• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Phần I

Chương III (2): Ở một diễn biến khác, có kẻ đã trộm mất “Chân dung cô Phương” khỏi bảo tàng nghệ thuật

0 Bình luận - Độ dài: 8,191 từ - Cập nhật:

3.

Không có bài thuyết trình nào cả. Lý do là vì toàn bộ bản trình chiếu được lưu trong máy tính xách tay của Phố, mà hắn thì đã để nó lại ở Hải Phòng trong lúc gấp rút rời đi đêm qua. Cũng không có một bài diễn văn nào vì tài liệu hắn đã tìm hiểu và dự định mang vào buổi thuyết trình cũng đang nằm ở Hải Phòng nốt. Hắn chỉ mang cái thân xác này theo, giống như một người đột nhiên tỉnh dậy giữa cơn mơ hồ và nhận ra mình đã di chuyển đến một nơi rất xa trong vô thức. Giờ thì hay rồi, chẳng có lấy một công bố, chẳng làm màu, chẳng ra dáng hay những phát biểu hùng hồn như trong dự định, chỉ có hắn ở đây với cái đầu trống rỗng.

“Đoạn này không có ai đâu, cả khu này bị bỏ không mấy năm nay rồi, cùng lắm chỉ có thể tông phải chó mèo hoang thôi.” Khôi vừa nói vừa vặn ga nhanh hơn, Phố bật ngửa ra sau vì quán tính.

“Tông trúng ai hay con gì không phải là vấn đề, vấn đề là tao với mày, nếu tông trúng một con mèo thì cả hai cũng sẽ đi đời luôn đấy. Mày nghĩ chạy với tốc độ này thì lúc xảy ra chuyện hai đứa có thể sống nổi à?” Phố hét lên mặc cho thằng bạn ngồi trước có vẻ đang chẳng nghe thấy gì.

Thằng này phê đồ rồi, hắn nghĩ, lẽ ra hắn phải là người cầm lái mới đúng, nhưng chiếc xe là của Khôi nên hắn đành chịu. Phố ra đây mà bỏ lại tất cả ở Hải Phòng, có được bộ đồ dính da là may mắn lắm rồi.

Khôi đã chạy xe máy ra tận Hải Phòng, đến trước nhà trọ để đón hắn rồi cả hai lại chạy ngược về Hà Nội. Suốt quãng đường không thay tay lái, Phố đoán hẳn Khôi đang trong một cơn phê thuốc, chứ người bình thường không ai làm được một kỳ tích như vậy, chưa kể Khôi từ trước đến nay còn chẳng phải là một đứa trâu bò dai sức gì cho cam.

“Tao đã nhờ bạn cùng trọ đem máy tính và tài liệu ra đây giúp rồi. Tao không muốn chết trước khi buổi thuyết trình diễn ra đâu.” Phố lại hét lên, vật nài thằng bạn mình chạy xe cẩn thận một chút.

“Đồ sợ chết!”

“Mày thề là mày không sợ chết đi, thằng ngu!”

Vòng vèo hết khu dân cư bỏ hoang, họ ra đến đường lớn, bấy giờ chiếc xe mới chịu giảm tốc, nhưng vẫn còn rất nhanh so với tốc độ đi lại bình thường. Khôi lách người trong những cú suýt soát va chạm, bẻ ngoặc một cách đột ngột khiến cho chiếc xe nghiêng hẳn về một bên, vượt qua đầu xe máy và mấy lần tạt đầu xe tải, tất cả đều cách bàn tay Tử Thần chỉ trong gang tấc. Phố tái xanh mặt mày nhưng không hiểu vì sao lại hơi thấy phấn khích với trò này, mỗi khi chiếc xe thực hiện thành công một pha nguy hiểm, hắn có cảm giác như chính mình cũng đạt được một thành tựu nào đó, như đang có một bảng điểm vô hình treo lơ lửng trên đầu và được cộng dồn sau mỗi cú ghi bàn đẹp mắt. Gió thổi rát mặt, một cảm giác đau điếng trên da thịt. Nếu không dừng lại sớm, có lẽ chỉ một lát nữa quả tim Phố sẽ thòng xuống tận mắt cá chân và hắn sẽ chết ngay trên xe, không cần đến bất kỳ vụ tai nạn nào. Nhưng ngay khi hắn có cảm giác mình sắp không chịu đựng nổi, chiếc xe máy đột ngột dừng lại trước một toà nhà lớn. Hắn bước xuống, cảm thấy mặt đất đang nghiêng qua một bên, không thể trụ nổi hai chân cho vững. Hắn dựa vào bờ tưởng thở hổn hển, trái tim dường như muốn căng ứ và sắp vỡ ra.

“Yếu bóng vía quá, mày!” Khôi vỗ vỗ vai bạn mình, không thèm để ý đến cái nhìn trừng trợn của đối phương. “Hải Phòng khiến cho mày càng ngày càng hiền đi, như thế không được. Tao còn tưởng Hải Phòng phải hơn ở đây chứ!”

Hắn gạt phắt cánh tay Khôi, đứng dậy và cởi nón bảo hiểm, khuôn mặt tái xanh dần lấy lại chút ít sắc máu.

“Không ở đâu có chuyện chạy xe bán mạng như mày hết, đừng có áp đặt hay nguỵ biện.”

Đáp lại hắn, Khôi chỉ ôm bụng cười ngặt nghẽo. Sau một lúc hoàn hồn, cả hai đi vào trong. Ở đây lại có một hội kín khác, giống như thế giới này được tạo ra bởi muôn vàn hội kín và mỗi người đều thuộc về một tập thể bí ẩn nào đó để xác nhận sự tồn tại của chính mình. Ban đầu Phố không định tham gia buổi gặp mặt hôm nay, bởi vì vấn đề dễ thấy nhất là điều kiện địa lý quá cách trở, nhưng rốt cuộc nó đã được giải quyết bằng cách phía hội sẽ cử một thành viên khác đi đón hắn - nếu hắn biết người được chọn là Khôi thì chắc chắn hắn sẽ từ chối gấp. Lý do thứ hai là bởi vì Phố chẳng có lý do gì để tham gia cả, hắn không có gì để trình bày, không có gì để đóng góp, và hoạt động của cái hội này có ý nghĩa gì ngoài việc giết thời gian ra chứ. Nhưng rốt cuộc thì bây giờ Phố đã ở đây rồi, chỉ ngặt một điều rằng chẳng hiểu vì sao mà bài chuẩn bị của hắn lại bị bỏ quên cả trong căn trọ ở Hải Phòng, lẽ ra đó là thứ đầu tiên mà hắn không được phép quên mới phải, nhưng ngớ ngẩn là hắn đã quên và Khôi cũng đã không nhắc hắn.

Muốn đáp lại sự nhiệt tình của đám bạn chỉ là một phần lý do. Còn lý do khác khiến Phố đến đây là vì - như điều hắn đã nói với Hoài - hắn muốn gặp một cô gái, cũng sẽ xuất hiện trong buổi họp hôm nay. Nhưng đó lại là một câu chuyện dài khác.

“Mày đâu nhất thiết phải nhờ bạn mày đem mọi thứ ra tận đây cho mày như vậy, phiền người ta chết!” Khôi đã nói khi nghe cuộc gọi giữa hắn với Hoài.

Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở bản trình chiếu trong chiếc máy tính xách tay hay đống tài liệu, đó còn liên quan đến chuyện “không ai sống xa chiếc máy tính của mình được”. Phố không thể ở lại đây một khoảng thời gian mà không có nó, quá nhiều bất tiện có thể xảy ra. Phố giải thích nhưng Khôi chỉ bĩu môi, tên đó bảo đứa bạn cùng phòng trọ với Phố thật tội nghiệp, dặn hắn đừng đối xử với người ta như con hầu thằng ở như thế.

“Nó sẽ thích ở đây cho xem!” Phố chỉ nhún vai, trả lời lấp lửng.

Trong lúc đó, cả thủ đô đang xôn xao về một vụ trộm đã xảy ra vào đêm qua tại Bảo tàng Nghệ thuật Thủ đô - một bảo tàng vừa mới khánh thành được vài năm gần đây. Một trong những bức hoạ đắt đỏ nhất Việt Nam đã bị trộm mất, ngay trong bảo tàng dù được canh phòng cẩn mật. Từ sáng Phố đã cảm giác được cái không khí kỳ lạ, một thứ quỷ dị, âm mưu khó lường đang bao trùm cả Hà Nội. Tất cả như đang bị giăng trong một kế hoạch to lớn hơn, mà chuyện bức hoạ giá trị nào đó bị trộm mất chỉ là một phần trong chuỗi kế hoạch đồ sộ và tràn ngập mưu mô ấy.

Đó là bức Chân dung cô Phương của cố hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí. Phố và Khôi nghe được thông tin này từ ông chủ của một quán bán cơm tấm Hà Nội, cả hai nhìn nhau và cùng nghĩ rằng nó thật điên quá mức. Ai có thể làm ra một chuyện như thế chứ, chẳng lẽ là những tên của Đại học Mỹ thuật Việt Nam, hay là bọn cuồng tranh nào đó. Hay lớn hơn, đây chỉ đơn giản là một vụ chơi khăm, để cả nước xào xáo một phen và cái đám đã gây ra vụ này sẽ ở trong bóng tối tha hồ giễu nhại, cười cợt, hất cằm với thiên hạ, rồi đến khi đã chơi chán, tụi nó sẽ hô biến và bức tranh quay về lại chỗ cũ trong bảo tàng. Cứ vậy rồi vụ việc sẽ trở thành một huyền thoại, một bí ẩn lừng danh được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

“Sao tao không nghĩ ra ý tưởng này sớm hơn nhỉ! Trộm bảo tàng. Đúng là một vụ tầm cỡ và đáng để thử một vố, chỉ nghe thôi đã thấy kích thích rồi! Trời ạ tao phải lưu nó lại.” Khôi phấn khích với ý tưởng ấy đến mức làm Phố cảm thấy lo ngại. Nhưng chuyện trộm một bức tranh - còn có gì điên hơn được nữa chứ?

Căn nhà họ đang bước vào thuộc về một trong những căn không dùng đến của gia đình Huấn. Bây giờ nó chỉ được trưng dụng để cho Huấn mở tiệc cùng đám bạn, ghé chơi vào những ngày rảnh rỗi hoặc khi không muốn thấy mặt bất kỳ ai trong gia đình. Ngoài ra, nó còn có một công năng khác: một nơi tổ chức hội kín, như lúc này.

Hội là một tập hợp các thanh niên có đam mê với “Những dạng thức tình yêu khác nhau”, lịch hoạt động không cố định - chúng tuỳ hứng như tình yêu vậy. Số lượng tham gia cũng không cố định, có lúc lên đến mười mấy hai mươi thành viên nhưng có lúc chỉ lèo tèo ba bốn tay - nếu ít hơn ba tay, nghĩa là chỉ có một hoặc hai thành viên tham dự thì xem như phải hoãn lại hoạt động ngày hôm đó, chuyện này xảy ra khá thường xuyên. Phố là một thành viên không chính thức của hội, thật ra hắn bị bắt tham gia hơn là tình nguyện. Người ta chỉ ghi danh hắn cho có, vì từ lúc chuyển ra Hải Phòng sống đến nay, tần suất tham gia hoạt động của hắn chỉ quanh quẩn mỗi năm từ một đến hai lần, về giá trị đóng góp thì có thể xem như bằng không. Nhưng lần này quay lại, Phố có đóng góp một bài, mà chỉ cần nghe qua cái tên đã thấy cực kỳ ấn tượng: Kiểu tình yêu như một chiếc vệ tinh địa tĩnh dành cho Trái đất.

Huấn đã há hốc mồm khi nhận được bài viết từ hắn, y dùng những mỹ từ cao đẹp nhất để gọi công trình hoành tráng ấy: một hướng đi không ai tin được, máy móc và tình yêu, vũ trụ và tình yêu, khí tượng và tình yêu, một chủ đều quá mức cao siêu và độc đáo, với cách tiếp cận hấp dẫn và đầy cảm hứng. Phố xuất hiện hôm nay là để trình bày về nó, nhưng bởi vì sự đãng trí vớ vẩn mà phần của hắn sẽ phải dời lại vào buổi chiều, ít nhất cho đến lúc Hoài đem được cái máy tính xách tay và đống tài liệu tham khảo đến được Hà Nội. Dù sao thì, công trình đóng góp của Phố có lẽ là phần thu hút nhất ngày hôm nay, Huấn đã cất công đi quảng cáo, kêu gọi mọi người tham dự để tận mắt chứng kiến một nghiên cứu “táo bạo và mang tính bước ngoặt” về một dạng thức tình yêu mới mà thành viên trong hội vừa khám phá ra.

Nhưng ở một phía khác, vẫn có vài người nghi ngờ về chất lượng của công trình ấy. Ban đầu, tuy họ cũng rất háo hức song khi trở về với những cái nhìn thực tế hơn, họ nêu quan điểm rằng chúng ta phải xem xét nó một cách kỹ lưỡng trước khi đưa ra bất kỳ đánh giá nào. Liệu có phải Huấn đang ca ngợi quá mức hay không, vì có khả năng nào để nó - bài viết của một thành viên không mấy khi góp mặt - lại đủ sức sánh ngang với công trình nghiên cứu dường như đã trở thành huyền thoại của hội.

Cái công trình huyền thoại mà họ đang nói đến chính là một trong những bài viết đầu tiên, có thể nói là khởi nguồn của tất cả, bài viết của Huấn, nói về một dạng thức tình yêu có tên là: Kiểu tình yêu cũng như Van Gogh yêu những cánh đồng ở Auvers-sur-Oise mà vẫn chọn cách rời đi. Công bố này trở thành hiện tượng vì vào thời điểm nó ra đời, hầu như không ai đạt được mức độ thâm sâu và điêu luyện để khám phá ra những điều tương tự như vậy. Dù càng về sau này, những công trình tìm hiểu và lý luận của hội ngày càng phát triển nhưng nó vẫn là một trong những chuẩn mực không thể thay thế.

Phố gặp Ly đang ngồi bên dưới hàng ghế khán giả. Giữa phòng khách có một cái bục cao, không nằm trong cấu trúc của ngôi nhà, cái bục ấy chỉ là một thứ ghép lại từ những hộp gỗ nhỏ, kê cao hơn sàn độ năm phân. Hắn đến gần cô, họ chào hỏi nhau vài câu, Ly hỏi hắn chuyến đi thế nào, hắn chỉ qua người bạn ngồi cạnh.

“Khôi đã chạy xuống tận Hải Phòng để đón mình rồi lại chạy ngược về Hà Nội. Tất cả chỉ diễn ra trong một đêm, trên một chiếc xe gắn máy ngon lành và tin được không, y không để cho mình thế chỗ, một mình y thực hiện quãng đường dư sức bào mòn tan nát bất kỳ một thanh niên khoẻ mạnh nào. Mình bảo Khôi là y có phải đang phê thuốc hay không, vì chỉ có người chơi đồ mới làm được kỳ tích ấy, nhưng y cứ cố chối.”

“Mình không hề chơi đồ, không phê gì cả. Ly nhìn mình xem có giống đang phê đồ không?” Khôi đưa tay tự chỉ vào mặt mình nhưng trái ngược với những gì y nói, trên đó lại có quá nhiều dấu hiệu của một người đang phê pha - từ đôi mắt đỏ kè đến khuôn mặt tiều tuỵ nhưng vẫn có cảm giác của một sự dồn nén năng lượng đến mức gần như phát điên.

“Thế đó, mình đến nhà trọ ở Thanh Xuân, vừa nhận phòng là mình liền cùng Khôi đi ăn sáng, dạo lòng vòng và đến đây.” Phố nói tiếp, “Nhưng dù là trong nội thành nhưng y vẫn chạy cùng một tốc độ như trên đường cao tốc, mà dù trên đường cao tốc thì nó vẫn tính là quá nhanh rồi. Nói chung là một chuyến đi khủng khiếp.”

“Nghe được đấy.” Cô nàng gật đầu. “Vẫn chưa trễ lắm đâu, mọi thứ chỉ mới bắt đầu thôi.”

Ly nói hôm nay mình đến là vì có hứng thú với nội dung của Phố. Trùng hợp là Phố xuất hiện ở đây cũng vì biết Ly sẽ tham gia. Không biết là cái nào xảy ra trước, Phố muốn tham gia nên Ly tham gia hay Ly tham gia nên Phố mới tham gia theo, cái nào sinh ra cái nào? Nhưng việc đó không còn quá quan trọng nữa.

“Mình nghe nói phần trình bày của Phố bị dời xuống buổi chiều.” Ly nghiêng đầu nhìn hắn, hỏi. “Có chuyện gì vậy?”

“Mình bỏ quên laptop ở phòng trọ ngoài Hải Phòng, còn cả mấy tài liệu quan trọng nữa. Mình chẳng hiểu tại sao bản thân có thể quên được khi chúng là lý do quan trọng nhất để mình có mặt ở đây, mà cái tên này cũng không nhắc mình.” Phố chỉ vào Khôi. “Nên mình đã nhờ người đem mấy thứ ấy ra đây hộ, có lẽ đến giữa trưa là mình nhận được rồi.”

“Nhiêu khê gớm! Nghe cứ rắc rối quá mức cần thiết thế nào ấy.” Cô nàng nói, có vẻ cảm thấy buồn cười hơn là mỉa mai.

“Thật ra nhé, người đem hộ đồ cho mình cũng thích Hà Nội lắm, nhưng tên đó chẳng có lý do gì để đi. Mình chỉ đang tạo cho hắn một lý do thôi.”

“Dóc tổ!” Khôi bật cười trong một cơn quá khích kỳ quặc. “Mày chỉ đang tự lấp liếm thôi, rõ ràng mày chỉ muốn gây thêm phiền phức cho người khác. Tội nghiệp cho cậu bạn ấy!”

“Mày thì biết cóc gì!” Phố huých tay thằng bạn. Không rõ Ly có hiểu hết những gì họ đang nói không, cô chỉ bật cười kèm một cái lắc đầu.

