầm lái hay không, việc luyên thuyên kiểu này có vẻ không được ổn cho lắm.

“Tao bỏ quên laptop ở trọ rồi, không có nó tao không làm gì được, mày biết mà.”

“Biết cái con khỉ mốc!” Hoài cúi xuống kéo hộc bàn ra, đúng là máy tính xách tay của Phố vẫn nằm trong đó. “Mày tự về mà lấy, đừng có phiền người khác.”

“Cả tập tài liệu tao để trên bàn nữa. Ra đây đi tao sẽ trả tiền xe cho mày. Không, tao sẽ trả hết chi phí cho mày luôn, tao vừa nhận lương.”

“Chuyện đó là tất nhiên. Nhưng không, tao không đi đâu hết. Mày…”

“Thôi tao cúp máy đây, chừng nào mày đi thì báo tao.” Phố đột ngột cắt ngang lời cậu rồi dập máy, không để cho đối phương từ chối gì thêm.

Hoài hét vào điện thoại thêm mấy tiếng rồi mới hậm hực đặt xuống bàn và thở dài. Hai phút sau, cậu nhận được địa chỉ một nhà trọ ở Thanh Xuân, kèm lời năn nỉ vật nài của Phố. Cũng không rõ vì lý do gì, cậu quyết định đồng ý sẽ đi ra Hà Nội.

Nói dối rằng mình đã hết sạch tiền, rồi đợi Phố chuyển một ít qua, Hoài chỉ muốn chắc chắn mình không bị bịp, cậu gom vội đồ đạc và bắt xe, mang theo máy tính xách tay và tài liệu đã được nhờ, ngoài ra còn có vài bộ đồ hú hoạ trong vali. Cậu không đọc sách trên xe, cũng không thể làm việc, suốt quãng đường chỉ có thể nhìn khung cảnh bên đường. Một tuần nữa là hạn nộp bài luận cho Chuyên đề Mỹ Latin, Hoài vẫn chưa nói chuyện xong với Plato, vẫn chưa nghĩ ra được ý tưởng nào hay tìm được điểm kết nối nào giữa Plato với Roberto Bolano, ấy thế mà bây giờ còn lâm vào một tình huống kỳ quặc và quá tốn thời gian.

Cậu nhắn tin cho giảng viên có tiết vào ngày mai, xin không lên lớp một buổi - cậu hy vọng rằng chỉ một buổi, sau đó báo với toà soạn rằng mình đang trên đường ra Hà Nội để tránh những cuộc họp bất ngờ. Vài phút sau, cậu nhận được cuộc gọi từ trưởng ban, lúc này chiếc taxi đã vào đường cao tốc.

“Nếu cậu đi Hà Nội, hãy sẵn tiện ghé qua Bảo tàng Nghệ thuật Thủ đô. Tụi anh vừa nghe thông tin bảo tàng đã bị trộm đột nhập vào tối hôm qua. Chúng đã lấy bức tranh Chân dung cô Phương. Đây là một vụ có thể nói là chấn động nhất năm, không, có thể nói là chấn động nhất lịch sử. Một vụ trộm tranh. Mà cậu hẳn cũng biết giá trị của bức hoạ ấy rồi. Một scandal khủng khiếp, về mọi mặt. Anh định lên kế hoạch cử người ra ngoài đó, trùng hợp cậu cũng đang đi thì tốt quá. Nếu có cơ may, chúng ta sẽ là những người đầu tiên theo đuổi vụ này. Tụi anh trông cậy hết vào cậu đấy. Một vụ trộm bảo tàng, trộm tranh, thực sự quá mức điên rồ! Hoài tưởng tượng được không! Chúng sẽ làm gì với bức tranh đó chứ! Phía bảo tàng sẽ xử lý vụ việc này như thế nào, anh cũng bó tay không thể nghĩ ra. Khi nào đến nơi báo anh ngay nhé, anh sẽ liên hệ với người bên họ để xin được gặp mặt phỏng vấn.”

Lại thêm một nhiệm vụ kỳ quặc không thể từ chối nữa. Nhưng, một vụ trộm cắp? Hoài chưa nghe thấy thông tin gì, có lẽ là do phía bảo tàng đã ra sức giấu kín. Sẽ rất khó khăn để xử lý truyền thông một vụ việc như thế này. Chuyện xảy ra vào tối hôm qua, Hoài nhớ lại, chắc lúc đó bão đã tan và cậu đang từ cảng biển Chùa Vẽ về trọ, hoặc có thể muộn hơn, lúc cậu đang ngủ trong tiếng quạt trần ồn ào. Hoặc cũng có thể là lúc Phố lén bỏ cậu lại mà rời đi không nói một câu.

Nghĩ đến đó, đột nhiên có một linh cảm chạy dọc sống lưng Hoài. Thời gian từ Hải Phòng ra Hà Nội, nếu đi đường cao tốc, cứ cho là trễ nhất, sẽ mất khoảng từ ba đến bốn tiếng. Không khả thi, tối qua bọn cậu lên giường ngủ lúc mười một giờ, Phố chỉ có thể rời đi khi cậu đã ngủ thật say, chắc tầm trong khoảng từ nửa đêm đến một giờ khuya, ra đến Hà Nội đã là bốn giờ sáng, mà theo như trưởng ban nói thì vụ trộm diễn ra vào lúc nửa đêm, sáng nay người kiểm tra mới phát hiện có kẻ đột nhập và bức tranh bị mất cắp. Thời gian như thế thì quá gấp rút, Hoài tiếp tục vẽ ra trong đầu chặn hành trình của người bạn cùng phòng. Nếu Phố ra đến Hà Nội, theo một viễn cảnh lý tưởng, chỉ mất hai tiếng đi xe và không cần đợi Hoài ngủ quá say, cứ cho là mọi thứ đều lý tưởng như vậy, thì hai giờ khuya hắn sẽ có mặt ở thủ đô. Vừa đặt vali xuống, hắn vội vàng đến Bảo tàng Nghệ thuật Thủ đô, rồi làm liền một mạch chuỗi công việc: đột nhập, trộm tranh, tẩu thoát. Cứ xem như hắn có đồng bọn hỗ trợ, thì trong khoảng thời gian đến sáng ra có người kiểm tra - liệu khoảng thời gian đó có đủ không? Vẫn là quá gấp gáp, không ai trộm một bức tranh thuộc hàng đắt đỏ nhất nước với một kế hoạch thiếu chắc chắn như vậy. Thời gian cực kỳ eo hẹp đòi hỏi hành động phải chuẩn xác đến từng chút một, nếu không, chỉ một cú vấp, hoặc trễ chuyến xe, không bắt được xe, đường cao tốc xuất hiện tai nạn ngẫu nhiên, trời mưa, việc đột nhập gặp trục trặc… Chỉ cần một thứ lệch khỏi kế hoạch là tất cả sẽ hỏng bét. Phố chỉ làm được điều ấy trong một viễn cảnh hết sức lý tưởng, bọn trộm khi đã quyết định trộm một bảo vật thì chắc chắn không thể nghĩ đến viễn cảnh lý tưởng, chúng sẽ nghĩ đến những rủi ro trước nhất, mà kế hoạch này thì quá nhiều rủi ro. Và hơn ai hết Hoài chính là nhân chứng, cậu là người tiếp xúc với Phố cuối cùng, tất nhiên cậu có thể làm chứng là đến mười một giờ tối qua Phố vẫn luôn ở trong phòng trọ cùng với cậu, cách nơi xảy ra vụ việc hơn một trăm cây số. Lật bề nào cũng thấy nghi vấn này không khả thi.

Hoài tự trấn an mình rằng chuyện này chẳng thể xảy ra được. Cậu chỉ đang vô thức liên kết hai sự việc không hề có điểm chung nào với nhau, như đòi hỏi tìm điểm chung giữa Plato và Roberto Bolano vậy. Nhưng tiếng gió phần phật như đang ngồi trên một chiếc xe máy vặn hết tốc lực, rồi cả câu nói “tao đi gặp một cô ngoài đây” của tên bạn. Những thứ này không thể làm Hoài bớt suy diễn lại, “cô” ấy có phải là “cô Phương” không? Cầu Trời cho mọi thứ chỉ là trùng hợp. Hơn nữa, Phố chưa từng nói với cậu rằng hắn quan tâm đến hội hoạ, nếu hắn cướp một chiếc vệ tinh địa tĩnh - mà chuyện này chắc không thể nào xảy ra - thì nghe còn đáng tin hơn. Hắn không thích hội hoạ thì sao có thể phát cuồng vì cô Phương hay Nguyễn Gia Trí. Chưa kể, bức tranh ấy được mang về Việt Nam triển lãm là chuyện đến giờ Hoài mới biết thông tin. Buổi triển lãm vẫn chưa công bố ngày khai mạc, nếu không nằm trong ban tổ chức hay báo chí, hoặc ít nhất cũng là một người nghe ngóng đủ nhiều trong giới hội hoạ, thì khó mà biết rõ. Tất cả những lý lẽ này khiến Hoài cảm thấy an tâm phần nào, cậu tập trung tra cứu xem các trang báo mạng đã đưa tin gì hay chưa.

Đáng buồn là hầu hết các trang báo đều đưa tin cả rồi, các bài viết trong hội nhóm những người quan tâm nghệ thuật cũng đang được chia sẻ rầm rộ, tuy tất cả chỉ dừng ở mức phỏng đoán. Hoài phân vân không biết có nên điện Phố để hỏi cho ra lẽ hay không, bởi vì việc đó xét theo phương diện nào cũng đều không cần thiết. Cậu nhanh chóng xua đi những dòng suy nghĩ của mình, rồi lại nhìn ra cửa xe. Hoài cố nhớ về giấc mơ tối hôm qua, do bị tiếng quạt trần đánh thức đột ngột nên cậu đã quên sạch nó là gì ngay khi thức dậy, nhưng có lẽ không phải là ác mộng.

Tài xế huýt sáo khe khẽ, hỏi Hoài đi ra thủ đô chơi à, cậu trả lời mình là phóng viên, chỉ đi công tác mà thôi, dù sự thật có hơi khác một chút. Bác tài xế lại hỏi cậu có phải là về vụ bức tranh gì đó bị trộm mất không, thì ra đến bác ấy cũng đã biết chuyện rồi. Thế là ngày hôm nay, cả đất nước này sẽ bị một phen hú vía khi một bức tranh giá trị bị trộm thó mất từ bảo tàng, dù bình thường chắc chẳng được bao nhiêu người quan tâm nó tròn méo ra sao.

2.

Nhà nghỉ rẻ tiền ở Thanh Xuân có một giàn hoa giấy, quá nổi bật và dễ nhận diện, một vẻ lãng mạn kiểu cách nào đó. Chủ nhà là một người đàn ông hơn ba mươi, thân hình rắn rỏi và săn chắc. Y đồng thời là một người quen rất thân với Phố, nên Phố ở đây làm khách hầu như không tốn chút phí thuê phòng nào.

Người chủ tự giới thiệu mình là Đinh, đang là giảng viên Đại học, nhưng thuộc một chuyên ngành không liên quan gì đến nghệ thuật. Nếu không, Hoài nghĩ, cậu có thể hỏi y đề tài cho bài luận sắp phải nộp, dù cậu không chắc một yêu cầu nhảm nhí như tìm điểm chung giữa Cộng hoà và các tác phẩm của Roberto Bolano liệu có khiến những giảng viên khác - trừ giảng viên đã ra đề này - cảm thấy bối rối hay không. Lúc cậu đến, Đinh đang rửa xe, mặc một chiếc áo ba lỗ trắng và quần đùi thể thao, bên cạnh còn có một con chó to, là loại nuôi để làm cảnh chứ không phải giữ nhà. Phố ở một căn phòng nhỏ trên tầng ba, phòng hai giường và đầy đủ tiện nghi. Hoài không rõ tại sao hắn lại phải ở phòng hai giường, chắc chỉ để cho thoải mái thôi.

Hoài vẫn chưa thể gặp được Phố ngay, Đinh nói hắn đã đi ra ngoài từ sớm, có thể là dạo phố. Hoài nhớ lại tiếng gió rít qua điện thoại, có thể lúc gọi cho cậu Phố đang lượn đi đâu đó, cùng với ai đó. Nhưng tạm gác lại chuyện ấy, cậu đã hoàn thành nhiệm vụ đem laptop và tài liệu về những bài báo của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Quốc gia đến tận đây cho hắn.

Hoài nhắn cho trưởng ban thông báo mình đã đến nơi, bên đó trả lời họ cũng đã sắp xếp được một cuộc gặp mặt giữa cậu và người phụ trách của Bảo tàng Nghệ thuật Thủ đô, hai bên có thể gặp nhau tại văn phòng giám đốc bảo tàng. Họ hẹn với cả giám đốc bên ấy? Hoài không hiểu bọn họ làm thế bằng cách nào, cậu đã tin rằng mình sẽ bị từ chối đón tiếp vì rõ ràng là những người quản lý bảo tàng đang chưa muốn công khai mọi thứ với báo chí, hoặc họ muốn nếu có thể giải quyết nhanh chóng được vụ này thì càng tốt. Có thể phía cảnh sát sẽ tiến hành điều tra và nhanh thôi người ta sẽ tìm ra thủ phạm, bởi vì trộm một bức tranh vào lúc này chẳng có nghĩa lý gì cả, trừ khi bọn trộm bị điên, một bức tranh bị mất cắp không có giá trị gì vì nó là món hàng không thể mang bán được. Vì thế có lẽ họ nghĩ bằng một cách thần kỳ nào đó, khi đã say trên niềm vui chiến thắng đủ thì bọn người trộm tranh sẽ tự ra đầu thú và trả lại món đồ một cách nguyên vẹn.

Thế nhưng họ đã đồng ý gặp, nghĩa là họ đồng ý công khai tình hình đang diễn ra, dám thừa nhận sai sót và gánh chịu hậu quả. Hoài chuẩn bị qua loa đôi chút, mượn của chủ trọ một chiếc cà vạt và đôi giày để chuẩn bị cho cuộc gặp. Đinh hỏi cậu đang định đi đâu, cậu nói mình sẽ đến Bảo tàng Nghệ thuật Thủ đô vì có chút việc, tất nhiên người đối diện đoán ra được ngay đó là việc gì.

“Cậu là nhà báo à?” Đinh hỏi cậu.

“Vâng, bình thường em không phụ trách những vụ thế này, em chỉ viết bài phê bình văn học và hoạt động chủ yếu trên những mục điểm sách thôi. Lần này là vì Phố bảo em ra đây, nhân đó trưởng ban giao cho em phụ trách vụ này luôn.” Hoài giải thích trong khi mang vớ và giày.

Thiếu quá nhiều dụng cụ tác nghiệp, cậu nghĩ chắc mình sẽ phải dùng điện thoại để ghi âm, giấy bút cũng chẳng có, đến một cái cặp táp kẹp theo để làm dáng cũng không. Khi nhận được cuộc gọi của Phố và lời rủ rê quá đột ngột, cậu đã chẳng nghĩ gì nhiều mà vơ đại vài thứ mang theo, tất nhiên trong số đó không hề có thứ gì liên quan đến việc tác nghiệp phỏng vấn.

“Thật ra anh chỉ quen biết Phố lúc học cấp ba thôi.” Đột nhiên, Đinh nói như thể có điều gì đó cần phải làm rõ, “Anh theo đuổi chị của Phố nhưng bị từ chối, vì qua lại thường xuyên nên anh với Phố dần thân với nhau. Tụi anh cứ như anh em ruột vậy.”

“Và anh không có vợ là vì…” Hoài đưa ra một suy đoán.

“Không, không phải.” Y lắc đầu, bật cười có lẽ do tình tiết này hơi giống một bộ phim nào đó, “Chỉ là chưa đến lúc thôi. Đó suy cho cùng cũng chỉ là một giai đoạn mới lớn kỳ quặc, làm sao ghê gớm thế được. Lúc chị của Phố làm đám cưới anh có đến dự nữa cơ, nên không như em nghĩ đâu.”

Đinh bắt taxi cho Hoài. Cậu tạm biệt y, sẵn hỏi y gần đây có quán ăn nào không, rồi bước lên xe. Trên xe có một thứ mùi gì đó tựa như mùi đắng chát của nước thuốc vừa sắc xong.

***

Có một đám phóng viên, một số ăn mặc lịch lãm còn một số thì xuề xoà hơn, đủ mọi loại dụng cụ và máy ảnh, micro cầm tay hay giấy bút. Họ nhốn nháo bên ngoài bảo tàng, mà hôm nay có lẽ không mở cửa, biển báo đề rằng bên trong đang tu sửa gì đó nhưng họ biết thừa là không phải. Một số khác thì có vẻ trầm tĩnh hơn, đứng ở một góc gần bóng râm, nói chuyện qua những làn khói thuốc và những cặp kính dày, tìm cách giết thời gian trong lúc có ai đó từ bên trong sẽ bước ra và đồng ý trả lời các câu hỏi của họ.

Ăn vội vàng một thứ gì đó bên đường, trong lúc vẫn đang đọc bài báo viết về giá trị của bức tranh bị mất cắp đang gây xôn xao trên điện thoại, Hoài bước về phía cổng bảo tàng. Cánh phóng viên đưa mắt nhìn cậu với vẻ không thoải mái, gần như là khinh thị. Trông thấy cậu bước vào, họ huých vai nhau, chằm chặp đánh mắt về phía cậu và nói những câu gì đó. Họ không hiểu bằng cách nào chàng trai trẻ này lại được phép vào bên trong, cậu có thế lực nào chống lưng và đàm phán giùm, toà báo mà cậu làm uy tín đến mức nào? Tất cả đều không phải. Hoài chẳng biết tại sao mình lại có được đặc cách hơn họ, nhưng chuyện đó không quan trọng.

Cậu trình thẻ nhà báo cho bảo vệ, đến phòng đợi tầm năm phút thì thấy từ xa đi tới vóc dáng của một người phụ nữ có hơi chững chạc, đen kính râm và mặc một chiếc đầm liền màu đỏ, phần cổ áo và tay áo màu đen, có cảm giác hơi quyến rũ quá so với độ tuổi. Người phụ nữ đến gần cậu, tháo kính râm và tự giới thiệu mình là giám đốc của bảo tàng. Cậu đứng dậy bắt tay đối phương, cái bắt tay của người phụ nữ dường như có một chút siết nhẹ, không biết là vì đang căng thẳng hay còn vì lý do nào khác.

Bảo tàng Nghệ thuật Thủ đô là nơi diễn ra nhiều sự kiện nghệ thuật, nhờ không gian rộng và mức độ đầu tư quy mô lớn nên tuy không nổi tiếng bằng những bảo tàng quốc gia nhưng cũng là một trong những điểm đến thu hút của dân ưu thích nghệ thuật khi đi thăm thú Hà Nội, đồng thời cũng là lựa chọn của rất nhiều hoạ sĩ khi muốn tìm không gian mở triển lãm trong thủ đô. Nơi này bao gồm một toà nhà hành chính, hai toà nhà là khu trưng bày, trong đó toà nhà lớn hơn là khu chính còn toà nhà nhỏ hơn thường được trưng dụng làm nơi tổ chức sự kiện triển lãm. Ngoài dãy nhà hành chính trông rất đơn điệu, hai toà còn lại được xây dựng theo lối kiến trúc phương Tây thuần tuý, pha trộn giữa một chút âm hưởng Baroque - nghĩa là hơi kịch tính thái quá - và những biểu tượng tôn giáo.

Người phụ nữ đối xử với cậu giống như với một thám tử tư, cô giải thích toàn bộ cấu trúc của khu bảo tàng, đặc biệt là tòa nhà đã xảy ra vụ trộm. Đến tối hôm qua, bức tranh Chân dung cô Phương vẫn còn được đặt cẩn thận trong kho bảo quản, chuẩn bị cho cuộc triển lãm sắp tới, tất nhiên là được canh phòng vô cùng cẩn mật.

“Ít nhất thì chúng tôi đã cố gắng sắp xếp canh gác vô cùng cẩn mật.” Người phụ nữ nói, dường như có chút tự giễu, “Những người bảo vệ bảo tàng không thật sự ý thức được tầm quan trọng trong công việc của mình, bởi vì chưa từng có chuyện ai đó lại đi trộm một bức tranh. Tất cả chúng ta đều không ngờ và không hiểu nổi. Từ động cơ đến cách thực hiện đều hoàn toàn mù mờ, không thể đoán được, như thể bức tranh đã đột nhiên bốc hơi vậy. Tôi nghĩ chính vì vậy mà những bảo vệ đã lơ là cảnh giác, nhưng bây giờ có trách ai thì cũng thế cả.”

Mái tóc nữ giám đốc có một chút xoăn tự nhiên, phần cổ ít nếp nhăn, khó đoán được tuổi, có thể chưa đến bốn mươi nhưng không thể dưới ba mươi. Cô chia sẻ không chỉ về chuyện liên quan đến bức tranh mà còn rất nhiều thứ ngoài lề khác, Hoài phải lọc ra những điểm quan trọng trong vô vàn những đường dây dẫn đi khắp hướng như một mê lộ thông tin mà hầu hết đều không liên quan và không thể đưa lên mặt báo. Cô kể về việc làm cách nào bảo tàng có thể liên hệ được với người sưu tầm đang giữ bức tranh này, thuyết phục họ đưa nó về nước và sắp xếp mở triển lãm. Bây giờ thì chẳng còn uy tín gì nữa rồi.

“Quá trình thuyết phục chẳng dễ dàng chút nào. Suốt bao nhiêu tháng trời với bao nhiêu nhân lực, cam kết biết bao nhiêu điều, chỉ để bức tranh được trở về nước một lần.” Đa phần nội dung buổi phỏng vấn đều là những lời than thở thế này.

Hai tuần nữa buổi triển lãm sẽ diễn ra, nếu có thể tìm được nó về trước lúc đó thì thật tốt, nhưng đó lại là một viễn cảnh lý tưởng khác. Hiện tại, thông tin đã bị lọt ra ngoài, giống như một ngôi nhà dù có được khoá kín kẽ đến mấy cũng không thể tránh khỏi những vết hở để chuột bọ chui vào, đó có thể là những kẽ tường, những lỗ trống, khoảng cách giữa những viên gạch, tất cả đều khiến gió lùa vào làm cả ngôi nhà kêu lên cót két.

Hệ thống camera đã bị đột nhập và phá hỏng trong khoảng thời gian xảy ra vụ việc, không có bất kỳ hình ảnh nào được ghi lại ngoài những chấm nhiễu trắng đen chớp tắt liên tục và va đập vào nhau. Đó là thứ duy nhất chứng tỏ rằng trong chuyện này đã có con người bằng xương bằng thịt nhúng tay vào chứ không phải là một hiện tượng siêu nhiên hay bức tranh tự mọc chân và trốn mất. Chưa kể việc đột nhập vào hệ thống an ninh chứng tỏ bọn trộm ra tay rất tinh vi và sở hữu năng lực đáng gờm, không giống một lũ tay mơ chút nào. Tại sao những kẻ như thế không đi trộm một thứ gì đó thực tế hơn là một bức tranh, chẳng ai lại phí tài năng để trộm một bức tranh cả. Chỉ có thể chúng là lũ cuồng hội hoạ, những tên phát điên vì Nguyễn Gia Trí hay cũng có thể bọn chúng có sở thích kỳ quặc với hình ảnh cô Phương trong tranh. Nếu không thì chẳng có lý do nào khác.

“Ngay sau khi biết được sự việc, tất nhiên chúng tôi liền báo cho phía cảnh sát. Họ đã tiến hành điều tra nhưng những kẻ gây ra vụ này hành động rất sạch sẽ, hầu như không thể tìm được chút manh mối. Tất cả dấu tích đều biến mất. Mọi người vẫn đang cố gắng nhưng thật sự mà nói thì tôi không thấy có chút hy vọng nào.”

Người phụ nữ tiếp tục dẫn cậu xem qua phòng lưu trữ, mọi thứ đã bị lắp biển và căng dây nên không thể bước vào trong. Hoài chỉ có thể đứng quan sát từ bên ngoài. Hai người bảo vệ đêm qua đang bị thẩm vấn lấy lời khai, việc đó lại thuộc về một nhánh khác không liên quan nên Hoài không quan tâm.

Cả hai đứng trước một bức tranh trên hành lang, là tác phẩm của một hoạ sĩ trẻ trong đợt triển lãm vừa kết thúc nhưng vẫn chưa được tháo xuống và đóng gói gửi về cho người đã bỏ tiền mua nó. Đó là một bức tranh trừu tượng với phông nền màu trắng, ở giữa là các vệt màu bắt mắt mà Hoài nghĩ là chúng được tạo ra một cách ngẫu hứng, trên lớp màu đó là những hình kỷ hà xiêu vẹo được kẻ bằng những nét cọ màu đen và mảnh, hình này chồng lên hình kia và ở khoảng giao nhau của hai hoặc ba hình lại được tô kín một lớp màu khác. Vị giám đốc và Hoài đứng cạnh nhau, cùng im lặng ngắm bức tranh như trong một cuộc đối thoại ngầm bằng thần giao cách cảm. Người phụ nữ khoanh tay, dáng lưng thẳng và đôi mắt có chút gì đó vô định, có lẽ là do cô đã xem bức tranh này quá nhiều lần nên đến giờ đã không còn hứng thú nữa.

“Đã có một thời gian cái đẹp không phải trông như thế này. Nó từng là một chuỗi những con số và tỉ lệ, để phần này tương ứng với phần kia trong một thể thống nhất và trong một mô thức được lặp đi lặp lại.” Người phụ nữ nói, đều đều như giọng của một hướng dẫn viên bảo tàng, “Những môn đệ của trường phái Pythagoras đã từng cùng nhau đặt tay lên biểu tượng Tetraktys khi tuyên thệ, vì nó là đại diện hoàn hảo của mối quan hệ giữa những con số với không gian và giữa số học với hình học. Vì thế mà trong kiến trúc, tỉ lệ và các con số là thứ không thể thiếu. Người ta còn tin rằng cơ thể con người cũng tuân theo những tỉ lệ nhất định, tỉ lệ giữa các ngón tay, giữa ngón tay với bàn tay, giữa bàn tay với cổ tay, giữa bàn chân với đầu, giữa khoảng cách hai điểm mút của hai đầu cánh tay khi dang ngang với điểm mút từ đầu đến chân, tỉ lệ giữa mắt mũi và miệng. Nhưng tất cả đã thay đổi, người ta dần tin rằng có những cái đẹp trong sự bất cân xứng, sự bất toàn và hỗn loạn. Càng ngày, khái niệm về cái đẹp càng được nới rộng ra, bây giờ là thành thứ mà ta đang nhìn thấy, một cái đẹp với tiêu chí đánh vào nhận thức hơn là giác quan, chúng giúp người xem khai mở một điều gì đó nhưng không phải ai cũng có thể chạm đến.”

Không rõ người phụ nữ đang muốn dẫn đến điều gì. Hoài chỉ im lặng, những hình kỷ hà bắt đầu chạy lung tung giống như cậu đang đứng trước một thứ nghệ thuật thị giác, nhưng chắc chắn tác phẩm này không phải là loại nghệ thuật thị giác, chỉ là do cậu đã nhìn vào một điểm quá lâu mà thôi. Những vệt màu dày, vón cục, thiếu sự mềm mại và quá nhiều tính bạo loạn, giống như được nặn trực tiếp từ tuýp màu, tạo thành những vết sần sùi khiến cậu khó chịu.

“Tất cả bắt đầu từ những Vệ nữ Willendorf. Các bức tượng cầm tay nhỏ xíu khắc hình những phụ nữ mập mạp, ngồn ngộn, cứ mang đến cảm giác giống như một dạng bùa chú. Nhưng với hình dáng tròn trịa như thế thì hẳn không phải là loại bùa mang đến điềm xấu. Rồi đến nàng Milo, cậu biết nàng Milo chứ?” Người phụ nữ hỏi cậu.

“Tôi có biết. Một bức tượng phụ nữ bán khoả thân, mất hai cánh tay.”

“Phải, tượng Lực sĩ vấn khăn Diadumenos cũng bị mất cả hai bàn tay.” Cô vô thức nhìn xuống bàn tay của mình. “Tôi luôn có một nỗi sợ khi nhìn thấy những bức tượng ấy, lần đầu là trong sách giáo khoa mỹ thuật và những lần sau là trong các công trình nghiên cứu hay sách tư liệu. Bởi vì chúng ta không thể nào biết họ rốt cuộc đang làm gì, cái phần cánh tay bị mất ấy, khi người ta tìm thấy thì chúng đã thế rồi. Tôi đã tưởng tượng ra vô số trường hợp. Có thể họ đang cầm giáo, cầm cung tên, cầm một chiếc bình gốm, hay cũng có thể đang làm một hành động, một ký hiệu kỳ quặc nào đó. Chúng ta đều sợ hãi những thứ chúng ta mãi mãi không bao giờ biết được sự thật. Rốt cuộc thì hai cánh tay của họ đang làm gì? Tôi tưởng tượng họ đang cầm một con dao, tay còn lại thì đang bóp cổ một sinh vật sống nào đó - thỏ, chó hay người nào đó. Họ đang muốn làm thịt một thứ gì đó. Điều đáng sợ là trường hợp ấy hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi vì khi ta không biết được sự thật thì suy đoán nào cũng đều có thể là đúng, khi không rõ chuyện gì đã xảy ra thì bất cứ chuyện gì cũng đều có thể đã xảy ra. Cả một thời gian dài tôi đã bị ám ảnh bởi hình tượng thần Vệ nữ đang giết một thứ gì đó, nó đi vào cả trong những giấc mơ của tôi. Nàng với vẻ mặt trơ lì không cảm xúc của tượng đá, nhìn vào con vật trong tay mình, vẫn giữ nguyên một biểu cảm vô hồn đến lạnh gáy, nàng hạ dao và giết nó.”

Rồi giám đốc bảo tàng còn nhận ra thêm một điều, cũng may là nàng Milo có quấn một chiếc khăn ở nửa dưới cơ thể, chứ nếu đó là một bức tượng khoả thân toàn phần, cả cơ thể loã lồ của thần nữ được phô bày ra hết, có khi cô còn tưởng tượng đến động tác thủ dâm. Nhưng đã có chiếc váy, và có lẽ mỹ học của người Hy Lạp không phải nằm ở những đề tài như thế, nên suy đoán này có thể được loại bỏ, dù ở một trường hợp mơ hồ hay một phần trăm nhỏ như những tế bào, việc đó cũng có thể xảy ra.

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận