Cơn bão số hai mang tên vị thần Biển đổ bộ vào đất liền ngay buổi tối ngày hôm sau.
Nhưng từ giữa trưa, mặt trời bị đã che khuất bởi những đám mây đen dày đặc, khiến không gian xung quanh dần tối sầm, u ám và ảm đạm hẳn. Có cảm giác độ phân giải của thế giới đã bị giảm xuống vài bậc. Chỉ còn thứ ánh sáng đáng sợ của chớp, thỉnh thoảng lại loé lên, xẻ dọc bầu trời.
Về chiều, gió bắt đầu thổi, những cơn gió dữ dội lắc mạnh hai hàng cây bên vệ đường tựa hồ sắp bẻ chúng gãy làm đôi, những tấm biển quảng cáo bên ngoài các cửa hàng bị hất văng, những chậu hoa nằm la liệt khắp nơi, những thùng rác đặt cạnh máy bán hàng tự động đổ nhào.
Rồi, cơn mưa cuối tháng Tám mang theo sự thù hằn rõ rệt, đổ xuống mặt đất rào rào làm nhiệt độ đột ngột giảm sâu. Tiếng cây cối đập vào nhà cửa, tiếng kêu rít của các vật dụng bay lượn. Tiếng sấm rền, tiếng nước ồ ạt xối xuống mặt đường. Hoà lẫn tiếng còi, động cơ xe và tiếng người la ó bên ngoài, tạo thành chuỗi âm thanh ầm ĩ, hỗn loạn vô cùng. Như ai đó đang cố tình sắp xếp lại thế giới bằng những hành động phá phách vậy.
Tôi chợt phát hiện ra một con ve nằm chết trên nền ban công. Vị sứ giả của mùa hè đã duyên dáng từ giã cõi đời. Nó chủ động nhảy từ một bụi cây nào đó và chọn nơi này để chết sao? Hay là bị một cơn gió mạnh thổi bay nên mất kiểm soát mà phải hạ cánh ở đây. Trong lúc chờ gió lặng, vòng đời của nó chấm dứt, ý định của nó mãi mãi không thành hiện thực.
Khoảnh khắc nỗ lực lý giải thông điệp mà con ve để lại, tôi nhìn chằm chằm vào xác của nó. Tháng Tám sắp đi qua. Cơn bão này chắc đã tàn sát một số lượng côn trùng không nhỏ. Thứ gì sẽ bị dập tắt trước, tiếng ve kêu hay sự cuồng nộ của mẹ thiên nhiên? Nếu có thể, tôi vẫn muốn được nghe tiếng kêu nhức đầu của chúng. Ít nhất, âm thanh ấy khiến mùa hè cuối cùng của tôi trọn vẹn hơn dù chỉ một chút.
Cơ mà không có cũng chẳng quan trọng lắm.
Vừa mơ hồ nghĩ, tôi vừa thả mình nằm vật xuống giường. Máu dồn lên não, cộng với tình trạng thiếu ngủ kéo dài hai đêm liên tiếp khiến đầu óc tôi mụ mị, hai mắt mờ đục, mọi âm thanh nghe như vọng đến từ sau một bức tường. Trong thế giới bao phủ bởi màn sương mù ấy, chỉ có những nỗi đau và mộng tưởng của tôi là thật.
.
Sau biến cố ngày hôm qua, tôi đang dần muốn buông bỏ. Quả thực từng câu, từng chữ mà chú Hạ xối vào tai tôi đã tác động rất nhiều. Song, nguyên nhân chính vẫn là do tôi chủ động nhận ra, hệ quả khi tiến hành kế hoạch, lại đang sai lệch hoàn toàn với mục đích mà bản thân tôi đang nhắm tới.
Rành rành là tôi lợi dụng năng lực Hồi Quang Phản Chiếu của mình để xóa bỏ lời nguyền mà Gió gánh chịu suốt mười năm qua, giúp cô ấy thoát khỏi sự đau đớn luôn không ngừng hành hạ khắp cơ thể. Thế nhưng, cứ mỗi lần tôi tiến hành Dịch Vụ Kéo Dài Sinh Mệnh, người con gái tôi yêu lại phải trải qua hàng loạt sự hành hạ cả từ thể xác lẫn tinh thần. Những nỗi dày vò mà khi hồi tưởng, tôi lại không khỏi cảm thấy xót xa.
Phần khác, sẽ không ngoa khi nói tôi nghi ngờ sự thành công của kế hoạch này. Vì khi thời gian không còn dư giả để có thể thong dong bước đi như trước được nữa, thì con đường ấy vẫn bị bủa vây bởi một màn đêm đen dày đặc không thấy đích. Mọi tiến độ cứ như giậm chân tại chỗ, chẳng chút tiến triển nào.
Giả sử bây giờ tôi bắt đầu nhận ra, liền lấy hết sức bình sinh, cắm đầu cắm cổ chạy. Thì thứ đợi ở bên kia màn đêm ấy, có thể chỉ là bất lợi mà thôi. Nó không khác gì việc bạn bứt tốc ngay nửa đầu của cuộc thi về sức bền cả, sớm kiệt sức rồi ngã gục mà chẳng đạt được bất cứ thứ hạng thành tích nào đáng kể.
……….
Hoặc là mày sẽ đến được Đường Thế Giới có hệ số phân kỳ 1%. Cũng đáng để thử lắm chứ.
Thế nhưng, ở nơi xa vời hơn, thuộc về tâm trí, phiên bản ‘tôi’ khác lại liên tục gửi về những dự cảm, ngụ ý muốn tôi hoàn thành toàn bộ mục đích ban đầu.
Không có đâu.
Vừa dụi đầu vào gối, tôi vừa thầm phản bác:
Điều tuyệt vời như vậy làm gì có chuyện dễ ăn cơ chứ. Và một khi chưa có gì chắc chắn về tính chất khả thi của nó, thay vì liều lĩnh đánh cược, thì đi tìm phương án nào đó thực dụng không phải là điều thiết thực hơn sao?
Song, dù một mực khẳng định, tôi vẫn không dám phủ nhận việc bản thân đang dao động.
Quả thực giống với việc buông bỏ, tôi cũng có hai lý do để tiếp tục. Thứ nhất, kể cả không thành công, tôi cũng sẽ đạt được một nửa nguyện vọng của mình. Đó là điều chắc chắn. Và thứ hai, đã đi xa được đến như thế này rồi, chẳng ai muốn mọi nỗ lực của mình trở nên uổng phí cả.
Dừng lại để tìm cách khác hay cố chấp đương đầu? Dù đặt lên bàn cân, lựa chọn từ bỏ có thể nặng hơn lựa chọn tiếp tục, nhưng sự chênh lệch của cán cân lại không đủ lớn để tôi có thể tin tưởng quyết định nào mới sáng suốt.
Tỷ lệ cũng chỉ là con số, một khi không phải 100% thì mãi mãi là 50%.
Nghe có vẻ đầy mâu thuẫn so với những lời tuyên bố hùng hồn với Gió hồi tháng Sáu, rằng ‘tôi thích việc hành động để rồi hối hận hơn do dự để rồi hối hận’ nhỉ? Về cơ bản thì nó cũng không khác nhau, khi tôi của ngày ấy lẫn tôi của hiện tại, đều chăm chăm mong Gió có thể thoát khỏi những cơn đau. Tự tin bước tới tương lai tốt đẹp rồi sống cuộc đời bản thân mong muốn.
Bởi vì…
… tôi yêu em.
.
Aaaaaaaaaa!
Sến sẩm như vậy chẳng giống tôi chút nào.
Nhưng nói tóm lại, tôi đang cực kì phân vân. Chính những chọn lựa khó xác định được kết quả đã khiến tôi trở nên căng phồng, trống rỗng. Nếu cứ phó mặc cho dòng đời, xô đẩy tới một tương lai vô định mà thiếu đi những suy tính kỹ càng. Tôi nhất định sẽ lạc lõng, cuối cùng là nổ tung rồi biến mất không dấu vết, tựa hồ trái bong bóng xà phòng mỏng manh vậy.
Này.
Nghĩ tới đây, tôi lại thầm tự hỏi:
Ai đó có thể cho tôi biết rằng tất cả những điều tôi đã làm trong suốt hơn ba tháng vừa qua, có thực sự là đúng đắn không? Và tôi phải làm gì tiếp theo đây?
***
Những tia nắng chói chang đi xuyên qua lớp kính, chiếu thẳng vào mặt khiến tôi sực tỉnh.
Hình như sự mệt mỏi kéo dài, cộng thêm tiếng mưa rả rích du dương đã khiến mí mắt tôi sụp xuống rồi chìm vào giấc ngủ tự lúc nào vậy.
Sau khi nheo mắt để đỡ loá, ngồi dậy giữa giường rồi nhìn ra bên ngoài khung cửa sổ ngay bên cạnh, tôi thấy cơn bão đã tan, gió đã lặng, mặt trời rực rỡ soi rọi phố phường. Nơi có nắng chiếu bừng sáng trắng toát như ảnh phơi sáng bị hỏng, còn nơi khuất nắng tối đen như cái hố trống hoác. Trên đầu là trời xanh bao la không một gợn mây. Sắc xanh quá gắt, chẳng khác nào đồ nhân tạo. Trời xanh giống hệt đồ giả. Phía bên dưới, trái ngược với mặt đất ngổn ngang cành cây và lá, lẫn bùn đất, rác rưởi từ các ngõ ngách trên dốc cao đổ xuống, trông có phần nhớp nháp. Đường sá xung quanh ngập lênh láng. Những vũng nước khổng lồ hiện diện khắp thành phố. Những tán cây tựa hồ đã được nước mưa tưới tắm, gột rửa sạch sẽ hết bụi bặm lâu ngày, lại khoác lên mình lớp áo màu xanh diệp lục đầy mới mẻ.
.
Thân là kẻ đã sinh ra và lớn lên nơi đầu sóng ngọn gió, cơn bão kiểu này đối với tôi mà nói, hiển nhiên có phần tương đối dễ chịu, sẽ nực cưới nếu đem so sánh với những đợt ‘giông lốc’ như cơm bữa ở đảo Thiên Đường. Song không phải là không đáng quan ngại, vì kể cả khi đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới như hiện tại, chính ‘nhờ ơn’ nó mà chúng tôi vẫn bị kẹt lại đất liền thêm vài hôm nữa. Do lệnh cấm biển buộc tất cả tàu thuyền trong khu vực đều phải dừng hoạt động.
Khoảng thời gian rảnh rỗi ấy, tôi và Gió chỉ quanh quẩn trong căn chung cư mà gia đình ông Chiêm sở hữu. Đó là một căn hộ 2LDK sang trọng, toạ lạc trên tầng thứ năm, của một toà nhà thuộc chuỗi căn hộ liền kề bên rìa thành phố. Diện tích tương đối rộng, lại ở góc, có hai mặt hướng ra ngoài khá thoáng đãng. Tầng trệt còn cho thuê mặt bằng làm siêu thị nhỏ, bán đầy đủ các đồ dùng thiết yếu, nên nhìn chung rất tiện lợi. Ít nhất thì trong những ngày mưa gió, chúng tôi hầu như không phải đi đâu.
Hiện tại là gần trưa. Dòng người và xe cộ đổ ra đường ngày càng nhiều, di chuyển chầm chậm trên đường phố lầy lội. Thấy cứ ở trong phòng mà suy nghĩ mông lung mãi cũng chán, tôi liền uể oải tiến vào nhà tắm, vệ sinh cá nhân qua loa cho tỉnh táo rồi mới mở cửa bước ra ngoài.
Đảo mắt một vòng khắp phòng khách được thiết kế theo phong cách industrial, với đồ nội thất góc cạnh và tường thô ốp gỗ tự nhiên bao quanh, tạo nên một không gian công xưởng giả lập đơn giản nhưng không kém phần tinh tế. Tôi rất nhanh đã tìm được Gió ở gian bếp phía đối diện. Dáng vẻ loay hoay đó, cùng tiếng mỡ sôi xèo xèo, hình như cô ấy đang xào nấu gì đó thì phải. Một mùi thơm ngòn ngọt toả ra khiến tôi thích thú mà tiến lại gần.
“Cậu dậy đó à?”
Nhận ra sự hiện diện của tôi, cô quay lại trước khi nhẹ nhàng cất tiếng. Thấy tôi không đáp, chỉ khẽ gật đầu, thì vui vẻ nói thêm:
“Trông cậu có sức sống đấy, ít nhất là hơn hẳn so với hôm qua. Đã ngủ được rồi phải không?”
“Cũng chút chút.” Tôi điềm đạm trả lời. Còn tâm trí thì vô thức hồi tưởng lại theo lời Gió.
Quả thực vào tối hôm qua, do cảm thấy hơi đói sau nguyên một ngày trời tự nhốt mình trong phòng để cho tâm trạng bình ổn lại. Tôi mới ra ngoài, tính kiếm gì đó bỏ bụng, thì bắt gặp Gió đang lúi húi dọn dẹp. Thấy tôi, cô ấy lập tức nhăn mặt, sau đó vội vàng đẩy tôi vào nhà tắm, vừa luôn miệng thúc giục:
“Trông cậu không kinh khủng quá đấy, còn bốc mùi nữa. Nên hãy mau sửa soạn tươm tất lại đi. Quần áo cứ để tôi lấy cho.”
Nghe vậy, có lẽ không còn sức để phản kháng nữa, tôi cũng ngoan ngoãn nghe theo.
Và, khoảnh khắc soi tấm thân tàn tạ trước tấm gương khổ lớn, tôi mới hình dung rõ sự “kinh khủng” trong lời của Gió. Với gương mặt trắng bệch, đầu tóc bù xù như tổ quạ, hốc mắt thâm quầng, hai con ngươi lờ đờ vì thiếu ngủ. Còn cơ thể thì suy nhược đến xanh lét cả lại, đổ mồ hôi ướt sũng cả lớp áo trong cùng. Hệt người bệnh sắp chết tới nơi. Điều đó khiến chính tôi cũng nhất thời không chịu đựng nổi, khẽ cau mày mà đưa tay gạt cần gạt. Sau đó vẫn mặc nguyên quần áo, bần thần mặc kệ dòng nước nóng từ vòi hoa sen xối thẳng vào đầu một lúc lâu.
.
Giờ nghĩ lại, cảnh tượng đáng ra phải miêu tả bằng hai từ “kinh dị” ấy vẫn khiến tôi không khỏi rùng mình, liền xấu hổ lảng sang chuyện khác:
“Cậu thì sao? Còn đau lắm không?”
“Vết thương lành miệng hẳn nên cũng hết đau rồi.” Gió lắc đầu đáp, trên môi còn nở một nụ cười trấn an: “Thỉnh thoảng có hơi chóng mặt do sốc phản vệ hoặc thiếu máu cục bộ thôi. Vài ngày là hết.”
“Năng lực bất tử mà cũng bị vậy à?” Tôi hỏi vu vơ: “Cải thiện bằng những thực phẩm giúp bổ sung chất như thịt đỏ hoặc hải sản thì sao?”
“Ừm… với người bình thường thì có thể có lợi. Nhưng so với tôi thì chẳng cải thiện được bao nhiêu. Chỉ như muối bỏ bể thôi.”
Rồi không muốn tập trung đến vấn đề đó nữa, cô gái ấy liền chủ động tránh né:
“Nói đến thịt, sáng ngày cô Phương có ghé qua, cho chúng ta nhiều lắm. Nghe đâu của giống bò rừng nào đó, là hàng hiếm ở đảo đấy. Nên tôi đang xào với hành tây và xả ớt. Cậu ăn luôn chứ?”
Bà giúp việc à?
Nghe vậy, tôi gật đầu:
“Ừ. Tôi cũng hơi đói rồi.”
Vừa chớp chớp mắt suy tư:
“Bà cô đó chắc áy náy tợn lắm. Hôm qua mưa gió thế còn tới thăm mấy lần.”
“Phải ha!” Gió mau mắn đồng tình, trong khi hai tay vẫn bận bịu múc thức ăn từ chảo ra đĩa: “Lần nào đến cũng hỏi thăm cậu đấy. Nếu có cơ hội thì nên nói một tiếng để họ an tâm. A! Giúp tôi xách nồi cơm nhé. Thức ăn chuẩn bị xong đây rồi.”
“Biết vậy.”
Đáp lại cụt lủn cho cả hai lời đề nghị, tôi cáu kỉnh tiến lại gần vị trí cắm cơm và bắt đầu làm theo lời cô ấy dặn. Trong lúc đó, Gió cũng bày biện thức ăn ra bàn. Dáng vẻ cần mẫn, cùng mái tóc vàng ngả đen óng mượt, gương mặt xinh đẹp hút hồn, đôi bàn tay thoăn thoắt khiến tôi nhất thời tưởng tượng ra một bà nội trợ mẫu mực, đang dành hết tâm huyết chăm chút cho gia đình. Một khung cảnh mà đến cả trong mơ, tôi cũng chẳng có gan mà ngó ngàng tới.
.
“Của cậu này.”
Sau khi sới hai muôi cơm ra bát rồi đẩy sang cho tôi, Gió vừa trỏ vào đĩa thức ăn đầy ú ụ giữa bàn mà vui vẻ đề nghị:
“Cậu ăn thử xem có vừa miệng không.”
Nghe thế, tôi không vội, nhẹ nhàng gắp miếng thịt nửa bì nửa nạc rồi đưa lên miệng. Hương vị có chút kích thích đầu lưỡi, tạo nên thứ cảm giác thèm ăn. Cảm nhận kĩ hơn, đúng là có khác biệt, nhưng không quá rõ rệt so với những loại bò đông lạnh tôi vẫn mua ở siêu thị trên đảo Thiên Đường.
Song, trước gương mặt đầy mong đợi của cô gái ngồi phía đối diện, tôi lại không thể nói huỵch toẹt ra. Liền gắp thêm miếng thứ hai, rồi mới hứng khởi trả lời:
“Ngon lắm. Phần bì giòn sần sật, phần thịt lại khá mềm, nhưng không quá bở như mấy loại bò công nghiệp mình hay ăn. Lửa và gia vị rất vừa. Xem chừng sẽ tốn cơm lắm đấy.”
Khiến Gió bất giác mỉm cười, ánh mắt thoáng hiện lên vẻ hạnh phúc hiếm hoi:
“Còn nhiều mà, cậu cứ ăn thoải mái.”
Rồi cũng bắt đầu thưởng thức.
Trong bữa ăn, chúng tôi vu vơ trò chuyện. Về sự đa dạng của phương tiện đi lại trên đất liền, về cách ăn mặc độc đáo của người dân bản địa, về sự mới mẻ lẫn tiện lợi trong nội thất của căn chung cư, hay cả về những thứ lặt vặt chẳng dễ dàng tìm thấy tại đảo,... Thỉnh thoảng chúng tôi lại trêu nhau bằng những câu bông đùa chỉ mình hai đứa hiểu. Đôi khi, tôi vì khoái chí mà bật cười thành tiếng, khiến cô gái giả vờ giận dỗi, rồi rất nhanh sẽ ngượng ngùng hùa theo. Hệt như mọi lần. Mà tuyệt nhiên không đả động đến việc đã xảy ra hôm trước.
Điều đó chẳng những giúp tôi vơi đi cảm giác tránh né thực tại đang bám víu trong lòng, còn phần nào cải thiện được tình trạng thiếu tự nhiên giữa tôi và Gió vậy.
.
Mãi đến khi đánh chén xong bữa ăn gộp cả bữa sáng lẫn bữa trưa, trong lúc tôi đang dọn dẹp bát đĩa, còn Gió thì ngồi nhâm nhi cốc nước ấm ở ngoài bàn, cô ấy mới mở lời thông báo:
“À, vừa nãy qua, cô Phương có nói cứ ở đây chơi thêm một thời gian nữa. Không thì chuyến tàu sớm nhất sẽ khởi hành Sáu giờ sáng mai. Đó là tàu du lịch cao cấp. Nếu chúng ta đồng ý thì cô ấy sẽ thu xếp một phòng tốt, chứ không phải đi phà như hôm kia nữa. Ý cậu thế nào?”
Cũng đến lúc phải quay lại nơi mình thuộc về rồi nhỉ?
Tôi thầm tự nhủ.
Vừa suy nghĩ kĩ câu hỏi của Gió rồi trả lời:
“Tôi muốn về nhà hơn, ở lại thì chẳng biết làm gì cả. Cậu thì sao? Có muốn đi đâu chơi chứ?”
“Ừm…” Gió cau mày lắc đầu: “Một mình thì không.”
Lời hồi đáp khó hiểu, mang âm điệu nhỏ bất thường, đến mức bị át hẳn đi bởi tiếng nước.
“Hả? Cậu nói gì?” Không nghe rõ, tôi nghiêng đầu hỏi lại.
“À, có gì đâu.” Cô ấy bỗng ngượng nghịu phân trần: “Tôi nghĩ mình cần phải đi mua vài thứ, nhưng không tốn thời gian lắm đâu. Có chăng chỉ mất buổi chiều nay thôi. Nên nếu cậu rảnh thì lát nữa chúng ta cùng đi nhé.”
“Được thôi.” Mặc dù không rõ ý định của Gió cho lắm, tôi cũng rất nhanh đã hiểu điều cô ấy đang cố truyền tải, liền gật đầu đồng ý.
“Vậy tôi đi thay đồ và sửa soạn chút đã.” Gió đột nhiên hào hứng, còn lém lỉnh nhắc thêm: “Cậu cũng phải chải chuốt đi, chứ ai lại để đầu bù tóc rối như vậy bao giờ.”
“Biết rồi!” Tôi giả bộ cộc cằn đáp lại: “Cậu không phải là chị hay mẹ của tôi đâu.”
***
Sau cuộc điện thoại cho bà giúp việc, thông báo việc hai đứa quyết định sẽ trở về đảo vào sáng sớm ngày mai, chúng tôi bước ra ngoài, tiến tới trung tâm thương mại để mua sắm lúc một rưỡi chiều. Quãng đường hơi xa, thời tiết nắng gắt, mặt đất đôi chỗ còn đọng lại những vũng nước mưa to tướng, trông lầy lội vô cùng. Nên tôi và Gió quyết định sẽ bắt taxi cho tiện.
Theo cảm nhận của tôi trong suốt quãng hành trình, thì nơi đây không tạo được quá nhiều ấn tượng. Nhà cửa, đường xá quả thực rộng rãi và bề thế hơn đảo Thiên Đường, nhưng phát triển hẳn thì không. Phía xa xa, thuộc khu vực hành chính cũng xuất hiện một vài tòa cao ốc chọc trời. Song có lẽ chỉ là thành phố nhỏ thuộc cấp tỉnh chăng, mà ở ngoại thành này tương đối thưa thớt. Những quán cà phê và cửa hàng khá vắng khách, vỉa hè thỉnh thoảng lác đác bóng người đi bộ, còn dưới lòng đường thoáng đãng, chiếc xe chở chúng tôi cứ thế xé gió lao vun vút. Điều đó phần nào khiến quang cảnh trở nên bình lặng đến mức buồn tẻ. Nếu buộc phải nói thì chẳng có gì đặc biệt cả.
Mất không quá mười phút để tới nơi.
Tuy nhiên, trái ngược với cái sự thiếu sức sống bên ngoài, trung tâm thương mại này có phần nhộn nhịp hơn hẳn. Khá rộng so với tưởng tượng ban đầu của tôi. Nằm chính giữa khu dân cư. Gồm năm tầng, bán đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, từ thực phẩm đông lạnh, quần áo, giày dép, túi xách, trang sức, kính mắt, thiết bị điện tử, văn phòng phẩm, hay đồ gia dụng,... Lại tích hợp luôn cả khu ăn uống, vui chơi dành cho trẻ em, rạp chiếu phim và trò chơi điện tử. Nên số lượng khách đổ về rất đông, người qua kẻ lại không ngớt, ồn ào và náo nhiệt.
Cứ lang thang vừa đi vừa thăm thú, vậy mà cô gái bên cạnh tôi cũng chọn kha khá thứ. Chủ yếu toàn những thức bánh kẹo đặc sản của địa phương mang về làm quà, chút đồ dùng cá nhân, đồ ăn nhanh lẫn nước uống cho chuyến tàu ngày mai. Và một chú gấu trúc làm bằng sứ, to cỡ nắm tay. Với cặp mắt thâm đen ngái ngủ, đôi tai lười biếng cụp xuống, gương mặt cau có như người bị táo bón, trong khi hai tay thì vẫn không quên ôm chặt lấy thân cây trúc.
“Nhìn con này trông giống cậu nhỉ?” Lúc phát hiện ra nó, cô gái ấy liền dơ ra trước mặt tôi, mỉm cười trêu chọc.
“Chẳng dễ thương chút nào.” Tôi không công nhận, cũng chẳng phản đối, chỉ đưa ra lời nhận xét mang tính chê bai: “Đã vậy lại còn cũ mèm nữa. Tôi đồ rằng thời gian nó ở đây phải tính bằng năm rồi ấy.”
“Nhưng giống cậu mà, phải không?” Gió vẫn chưa thôi bỏ cuộc, cứ dí sát vào mặt, vừa ép tôi đồng tình: “Tôi thấy cái nết này y chang luôn ấy.”
Khiến tôi chỉ còn nước đầu hàng, nhìn săm soi vào món đồ đó rồi hờ hững đồng tình:
“Ờ thì… cũng giống.”
“Tốt!” Cô ấy khoái chí đáp: “Tôi sẽ lấy cái này vậy.”
“Cơ mà để làm gì thế?” Tôi nghiêng đầu khó hiểu hỏi lại: “Trông nó xấu tệ, chả ra làm sao.”
“Ai biết!” Thủng thẳng trả lời, Gió vừa đặt bức tượng vào chiếc giỏ nhựa tôi đang xách bên cạnh, vừa giải thích thêm bằng nét mặt ánh lên vẻ tươi vui: “Để chặn giấy chẳng hạn. Hoặc là muối dưa.”
Nghe thế, tôi thoáng rùng mình, liền cầm con gấu lên, tính đưa nó về chỗ cũ. Nhưng nghĩ kiểu gì mà cuối cùng lại đặt vào giỏ, miệng khẽ bật cười bất lực.
.
Sau khi ghé vào cửa hàng đồ chơi mà không tìm được thứ muốn mua, Gió xị mặt cùng tôi theo thang cuốn lên tầng bốn, là nơi vui chơi và giải trí. Lượn lờ vài vòng thăm thú, khoảnh khắc tiến vào khu vực có máy trò chơi chạy bằng xèng và game thùng, cô gái ấy đột ngột kéo gấu áo tôi, trỏ vào vị trí đặt hàng máy gắp thú bông. Rồi chẳng kịp đợi tôi quan sát kĩ, Gió liền lập tức kéo tôi chạy đến. Cúi người, nhìn thật kĩ thứ đang ngồi gọn gàng bên trong bằng biểu cảm hạnh phúc, tựa hồ đã tìm được thứ bản thân hằng mong muốn.
Thấy vậy, tôi cũng tò mò ngắm nghía. Nhận ra đó là con búp bê bằng vải bông với tạo hình bé gái trong bộ váy màu xanh, sau lưng có đôi cánh bướm trắng lóng lánh kim tuyến, tay phải còn cầm đũa phép có đính ngôi sao trên ngọn. Thì cũng rất nhanh đã mường tượng lý do để cô gái này tới đây, liền cất tiếng hỏi:
“Tìm thấy rồi ha?”
“Phải.” Gió khẽ đồng tình: “Cô Tiên Xanh mà bé Dương mong muốn, tôi đã hụt hẫng lắm khi không tìm thấy trong cửa hàng đồ chơi. Ai ngờ lại ở đây.”
“Chắc chắn là nó chứ?”
“Không nhầm được. Mặc dù chất liệu và kích thước có thể khác biệt, nhưng về ý nghĩa tinh thần thì tôi nghĩ đều sẽ làm cô bé hạnh phúc cả.”
Cũng đúng. Tôi thầm nghĩ: Dù có là những món quà không như ý muốn, thì với tính cách của mình, con bé nhất định sẽ tươi cười đón nhận tất cả thôi.
“Cơ mà…” Vừa đảo ảnh mắt xuống bảng điện tử đang nhấp nháy ánh đèn xanh đỏ đầy hấp dẫn, tôi vừa thắc mắc: “... không mua được trực tiếp sao?”
“Có khi phải chơi thôi.”
Gió tiếp lời. Rồi vội vàng đứng dậy, rảo bước tiến tới quầy thanh toán gần đó, nơi nữ nhân viên đang đứng:
“Chị ơi, em muốn đổi xèng ạ.”
Nghe tiếng gọi, người phụ nữ trẻ trung, cỡ sinh viên đại học đi làm thêm ấy ngẩng lên, niềm nở đáp lại:
“Máy đó hai xèng một lượt gắp, anh chị muốn đổi bao nhiêu ạ?”
“Ừm… trước mắt cứ cho em mười đồng ạ. Thiếu sẽ mua thêm sau.”
“Của chị hết năm mươi nghìn. Nếu không chơi nữa thì vui lòng mang lại quầy, bên em có thể hoàn lại tám mươi phần trăm giá trị gốc ạ.”
“Vâng. Em gửi.”
“Cảm ơn quý khách!”
Sau khi tiến hành xong quá trình quy đổi, Gió cầm khay xèng chị thu ngân đưa, lon ton chạy về phía tôi. Rồi cô ấy nhặt lấy hai xèng, nhét vào khe hở của máy, vừa hào hùng khẳng định:
“Mấy trò này ở chỗ làm tôi cũng có, nên chơi tốt lắm. Chắc là không cần dùng hết đống này đâu.”
“Để xem.”
Khoảnh khắc tiếng nhạc vui nhộn thông báo lượt chơi bắt đầu vang lên, tôi gật gù hưởng ứng.
.
Và kết quả…
… chưa đầy ba phút, cô gái ấy đã đốt hết cả năm lần gắp của mình, trong khi con búp bê thì chẳng suy chuyển là bao khỏi vị trí ban đầu.
.
“Không thế nào.”
Bất lực ngồi sụp xuống đất, hai tay vẫn lắc lắc cần điều khiển một cách vô định. Toàn bộ sự tự tin bị đánh bay, chỉ còn độc nỗi tuyệt vọng, Gió bàng hoàng rên rỉ:
“Tại sao lại thế? Dù đã kéo lên được rồi, kiểu gì nó vẫn sẽ rơi xuống do phần càng đập quá mạnh vào thanh ray. Đứa bựa nhân nào lập trình ra cái game dở hơi này đấy? Mấy cái càng cũng trơn như bôi mỡ nữa chứ.”
Chứng kiến toàn bộ trận chiến một chiều vừa diễn ra, tôi chỉ biết tỏ vẻ nghiêm túc nói móc:
“Vậy mà ai đó vừa mạnh miệng nói bản thân giỏi lắm cơ.”
Khiến cô ấy không khỏi ngượng ngùng, liền bối rối biện minh:
“Tại vì tôi xem người ta chơi thấy cũng dễ lắm mà. Hay phải có mẹo gì đó chăng?”
Ra là chỉ ‘xem người ta chơi’ à?
Tôi khổ sở cười trừ, trước khi gật đầu công nhận:
“Đúng là có mẹo. Ngày xưa chị Biển cũng nhờ cái mẹo đấy nên chơi giỏi trò này lắm.”
“Chị cậu ư?” Gió ngây ngốc hỏi.
“Ừ. Hồi còn nhỏ, cứ lần nào được chị dẫn tới trung tâm giải trí là lần đó tôi lại có một đống gấu bông mang về.” Tôi tự hào khoe mẽ thêm: “Mà không chỉ cái máy này đâu, hầu như thứ gì chị ấy cũng chơi được tuốt. Thiên tài mà lị.”
Sau đó từ tốn tiến về phía quầy thu ngân. Rút từ ví ra tờ polime một trăm nghìn, đặt lên mặt bàn rồi cất tiếng:
“Chị đổi cho em toàn bộ ạ.”
“Khoan đã, có cần nhiều vậy không?” Cô gái bên cạnh hoảng hốt can ngăn.
“Sợ thiếu ấy chứ.”
Tôi đáp lời. Đưa tay đón lấy đống xèng đã đổi được. Khi đã xác nhận xong, tôi vừa cùng Gió tiến lại gần chiếc máy, vừa điềm nhiên giải thích:
“Điểm mấu chốt của trò này vốn dĩ không phải là gắp thú, mà là xếp thú.”
“Xếp thú ư?” Gió ngạc nhiên nhắc lại cụm từ đó.
“Phải. Là xếp thú thành chồng.”
Nói xong, tôi làm mẫu. Nhét hai đồng xu vào rãnh để khởi động trò chơi, điều chỉnh đến vị trí thích hợp mà hạ càng. Khoảnh khắc chiếc càng kéo một con búp bê nhỏ lên, chuyển động lắc lư của sợi dây hất nó văng vào góc gần cửa lỗ, cô gái ấy lập tức thốt lên trầm trồ:
“Nếu làm thế thì chỉ cần độ bốn đến năm lượt, tạo được một tháp gấu bông đủ cao thì lợi dụng sự chuyển động của móc câu, mà đẩy nó xuống hố xuống sao? Ra là vậy.”
Tôi gật gù hài lòng. Rồi lập tức quay sang Gió, đề nghị:
“Cậu chơi thử đi.”
“Được chứ?” Cô ấy ái ngại.
“Ổn mà.” Tôi đáp: “Chúng ta thay nhau chơi, thi xem ai lấy được nó trước nhé.”
Nghe thế, Gió cũng thôi chần chừ, liền bắt đầu lượt chơi của mình. Và, kì lạ là dù chỉ mới xem tôi thực hành có một lần, kết quả mà cô ấy đạt được lại vô cùng chính xác. Con thú của Gió nằm gọn lỏn như đặt ngay trên con của tôi một cách hoàn hảo. Xong xuôi, cô ấy mau chóng né ra để nhường chỗ:
“Đến mân cậu nè.”
Thấy vậy, tôi cũng khởi động máy, hoàn thành lượt của mình dễ dàng, rồi lại đổi cho Gió.
Cứ đổi qua đổi lại, đến lượt thứ sáu, khi núi thú bông đã dâng lên cao quá thành lỗ, chúng tôi bắt đầu hướng mục tiêu đến Cô Tiên Xanh nãy giờ vẫn nằm bất động trong góc. Mất thêm hai lần để đưa nó tới được chân tháp. Thì ở lượt thứ chín, khi tôi lắc mạnh cần điều khiển, món đồ chơi đã tự tìm đến vạch đích, trong sự ngỡ ngàng của cả hai.
.
Bộp!
.
“R… rơi rồi!”
Bất ngờ reo lên như vậy, tôi lập tức thò tay vào ô cửa bên dưới, lôi thứ ở trong đó ra. Rồi vung vẩy nó trước mặt Gió mà phấn khởi công khai thành tích:
“Nhìn nè, tôi lấy được rồi. Lần đầu tiên trong đời luôn đấy. Thấy siêu chưa?!!”
Còn cô gái ấy thì chỉ biết trưng ra thái độ ỉu xìu, vừa thở dài thườn thượt:
“Nhưng có phải thứ chúng ta cần đâu.”
……….
……….
Quả thực đúng như lời Gió nói, khoảnh khắc Cô Tiên Xanh rơi xuống, vì sự chênh vênh của tháp gấu, cộng thêm lực tác động mà con thú bông trên cùng đã không còn trụ vững được nữa, lập tức theo đà rơi xuống hố. Còn “ả tiên nữ” kia thì lại lăn tới vị trí còn xa hơn cả lúc ban đầu.
“Làm lại thôi.” Tôi chán nản chép miệng: “Dù sao cũng sắp thành công rồi mà.”
“Chắc là chẳng có phép màu xảy ra đâu.” Gió bi quan đáp, song vẫn lặng lẽ thế chỗ tôi, tiến hành phi vụ cuối cùng.
.
Thế nhưng…
… phép màu đã thật sự xảy ra…
… bằng một cách mà chẳng mấy người có thể tưởng tượng nổi
.
Bởi vì, ở lượt chơi cuối cùng đó, cũng như mọi khi, Cô Tiên Xanh được kéo lên theo sự điều khiển của Gió. Tuy nhiên, khoảnh khắc lên tới đỉnh, thay vì thả món đồ chơi to quá khổ ra, ba cái càng chết tiệt đó lại kẹp chặt vào phần đầu. Chậm rãi di chuyển đồ vật về cửa lỗ một cách trơn tru, rồi mới mở càng. Con búp bê cứ thế rơi tọt xuống cực kỳ ngoạn mục. Đồng thời kéo luôn toàn bộ sách lược của tôi vào lòng đất.
.
“Không thế nào.”
Lần này đến lượt tôi quỳ sụp xuống đất. Kinh ngạc đến độ chẳng thể tin vào điều bản thân vừa tận mắt chứng kiến được nữa. Mà chỉ biết lầm bầm oán thán trong vô thức:
“Tại sao lại thế? Nó có thể làm được như vậy luôn à? Thằng bựa nhân nào viết chương trình cho cái game dở hơi này đấy?”
Rằng cứ tích lũy đến một lượt nhất định, thời điểm đã moi đủ tiền từ ví khách hàng, thì chiếc máy này sẽ tự động trở nên linh hoạt. Giúp người chơi gắp thú bông hoàn hảo, kể cả khi có gặp bất kỳ chướng ngại nào. Như món quà khuyến mãi sao?
Rặt thể loại cờ bạc trá hình mà.
Trong khi tôi thầm nguyền rủa chiếc máy, Gió sung sướng cúi người lôi con búp bê ra. Rồi cô ấy chìa tới trước mặt, nhại lại y nguyên những lời vừa nãy của tôi để chọc tức:
“Tôi lấy được trước nhá. Thấy siêu chưa?!!”
“Ừ thì…” Không cãi được sự thật hiển nhiên, tôi nhún vai đầu hàng: “Cậu gắp được nó nên tôi thua.”
Dù sao may mắn cũng là một phần của năng lực mà.
Nghe vậy, Gió cuối cùng cũng thở phào nhẹ nhõm, âu yếm nhìn xuống Cô Tiên Xanh bằng một vẻ mặt, dường như là mãn nguyện nhất, tôi từng được trông thấy ở cô. Rõ ràng, nếu không xuất hiện tại phòng bệnh ngày hôm đó, nghe về lời hứa hẹn giữa Gió và Dương. Tôi chắc chắn sẽ lầm tưởng, món quà này chính là thứ cô ấy muốn dành cho bản thân mình, chứ không phải bất kì ai hết.
.
Ngắm nghía con thú ngộ nghĩnh, chẳng rõ là mèo hay cáo trên tay vài giây. Một cảm xúc kì lạ đột ngột manh nha trong tâm trí, tôi liền đưa nó cho cô gái đang quên hết sự đời bên cạnh rồi ngỏ ý:
“Cái này tặng cậu.”
“Ể!” Không khỏi ngạc nhiên, Gió ngập ngừng hỏi lại: “Nhưng đó là của cậu gắp mà. Cả Cô Tiên Xanh tặng Dương cũng là xèng do cậu đổi nữa.”
“Tôi lấy cũng để làm gì đâu.” Tôi gãi đầu đáp: “Vả lại trông cậu có vẻ hứng thú với mấy thứ này. Không thích thì cứ tặng Dương ấy.”
“Ừm…” Ngẫm nghĩ gì đó giây lát, đối phương cuối cùng cũng vui vẻ đón nhận: “Thế thì tôi sẽ giữ lấy vậy. Cảm ơn cậu nhé!”
Sau đó, vẫn ôm cả hai con thú bông vào lòng, Gió bỗng nhiên phồng má trách móc:
“Đáng ra là một trăm điểm tuyệt đối, nhưng vì cậu nói câu đó nên chỉ còn sáu mươi thôi. Sóng chả tinh tế gì cả. Hứ!”
Rồi giả vờ giận dỗi, quay lưng bỏ đi trước tôi vài bước.
Sáu mươi hay một trăm điểm tuyệt đối nào cơ? Với cả ‘câu đó’ là câu gì?
“Ơ kìa, cậu giải thích cụ thể đi. Này này! Đợi tôi với.”
Cứ tự hỏi mình như vậy, tôi hớt hải rảo bước đuổi theo.
.
Suốt cả chiều đến tối ngày hôm đó, chúng tôi đã quần thảo không biết mệt khắp trung tâm thương mại. Từ việc cùng nhau đi xem phim, cùng nhau ăn tối, cùng nhau thăm thú hết các hàng quán, hay thậm chí là cùng nhau nô đùa không biết mệt ở khu vui chơi của trẻ em.
Một vài đứa con nít tụm năm tụm ba đằng xa nhìn chúng tôi chỉ chỏ. Chà, tôi biết chúng bàn tán điều gì chứ. Và cũng ngầm cảm nhận mọi chuyện đang diễn ra y hệt.
Thú thực thì Gió cứ tỏ ra vô tư và bày trò đùa giỡn như thế này âu lại là điều tốt. Bởi vì đối với tôi, cô ấy hiện tại đã có chút gì đó tương đồng, với những cô gái bình thường hơn một chút thì phải. Có lẽ là thực sự “sống” chăng?
***
Con tàu du lịch, có đích đến là bến Tây của đảo Thiên Đường, kéo một hồi còi dài rồi rùng mình xuất phát, vào đúng Sáu giờ sáng ngày hôm sau. Đưa chúng tôi lặng lẽ rời đi, như cái cách bản thân lặng lẽ đặt chân lên đất liền mấy hôm trước.
Mặc dù việc đến và đi mà không có lấy một người đưa đón như thế này, nhìn kiểu gì cũng thật là bạc bẽo. Nhưng qua vụ lùm xùm đó, sự vô tâm này của mấy người con ông Chiêm, âu lại là điều hợp lý. Bởi nếu đụng mặt nhau, cả bọn tôi lẫn họ, chắc chắn đều sẽ trở nên khó xử không hơn. Phần còn lại, dường như đã nhận được số tiền đền bù lớn ngoài sức tưởng tượng. Cùng việc trở về đảo bằng thứ phương tiện xa xỉ do cô Phương thu xếp này, cũng khiến tôi vơi đi ít nhiều bất mãn đang còn tồn đọng.
.
Khác xa chuyến phà ồn ào, chật chội, nồng nặc mùi dầu máy và cơ thể người lẫn khói thuốc lá lần trước, con tàu chạy êm ru. Chúng tôi cũng được chị nhân viên soát vé thu xếp cho vị trí chỗ ngồi riêng biệt, gồm hai chiếc ghế lót đệm quay mặt vào nhau, dài cỡ vừa vặn một người lớn có thể nằm thoải mái. Ở giữa còn bố trí cái bàn nhỏ để ăn uống hoặc đặt hành lý.
Nên cho dù là khoang chung, khá đông người qua lại, thêm cả việc có trẻ con đủ mọi lứa tuổi, đi du lịch cùng gia đình. Thì tôi vẫn có thể vô tư trò chuyện với Gió, ngon lành đánh chén bữa trưa cô ấy chuẩn bị, và thư thả ngắm biển cho đến khi chìm vào giấc ngủ.
Rồi chỉ thực sự tỉnh giấc khi những chiếc loa, được lắp cố định ở bốn góc phòng nhất loạt vang lên lời thông báo, rằng con tàu sắp sửa đến điểm cuối của chuyến hành trình, vào xế chiều mà thôi.
.
Dọn dẹp đồ đạc xong xuôi, chúng tôi ai xách đồ của người ấy, thong dong giữa đoàn người vội vã, bước xuống bến tàu.
Tuy nhiên, trạng thái nhẩn nha, chẳng chút nào bận bịu ấy chỉ duy trì thêm cơ độ vài phút. Cho tới khoảnh khắc cả hai bọn tôi ra khỏi bãi gửi xe, thì nó đã bay biến hoàn toàn lúc nào chẳng hay. Tất cả đều do sự xuất hiện đột ngột của người đó.
Tuyệt nhiên không phải là Phong.
Thú thực nếu được chọn, tôi mong kẻ vừa lọt vào tầm mắt của mình là anh ta.
Vì nếu thế, mọi thứ có thể dễ dàng suy đoán, chấp nhận lẫn đối phó hơn rất nhiều.
Nhưng định mệnh khắc nghiệt lại không muốn trêu đùa tôi bằng những chiêu trò “nhẹ nhàng” như vậy.
Bởi đối phương, người đang ngồi trên ghế lái của chiếc ô tô gia đình đậu ngay gần cổng, chậm rãi vẫy tay hiệu cho chúng tôi qua tấm kính cửa sổ đã được hạ xuống quá nửa, chính là một trong hai cô gái thân thiết nhất với tôi tại bệnh viện đa khoa Đảo Thiên Đường, bác sĩ Hạnh.
Tại sao chị ấy lại đến tận đây, vào giờ này?
Tôi cau mày thắc mắc:
Là đến đón mình ư?
Trước khi lập tức lắc đầu phủ nhận:
Không, chị ấy đâu phải người sẽ bỏ thời gian làm mấy việc rườm rà như vậy?
Rồi thình lình chột dạ:
Hay có khi nào…?
Không dám đưa ra kết luận tồi tệ ấy dù chỉ là trong tư tưởng, tôi chậm rãi tiến tới bằng những bước chân nặng trĩu, tựa hồ chẳng còn là của mình nữa. Khi khoảng cách giữa chúng tôi đã đủ gần để trò chuyện với nhau một cách bình thường nhất, chị Hạnh liền cất giọng bông đùa. Song, âm điệu lại cô đọng thứ cảm xúc khó có thể gọi là vui vẻ cho được:
“Kiếm chác thế nào?”
“Không ổn lắm ạ.” Tôi đáp cộc lốc: “Nhưng may sao cuối cùng mọi thứ vẫn đâu vào đó.”
Còn Gió thì khẽ ngập ngừng cúi đầu, hòng gửi lời chào đến người phụ nữ ấy.
“Nên nhìn chung là ổn nhỉ?” Chị Hạnh điềm nhiên nhướm mày khẳng định.
Tôi khẽ gật đầu không đáp, chỉ hỏi một cách lòng vòng, nhằm thăm dò mục đích của cuộc gặp gỡ này:
“Cơ mà sao chị biết chúng em về để đến đón thế?”
Rõ ràng còn chưa hề nhắn tin hay gọi lấy một cuộc nữa chứ.
“Ừm… Ban sáng, bà giúp việc đã thông báo cho chị lúc hai đứa lên tàu, về cả thời gian cập bến. Nên cũng nắm được kha khá.” Người phụ nữ ngẫm nghĩ giây lát mới đưa ra câu trả lời. Rồi như hiểu ra ẩn ý tôi đang ngầm đề cập, chị ấy tiếp tục hối thúc: “Trước mắt cứ vào xe đi đã.”
Nghe vậy, tôi không chần chừ nữa, vội vã kéo tay cầm ở hàng ghế sau, cúi người chui vào bên trong trước. Sau đó đưa tay xách đồ cho Gió để cô ấy thuận lợi bước vào. Khi cả hai đã an vị ở chỗ ngồi ngay sau ghế lái, tôi mới lên tiếng, đi thẳng vào vấn đề nãy giờ đôi bên luôn không ngừng tránh né. Đồng thời cũng nhận ra, bản thân vẫn đang cố hít thở thật đều để cho tâm trí có thể giữ được sự bình tĩnh nhất định:
“Chị cất công đến tận đây như thế này,... thì hẳn phải có gì đó xảy ra rồi nhỉ.”
“Đại khái.” Thoáng đắn đo, chị ấy liền buông tay khỏi vô lăng, tựa lưng sâu vào ghế, vừa quay ra ngoài. Cố gắng giấu đi gương mặt khỏi tầm mắt của chúng tôi, ngay cả qua gương chiếu hậu. Rồi mới nhỏ giọng báo tin:
.
.
.
.
.
“Dương… mất rồi.”
.
.
.
.
.
“..........”
“..........”
“..........”
Ra… là vậy…
Cuối cùng thì ngày này cũng đến… nhỉ?
Đây… quả là một điều tồi tệ khó chấp nhận.
Thế nhưng…
… dường như còn thiếu gì đó thì phải?
Là gì vậy?
À… hiểu rồi…
Tại sao… mình của hiện tại lại vẫn có thể bình tĩnh được như thế này nhỉ?
Rốt cuộc thì cảm xúc này của mình là gì?
Vừa tự hỏi câu đó, tôi liền vô thức quay sang cô gái bên cạnh, nhằm tìm kiếm chiếc cọc duy nhất có thể cứu sống bản thân, khỏi tình trạng chới với hiện tại. Cho đến giây phút bắt gặp ánh mắt thấm đượm nỗi thống khổ, nhưng tuyệt nhiên không tồn tại sự lạc thần của Gió, thì tôi cuối cùng cũng định hình ra nhiệm vụ phải kiên quyết thực hiện, mà vội vàng ngẩng lên, hỏi dồn:
“Con bé đi lúc nào… ạ?”
Đúng rồi. Mình vẫn còn lời hứa phải hồi sinh cho Dương, khi em ấy lìa xa trần thế này cơ mà.
Bác sĩ Hạnh cũng biết điều đó, nên phải chăng, việc chị ấy đến đây là để đưa mình về bệnh viện, cho kịp thời gian hồi sinh chăng?
Chắc chắn là như thế… nhỉ?
Tuy nhiên, trái ngược hoàn toàn so với lời cầu nguyện khẩn thiết của tôi, người phụ nữ lạnh lùng trả lời, hoặc có lẽ chỉ đang ra vẻ lạnh lùng mà thôi:
“Ngay buổi đêm… ngày hôm kia.”
“!”
“..........”
Nói vậy…
… tức là…
… vượt qua thời hạn mười hai giờ đồng hồ…
… của năng lực Hồi Quang Phản Chiếu rồi sao?
Hay chính xác hơn…
… là đã quá muộn…
… để mình có thể thay đổi…
… bất cứ điều gì dù chỉ là nhỏ nhất ư?
Chuyện đó…
… không thể nào…
… là sự thật…
… đâu nhỉ?
Khoảnh khắc ý thức được điều ấy, cả người tôi bất giác trở nên bủn rủn, tâm trí chao đảo cả đi, tựa hồ mắc chứng tụt huyết áp. Đôi cánh tay thình lình buông thõng, chẳng còn chút sức lực nào. Hai tai ù ù như gió thổi, lấn át hết mọi âm thanh ồn ào bên ngoài bến cảng, lẫn tiếng kêu tút tút của hệ thống xi nhan, vẫn vang lên trong xe suốt từ nãy đến giờ. Thị giác mờ nhoè, khứu giác cùng vị giác đều nhất loạt dừng hoạt động, khiến hô hấp thật khó khăn, và đầu lưỡi đắng ngắt.
Còn xúc giác.
Xúc giác của tôi thì sao nhỉ? Chẳng rõ nữa. Cơ thể đang đau, trái tim cũng quặn đau. Xen lẫn với đủ mọi trạng thái tâm lý từ buồn bã, tức giận, chán nản, lo lắng, căm ghét, thất vọng, hối hận, tội lỗi,... Thậm chí là cả sợ hãi nữa. Chúng, chẳng biết tự bao giờ, đã hoàn toàn xâm lấn lấy tôi. Sẵn sàng bóp nghẹt, như muốn nghiền nát tôi ngay cả trong từng nhịp thở.
Và…
… phải tới vài phút, khi “thế giới” xung quanh tưởng chừng đã chìm sâu vào một màn đêm vô tận, tôi mới có thể bật ra khỏi cổ họng khô rang một câu hỏi, tương tự lời tự trách, dành cho cô gái vốn dĩ chẳng còn tồn tại:
“Thế là… em lại thất bại… thêm một lần nữa rồi, Biển nhỉ?”
Thất bại trong việc dùng tính mạng này, để cứu sống người mà bản thân em luôn hết mực yêu thương.
“Thất bại… theo cái cách nghiệt ngã nhất.”
Như việc không thể cứu chị ngày trước vậy.
“Không phải!”
Có người nào đó ngắt lời.
Ai nhỉ?
Chẳng quan tâm.
Chỉ cần biết rằng…
“Có lẽ… đây chính là quả báo… cho những sai lầm trong quá khứ… của em thôi…”
“Dừng lại đi!”
… là đủ rồi.
“Sóng!”
.
“SÓNG!”
.
Một tiếng hét chói tai vang lên đột ngột xóa tan luồng suy nghĩ, tôi mới nhận ra là của cô gái bên cạnh. Liền vội vã quay sang, thì lại không khỏi ngạc nhiên vì Gió đang lay thật mạnh vai phải của mình. Nét mặt cô sắp sửa chạm tới ngưỡng hoảng loạn, còn khuôn miệng thì đang liên tục nói một điều gì đó.
Và khi mọi cảm quan của tôi đã hoàn toàn trở về với thực tại, chị Hạnh liền ấn chiếc nút ngay dưới màn hình hiển thị, khiến nắp hộc chứa đồ bật ra. Đưa tay quờ quạng bên trong vài giây. Rồi vừa lôi ra thứ đó, nữ bác sĩ vừa điềm nhiên lên tiếng:
“Hai đứa đọc đi. Đặc biệt là Sóng, chị nghĩ nó sẽ giúp cậu bình tĩnh hơn đấy.”
“Đó là gì?” Tôi bần thần hỏi lại.
Mặc dù chỉ cần nhìn qua cũng có thể dễ dàng nhận thấy, thứ đang kẹp giữa ngón trỏ và ngón giữa của người phụ nữ ấy, chính là hai chiếc phong thư vuông vắn, một xanh dương, một hồng phấn.
“Con bé nhờ chị đưa cho hai đứa.” Chị Hạnh đáp, ra chiều úp mở.
Là của Dương ư?
Nghe vậy, tôi cũng run rẩy đón lấy. Rất nhanh đã dõi ánh mắt xuống phần người nhận. Nhận thấy tấm màu hồng viết tên Gió, thì chuyển sang cho cô gái, cũng đang chưng ra thái độ tò mò. Xong xuôi, liền lật ngang xoay dọc chiếc đề tên tôi vài lần, xem xét kỹ lưỡng một hồi lâu. Mới hít một hơi thật sâu, cẩn thận luồn tay, gỡ nút thắt có hình trái tim, rồi rút ra mảnh giấy được gấp làm tư trong đó.
Nói là “cẩn thận”, song quá trình chậm chạp ấy phần nhiều xuất phát từ, việc bản thân tôi vẫn chưa sẵn sàng đối diện mà thôi. Gió dường như cũng vậy. Dù cuối cùng, cả hai cũng đều đã mở rộng được bức thư trên tay và bắt đầu đọc.
.
“Bệnh viện đa khoa Đảo Thiên Đường, ngày 20 tháng 8 năm 2023.”
.
Mở đầu rõ ràng thật đấy!
Nhìn từng dòng chữ nắn nót, tròn trịa của một đứa trẻ, trải dài trên trang giấy khiến tôi thầm cảm thán:
Hình như con bé đã được học về bố cục viết thư rồi nhỉ. Cơ mà…
… đoạn kế tiếp là sao chứ?
.
“Anh Sóng xấu trai, xấu tính, xấu người xấu cả nết thân mến!”
.
Nếu ác cảm như vậy thì còn ‘thân mến’ làm gì?
Nhưng đã thực sự có ác cảm thì thư từ đâu cần thiết nữa nhỉ?
Hoặc có khi con bé này nghĩ, nếu chỉ viết cho mình Gió, sẽ khiến mình ghen tị với cô ấy, nên mới cất công bố thí thêm một bức nữa đây mà.
Nghĩ đến đây, tôi mới nhận ra, những lời đầu tiên ấy dường như đã xua đi phần nào cảm xúc tiêu cực vẫn luôn bủa vây nãy giờ.
Trông vậy mà đáo để thật!
.
“Em đùa thôi (mặt cười hạnh phúc)! Thực ra thì anh Sóng cũng không đến nỗi xấu xa như vậy. Nhưng đừng tưởng bở nhé. Chỉ là đôi lúc thôi, chứ anh Sóng xấu xa là chuyện thường xuyên rồi. Nên lần này châm trước, em sẽ miễn cưỡng sửa lại vậy. Nhớ chỉ là miễn cưỡng thôi nhé. Nên anh đừng có mà tự phụ ấy.
E hèm!
Anh Sóng siêu siêu siêu thân mến!
Ừm… đọc bức thư này, có lẽ anh đang buồn lắm nhỉ? Bởi vì hai chúng ta hiện tại đã không còn có thể gặp nhau, có thể nói chuyện được với nhau như bình thường nữa mà. Nghĩ đến đó thôi, em cũng buồn lắm. Nhưng chắc chắn không khóc đâu. Thật của thật đó (mặt phụng phịu)! Nên anh cũng phải hứa không được khóc, nhất định không được nhé!”
.
Nói năng thì như bà cụ non, nhưng chẳng phải nhóc mày vẫn đang vừa viết vừa khóc nhè đấy sao? Đến nỗi nước mắt tèm nhem thấm ướt cả mấy lớp giấy đây này.
Đưa ngón tay xoa nhẹ lên những vết nhăn, hằn ngay chính giữa tờ giấy, tôi bất giác bật cười vì tính cách luôn cố tỏ ra rắn rỏi của cô bé. Trong lòng tự nhủ:
Còn anh đây thì không khóc đâu. Chắc chắn đấy. Vì anh là anh Sóng cơ mà.
Rồi gật gù lướt mắt đọc tiếp.
.
“Chúng ta gặp nhau từ hồi em bắt đầu vào lớp Bốn, đến bây giờ đã sắp sửa lên lớp Năm. Vậy là đã gần được một năm rồi. Cả hai cũng có cùng nhau rất nhiều những kỷ niệm, dù vui hay buồn thì đối với em, chúng đều đáng trân trọng hết.
Từ lần đầu tiên chúng ta gặp mặt. Đồ rằng lúc đó em phiền phức lắm nhỉ, khi liên tục gây sự với anh, hay hờn dỗi vô cớ với mít ướt, lại còn cái tính mè nheo nữa. Đều tại anh Sóng cứ tỏ vẻ khó gần quá cơ. Mặt thì luôn cau có, mắt thì đảo qua đảo lại như rang lạc, giống hệt mấy kẻ xấu trên tivi ấy, và lúc nào cũng chỉ biết trêu chọc, ép em uống thuốc, doạ nạt và méc tội em cho cô Hạnh biết miết thôi. Đến mức em tưởng như trên đời chỉ có mỗi người tốt và anh Sóng ấy. Ghét lắm (mặt giận dữ)!"
.
Ngày đó, mình cũng có những lúc như thế sao?
Tôi hồi tưởng trong bất mãn. Nhưng khi áp đặt hệ quy chiếu ấy vào lời nhận xét của chị Hạnh, về ấn tượng ban đầu của đối phương dành cho tôi, hồi tháng Bảy. Thì lại gật gù chắc mẩm:
Có lẽ là thường xuyên mới đúng.
.
"Vậy chứ chỉ sau vài ngày, anh đã tiến bộ hơn hẳn. Một phần nhờ những hộp pocky anh mang tới lấy lòng em. Song phần lớn điểm rèn luyện kiếm được, đối với em đều nằm ở việc anh đến đây hằng ngày cả.
Anh chơi với em, dạy em học, cùng ăn bánh kẹo, sửa đồ chơi, kể em nghe đủ thứ chuyện trên trời dưới bể (mà trong đó có đến phân nửa là do anh bịa ra) chỉ để khiến em cười. Giúp em dọn dẹp đồ đạc, chăm sóc những lần em bị bệnh, hay tổ chức sinh nhật, tặng quà cho em nè,...
Rồi khi đã trở nên thân thiết, anh hôm thì xin phép bác sĩ Hạnh hoặc các mẹ đưa em ra ngoài chơi. Em thích ngắm hoa đào và những bé chó mèo ở hội chợ hồi tháng Ba lắm, cũng rất ấn tượng với buổi trình diễn ca nhạc lẫn màn pháo bông mừng năm mới. Cả mấy bộ phim hoạt hình chiếu rạp, hay lễ hội thường niên tổ chức ngoài biển cách đây vài tháng nữa.
Hôm thì lại ‘đột nhập’ tới bệnh lúc giữa đêm trong khi em đang ngủ chẳng hạn. Dù anh không đánh thức nhưng em biết cả đấy.
Hay thời điểm em tiến hành hai đợt hoá trị nè, tuy không hề gặp mặt, anh vẫn luôn động viên, khích lệ em cố gắng. Còn hứa nếu khoẻ lại sẽ đưa em đi đây đi đó. Dẫu điều đó, bây giờ thật là xa vời quá thể. Song, em vẫn biết ơn anh lắm lắm! (Tất nhiên là cả chị Gió. Nhưng em sẽ viết bức thư khác cho chị ấy vậy. Một bức thư dài hơn của anh nữa.)”
.
Gì chứ? Dông dài nãy giờ chỉ để nói điều đó thôi ư?
Cách viết trẻ con cùng luận điệu ngây ngô làm bức thư lủng củng, lan man thấy rõ, nhưng kỳ lạ thay không tạo ra cảm giác chán nản nào. Trái lại còn rất chân thực tựa hồ đang được trò chuyện trực tiếp với cô bé vậy.
.
“Ừm… còn gì ta…
Aaaaaaaaaa! Nhiều quá, lại toàn điều lắt nhắt nên em hết nhớ nổi luôn rồi. Nên giờ ta sẽ nói chuyện khác vậy. Để xem… bắt đầu về lá thư này đi.
Lý do viết nó xuất phát từ việc dạo gần đây, em cảm thấy cơ thể mình đang có chút không ổn rồi. Điều đó khiến ngay cả những người lạc quan nhất, đều ít nhiều phải manh nha trong tư tưởng, vài ba suy nghĩ tiêu cực nào đó chẳng hạn. Em thực ra có một chút. Nhưng thay vì từ bỏ, em vẫn luôn chiến đấu hằng ngày như lời anh dạy bảo mà. Chỉ là một chút thôi. Thật của thật đấy!
Dù vậy, có lẽ là lo xa chăng, em buộc lòng phải chuẩn bị trước, tất cả mọi điều cần phải nói, với tất cả những người quan trọng. Để phòng cho trường hợp xấu nhất xảy ra, em có thể an lòng với số phận, mà không phải hối tiếc về bất cứ thứ gì. (Còn phải giải thích điều này trong những bức thư khác nữa, nên hẳn sẽ bận bịu lắm đây).
Ấy chết! Nói thế là lộ mất tiêu việc em viết cho anh đầu tiên luôn rồi. Nhưng bức thư này cũng chỉ luyện tay, để những bức sau có thể viết thật trôi chảy mà thôi. Nhất định chẳng phải vì anh Sóng là người thứ nhất em nghĩ đến đâu. Thật của thật đó! Nên anh quên những gì vừa đọc đi nha. (Ôi trời ạ! Sắp tới có thời gian, mình phải sửa lại đoạn này mới được) (mặt khóc lóc).
Tới đây, em đột nhiên nhớ lại, rằng vào lần chị Gió tiết lộ bản thân chính là Cô Tiên Xanh mà bác sĩ Hạnh hay kể, em đã nhờ chị ấy hồi sinh em, khi phải lìa xa thế giới này. Hôm đó anh cũng có mặt, nên hẳn vẫn còn nhớ phải không?
Em nghĩ chị Gió chắc chắn sẽ thực hiện thôi, vì khác với anh, chị ấy là cô gái cực kỳ dễ thương và tốt bụng mà.
Tuy nhiên, nhận ra điều đó, em lại nhận ra luôn một vài vấn đề cực kì mâu thuẫn. Đó là nếu đã viết hết mọi tâm tư và những điều cần nói vào thư, thì việc hồi sinh chẳng phải sẽ không cần thiết hay sao? Chưa kể còn gây phản tác dụng, khi nghiễm nhiên khiến bức thư này mất đi giá trị vốn có của nó, trở thành vô nghĩa (mà người lớn hay dùng cụm từ: ‘không còn trọng lượng’ để diễn tả ấy) nữa. Vả lại, việc được hồi sinh, sau đó lại phải đối mặt với giây phút sinh li tử biệt, thậm chí là cả cái chết đã được báo trước của mình thêm lần nữa. Thiết nghĩ thật buồn và đáng sợ biết bao. Và em thì lại chẳng muốn mọi người phải đau khổ thêm vì mình chút nào cả.
Nên tóm lại, cân nhắc từ chối dịch vụ hồi sinh từ chị Gió thì hơn nhỉ?
Ngặt một nỗi, hiện tại em vẫn chưa biết phải thuyết phục kiểu gì, để chị ấy hiểu lẫn thông cảm cho quyết định của mình đây. Giải thích rõ ràng trong thư dù khó khăn, song em chắc chắn sẽ thực hiện rồi. Có điều, muốn chị ấy dễ dàng chấp nhận hơn, thì phần còn lại đành phải nhờ người lúc nào cũng kè kè bên cạnh là anh Sóng thôi. Nhé nhé! Năn nỉ luôn đó (mặt lém lỉnh cầu xin). Em biết là anh sẽ đồng ý mà.”
.
‘Cân nhắc từ chối dịch vụ hồi sinh’ ư? Con bé nói vậy tức là sao chứ?
Mặc dù Dương đã trình bày trong thư vô cùng rõ ràng như vậy, tôi vẫn không khỏi ngây người mà ngạc nhiên tự hỏi bản thân điều đó.
Là vì không can tâm với đống lý lẽ đó, hay chỉ đơn thuần là bất ngờ, bởi từng câu chữ quá đỗi trưởng thành của cô bé mà thôi? Thời điểm ấy tôi chẳng tài nào hiểu nổi. Chứ chưa nói gì đến chuyện sẽ thuyết phục cô gái, có lẽ cũng đang cực kỳ rối bời bên cạnh, chấp nhận sự thật này.
Bất giác rơi vào những dòng suy tư chưa thấy điểm dừng, các giác quan của tôi vì thế lại dần trở nên xa vời thực tế lần thứ hai. Và, phải mãi tới khi đã tích góp đủ can đảm để có thể đọc tiếp, tôi như mới phần nào sắp xếp được tâm trạng lộn xộn hiện tại.
.
“Anh không cần phải lo lắng đâu. Khoảng thời gian qua, dẫu vẫn còn nhiều chấp niệm, nhiều lắm, song suy cho cùng, em cũng chẳng luyến tiếc sâu sắc điều gì. Những chuyện muốn nói đều đã nói. Mọi thứ cần làm, hay khao khát thực hiện chung với anh, với chị Gió, với mọi người, đều ít nhiều đã hoàn thành đầy đủ rồi. Nên em nghĩ bản thân bây giờ, có lẽ đã hoàn toàn toại nguyện mất tiêu.
Âu cũng là nhờ có anh đấy. Em không nói quá đâu.
Bởi vì, nhờ có anh mà em mới biết cách để trở nên dũng cảm, mới luôn nở nụ cười mỗi khi nhớ tới nụ cười của những người bản thân yêu quý. Và đặc biệt, là người duy nhất em có thể dựa vào ở mỗi thời điểm khó khăn đấy ạ.
Ngẫm lại thì, ngày hôm đó, chỉ là giả sử thôi, nếu anh không đến khu vườn trong bệnh viện, nếu em không làm rơi bé Mưa xuống lùm cây ngay bên cạnh chỗ anh ngồi, nếu anh không để ý thấy rồi cầm lên cho em. Hoặc nếu chúng ta không có cơ hội để gặp mặt và quen biết nhau. Thì có lẽ cả năm qua của em sẽ nhàm chán lắm chẳng biết chừng.
Thật may vì anh đã đến, và đã ở bên em.”
.
Dù nhóc có nói vậy, cảm giác tội lỗi này trong anh cũng chẳng khá hơn là bao cả.
Giá như anh có thể làm được điều gì đó.
Giá như anh thực sự bằng được phân nửa lời đánh giá ấy.
Giá như anh không tiếp nhận dịch vụ lần này và ở lại đảo.
Giá như anh có thể đáp lại những kỳ vọng của nhóc.
Giá như anh thực hiện được lời hứa.
Hay chính xác hơn, giá như anh có thể hồi sinh nhóc, bằng tất cả khả năng của mình, thì thật là tốt biết bao.
Ngặt nỗi, trên đời này làm gì tồn tại hai chữ ‘giá như’.
Và anh thì mãi mãi chỉ là một kẻ xấu xa, tồi tệ hơn cả rác rưởi mà thôi. Một kẻ không bao giờ xứng đáng với sự thứ tha.
.
“Cơ mà nói vậy không có nghĩa anh hoàn toàn tốt đẹp đâu, đôi lúc em cũng bực mình, nặng nề hơn là tức giận xen lẫn thất vọng, với anh Sóng lắm nhé.”
.
Như linh cảm thấy chủ nhân của bức thư có thể hiểu được tâm trí người đọc, tôi lập tức giật mình sực tỉnh. Vừa kéo tiềm thức thoát khỏi những lời nguyền rủa bản thân, vừa rụt rè đọc tiếp:
.
“Bởi vì anh lúc nào cũng chỉ biết tự trách mình thôi. Chẳng cần quan tâm đúng sai, nguồn cơn gốc gác của vấn đề, hay lý do xuất hiện những rắc rối. Việc anh làm trước tiên, đều sẽ chỉ cười trừ rồi cúi đầu chấp nhận sự buộc tội vô cùng bừa bãi, vội vã quy chụp cho chính sai lầm của bản thân, mà không hề biện minh lấy một lời nào cả.
Ừ thì… em không hiểu. Từ mọi biến cố xảy ra trong quá khứ, đến quá trình định hình nên con người anh Sóng ở hiện tại. Hay cuộc sống của anh trước khi gặp em khó khăn thế nào? Một đứa trẻ như em hiển nhiên không thể hiểu rồi. Nhưng em luôn tin chắc rằng một người như anh Sóng sẽ chẳng làm được điều xấu xa kinh khủng nào đâu. Hoạ chăng có gây ra chuyện gì nghiêm trọng, thì đó hoặc là vô tình, hoặc là chẳng phải của riêng mình anh. Mà tất cả mọi người liên quan, dù gián tiếp hay trực tiếp, đều cũng phải có một phần trách nhiệm cả.
Em nói có đúng không nè.”
.
Có lẽ nhóc đúng.
Nhưng mà…
.
“Nếu thấy đúng thì hãy lắng nghe và chịu khó cải thiện nhé.
Bắt đầu bằng việc học cách tự thứ tha cho bản thân có lẽ hơi khoai, nên trước mắt anh Sóng cứ thử sống thật vô tư xem. Không cần để ý hay đặt nặng lời nói của những người không hiểu chuyện, quan tâm tới điều bản thân hứng thú hơn một chút. Và quan trọng nhất là hãy giãi bày ra hết nỗi ấm ức của bản thân với ai đó, người lúc nào cũng ở bên cạnh, luôn sẵn sàng lắng nghe anh nói như chị Gió chẳng hạn.
Em tin là anh sẽ làm được thôi mà (mặt quyết tâm).”
.
Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời.
Lý nào lại đơn giản như thế chứ?
Vừa ương bướng đáp lại, tôi vừa lật giở lá thư sang trang cuối cùng.
.
“Song song với đó, anh Sóng cũng phải học cả cách chăm sóc cho bản thân nữa nhé. Như là ăn nhiều rau hơn này (chế độ dinh dưỡng loanh quanh toàn thức ăn đóng hộp với mì tôm là tệ lắm đấy), ngủ đủ giấc này, thường xuyên tập thể dục, tút tát lại vẻ ngoài (đặc biệt là cạo râu và cắt tóc). Kết bạn thật nhiều sẽ khiến anh vơi đi cảm giác cô đơn. Hay thỉnh thoảng, hãy đi đâu đó giải khuây cũng tốt.
Các mẹ lẫn anh chị ở trại cũng nhắc đến anh suốt (theo nghĩa tích cực), nên lúc nào rảnh hãy cứ tới đó chơi.
Và sau chót, điều này thực tâm thì em rất muốn ích kỷ mà giấu kín trong lòng cơ, nhưng suy đi tính lại vẫn nên tiết lộ cho anh biết. Đó là chị Gió… có hơi để ý đến anh đấy. Vì cùng là con gái nên em nhận ra ngay. Tóm lại, ý em là anh Sóng hãy khiến chị ấy hạnh phúc, như đã làm với em. Cũng đừng quên phải hạnh phúc nhé.
Ừm… còn gì không ta?
Chắc hết rồi nhỉ?
Đọc đến đây, em cho phép anh khóc đó. Nhưng hứa là chỉ một chút thôi nhé. Không được khóc ở đám tang của em đâu. Vì em có thể sẽ không siêu thoát được mất. Lúc đó, nhất định em phải hóa thành hồn ma, ám anh cả đời cho bõ ghét mới được (mặt doạ nạt).
Cơ mà nghĩ lại, việc đó cũng không đến nỗi tệ nhỉ. Hehe (mặt xảo trá)!”
.
Đồ ngốc. Anh chắc chắn sẽ không khóc đâu. Vì anh là anh cơ mà.
Mặc dù nhủ thầm như vậy, tôi cũng nhận ra hai mắt mình tự lúc nào đang ầng ậng nước, khiến những dòng chữ ít ỏi cuối cùng trở nên nhoè dần từng chút một.
Và, cho đến khi…
.
"Dương sẽ chết. Nhưng Dương sẽ không sợ đâu. Thật của thật đó! Bởi cô Hạnh đã từng nói rằng thời khắc chết đi, chúng ta đều được đưa đến một thế giới khác, nơi chứa đựng tất cả mọi thứ mình thích. Từ bánh kẹo, đồ chơi, pocky dâu, đến bé Mưa và bé Nắng,... Nhiều lắm. Lại còn có thể phù hộ cho những người bản thân yêu quý nữa.
Tại nơi đó, em sẽ luôn dõi theo từng bước chân chân anh. Vì anh chính là ánh sáng của đời em mà.
Hẹn gặp lại anh… ở một nơi nào đó!
Em gái của anh
Dương”
.
… thì…
Bộp!
Một giọt, hai giọt, rồi ba giọt, nước mắt không ngừng chảy dài theo dòng trên gò má, cứ thế tuôn rơi lã chã xuống khoảng trắng, có vẽ hình hộp pocky dâu nhỏ xinh trên tờ giấy.
Bức thư kết thúc, kéo theo cả những nỗi chấp niệm, tôi dành cho sinh mạng ngắn ngủi của cô bé đó.
Có buồn thương, có đau khổ, nhưng lại tuyệt nhiên không hề tuyệt vọng nhiều như vừa nãy nữa. Cứ như thể nó đã phần nào an ủi được trái tim tôi vậy.
Phải. Nhóc thắng. Vì anh đã khóc mất rồi.
Và, vào khoảnh khắc đưa khủy tay lên, hòng cố ngăn lại dòng nước mắt cứ trào ra theo cảm xúc. Tôi lại đột ngột nhận ra, cũng chính trái tim đang nhói lên từng hồi đều đặn ấy, chẳng biết từ bao giờ lại nhen lên hai cơn đau khác nữa, không phải của mình tôi.
.
“Tái bút: Nói lại lần cuối cùng, em là con gái, một bé gái dễ thương. Vậy nên, anh Sóng tuyệt đối đừng có gọi em là nhóc này, nhóc nọ nữa nhé.”
0 Bình luận