Buổi hôm nay còn có một bài đóng góp của Khôi, phần trình bày của tên đó được xếp thứ hai, sau phần của một gã hình như vừa vào hội được hơn một tháng - gã này chỉ góp một bài thơ ca ngợi tình yêu, một lựa chọn an toàn nhưng đủ tốt đối với thành viên mới. Khôi thì bàn về “tình yêu và tốc độ”, không ai thực sự hưởng ứng y bởi một phần vì y có vẻ đã hơi bị phấn khích quá mức, gần như là lố lăng, đặc biệt lố lăng, trong lúc say sưa trình bày bài viết của mình. Thông thường biểu hiện ấy sẽ gây được thiện cảm nhưng với Khôi thì không, cảm giác như y vẫn chưa thoát được chuyến đi kỳ tích vào tối hôm qua, Khôi như vẫn còn đang sống trong đó, nên thái độ này làm người nghe cảm thấy không được thoải mái cho lắm. Giữa phần thuyết trình của Khôi, Phố nhận được tin nhắn của Hoài, tên nọ thông báo đã đến nhà nghỉ và mọi thứ Phố nhờ vả đều đã được để trong phòng trọ cả rồi, còn bây giờ thì Hoài cần phải đi làm chút chuyện ở đâu đó nên hẹn sẽ gặp sau. Phố tưởng tượng mình sẽ bị tên bạn cho ăn một cú đấm ngon lành khi cả hai gặp mặt.

Có vẻ như, dù trong một tập thể nhỏ đến mức nào miễn là có con người thì sẽ có phe cánh, sẽ có những thế lực thù địch tìm cách tranh giành ảnh hưởng và hạ bệ đối thủ. Vấn đề của Phố tuy chỉ là một sai phạm nhỏ nhặt và cũng không đáng để nói rằng nó sẽ dẫn đến bất kỳ điều gì, nhưng việc phải dời lại thứ tự trình bày đã phần nào gây ra sự bất lợi tất yếu đối với hắn, và những người ở phe đối lập đã lợi dụng được điều này để tạo lợi thế cho bản thân. Có phải có một thế lực nào đó đang muốn lấn át hắn không, hắn cũng không đủ cơ sở để khẳng định chắc chắn nhưng có thể lờ mờ đoán được sự tồn tại ấy.

Khôi hoàn thành phần của mình. Tiếp theo là đến phần của một thành viên thuộc thế hệ đầu tiên của hội. Tên đó có vẻ rất tự tin vào sự chuẩn bị của gã.

“Tình yêu nàng thơ”. Đề tài này không thật sự thú vị, gần như là nhàm chán. Một kiểu tình yêu thuần tuý và mang tính chất lãng mạn hơn là kiểu yêu đương nam nữ thông thường.

“Mình nghe bảo bài lần này của cậu ấy được đầu tư rất công phu, không biết là cậu ấy sẽ làm gì đây.” Ly khẽ thì thầm với Phố trong lúc hắn khoanh tay nhìn tên đang ra vẻ úp úp mở mở trên sân khấu.

“Mình cũng nghe Huấn nói rồi, nhưng chúng ta cùng xem thử thế nào.” Hắn gật đầu.

Tên nọ bắt đầu nói về những nàng tiên bảo hộ cho nghệ thuật và tri thức trong thời Hy Lạp cổ đại, đặc biệt xoáy sâu vào những nàng thuộc lĩnh vực nghệ thuật. Người Hy Lạp quan niệm khi các nghệ sĩ sáng tác ra sản phẩm nghệ thuật, họ được những nàng tiên này điều khiển và hướng dẫn để tạo nên kiệt tác. Và có lẽ đây chính là những hình tượng đầu tiên về “nàng thơ” trong nghệ thuật, những người con gái mà sự xuất hiện của họ đem lại cho các nghệ sĩ nguồn cảm hứng sáng tác dồi dào bất tận, đã đi vào các tác phẩm nổi tiếng thế giới.

“Các bạn có thể kể tên một người cho tôi biết không?” Gã chĩa micro về phía khán giả.

Mona Lisa!” Khôi hét lên, hình như sự kích động đã đạt ngưỡng và y bắt đầu không kiềm chế được bản thân. Phố lại huýt y lần nữa.

“Phải rồi, còn ai nữa nào?” Tên kia lại tiếp tục, đưa tay khích lệ mọi người.

Diễm xưa của Trịnh Công Sơn.” Phố giơ tay lên và nói một cái tên với vẻ không hào hứng lắm, hắn nghĩ mình cũng nên hợp tác giúp người khác hoàn thành tốt phần trình bày của họ, bởi vì tại sao không.

“Ai nữa?”

Rồi sau đó là hàng loạt cái tên phụ nữ được gọi ra, trải dài từ thơ ca, hội hoạ, âm nhạc, điêu khắc, kịch nghệ, điện ảnh và vân vân đủ thứ lĩnh vực trên đời. Hầu như các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng có nội dung liên quan đến một người phụ nữ nào đó đều được mang ra nói, còn chuyện có phải họ là nàng thơ hay không thì tính sau, bởi vì khái niệm này dù gì cũng chỉ mang tính trừu tượng, có thể hiểu theo nhiều nghĩa, tất nhiên đa phần trong số đó không liên quan gì đến chuyện yêu đương nam nữ.

“Phải, tình yêu giữa người nghệ sĩ và các nàng thơ nghệ thuật - suối nguồn sáng tác của họ, hầu hết đều không liên quan gì đến tình cảm nam nữ. Điều ấy đã thúc đẩy tôi nghiên cứu và tạo ra công trình này, một thứ tình yêu giữa nghệ sĩ và các nàng thơ. Một thứ tình yêu đã tốn biết bao giấy mực của các nhà phê bình và nghiên cứu, cả những kẻ chuyên gia hóng hớt đời tư của các nghệ sĩ nữa!”

Rồi gã ra hiệu cho hậu cần chuẩn bị làm việc.

“Và đây, xin giới thiệu với mọi người, để mọi người được dịp chứng kiến một nàng thơ nổi tiếng trong hội hoạ Việt Nam. Mà có lẽ các bạn chính là những người vinh dự được thấy nàng sớm nhất so với tất cả những người khác.”

Phố và Khôi, không ai bảo ai, trố mắt nhìn nhau. Những người trong phòng khách đột nhiên xôn xao, bởi vì đây không thể nào là nó, bởi vì ai cũng đã đoán ra được chuyện gì đang diễn ra, bởi vì họ đã xem tin tức. Nhưng họ xôn xao, dậy động, hoặc im phăng phắc trong bầu không khí căng thẳng tột độ.

Phố vô thức bật khỏi ghế ngồi, Khôi cũng chồm người về trước. Hắn hy vọng, không, hắn chắc chắn là chuyện này không thể xảy ra, không được phép xảy ra, ngay tại đây, trong một tập hợp thanh niên lố nhố, bất kham, điên rồ, quá ồn ào và lúc nào cũng dễ dàng bị kích thích bởi những điều vô nghĩa này. Nó không được phép diễn ra ở đây.

Tấm màn được kéo xuống, thứ hiện ra không phải màn hình trình chiếu như thông thường, mà là một bức tranh.

Chân dung cô Phương.

“Mọi người hãy cùng chiêm ngưỡng nàng thơ mà chúng tôi đã cất công mời đến đây, cô Phương của Nguyễn Gia Trí.”

Nó không thể nào là sự thật.

“Quá đỉnh! Tuyệt vời! Trời ơi là thật kìa.” Khôi lắc lắc vai hắn. Sự phấn khích của tên đó đã vượt quá giới hạn chịu đựng của cơ thể, y hét lên một cách không kiểm soát và nước bọt trong miệng y tuôn ra không kiềm lại được, y dường như đã bật khóc, hoàn toàn vô thức. “Đây chính là lịch sử! Tất cả chúng ta đã trở thành huyền thoại rồi.”

Chúng ta sắp vào tù cả lũ rồi. Phố chỉ nghĩ được đến thế.

***

Lời khai của một chàng trai trẻ tên Phụng, là nhân viên bảo vệ duy nhất đã nhận thấy điểm bất thường, trong tổng cộng ba người thay phiên nhau canh gác kho lưu trữ ngày hôm đó, như sau:

Khi đến giờ trực, Phụng đã đi kiểm tra khắp mọi nơi trong bảo tàng, cả hai toà nhà và những hành lang trưng bày vô số hiện vật hay tranh ảnh kỳ quặc mà anh không được dạy cách để ngắm chúng. Mỗi khi nhìn thấy khách tham quan đứng thật lâu trước một bức tranh mà hầu như nó không có quá nhiều thứ để nhìn, anh đều cảm thấy khó hiểu. Để ngắm một bức tranh liệu có thể mất khoảng thời gian bao lâu? Theo anh, chỉ cần nhìn từ vài giây đến một phút là có thể soi rõ từng chi tiết trên một bức tranh rồi, bởi vì tất cả đều đập vào mắt người xem, thông tin được truyền đi và tiếp nhận qua thị giác dường như là ngay lập tức. Vậy thì có lý do gì để những người ấy đứng từ mười lăm phút đến nửa tiếng, hoặc có khi hơn, trước một bức tranh hay một món đồ trưng bày đơn giản. Anh nghĩ có thể bọn họ đang muốn ra vẻ, bởi vì dừng lại để chiêm nghiệm - hoặc nghĩ đến chuyện khác không liên quan - trước một tác phẩm nghệ thuật thì trông mình sẽ giống một dân sành sỏi hơn. Chưa kể đến những bức hầu như chẳng có gì để xem, cả một bức tranh lớn chỉ có một hai nét quẹt, không khác nào tranh của con nít vẽ. Tại sao lại tốn ngần ấy thời gian để ngắm một bức tranh như thế chứ.

Nhưng đó chỉ là những thắc mắc thật ra rất riêng tư của anh trong lúc làm công việc đi kiểm tra xung quanh như bao đêm khác. Hai người nhân viên bảo vệ còn lại, lớn tuổi hơn, thì đang bận rộn với trò xí ngầu, đặt cược bằng những điếu thuốc lá. Anh đứng trước bức vẽ những hình kỷ hà đơn điệu trên lớp nền vón cục nhiều màu sắc - mà chúng ta đã được biết khi ngày mai Hoài và nữ giám đốc bảo tàng cũng sẽ đứng nói chuyện trước nó. Anh không rõ vì sao, có thể xuất phát từ một cảm giác bất an khó lý giải, mà mỗi khi đi ngang qua bức tranh này anh đều ngửi được một mùi hương lạ, có thể do màu vẽ của nó được chế tác bằng một loại chất liệu đặc biệt. Song vấn đề không phải nằm ở bức tranh ấy mà nằm ở một bức tranh khác, vẽ một người phụ nữ khoả thân, của một người hoạ sĩ hình như rất cuồng Picasso nên vẽ y hệt một kiểu giống với Những cô nàng ở Avignon.

Phụng đã tận mắt thấy rõ, như anh trình bày với phía cảnh sát, rằng người phụ nữ trong bức tranh ấy thật sự đã di chuyển trước mắt anh. Cô ta còn hát hò và múa một điệu múa kỳ quặc, mà cơ thể khoả thân được vẽ bằng những nét nguệch ngoạc còn khiến chuỗi cử động ấy đáng sợ hơn gấp nhiều lần. Người phụ nữ đó dường như muốn khiêu gợi anh, bằng những động tác táo bạo và gợi dục. Mà Phụng không biết vì lý do gì - chắc chắn anh không thể yêu một hình nhân được vẽ quá kỳ quặc và một người không hiểu gì về hội hoạ như anh chắc chắn không thể thấy nó đẹp được - lại bị cô nàng xấu xí nọ kích thích thành công.

Với Phụng, có lẽ hình ảnh kia đã khai phá một ham muốn bí ẩn nào đó trong anh, nó luôn ở đó nhưng chưa từng được bộc lộ ra, để bây giờ một tác nhân bất ngờ bên ngoài đã giải phóng nó. Có thể anh có sở thích làm tình với những cơ thể vặn vẹo, những hình nhân méo mó xộc xệch, những người có vẻ ngoài dị thường dị chủng, hay diễn đạt theo một cách khác thì ngoài làm tình với những người phụ nữ đẹp thì anh còn muốn thử việc ấy với những người không đẹp, khiếm khuyết về ngoại hình hoặc lớn hơn, có thể cả những thứ mà trông còn chẳng giống con người. Một người đàn ông muốn làm tình với những nét vẽ xù xì và thật ra thì có thể làm tình với tất cả mọi thứ trên đời nếu muốn. Anh đã bị bức tranh đó, người đàn bà được tạo ra từ những nét cọ đen và hình thù quái dị dẫn dụ thành công.

Lúc ấy, người bảo vệ trẻ có cảm giác như mình đã bị lạc vào một mê cung mà các vách ngăn chính là những bức tranh, chúng được phóng to ra và nối đuôi nhau, gắn kết với nhau thành những dãy tường dài dằng dặc, kín kẽ và thành cao ngất. Phụng cố gắng chạy theo người đàn bà, với bộ mông và cặp ngực mà anh không chắc chúng có đúng là mông và ngực không, và có thể vì sự kiện này mà tương lai anh sẽ đột nhiên nhận ra vẻ đẹp của những bức tranh mà từ trước đến nay anh không hề thấy nó đẹp, anh có thể trở thành một nghệ sĩ lừng danh cũng không biết chừng. Kèm theo đó, bên tai anh vẳng lên tiếng lách cách của kim loại mà khi nhớ lại anh có cảm giác nó giống như tiếng viên đạn được tra vào ổ, ở những bộ phim mà lúc căng thẳng thì âm thanh bên trong khẩu súng được khuếch đại lên. Rồi khi tóm được người phụ nữ ấy, anh đè cô xuống và bắt đầu làm tình, y như thật. Nhưng tất nhiên, đến đây chúng ta có thể nhận ra rằng tất cả đều không phải là thật, tất cả đều là một ảo giác kỳ quặc của một chất kích thích nào đó mà tác nhân không rõ là từ đâu ra, có lẽ anh chàng mãi mãi cũng không được biết. Khi tỉnh giấc, anh thấy mình đang ôm ghì lấy một cây cột đá.

Để kể lại tất cả những chuyện này thì thật xấu hổ và cần nhiều can đảm, dù hầu như nó chẳng giúp ích gì được cho quá trình điều tra của cảnh sát - vì thực tế đến giờ họ cũng đâu có điều tra ra được gì.

Còn hai người bảo vệ lớn tuổi, khi anh quay trở lại bàn gác thì họ đã đi đâu mất, bàn gác đã trống trơn không biết là bao nhiêu lâu. Theo Phụng, có lẽ chính khoảng thời gian bị bỏ trống này là lúc những tên tội phạm đã đột nhập vào để trộm tranh, khoảng thời gian mà anh vẫn đang bị mắc kẹt trong mê cung tranh cùng với người đàn bà xiêu vẹo nên quay lại trễ hơn so với quy định mười lăm phút, còn hai người kia vì đến giờ đổi ca mà chưa thấy anh đến nên họ đã tự động rời khỏi chỗ trực và đi nghỉ trước. Lời khai này vẫn bị đặt trong vòng nghi vấn bởi vì nghe giống như nhân chứng vừa mới bịa ra nó xong, với vô số điểm bất thường, vô lý, kỳ quặc và hầu như không có khả năng xác thực. Hiển nhiên rằng cảnh sát không điên mà tin trăm phần trăm vào một thời khai có tính chất như thế.

Về phía hai nhân sự còn lại, họ giải thích gì về việc rời bỏ chỗ trực một cách thiếu trách nhiệm như vậy dù biết người thay ca vẫn chưa đến? Ở đây câu chuyện lại càng rùng rợn hơn gấp bội. Cả hai đều khai rằng lúc ấy rõ ràng Phụng đã đến thay ca. Họ kể lại rằng đêm qua trông Phụng rất khác thường, anh từ xa đi đến như một cái bóng, hết ngã bên này lại nghiêng qua bên kia, như một con rối bị điều khiển. Anh đến gần họ, ngồi vào bàn trực và bảo họ hãy quay về phòng nghỉ, mọi việc còn lại cứ để phần anh. Dường như cả hai người họ đã nhìn ra đôi chút nét kỳ lạ trên mặt Phụng. Người đó có lẽ không phải Phụng mà hình như, họ run rẩy khi nhớ lại, một kẻ song trùng với Phụng, một kẻ y hệt anh nhưng lầm lì, thất thần hơn, với khuôn mặt cứng đờ như tượng sáp và hoàn toàn kiệm lời. Hai người họ lẽ ra phải nhận thấy điều bất thường, đó không thể là Phụng mà có lẽ là một ai khác giả danh anh ta, đã cải trang và lừa bọn họ. Nhưng có lẽ vì nhiều lý do khách quan và chủ quan mà họ đã xem thường biểu hiện kỳ lạ ấy mà trở về phòng nghỉ, ung dung quên ngay lập tức khi đặt người lên giường.

Phụng thì không thừa nhận rằng mình đã đến gặp họ hay nói những lời như thế, anh khẳng định rằng khi mình đến nơi thì đã chẳng còn ai ngồi ở bàn gác và anh tin rằng họ đã tắc trách mà tự ý rời chỗ trực trước, dù đúng là lỗi của anh khi đến muộn thật đi chăng nữa. Vậy là lời khai từ hai phía đã xảy ra mâu thuẫn, một số thông tin không hề ăn khớp vào nhau khiến cho quá trình điều tra trở nên rối rắm. Giữa hai phía lời khai không ai chịu nhận điều mà bên kia đã trình bày, họ đều có những sự thật của riêng mình? Vấn đề bây giờ là lời khai nào nghe đáng tin hơn, cái nào mới là sự thật.

Theo cách suy luận và diễn giải từ phía cảnh sát, rõ ràng lời khai của hai người bảo vệ là đáng tin hơn bởi vì họ có hai người, khó có trường hợp hai người cùng nhìn thấy một thứ ảo giác y hệt nhau và kể lại ăn khớp với nhau đến như thế, cũng không có chuyện dễ dàng nhầm lẫn. Còn lời khai của Phụng thì khó đối chiếu và xác thực hơn, nên độ tin cậy vì thế cũng ít hơn. Có thể diễn giải vụ việc theo hướng như sau:

Trong lúc Phụng bị rơi vào một cơn hôn mê, thôi miên, ảo giác, hay thứ gì đó tương tự, anh đã thật sự không kiểm soát được hành vi của mình và đã đến gặp hai đồng nghiệp rồi chuyển giao ca trực đúng như lời khai của họ thật, nhưng tất cả chỉ xảy ra một cách vô thức nên khi tỉnh táo lại anh đã bị khuyết đi phần ký ức đó hoặc không hề ý thức được mình đã làm những gì. Và nghĩ theo hướng này thì rõ ràng đã có chuyện gì đó xảy ra trong mười lăm phút Phụng mất ý thức và chỗ canh gác không có ai, trong khi hệ thống an ninh và camera cũng bị vô hiệu hoá.

Vẫn còn một cách suy diễn khác, cho rằng có thể chính Phụng là người đã trộm bức tranh, hoặc là một trong những thành viên của bọn trộm, và nếu chuyện đi theo hướng này thì rõ ràng những gì anh đã kể đều là bịp hết ráo. Nhưng xét trên nhiều phương diện khác nhau, người ta không tìm thấy điểm khả nghi nào hay lý do gì để Phụng làm như vậy, nhưng nghi vấn này hoàn toàn có khả năng. Dù sao thì, bức tranh đắt giá vẫn đang chu du ở nơi nào không ai biết.

***

Nhưng Phố thì biết. Phố biết rõ chuyện gì đang xảy ra. Việc này thật điên rồ. Chưa bàn đến vấn đề rằng bức Chân dung cô Phương của Nguyễn Gia Trí xuất hiện ở đây hoàn toàn chỉ để làm trò lố. Tụi ấy không cần phải mang bức tranh đến đây, chúng vẫn có thể trình bày công bố của mình như bao người khác dù là có bức tranh hay không. Rốt cuộc thì, về mặt khoa học, việc ăn cắp bức tranh có đóng góp gì cho công trình của chúng? Chẳng có đóng góp gì sất. Đây chỉ là một trò gây kích động hoàn toàn vô tri, mục đích duy nhất là tạo sự chú ý, tìm cách làm lu mờ đề tài của Phố.

Họ đã thành công, không chỉ bởi vì hiệu ứng đạt được đang quá mức kinh khủng, ai ai xung quanh Phố cũng phấn khích đến phát điên, mà còn bởi vì sẽ chẳng có phần trình bày nào của Phố nữa. Hắn xông lên trên, đấm vào mặt tên đang dang hai tay đón nhận những tràng pháo tay và hò hét ủng hộ mình, rồi trong sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người có mặt ở đó, hai người đứng trên bục giằng co qua lại.

“Lũ tụi bây điên rồi! Mau đem nó trả lại cho bảo tàng ngay.” Phố hét lên, lại thêm một cú thụi.

“Thằng chó! Mày mới điên, tụi tao chỉ mượn để minh hoạ thôi. Xong việc tụi tao sẽ trả.” Tên bị đấm choáng váng cố thủ thế nhưng vẫn ăn trọn thêm một đòn nữa.

“Mày sẽ khiến cho cả đám ở tù. Mày nghĩ mình đang làm gì vậy hả!”

Những người khác xúm lại kéo cả hai ra. Lại thêm một trận náo động nữa, người này va phải người kia, người kia đập tay vào mặt người nọ, người nọ lỡ giẫm chân lên giày người khác. Toàn bộ đám thanh niên cả trai lẫn gái như một đám thú hoang sổng chuồng, xông vào và nện nhau túi bụi bất chấp đối phương là ai. Chỉ cần một hành động quá khích đến đúng lúc sẽ kéo theo một vụ bạo loạn quy mô tầm cỡ. Gã Huấn loay hoay xoay đầu này đầu kia, thất thủ không biết phải ổn định tình hình bằng cách nào, rồi lại lớ ngớ bị ai đó nắm phải mái tóc dài lãng tử của gã, lôi đi xềnh xệch.

Ly đã nhanh chóng tẩu thoát khỏi cuộc tàn sát đang diễn ra, còn Khôi, tất nhiên là người hăng máu nhất, nhưng y hăng máu theo một kiểu khác hẳn so với bạn bè mình, lúc này có lẽ là lúc sự ranh ma của y được việc. Khôi tiện tay kéo một cái khăn trải bàn màu trứng gà bên cạnh, khiến mấy ly rượu cùng vô số dao, nĩa, thìa, tách, hoa quả rơi lộp bộp xuống sàn, rồi lại bị ba bốn đôi giày của cơn bạo động xung quanh giẫm lên nhoe nhoét. Y phóng đến chỗ bục sân khấu, tròng tấm khăn lớn ấy lên đầu đối thủ của Phố - lúc này đang vung micro loạn xạ.

“Giữ tên này lại! Tao sẽ chôm bức tranh.” Y hét, tiện quăng kẻ đang bị trùm đầu cho Phố rồi chạy đến chỗ tấm bạt.

“Khoan đã, nhưng tao đâu có muốn chôm nó!” Phố luýnh quýnh nhận lấy cả thân người vừa bị ném qua chỗ mình và khoá tay tên đó lại, nhưng vẫn không hiểu chuyện gì đang diễn ra trong đầu Khôi. Hắn đang muốn bảo tên trộm hãy trả bức tranh về chỗ cũ chứ không phải muốn cướp nó từ tay gã. Hình như thằng bạn của hắn đã hiểu sai trầm trọng vấn đề.

Khôi nhấc khung tranh lộng kính lên rồi hấp tấp tìm lối chạy đi, xung quanh là đám người lố nhố vừa đập nhau vừa cười nghiêng ngả, chắc vụ đánh đấm đã chuyển từ giai đoạn nghiêm túc sang đùa cợt. Khôi với bức tranh quá khổ được nâng cao khỏi đầu, vừa chạy vừa hét những câu chẳng đâu vào đâu:

“Việt Nam vô địch! Lịch sử là của chúng ta! Nhanh lên Phố, thằng ẻo lả, nhanh lên! Lịch sử là của chúng ta!”

“Mẹ nó!” Phố nghiến răng, quăng đối thủ mình qua một bên rồi ôm tấm khăn trải bàn chạy theo, định cản tên kia lại.

Nhưng cả hai cứ chạy như vậy, ra đến bên ngoài, Phố mới chợt nhận ra mọi thứ đã quá trễ, hắn đã vướng vào một vụ rắc rối chẳng biết phải giải quyết làm sao. Hắn nhìn lại tấm khăn màu trứng gà trong tay, đành hết cách phải dùng nó phủ lên bức tranh. Hắn và Khôi leo lên xe máy. Chiếc xe phóng đi, vẫn cái tốc độ như muốn tự sát, hay có khi còn hơn cả thế.

***

Hình như có gì đó không ổn với bảo tàng này. Đến bây giờ đột nhiên Hoài mới nhận ra điều đó. Những người ở đây, hay cái không khí, cái mùi, tính chất của không gian, tất cả mọi thứ đều không ổn, là do tất cả đều không ổn hay chỉ có duy nhất một thứ không ổn nên kéo theo những thứ khác cũng thành không ổn? Có một thứ gì đó quỷ dị, tà ma, sai lầm, lệch lạc, cần phải được chỉnh lại, uốn nắn lại ở nơi này. Song, tuy nghĩ được đến vậy nhưng cậu vẫn không biết nó rốt cuộc là gì.

Bức tranh trước mặt cậu và nữ giám đốc, những hình kỷ hà tối giản hết mức được chồng chéo lên nhau, đặc biệt là mùi, khi ngửi lâu, bức tranh này toả ra một thứ mùi gì đó quả thật rất kỳ lạ. Vấn đề hình như là nằm ở lớp bột màu dùng để vẽ ra nó, có thể không phải là loại màu vẽ thông thường được mua ngoài các tiệm hoạ cụ, hoặc cũng có thể nó chỉ là loại màu bình thường thôi nhưng đã được pha thêm vào trong thành phần một thứ gì đó, một chất có thể tạo mùi. Và mùi này mỗi khi sực vào mũi lại khiến đầu Hoài nhức ong lên, chỉ ngửi từ nãy đến giờ trong lúc nghe người phụ nữ nói chuyện đã khiến cậu không thể chịu nổi, cậu bắt đầu cảm thấy hoa mắt và buồn nôn.

“Giám đốc, tôi nghĩ là bức tranh này có vấn đề, nó không có mùi giống mùi của màu vẽ thông thường.”

Khi Hoài xoay qua nhìn người bên cạnh, người phụ nữ đã nhắm mắt và nhíu mày lại, bước chân lảo đảo như chực ngã, gần như là đã bị lâm vào hôn mê. Cô liên tục nói sảng những nội dung rời rạc, câu từ dính mắc vào nhau mà Hoài trong lúc này cũng cảm thấy chúng thật mơ hồ. Có thể những lời tâm sự quá mức cởi mở từ này đến giờ của người phụ nữ cũng là do thứ hoá chất bí ẩn kia gây ra.

Rồi sau đó, người phụ nữ đột nhiên oà lên khóc nức nở, vùi khuôn mặt trang điểm đậm vào hai bàn tay của mình, dáng đứng của cô vẫn thẳng thớm, nếu nhìn từ xa có thế nghĩ là cô chỉ đang lấy hai tay vuốt mặt, nhưng những cái rung nhè nhẹ kín đáo vẫn có một chút gì đó khiến cho mọi thứ trở nên nặng nề hơn. Hoài không biết phải làm sao vì cậu chẳng hiểu là cô đang lẩm bẩm điều gì. Đột nhiên, người phụ nữ dứt hẳn cơn khóc, gạt nhẹ nước mắt và khuôn mặt ngay lập tức lấy lại được vẻ bình thường và đĩnh đạc vốn có, giống như vừa rồi chỉ là do bị ai đó nhập vào, giống như một kiểu lên đồng mất kiểm soát.

“Cậu tên Hoài, nhỉ!” Vị giám đốc nhìn qua cậu, trên hàng lông mi vẫn đọng lại vài giọt nước, “Cậu có thể hỏi tôi một câu, cứ hỏi những gì cậu thích, tôi sẽ cố gắng trả lời. Hỏi đi, gì cũng được.”

Tuy không hiểu lắm về yêu cầu này, nhưng ngay lập tức một câu hỏi bật ra trong đầu Hoài, và lời nói thoát ra khỏi miệng cậu một cách gần như là vô thức.

“Cô sẽ trả lời dù câu hỏi vô cùng nhảm nhí và không đâu vào đâu chứ?” Hoài hỏi.

Người phụ nữ gật đầu. Trong mắt cậu, cô như bị phân thân ra muôn vàn phiên bản và chúng hỗn loạn trong một chuỗi những biến đổi về màu sắc, cử động và âm thanh, đến lúc này ranh giới giữa tri nhận và bất khả tri chỉ cách nhau mong manh như một lớp khói.

“Cứ hỏi đi, tôi sẽ trả lời.” Người đối diện khích lệ.

“Vậy thì tôi muốn biết tiền kiếp của mình. Kiếp thứ mấy cũng được, liền kề trước kiếp này hoặc nhảy cóc cũng được. Quan trọng là tôi muốn biết rằng, trong cả quá trình tồn tại và phát triển của thế giới, tôi ở vị trí nào và là gì với nó!”

Cũng như cậu thủ thư ở Thư viện cảng biển Chùa Vẽ, ban đầu người phụ nữ có hơi bất ngờ, nhưng rồi cô gật đầu như thể đã hiểu điều cậu muốn nói.

“Vậy thì tôi sẽ thử nhìn xem ở một tiền kiếp nào đó thì cậu là gì.”

Rồi người phụ nữ chỉ vào bức tranh từ nãy đến giờ họ đang ngắm, Hoài quan sát nó một lần nữa. Trong cơn ảo giác của một chất hoá học không rõ nguồn gốc, thứ mà người hoạ sĩ tạo nên bức tranh này đã thêm vào màu vẽ nhằm mục đích nào đó của hắn, thứ đã khiến cho người bảo vệ tối hôm qua lâm vào một cơn ảo giác kinh hoàng mà khi thoát ra thì bức tranh quan trọng nhất của bảo tàng đã biến mất, cậu không biết rốt cuộc mọi thứ sẽ dẫn đến đâu. Hiện tại Hoài vẫn chưa hiểu được quá sâu xa về những chuyện đó, cậu đang nhìn theo cánh tay của người phụ nữ. Trong mắt cậu, những hình kỷ hà bắt đầu chuyển động, màu sắc của chúng rối lên và tràn ra khỏi khung hình, chúng lan ra khắp các bức tường và thấm dần vào mọi thứ trong không gian nơi họ đang đứng.

“Hít thở thật sâu, nhìn vào nó đi!” Người phụ nữ ra lệnh, nghe giọng có vẻ cô đã tiến đến khá gần Hoài.

“Tôi không nhìn thấy gì cả.” Hoài lắc đầu, hít vào một hơi mạnh và cảm giác được thứ mùi hương khó chịu ấy đang chạy thẳng lên đến các nơron thần kinh trong não, cơn ảo giác ngày càng sâu và mạnh mẽ.

“Nhìn thật kỹ hình ảnh đó. Hít vào và thở ra.” Lúc này thì giọng nói đã ghé sát vào bên tai Hoài.

“Phải nhìn như thế nào?” Hoài sắp sửa phát điên với cái thứ mùi nồng nặc này.

Người phụ nữ đưa tay chỉ cho cậu thấy, đầu ngón tay di chuyển lên xuống trong một khoảng không cố định.

“Từ đầu đến chân, từ chân lên đầu…”

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận