Đại Lộ 29 Tháng Hai
Phước Văn Đoàn
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Đại Lộ 29 Tháng Hai

Chương 06: Dương

10 Bình luận - Độ dài: 8,877 từ - Cập nhật:

Tôi gặp em vào mùa thu năm ngoái, khi mà năm học mới cùng những ngày tháng cấp Ba chỉ mới bắt đầu.

***

Ngôi trường mà tôi đang theo học là trường công lập duy nhất nằm ở phía bắc đảo Thiên Đường. Nên đây cũng là nơi hầu hết học sinh lớp 9 ở các trường trung học lân cận, chọn để kéo dài con đường học vấn của mình thêm ba năm nữa. Chính vì lẽ đó mà số lượng học sinh đổ về rất đông. Và cũng chính vì lẽ đó, việc bắt gặp những người đã học cùng mình từ hồi cấp Hai trở nên vô cùng hạn chế.

Giữa một tập thể hoàn toàn xa lạ như thế, khả năng giao tiếp ở mỗi cá thể là cực kỳ quan trọng, để có thể khiến ba năm tiếp theo trở nên tươi đẹp như người ta vẫn nghĩ. Tuy nhiên, kẻ như tôi lại chẳng mảy may sở hữu một chút thứ tài năng ấy.

Dù những ngày đầu cũng có vài người đến làm quen, nhằm tạo dựng một mối quan hệ có lẽ là bạn bè với tôi. Nhưng vì cách nói chuyện vô cùng cứng nhắc (tôi nghĩ vậy), và thói quen chẳng bao giờ chịu chủ động đã hình thành từ những năm tiểu học. Nên chỉ sau một tuần, khi các mối quan hệ được hình thành và ngày càng bền chặt, thì tôi đã nghiễm nhiên trở thành một trong hai kẻ cô độc của lớp.

Cùng với thành tích học tập tồi tệ, mà chỉ ngay trong buổi sinh hoạt đầu tiên, tôi đã bị giáo viên chủ nhiệm gặp riêng để nhắc nhở, chỉ trích vì thái độ học tập cũng như đạo đức, bằng những lời lẽ có phần gay gắt.

Để rồi khi được cho phép ra về, dù đang là giữa trưa, đường phố vắng tanh vắng ngắt, tôi cũng chẳng về nhà ngay mà cứ lếch thếch bước đi trên con đường quen thuộc, tiến tới bệnh viện đa khoa Đảo Thiên Đường.

Tôi không bị bệnh, cũng chẳng có lý do gì để đến đây cả. Chỉ là ở đây có một khu vườn nhỏ, nằm ngay bên dưới căn phòng mà chị tôi đã ở bảy năm về trước.

Ngày đó, tôi từng vài lần dẫn chị đi dạo trên con đường rải sỏi vào những ngày trời đẹp. Sau khi chị mất, mỗi lần mẹ cáu giận và mắng chửi, tôi lại chạy đến đây và khóc một mình. Gặp chuyện gì không vui hay chỉ đơn thuần là rảnh rỗi, tôi cũng đến đây. Vừa đọc sách, nghe nhạc từ chiếc máy mp3 bỏ túi, hay chơi game trên điện thoại, vừa tận hưởng bầu không khí thoáng đãng dưới bóng cây ngay cạnh phòng bệnh của chị Biển.

Để rồi chẳng biết từ bao giờ khu vườn nhỏ bé này đã trở nên quá đỗi quen thuộc và bình yên biết bao.

.

Và hôm nay cũng vậy.

Có lẽ vì đang là buổi trưa, và sáng ngày cũng vừa xuất hiện một cơn mưa rào cuối hạ chăng, mà xung quanh chẳng có lấy một bóng người. Khiến cho tôi tuy đang lướt mắt lên những con chữ, nhưng vẫn có cảm giác nơi đây là dành riêng cho mình.

Quyển sách này, tôi đã tìm thấy nó trong kệ sách cũ của chị Biển từ năm ngoái. Đọc qua tiêu đề thì có vẻ thú vị nên đã không suy nghĩ nhiều mà nhét nó vào cặp, định bụng sẽ đọc vào những giờ ra chơi hay lúc rảnh rỗi để giết thời gian. Nhưng từ đó đến nay, dù sách vở hay đồ dùng học tập có thể thay đổi, thì nó vẫn độc chiếm lấy một ngăn nhỏ trong cặp tôi, như một thứ linh vật không thể tách rời. Và dù đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần, đến độ thuộc làu từng tình tiết, các câu thoại hay thậm chí là lời bàn của tác giả. Nhưng mỗi khi có thời gian rảnh, tôi lại ôm khư khư lấy nó. Lúc thì chăm chú đọc, lúc lại chỉ lướt mắt trong vô thức mà suy nghĩ mông lung.

.

“Á!”

Khi mà tôi đang kẹp tay, chuẩn bị lật dở sang trang kế tiếp, thì một tiếng hét thất thanh vang lên ngay bên cạnh. Qua chất giọng có lẽ là con gái, còn khá trẻ. Và tiếp theo là một vật gì đó rơi xuống lùm cây cách chỗ tôi ngồi không xa.

Cảm thấy hơi khó chịu vì đột nhiên lại bị làm phiền, tôi ngẩng lên nhìn dãy phòng bệnh gồm 5 tầng, và chỉ thấy mỗi căn phòng ở tầng 2, cũng là nơi ngày trước chị Biển đã nằm khi nhập viện, là căn phòng duy nhất có cánh cửa sổ đang mở rộng.

Hình như nó luôn mở như thế này thì phải.

Vừa nghĩ, tôi vừa tò mò tiến lại. Và chẳng mất nhiều thời gian để nhìn thấy ngay dưới những tán cây chuỗi ngọc được cắt tỉa gọn gàng, là một con búp bê bằng nhựa mềm. Với mái tóc màu vàng được tết hai bím thô kệch, cùng chiếc váy hồng đính đầy kim tuyến cũng thô kệch chẳng kém. Cái đầu có lẽ vì cú va đập vừa rồi thì phải, đã nghẹo sang một bên trông chẳng ra làm sao.

Khi ngước lên lần nữa, tôi phát hiện ra ở bậu cửa sổ của căn phòng đó, có một bóng người đang len lén theo dõi mình. Và khoảnh khắc hai ánh mắt chạm nhau, bóng hình nhỏ bé đó vội vàng lùi vào bên trong như để trốn tránh khỏi tôi vậy.

Kệ đi, đằng nào cũng chẳng phải việc của mình.

Dù tự nhủ thầm như thế, nhưng tôi vẫn cầm theo con búp bê đó, đi vào sảnh lớn của bệnh viện. Đợi thang máy lên tầng 2, bước đi trên dãy hành lang được lót vải sàn rồi tiến tới cửa căn phòng quen thuộc. Hít một hơi thật sâu, sau đó đưa tay gõ nhẹ vài cái. Thấy không có tiếng trả lời mới mạnh dạn đẩy cửa bước vào.

Và đúng như dự đoán, bên trong căn phòng vẫn im thin thít, nhưng khi nhìn vào đống chăn được cuộn lên lù lù giữa giường, tôi tin chắc ở trong đó có người nên liền từ từ tiến lại. Tuy nhiên, chưa kịp lên tiếng gọi lần nữa thì một giọng nói lập tức vang lên, rối rít như sắp khóc:

“Em xin lỗi! Em xin lỗi! Em xin lỗi! Em sẽ đi ngủ ngay bây giờ đây ạ, nên xin hãy tha lỗi cho em.”

Đó là giọng của một bé gái.

Trước tình cảnh ấy, tôi còn hơi bối rối nhưng vẫn đưa tay vỗ nhẹ lên tấm chăn mỏng đó mà trấn an:

“Đừng sợ, anh lên đây để trả lại cho nhóc con búp bê này nè.”

Tiếng rối rít đó im bặt đến mấy giây. Rồi bất chợt, cô bé trong chăn lại lên tiếng bằng chất giọng hồ nghi, thái độ vẫn chưa thôi sợ hãi.

“Anh sẽ không làm gì em thật chứ?”

“Ừ! Không làm gì đâu.” Tôi niềm nở đáp.

“Thật của thật chứ?” Cô nhóc vẫn còn cảnh giác mà hỏi lại.

"Thật của thật mà!”

“Vậy thì hãy hứa đi! Hứa là anh sẽ không làm gì em hết.”

Đến lúc này, tôi tuy có hơn bất mãn, nên chỉ thở dài rồi hùng hồn tuyên bố:

“Anh sẽ không làm gì em đâu. Nếu nói dối hai đầu gối anh bằng nhau, nếu nói sai thì hai tai anh có lỗ.”

Nghe vậy, có lẽ chẳng hiểu gì đâu nhưng cô bé vẫn từ từ kéo chăn qua đầu, chậm rãi ngồi dậy giữa giường, săm soi từng cử chỉ của tôi rồi rụt rè đưa tay đón lấy con búp bê. Nhưng ngay lúc đó, một ý đồ xấu xa lập tức bùng lên, khiến tôi kéo con búp bê về phía mình. Rồi trước vẻ mặt ngơ ngác của cô bé, tôi đặt tay lên cái đầu nhỏ ấy, trưng ra một thái độ đầy gian ác:

“Nhóc con này, dám không chịu ngủ trưa mà lại đi chơi búp bê à? Anh mày sẽ méc các cô y tá để họ mắng cho mày một trận nên thân.”

Nghe tôi dọa nạt như thế, cô bé khẽ lùi ra xa, gương mặt non nớt tái mét đi, nhưng vẫn cố tỏ vẻ điềm tĩnh mà gân cổ cãi:

“Anh đã hứa rồi cơ mà?”

“Hứa gì?” Tôi giả vờ gằn giọng hỏi lại.

“Nếu anh nói dối, hai đầu gối anh bằng nhau. Nếu anh nói sai, hai tai anh có lỗ đấy thây.”

Nhớ hết được những gì tôi nói, nhóc con này đúng là đáng nể thật. Song, tôi vẫn dùng vẻ mặt đểu giả ấy, khẽ nhếch môi cười, đưa tay lên tai mà cố ý trêu đùa:

“Ừ thì tai anh có lỗ này, hai đầu gối cũng bằng nhau chứ có khập khễnh gì đâu? Không lẽ nhóc mày khác à?”

Đến lúc này, biết mình đã bị lừa, gương mặt của cô bé nghệt ra trông đến buồn cười, rồi lập tức chuyển sang mếu máo:

“Anh lừa em... em sẽ méc các cô y tá để họ mắng cho anh một trận nên thân.”

Con bé này ghê gớm thật. Lại còn bắt chước lời đe dọa của tôi nữa chứ. Nhưng tôi cũng không có ý trêu chọc nữa, mà chỉ vội vàng đưa con búp bê ra rồi an ủi:

“Thôi thôi, anh xin lỗi mà! Anh sẽ không nói đâu.”

“Ư...”

Vừa đón lấy con búp bê từ tay tôi, cô bé đó vừa dụi mắt xụt xịt. Đến lúc này, tôi mới có thể trông rõ bóng hình nhỏ bé đang ngồi đối diện. Cô bé ấy khoảng 8-9 tuổi, mái tóc ngắn được tết thành hai bím nhỏ rất dễ thương. Hai má chúm chím, đôi mắt đen láy còn hơi ướt, khiến nó trở nên lấp lánh như một bầu trời đầy sao. Dáng người nhỏ nhắn cùng cơ thể hơi gầy.

Sau đó, tôi lướt mắt quan sát khắp căn phòng một lượt. Nơi đây, dù đã trải qua bảy năm trời nhưng vẫn không chút nào thay đổi. Từ vị trí xếp giường, tủ thuốc, tivi, tấm rèm màu be, cùng cánh cửa sổ luôn mở rộng hướng ra khu vườn nhỏ bên ngoài. Những điều đó đã khiến tôi đột nhiên cảm thấy nhớ nhung chị vô cùng, nên chẳng muốn nán lại ở đây lâu thêm nữa, tôi liền tạm biệt cô bé ấy rồi chuẩn bị bước ra ngoài.

Nhưng chưa kịp đưa tay mở cửa thì cô nhóc đằng sau bất chợt rên rỉ. Thì ra là bởi chiếc đầu của con búp bê đó, lúc nãy đã nghẹo hẳn sang phải, bây giờ lại rời ra khỏi cổ, lăn lông lốc giữa giường. Còn cô nhóc kia thì đang phụng phịu, và có thể sẽ òa lên khóc rồi bắt đền tôi bất cứ lúc nào. Nghĩ vậy, tôi vừa tặc lưỡi tiến lại, vừa nói:

“Để anh xem có sửa được không nhé.”

Cô nhóc cố nén những giọt nước mắt sắp sửa trào ra, rồi gật đầu cái rụp.

Loại búp bê này được làm bằng nhựa mềm, nên đầu và tay chân đều có thể tháo ra và lắp lại một cách dễ dàng. Chỉ là đối với trẻ con thì có hơi khó khăn hơn một chút thôi. Lắp vào xong, tôi thử lắc qua lắc lại để kiểm tra xem nó đã vừa vặn với phần cổ chưa, tiện tay chỉnh lại bộ váy bằng vải thô và mái tóc được cấu thành từ các sợi nhựa ở nhiệt độ thấp.

Sau đó, tôi ngắm nghía thêm một chút, phát hiện ra cái tên được thêu trên cổ áo, thì vừa đưa con búp bê cho cô bé đang nhìn mình bằng ánh mắt đầy hi vọng, vừa hỏi:

“Nhóc tên Mưa à?”

Thoáng ngạc nhiên, cô bé dơ con búp bê lên ngang mặt tôi rồi hậm hực:

“Mưa là tên của em ấy, còn em là Dương. Vả lại em không phải là ‘nhóc’ nên đừng gọi em như vậy nữa.”

Ra thế.

Mà cô bé này cũng lạ thật. Vừa mới suýt khóc đấy mà đã lên giọng hoạnh họe tôi ngay được. Rồi Dương đột nhiên hỏi tôi:

“Anh tên là gì vậy?”

“Sóng.” Tôi đáp gọn lỏn, chẳng mất nhiều thời gian. Nhưng sau khi nhận thấy vẻ mặt của Dương thoáng chút khó hiểu, liền hỏi lại: “Sao vậy? Tên đó kỳ lạ lắm à?”

“Vâng, trước giờ em chưa thấy cái tên nào như vậy luôn. Sóng nghĩa là ‘sóng biển’ ấy à?”

“Chứ còn cái gì nữa?” Tôi bất mãn.

“Sóng điện thoại này, hay là lò vi sóng nhỉ? Sóng vô tuyến, sóng wi-fi,... nhiều lắm.”

Vừa nói, cô bé vừa cười khúc khích như đã thành công trêu tức được tôi. Còn tôi thì có phần ấm ức khi tên mình bị một đứa trẻ lôi ra trêu đùa như thế nên cũng không chịu lép vế:

“Chẳng phải nhóc cũng thích đặt tên kỳ lạ hay sao? Cái gì mà Mưa chứ? Mưa dầm, mưa dề, mưa lất phất, mưa phùn hay mưa rào đây?”

Nói xong, tôi nhận ra mình thật là trẻ con khi chấp nhặt một điều chẳng ra làm sao. Nhưng đối với Dương, dường như cái cách tôi nói chuyện thế này khiến mọi thứ tự nhiên, hơn là tỏ vẻ trưởng thành. Cô bé phồng má phủ nhận:

“Mưa không kỳ lạ. Em được các mẹ tặng vào hôm trời mưa nên đặt tên bé ấy như vậy thôi.”

“Các mẹ à?”

Nghe thấy cụm từ ấy, tôi nhắc lại để thay cho một câu hỏi khó diễn đạt thành lời. Nhưng Dương chỉ gật đầu rồi tự hào giới thiệu:

“Các mẹ ở trại đã tặng cho em đấy. Tất nhiên là cả chị Huệ, chị Thư, Bảo và anh Vũ cũng có quà, nhưng chỉ có mình em là nhận được bé Mưa thôi.”

Chứ không phải là nhóc tự đặt tên rồi nghĩ rằng nó là duy nhất à?

Tôi đã định hỏi như vậy nhưng rồi lại thôi.

Ở phía cực Bắc của đảo Thiên Đường, nằm trên một sườn đồi cao quay ra biển, có một trại trẻ mồ côi được thành lập từ những năm đầu tiên trong kế hoạch cải tạo hòn đảo. Để hỗ trợ những đứa trẻ không nơi nương tựa hay bị chính cha mẹ ruột của mình vứt bỏ. Cho đến khi có một gia đình nào đó nhận nuôi, hoặc đến năm 18 tuổi, thời điểm đã tương đối trưởng thành về mọi mặt. Và theo lời Dương thì cô bé này chính là một trong số đó.

“Ở đó có vui không?” Tôi hỏi lại mà trong lòng nặng trĩu.

“Vui lắm. Các anh chị cũng rất quý em nữa. Nhưng...” Cô bé đang từ vẻ mặt hồn nhiên chuyển sang ngập ngừng, ánh mắt toát lên sự rầu rĩ: “... bây giờ thì em chỉ được gặp họ vào Chủ Nhật mà thôi.”

Chẳng biết Dương đã nằm viện bao lâu rồi. Nhưng dường như tôi đã chạm phải nỗi buồn của cô bé, nên không nói gì nữa mà chỉ thả mình vào những dòng suy nghĩ khô khan.

Đúng lúc ấy, cánh cửa gỗ bật mở. Từ bên ngoài, một nữ bác sĩ trong tà áo blu trắng bước vào trước sự ngạc nhiên của chúng tôi. Rồi trong khi tôi vẫn đang tìm lời giải thích cho lý do mình ở đây thì Dương chợt hốt hoảng, nằm vật xuống giường, chui đầu vào trong chăn mà rối rít nói:

“Con xin lỗi! Con xin lỗi! Con xin lỗi vì đã không ngủ trưa ạ.”

Thấy vậy, tôi cũng ái ngại nhìn nữ bác sĩ, thì thấy cô ấy có vẻ như đã hiểu ra điều gì đó, nên chỉ tủm tỉm cười trìu mến. Tôi biết người phụ nữ này, chị ấy là Hạnh, một bác sĩ còn khá trẻ, có khi chỉ khoảng 30 tuổi hoặc ít hơn thế. Tôi gặp chị từ bảy năm trước, trong vài lần kiểm tra sức khỏe cho chị Biển. Và sau đó, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp nhau khi tôi tới khu vườn trong bệnh viện.

Nhận ra tôi, chị Hạnh khẽ gật đầu, vừa tiến lại chiếc bàn gần đầu giường của Dương. Sau đó xé vỏ một gói thuốc loại bột đang cầm trên tay, pha vào chai nước suối cỡ một lít rưỡi, vừa nói với cô nhóc đang trốn tịt trong chăn:

“Cô đã nói như thế nào rồi? Không ngủ trưa là sẽ bị tiêm cơ mà.”

“Con xin lỗi. Lần sau con sẽ nghe lời mà. Nên đừng tiêm con nhé cô!”

Giọng điệu cô nhóc rên rỉ như sắp khóc, và có thể sẽ khóc thật nếu như chị Hạnh dọa thêm một chút nữa. Thấy vậy, chị ấy cũng không còn quá khắt khe nữa. Đóng nắp chai lại, lắc nhẹ vài cái khiến nước ngả sang màu trắng đục rồi nói với Dương:

“Lần này cô tạm tha đấy, nhưng phải uống thuốc nhé. Lần sau mà còn tái phạm thì cô tiêm mười mũi luôn cho chừa.”

“Vâng. Con sẽ uống mà.”

Rồi chị Hạnh dọn dẹp vỏ thuốc, mẩu giấy vệ sinh trên bàn, thảy vào trong túi rác bên dưới. Sau đó vừa bước ra bên ngoài, vừa quay lại bảo tôi, ánh mắt chứa đầy sự tin tưởng:

“Em có bận không? Nếu không phiền thì ngồi đây chơi với con bé một lúc nhé. Chỗ thuốc kia phải uống hết trước 6 giờ nên thỉnh thoảng nhắc nó uống hộ chị.”

“Vâng.” Tôi đáp lại.

Nghe tiếng đóng cửa vang lên, Dương mới từ trong chăn chui ra, thở phào nhẹ nhõm:

“Không phải tiêm rồi, may quá!”

“Nếu sợ thì mau uống ít thuốc đi.”

Thấy tôi thúc giục, cô bé lộ rõ vẻ bất mãn, nhưng cũng không còn ngang bướng nữa mà nhoài người lại gần bàn, rót nước từ trong chai ra chiếc cốc sứ màu hồng. Sau đó bưng lên môi, nhăn mặt như đang nhìn một thứ gì đó kinh dị lắm. Rồi Dương quay sang tôi, giả bộ ngây thơ mà nũng nịu:

“Hay anh uống giúp em một chút được không?”

“Anh có bị bệnh đâu mà phải uống?”

“Nhưng mà đắng lắm!”

“Đừng lằng nhằng tốn công vô ích. Thuốc đắng mới giã được tật đấy, biết không?”

“Ưm...” Cô nhóc xị mặt ra, nhưng vẫn đưa chiếc cốc lên miệng, nhăn mặt và bắt đầu uống. Song, có vẻ như nó không đắng như tôi nghĩ vì chỉ một lát sau, chiếc cốc đã cạn sạch. Dương đặt nó xuống bàn rồi còn “khà” một tiếng, ra chiều sảng khoái lắm.

“Sao? Có đắng không?”

“Không đắng lắm, thấy em giỏi không?” Cô nhóc nhìn tôi bằng ánh mắt đầy tự mãn, muốn được khen ngợi, vừa cười hì hì hết sức ngây thơ. Khiến tôi chỉ còn biết gật đầu động viên.

Trông cô nhóc này có vẻ dễ bị đọc vị nhỉ? Tôi nghĩ thầm.

Và rồi, chúng tôi tiếp tục trò chuyện về đủ thứ. Lúc là về những ngày Dương nằm viện, lúc lại về bạn bè của cô bé. Có khi lại chuyển sang nơi sống và cả những vấn đề của tôi nữa.

Chẳng biết đã bao nhiêu thời gian trôi qua nhưng Dương vẫn liến thoắng kể. Phải chăng đã rất lâu rồi cô nhóc mới có người để nói chuyện như thế này. Cái cách mà em kể chuyện không khỏi khiến tôi nghĩ tới điều ấy. Nhưng không hẳn là tôi ghét nó. Cuộc nói chuyện không đến nỗi chán ngắt, và tôi cũng không ghét cái cách cô bé kể chuyện hào hứng thế kia.

Rồi khi chiếc đồng hồ điểm 4:30. Đã là xế chiếu và cũng là lúc tôi quyết định ra về.

“Anh ơi.” Dương gọi với theo khi tôi chuẩn bị vặn tay nắm cửa: “Ngày mai anh sẽ lại tới đây chứ?”

Câu hỏi làm tôi khá bối rối. Nhưng ánh mắt cô đơn của em khiến tôi chẳng thể trả lời: “Không, chắc là anh không có ý định đến đây nữa đâu” được. Mà chỉ đáp lại bằng một câu mơ hồ:

"Sớm thôi!”

"Em nhờ anh việc này được không?” Dương tiếp tục

“Chuyện gì?” Tôi ngần ngại.

“Em muốn ăn pocky vị dâu.” Cô nhóc nói với vẻ ngượng ngùng.

“Pocky à?” Tôi cau mày hỏi lại.

“Thật ra em chỉ được ăn thức ăn của bệnh viện thôi. Các mẹ cũng nghiêm khắc lắm, dù em có xin thì phải lâu lắm mới được mua cho. Căn-tin trong này cũng không bán những thứ như thế, nên em mới phải nhờ anh đó.” Dương nhìn tôi bằng ánh mắt như van lơn: “Em đòi hỏi vậy có nhiều quá không?”

"Ừm... thôi được rồi.”

Tôi không suy nghĩ nhiều, chỉ trả lời cho có lệ rồi bước ra khỏi phòng bệnh.

.

Vốn đã không định đến đây lần nữa để tránh đụng phải cô nhóc có phần phiền toái kia. Nhưng chỉ sau đó vài hôm, khi buổi học được kết thúc sớm do giáo viên bận việc, vẫn còn khá sớm nên tôi lại lê từng bước tới bệnh viện ấy như một thói quen khó bỏ.

Và vốn đã định đến đây để giết thời gian, nhưng khi nhìn thấy một quán tạp hóa bán đồ ăn vặt ở cách đó không xa, loại pocky vị dâu mà Dương nhắc đến cũng xuất hiện trên kệ hàng. Cũng khá rẻ, chỉ khoảng 15 nghìn thôi nên dù vẫn đang phân vân có nên đến thăm cô bé ấy lần nữa hay không, tôi vẫn gọi cô bán hàng lấy cho ba hộp rồi nhét vào cặp sách.

Vừa vào đến khu ghế đá quen thuộc, tôi nhận ra ngay trên bậu cửa sổ tầng hai, Dương đã đứng ở đó rồi nhìn mình, ánh mắt toát lên niềm vui sướng như thể đã luôn trông ngóng tôi tới vậy. Thấy thế, tôi cũng đưa tay vẫy vẫy rồi tiến lên căn phòng bệnh của cô bé. Trong lòng chỉ thầm tự nhủ:

Đây sẽ là lần cuối cùng nên cứ lên đó chơi một lát cũng được.

Tuy nhiên, lần cuối cùng mà tôi nghĩ vẫn chưa thể tới, vì chỉ ngay khi giải quyết xong hộp bánh đầu tiên, Dương, như muốn níu giữ tôi lại, đã lôi từ trong ngăn tủ ra một tập sách vở kẻ ô li, vừa đề nghị:

“Vì em chưa từng được đến trường, lại không muốn học dốt hơn bạn bè ở trại, nên từ nay anh dạy em học được không?”

Rồi trước cô bé đang nhìn mình bằng ánh mắt như van lơn, tôi lại chẳng đủ dũng khí để từ chối mà chỉ khẽ gật đầu đồng ý cho có lệ. Vừa thở dài ngán ngẩm vì độ ranh ma của Dương.

Nhưng chẳng biết vô tình hay hữu ý, mà từ hôm đó, mùa mưa cuối hạ đã bắt đầu. Những cơn mưa cứ bất chợt xuất hiện trong khi trời đang nắng như đổ lửa, rồi lại tạnh một cách chóng vánh. Khiến bầu không khí trong khu vườn đột ngột giảm xuống, nước đọng trên tán lá cây nhỏ vào cổ áo, chảy xuống lưng lạnh buốt. Cảm giác ẩm ướt nơi ống quần khi bước qua một vũng nước đọng lớn ngai ngái khó chịu, mặt ghế đá ướt lạnh. Tất cả những điều đó đều làm tôi, mỗi lần đến đây, bước chân lại tự động hướng tới căn phòng bệnh cuối cùng của tầng 2. Nơi có một cô nhóc phiền phức đang chờ đợi.

Và kể cả khi mùa mưa kết thúc, để nhường chỗ cho tiết trời mát mẻ của mùa thu, sau đó là cảm giác lạnh run người những ngày đông, tôi vẫn tiếp tục đến đó. Nhưng tần suất không hề giảm mà cứ thế tăng lên. Mỗi lần tới, tôi lại dùng vài hộp pocky, hoặc bánh kẹo rồi cùng cô bé thưởng thức.

Sau đó, tôi khi thì hí hoáy sửa lại những món đồ chơi mà Dương vô tình làm hỏng, khi thì diện cho bé Mưa bộ váy mới mà cô nhóc vừa làm được từ mớ vải thừa, khi lại kể cho em nghe những câu chuyện mình đọc được trong sách, trả lời mọi câu hỏi vô cùng ngây ngô. Hay chỉ đơn thuần là trầm ngâm theo dõi Dương chăm chú viết gì đó vào vở.

Có đôi lần, tôi cũng gặp bạn bè và các mẹ của cô bé ở trại trẻ mồ côi. Ban đầu, họ còn tỏ rõ sự khó chịu, có lẽ vì ái ngại việc Dương quen biết với một kẻ chẳng ra gì như tôi chăng? Nhưng sau khi thấy tôi luôn đến đây để bầu bạn, khiến em đỡ buồn, các cô ấy dường như đã có chút thay đổi, tính tình niềm nở hẳn và cũng thường xuyên gửi gắm cô bé mỗi lần bận bịu với công việc. Biết chuyện tôi đang sống một mình, nên thỉnh thoảng họ cũng sang tận nhà chỉ để đưa tôi một mớ rau, vài cây cải bắp, xu hào, cà rốt,... mà đám trẻ lớn hơn trồng được trong vườn của trại.

Vào Trung thu, lễ Halloween, Giáng Sinh, sinh nhật, dịp đầu năm hay những lễ hội, sự kiện lớn trên đảo. Nếu thấy sức khỏe của Dương ổn định, tôi lại xin phép chị Hạnh cho cô bé được ra ngoài, đi mua sắm, xem phim, cùng ăn những món bày bán trên vỉa hè, hoặc làm những việc mà em cảm thấy tò mò và thích thú.

Để rồi đến khi nghĩ lại, tôi mới nhận ra những ngày tháng được chăm sóc cho Dương như thế này, tuy chậm rãi, nhẹ nhàng nhưng cũng thật ấm áp biết bao. Tôi đã hạnh phúc. Tôi hạnh phúc không phải bởi đây là lần đầu tiên sau suốt một thời gian dài bản thân được người khác tin tưởng và yêu quý. Mà là vì sự mãn nguyện trên gương mặt non nớt của cô bé. Đối với tôi lúc ấy, chỉ cần được nhìn thấy nụ cười của Dương là đủ rồi, những thứ khác có hay không cũng chẳng còn quan trọng nữa.

Tuy nhiên, tôi lại quên mất một điều tất yếu. Đó là những cuộc vui nếu đến bất ngờ, thì cũng sẽ tàn phai chóng vánh.

.

Khi kì thi cuối cùng của năm học lớp 10 chuẩn bị bắt đầu, thì thời gian để tôi đến thăm Dương cũng ít đi do lịch học phụ đạo bắt buộc ở trường dày hơn hẳn. Chẳng biết có phải là do tôi nhớ, hay vì muốn gặp Dương, mà ở một góc nào đó trong tâm trí tôi luôn mong chuỗi ngày vô dụng dài dằng dặc này kết thúc thật nhanh.

Và khi kết quả của cả năm học được tóm gọn trong một tờ bảng điểm không thể bết bát hơn, tôi với tâm trạng có phần phức tạp đã lần nữa đến thăm cô bé. Nhưng trước sự hứng khởi của tôi, cái thực tại tàn khốc này lại đáp trả bằng một gáo nước lạnh. Bởi vì...

...khi tôi mở cánh cửa ra, căn phòng bệnh lưu giữ bao kỉ niệm đó đã không còn ồn ào chất giọng trẻ con, bề bộn đồ chơi cùng sự ấm áp đến từ nụ cười của Dương nữa. Mà chỉ độc sự yên tĩnh, lạnh lẽo và xa lạ đến rợn người.

Cũng chẳng còn bóng dáng thân thương của cô bé mà tôi biết hiện hữu ở đó nữa.

***

Sau khi nghe bác sĩ Hạnh trấn an rằng Dương chỉ được đưa sang khoa khác để điều trị một thời gian, rồi sẽ lại trở về, tôi đã có thể thở phào nhẹ nhõm. Nhưng rồi lại bồn chồn ngay. Bởi từ lúc quen Dương đến giờ, có vài lần chúng tôi không gặp được nhau vì cô bé bận đi kiểm tra sức khỏe, cũng có khi các bác sĩ không cho vào thăm nếu em ốm do thời tiết xấu. Nhưng chưa bao giờ phải thay đổi phác đồ điều trị như lần này cả. Điều đó cho tôi biết tình trạng bệnh của Dương đã nghiêm trọng hơn nhiều.

“Em cứ đưa số điện thoại đây, khi nào con bé về, chị sẽ gọi lại cho.”

Thấy tôi ngày nào cũng đến đây, chị Hạnh đã đề nghị như vậy. Tôi cũng đồng ý ngay, song vẫn đến đấy mỗi khi rảnh rỗi để chờ đợi cô bé trở về. Và rồi, một tuần sau khi kì nghỉ hè bắt đầu, nữ bác sĩ ấy cũng thông báo điều mà tôi muốn nghe nhất, rằng quá trình điều trị của Dương đã hoàn tất.

Tuy nhiên, lúc tôi mở cánh cửa thân thuộc ấy ra, được nhìn thấy Dương, tôi lại không khỏi bồn chồn xúc động trước cơ thể gầy gò của cô bé. Đây chắc là ảnh hưởng của quá trình điều trị, để Dương có thể tiếp tục chống chọi với căn bệnh suy tim mấy năm nay. Vẻ hoạt bát mà tôi thường thấy ở em nay chỉ còn là chút sắc màu nhợt nhạt của sự sống. Ánh mắt đượm buồn lúc nào cũng ngước nhìn lên bầu trời rộng lớn bên ngoài cửa sổ, hệt như chị Biển năm xưa vậy.

“Lâu lắm rồi nhỉ anh Sóng. Em nhớ anh lắm đó!”

“Hộp bánh ấy, anh cứ để đó đi. Khi nào muốn em sẽ ăn.”

“Anh được nghỉ hè rồi sao? Điểm thi có tốt không? Có lên được lớp không?”

“Học bài à? Em cũng phải được nghỉ hè chứ, nên không muốn học đâu.”

“Em đã không còn sợ tiêm và uống thuốc đắng nữa, anh thấy em có giỏi không?”

Những cuộc nói chuyện như vậy cứ thế diễn ra, nhưng lại tựa một lưỡi dao sắc cứa vào nơi sâu thẳm nhất trong trái tim tôi. Bởi vì Dương cứ nói với tôi những điều mà trước đây em chưa bao giờ nói, không còn nhõng nhẽo tôi, các mẹ hay cả bác sĩ Hạnh nữa, lại còn luôn miệng động viên tôi như một đứa trẻ đã sắp sửa trưởng thành.

Lúc đó, tôi nhận ra Dương mà tôi biết đã thay đổi mất rồi. Điều đó khiến tôi cảm thấy thương em quá, bởi vì Dương đã chịu đựng quá nhiều khó khăn so với một đứa nhóc 10 tuổi. Nên những nụ cười gượng gạo trên môi em không khỏi khiến tôi chạnh lòng.

“Mạnh mẽ.”

Phải rồi, tôi không thể nào mạnh mẽ được như Dương, nên cũng không thể trấn át những cảm xúc đang trào dâng trong lồng ngực. Để rồi khi ý thức được lời vừa vô tình thoát ra khỏi miệng, tôi quay sang thì lại thấy cô bé đang nhìn mình bằng ánh mắt đầy ngạc nhiên, mới lên tiếng hỏi lại:

“Nhóc có biết cách làm thế nào để trở nên dũng cảm không?” Rồi nói những lời từ tận đáy trái tim: “Nhóc hãy nhớ tới nụ cười của người mình yêu quý, cũng đừng quên phải mỉm cười khi làm điều đó nhé.”

Nghe vậy, gương mặt ủ dột của Dương lập tức tươi tỉnh hẳn lên, còn đồng tử mở rộng khiến đôi mắt trở nên thật long lanh như bầu trời sao rực rỡ. Tôi không biết cảm xúc ấy là thực, hay chỉ đơn thuần là muốn tôi vơi đi nỗi phiền muộn, nhưng cô bé lại dùng chất giọng nhí nhảnh mà tôi biết rồi bắt đầu trêu chọc:

“Anh mà cũng nói được điều đó với em sao? Thế thì hãy dũng cảm ra ngoài mà kiếm cho mình một người bạn đi. Là con gái thì càng tốt đấy.”

Một lời thách thức chẳng hề liên quan đến cuộc trò chuyện này. Trước đây, Dương cũng từng vài lần nhắc nhở tôi như thế, nhưng chẳng hiểu sao chỉ riêng lần này thôi, hai má tôi nóng bừng. Nên không thể kìm nén nổi sự kiêu ngạo mà lớn tiếng khoe mẽ:

“Đừng coi thường, anh đây cũng có bạn đấy. Mà cậu ấy còn là con gái nữa cơ.”

Đúng thế, tôi có bạn. Một cô gái tên Gió với vẻ ngoài tương đối nổi bật, bởi mái tóc vàng mượt mà, diện mạo đượm buồn xinh xắn. Nhưng lại đang gánh vách thứ năng lực và lời nguyền, mà chẳng ai có thể tưởng tượng nổi ở một cô gái 16 tuổi, suốt 11 năm nay. Đối với cô ấy, chúng tôi có thể là bạn hoặc thậm chí là người bạn duy nhất của nhau. Nhưng với tôi, thứ tình cảm mà tôi dành cho cô ấy, dường như đặc biệt hơn rất nhiều.

“Thật chứ?” Dương ngạc nhiên hỏi lại tôi, giọng nói có chút dao động, nửa tin nửa ngờ.

“Thật của thật luôn! Bọn anh còn thân thiết đến mức sống chung một nhà nữa cơ.” Dẫu điều đó chẳng có gì đáng để kể ra, nhưng vì đang nắm trong tay cơ hội hiếm hoi được lên mặt với Dương, nên tôi chẳng thể bỏ lỡ.

"Vậy à?” Ánh mắt của cô bé lại một lần nữa rầu rĩ thấy rõ. Nhưng sau đó lại ngẩng lên mà sốt sáng hỏi tôi: “Em không tin đâu. Vậy nên mấy hôm nữa, nếu có dịp anh phải cho em gặp chị ấy cơ. Nhé! Nếu là người chơi thân được với cả anh Sóng thì hẳn phải tốt bụng lắm. Như em chẳng hạn.”

Có được không nhỉ? Cơ mà cô ấy không phải người như em nghĩ đâu.

Dù vậy, tôi vẫn gật đầu rồi trả lời chắc nịch:

“Cứ chờ đi!”

***

Từ hôm Gió tới sống cùng cũng đã được một tuần trôi qua, cuộc sống của tôi chắc chắn có rất nhiều thay đổi, nhưng để chỉ ra cụ thể những điều ấy thì thật chẳng dễ dàng chút nào. Rõ rệt nhất có lẽ nằm ở việc tôi biết chăm sóc cho bản thân mình hơn chăng?

Mỗi sáng, khi thức dậy thì Gió đã đi làm từ rất lâu rồi, và lúc cô ấy trở về thì bữa tối đã sẵn sàng. Rồi hai chúng tôi lại trò chuyện về đủ mọi thứ, từ những vị khách khó tính mà Gió đã gặp, đến đám trẻ trâu mới lớn, ưa trêu chọc người khác bằng những câu đùa nhạt thếch và bậy bạ. Hay muôn vàn tình huống dở khóc dở cười mà cô ấy gặp phải lúc làm thêm ở khu mua sắm phức hợp.

Khi Gió ngỏ ý muốn trả tiền ăn và tiền sinh hoạt, tôi đã nhất mực từ chối:

“Cậu dù bận nhưng vẫn dọn dẹp nhà cửa giúp tôi rồi. Nên mấy cái lặt vặt đó có đáng là bao.”

Song, lời biện hộ của tôi vẫn khiến cô gái ấy suy nghĩ ít nhiều.

.

Còn về công việc chia sẻ tuổi thọ mà tôi đã đề xuất với Gió thì... khỏi cần nói cũng biết nó khá tệ.

Khi trong suốt ba ngày đầu tiên, tôi đã rất tích cực đăng tải nó lên các trang mạng xã hội lớn nhỏ, cũng như chia sẻ khắp các diễn đàn, trang chủ khác nhau. Tuy nhiên, những phản hồi nhận được không nhiều. Phần đông trong số đó, họ chỉ cười, coi tôi như một kẻ điên, đang mắc chứng ảo tưởng với thứ sức mạnh thần bí nào đó. Phần khác, họ cũng bày tỏ nhiều quan điểm thông cảm hơn là chê cười, khi nghĩ tôi là kẻ từng trải qua nhiều mất mát trong quá khứ, nên đã tìm cách để khiến những người cùng cảnh ngộ có thể vượt qua được nỗi đau ấy. Điều đó không phải là không có cơ sở. Và một số người còn lại, họ dường như tin vào nó. Nhưng sau khi xem qua điều kiện, rằng nạn nhân phải ra đi không quá nửa ngày, hay chỉ hồi sinh trong chốc lát rồi sẽ lại trải qua một lần nữa cái chết. Thì hầu hết lại từ chối với lí do chưa có nhu cầu.

Để rồi chỉ một thời gian ngắn sau, tôi đã chẳng còn đặt chút kì vọng nào vào cái phương án ngu ngốc không khác gì tự sát đó nữa. Nên đành tìm cách thiết thực hơn để đạt được mục đích của mình.

.

Sáng hôm ấy cũng như bao ngày, tôi thức dậy khi đồng hồ vừa chạy qua số 8 một chút.

Có lẽ Gió đã đi làm rồi thì phải.

Vừa nghĩ, tôi vừa uể oải ngồi dậy, bước vào nhà tắm để vệ sinh cá nhân một lượt. Nhưng khi xong việc và bước tới cầu thang, một thứ âm thanh khô cứng của dao va vào mặt thớt vang lên đều đặn. Như có ai đó đang nấu ăn.

Tò mò, tôi bước xuống. Và không khỏi ngạc nhiên khi người đang đứng ở giữa gian bếp chính là Gió, đang đeo trên người chiếc tạp dề viền hoa trắng, mà chẳng bao giờ tôi sử dụng. Vừa cắt thái cái gì đó như hành khô. Trông thấy dáng vẻ rệu rã của tôi, cô gái ấy trìu mến hỏi:

“Cậu dậy rồi à?”

“Thế còn cậu? Hôm nay không đi làm à?”

“Vì vừa có thêm một chị nhân viên mới xin vào, công việc cũng không còn bận như trước nữa. Nên anh quản lí nói nếu thích thì cứ nghỉ ngơi ngày Chủ Nhật cũng được.”

“Ra thế.” Tôi gật đầu đáp ngắn gọn, không tán đồng cũng chẳng phản đối. Quan sát Gió vài giây rồi hỏi lại để đổi chủ đề: "Mà cậu đang làm gì vậy?”

“Nấu bữa sáng. Còn nhiều lắm nên cậu ăn cùng luôn chứ?”

Câu hỏi như biết trước tôi sẽ đồng ý vậy. Nhưng bữa sáng à? Tôi chưa từng thấy ai nấu bữa sáng với đống nguyên liệu kia cả. Đó là hai gói bim bim khoai tây cỡ bự sắp hết hạn mà Gió đem về tối hôm qua. Và cũng chưa từng được ai đó nấu ăn sáng cho bao giờ, nên chỉ gật đầu rồi ngắm nhìn dáng vẻ bận rộn của Gió.

Cô ấy bắt đầu tráng một lớp mỡ mỏng trên bề mặt chảo đã nóng, phi hành dậy mùi thơm phức. Trong thời gian chờ hành vàng thì đập trứng, thuần thục tách riêng lòng đỏ và lòng trắng. Rồi cô lấy cơm nguội trong tủ lạnh, đổ vào chảo, bắt đầu rang. Tiếng xèo xèo ngon lành vang lên khắp phòng. Sau khi đảo cơm xong, Gió mở gói bim bim khoai tây, dùng hai tay bóp rào rạo rồi trộn với cơm rang.

Khi cô gái ấy chia cơm ra hai chiếc đĩa bằng nhau rồi đẩy về phía tôi, tôi đã không khỏi trầm trồ. Bởi đĩa cơm rang này khác hẳn với bất kì đĩa cơm nào mà tôi từng ăn trước đây, vì nằm chính giữa là lòng đỏ trứng sống bóng lưỡng, xung quanh còn rắc thêm rau thơm và hành lá xát nhỏ. Bát nước dưa chua thì đặt bên cạnh để ăn kèm.

Bị kích thích bởi thứ hương thơm kì lạ ấy, tôi xúc một thìa cơm rồi đưa vào miệng. Nhưng chỉ ngay miếng đầu tiên, vị béo ngậy của trứng hòa quyện với sự giòn tan của thứ đồ ăn vặt vô cùng thịnh hành, khiến tôi không khỏi thốt lên kinh ngạc:

“Cậu học ở đâu được món này đấy? Tôi không nghĩ khi kết hợp với nhau nó lại ngon như thế này.”

Còn Gió thì ngồi đối diện, vẻ mặt đầy tự mãn và cũng bắt đầu thưởng thức.

“Mà này.” Khi nữ biên tập viên chương trình tin tức buổi sáng trên tivi vừa nói lời cảm ơn và tạm biệt, tôi chợt nhớ ra vài chuyện, liền ngập ngừng lên tiếng: “Hôm nay được nghỉ, cậu có dự định sẽ làm gì chưa?”

Nghe tôi hỏi, Gió nghĩ ngợi giây lát rồi thành thật trả lời:

“Tôi đang tính đi mua thêm ít đồ dùng cá nhân thôi. Cậu hỏi vậy có chuyện gì?”

“Ừm... nếu rảnh thì lát nữa cậu đi với tôi một lúc được không?”

“Nhưng mà đi đâu cơ?” Trước dáng vẻ ngập ngừng của tôi, Gió nghiêng đầu, chớp mắt mấy cái ra chiều ái ngại.

“Thăm bệnh thôi. Không quan trọng đâu nhưng con bé có vẻ muốn gặp cậu lắm.”

“Người ấy là con gái à?”

Chẳng hiểu vì cớ gì, Gió lại dùng vẻ mặt ngạc nhiên, hỏi tôi một câu ngoài lề như vậy. Nhưng cũng nhờ thế mà tôi nhận ra mình chưa từng kể cho Gió về cô bé ấy, cùng mối quan hệ giữa chúng tôi, nên liền lên tiếng xác nhận:

"Phải! Là con gái, một cô nhóc chỉ mới 10 tuổi thôi.”

Rồi tôi bắt đầu nói cho Gió, từ lí do mình gặp Dương, món ăn yêu thích, tính cách có phần hơi phức tạp, hoàn cảnh đáng thương của em khi bị gia đình chối bỏ, những kỉ niệm đáng nhớ. Đến mới đây thôi, khi mà tôi hiểu rõ hơn về căn bệnh ung thư tim đã luôn hành hạ em suốt mấy năm nay.

Nghe xong những điều ấy, vẻ mặt của Gió vẫn vô cảm như mọi ngày, nhưng ánh mắt thì lại thoáng chút trầm tư, như đang nhìn thấy một người đồng cảnh ngộ với mình vậy. Phải rồi nhỉ? Quá khứ, và cả thực tại mà hai người họ đang đối diện, sao lại giống nhau, là cùng tàn nhẫn đến thế. Nhưng rồi ngay sau đó, chẳng đợi tôi nói thêm gì nữa, Gió liền đứng dậy, bắt đầu dọn dẹp đống bát đĩa trên bàn, vừa nhìn tôi, trìu mến hỏi:

"Cậu nói Dương thích ăn pocky vị dâu nhỉ? Lát nữa tôi phải mua cho cô bé ấy vài hộp mới được.”

“Cảm ơn!” Tôi khẽ mỉm cười đáp lại.

.

Dọn dẹp xong, chúng tôi chuẩn bị đồ đạc rồi ra khỏi nhà. Nhưng khi đi ngang qua khu siêu thị phức hợp, Gió liền kéo áo tôi vào đó, hướng tới cửa hàng bán đồ chơi cho bé gái. Nhìn xung quanh một lượt rồi hỏi:

“Tôi muốn mua ít quà. Cậu nghĩ cái nào ổn?”

Nghe Gió hỏi vậy, tôi hiểu ý. Nên vừa đi vòng quanh khắp các quầy hàng, ngắm nghía giây lát rồi chọn ra một món, đưa cho Gió, vừa nói:

"Cái này được đấy.”

“Cô bé từng nói muốn hay thích nó sao?” Gió nghiêng đầu thắc mắc.

“Không.” Tôi đáp gọn lỏn: “Nhưng tôi biết con bé luôn nghĩ rằng ai cũng nên có một người bạn. Để không phải cô đơn nữa.”

Cô gái bên cạnh không gặng hỏi thêm nữa, chỉ lặng lẽ tiến lại quầy thanh toán. Dù thái độ hiện rõ vẻ ưu tư.

.

Sau đó, Gió ghé vào cửa hàng tạp hóa nhỏ ven đường, mua thêm vài hộp pocky, bỏ vào chiếc túi giấy có quai màu đỏ, trông không kém phần lịch sự. Rồi cùng tôi thoát khỏi cái nắng chói chang của buổi trưa hè, bước vào sảnh lớn của bệnh viện, nơi có làn gió điều hòa mát rượi. Đợi thang máy lên tầng 2, tiến đến căn phòng thân thuộc ở cuối hành lang.

Hệt như mọi ngày, tôi đưa mu bàn tay gõ cửa bốn lần để ra dấu như Dương đã đề nghị, chờ đợi vài giây rồi mới vặn tay nắm mà đẩy cửa bước vào. Vừa nhìn thấy tôi, cô nhóc đang ngồi chơi đồ hàng với búp bê trên giường đã quay ra rồi lớn tiếng trách móc:

“Sao hôm nay anh đến muộn quá vậy?”

Tuy nhiên, chẳng đợi tôi trả lời, gương mặt non nớt nãy giờ vẫn tỏ ra nghiêm nghị ấy, bỗng chốc chuyển thành ngạc nhiên khi nhìn thấy cô gái đang đứng đằng sau tôi. Thấy vậy, tôi nhường đường cho cô ấy vào trước, đưa tay đóng cửa rồi mới giải thích:

“Đây là Gió, người mà mấy hôm trước nhóc đòi gặp đấy. Hôm nay cậu ấy rảnh nên muốn đến đây chơi với nhóc chút.”

“Chị là Gió.” Gió tuy có hơi ngượng ngùng, song cũng chủ động mở lời niềm nở: “Rất vui được gặp em!”

“Vâng. Còn em là Dương ạ.” Cô nhóc đó có lẽ vẫn chưa kịp hiểu điều tôi vừa nói, nên phải ngơ ngác đến vài giây rồi mới rụt rè đáp lại. Nhưng chỉ một lát sau, gương mặt của Dương lập tức trở về dáng vẻ tinh nghịch mọi ngày mà trêu đùa chúng tôi ngay được: “Sóng... Gió, em thấy tên của hai người hợp nhau ghê. Có khi nào...?”

Lại là trò ghép cặp đây mà. Tuy nhiên, khi mà tôi chưa biết phải trả lời ra sao, thì Gió đã hốt hoảng phủ nhận ngay:

“Không phải như em nghĩ đâu, bọn chị chỉ là bạn thôi.”

Rồi trước điệu cười đầy gian trá của Dương, cô ấy như để đánh trống lảng, liền đưa chiếc túi căng phồng bởi món quà mà chúng tôi đã cất công chuẩn bị cho Dương, vừa nói:

"Chị tặng em này.”

Thấy vậy, cô bé bối rối đưa tay đón lấy. Sau đó không nhìn vào bên trong vội, hồi hộp hỏi chúng tôi:

“Em mở ra được chứ?”

Rồi chẳng thể chờ đợi cái gật đầu từ Gió, Dương hít một hơi thật sâu như người lớn, thò tay vào, chậm rãi lôi vật nằm bên trong ra. Vừa “oa” lên đầy vui sướng, ánh mắt to tròn lấp lánh.

Món quà ấy là một con búp bê với kích cỡ và chất liệu giống hệt “bé Mưa” của Dương, chỉ khác ở chỗ đó là búp bê nam mà thôi. Một búp bê bé trai với mái tóc màu vàng đặc trưng óng ả, hai má chúm chím, mặc một bộ quần áo thám tử và trên đầu đội chiếc mũ beret. Nhận được món quà đó, cô nhóc ôm nó vào lòng, dụi dụi hai má vào khuôn mặt bằng nhựa mềm, rồi nói liến thoắng:

"Sao chị biết em đang muốn một bé búp bê nam như thế này nữa vậy? Em thích lắm! A, còn có cả pocky vị dâu nữa này, chị siêu thật đấy!”

Quả nhiên cô nhóc này vẫn rất ngây thơ mà. Vừa nghĩ, tôi vừa cầm lấy con búp bê cũ kĩ ở cuối giường, ngắn nghía rồi dò hỏi:

“Có bé Mưa rồi, liệu đây có phải là bé Nắng không?”

“Anh đọc được suy nghĩ của em đấy à?” Dương kinh ngạc, ái ngại nhìn tôi.

“Không hẳn.” Tôi nhún vai: “Chỉ là hôm nay trời cũng đang nắng đấy thôi.”

“Không chịu đâu, người đặt tên cho bé Nắng phải là em cơ. Anh là đồ xấu tính, chị Gió nhỉ?”

“Ừ. Sóng xấu tính thật đấy!”

Gió nhìn tôi, phụ họa theo rồi tủm tỉm cười. Còn tôi thì chỉ biết thở dài ngao ngán mà chẳng thể phân trần.

Sau khi bóc xong hai hộp bánh, đổ ra chiếc khay quen thuộc mà mọi khi chúng tôi hay dùng, Dương chợt nhớ ra gì đó nên liền nhanh chóng nhảy khỏi giường, lăng xăng chạy lại chiếc tủ nhỏ, lôi ra chiếc hộp bằng nhôm rồi đem về chỗ chúng tôi. Và khi em mở ra, trong đó là đầy ắp bánh quy, tỏa ra thứ mùi thơm ngào ngạt của bơ và sữa. Chỉ hiềm một điều, những cái bánh ấy chẳng hề đẹp đẽ như được mua ở các cửa hàng bánh kẹo. Có cái vỡ vụn, méo mó và xấu xí, cũng có cái lại cháy đen một mặt, trông vô cùng kì dị.

"Đây là bánh quy em và các bạn ở trại làm mấy hôm trước, anh chị ăn thử đi ạ.”

Rồi không đợi chúng tôi trả lời, Dương bốc một cái, cho vào miệng ăn ngon lành. Thấy vậy, tôi và Gió cũng thôi dè dặt mà bắt đầu thưởng thức. Chẳng biết có phải tôi ít khi ăn bánh quy hay không, mà vị bánh, nếu bỏ qua cơn khát nước thì khá là ngon, so với việc được làm bởi cô bé chưa một lần vào bếp như Dương.

Sau đó, có lẽ vì món quà hối lộ tuyệt vời kia, mà Gió ngay lậy tức đã trở thành đồng minh của Dương, trên mặt trận kể ra những tật xấu của tôi. Được một lúc, dường như đã quá đỗi thất vọng về người anh mà mình hằng ngưỡng mộ, cô nhóc ấy bất chợt hỏi Gió:

“Mà chị ơi, tại sao chị lại làm bạn được với anh Sóng vậy ạ?”

Nghe vậy, dòng kí ức về ngày hôm đó, vụ tự tử bất thành của Gió, rồi cả việc phản kháng lại trò trêu chọc của Quân ngay trước lớp và những buổi trưa chúng tôi vừa ăn, vừa trò chuyện dưới căn tin trường lập tức ùa về. Nhưng trong khi tôi vẫn đang phân vân xem có nên kể chuyện đó với cô bé hay không, thì Gió đã lên tiếng:

“Tại sao em lại hỏi vậy?”

"Bởi vì em thấy anh Sóng chẳng có chút nào là dễ thương cả.” Dương nhìn tôi mà thản nhiên trả lời: “Người gì mà cộc cằn, thô lỗ, lúc nào cũng thui thủi một mình. Người như vậy thì làm sao có bạn bè cơ chứ?”

“Này này...”

Không để tôi kịp lên tiếng biện minh, Gió ngắt lời rồi nói, một điều chẳng bao giờ có thể là sự thật:

“Em nói đúng. Nhưng có lẽ vì thấy Sóng lúc nào cúng thui thủi một mình nên chị mới chơi cùng cậu ta chăng?”

“Chứ không phải chúng ta đồng cảnh ngộ sao?” Tôi biện hộ.

“Làm sao mà được chứ?” Dương bĩu môi phản bác ngay: “Chị Gió xinh đẹp như thế này, đương nhiên là phải có rất nhiều bạn bè rồi.”

“Nhóc mày thì biết cái gì chứ?”

Tôi có chút bất mãn mà gắt lên. Nhưng con bé ngay lập tức phồng má, vểnh mũi lên, chỉ trích bằng chất giọng lanh lảnh khiến tôi cứng họng:

“Đấy đấy! Em là con gái, vậy mà lúc nào cũng nhóc này, nhóc nọ. Anh là đồ xấu tính, chị Gió nhỉ?”

“Ừ. Sóng xấu tính thật đấy.”

“...”

Lại nữa.

Sau đó, để trốn tránh cái nhìn như ăn tươi nuốt sống của tôi, Dương vội vàng núp đằng sau tấm lưng nhỏ nhắn của cô chị gái mới quen, còn Gió thì chỉ che miệng cười khúc khích. Và tôi thì... ừm... cảm giác như đang bị cho ra rìa vậy. Nhưng khi nhìn thấy họ vui vẻ thế này thì điều đó cũng chẳng còn là vấn đề gì nữa.

.

Nói chuyện thêm một lúc thì đã đến giờ ngủ trưa của Dương, nên tôi và Gió cũng đứng dậy, bỏ lại đằng sau câu nói đầy quyến luyến của cô bé, rằng: “Khi nào rảnh, chị lại đến đây chơi nữa nhé!”. Mà đóng cánh cửa lại.

Vừa bước dọc dãy hành lang dẫn tới thang máy, vừa suy nghĩ xem nên làm gì để lấp đầy khoảng thời gian rảnh rỗi còn lại. Nhưng khi xuống tới sảnh lớn của bệnh viện...

... thì nó đã xảy ra.

Một biến cố như là bước ngoặt của câu chuyện này. Như để chứng mình cho tôi thấy năng lực này không hề vô dụng, và cách làm của tôi là đúng đắn. Tuy nhiên, nó cũng như là bước đầu tiên để dấu chấm hết của cuộc đời tôi hình thành.

***

Tôi hận nó, nhưng cũng biết ơn nó vô cùng.

Bình luận (10)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

10 Bình luận

Khóc x1. Thế quẹc nào mà sad story dính dáng đến loli là t khóc như mưa thế nhỉ?
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
Chỉ là 1 cái death flag nho nhỏ thôi mà.
Ừm... vì truyện mới đi được hơn nữa chặng đường nên tôi cũng đang lo bản thân sẽ phạm phải vài sai lầm không đáng có trong VHVHH.
Xem thêm
@PhướcĐoàn: không, đừng, làm ơn :((
À mà ông đã nghĩ đến việc viết tragedy nhưng không có cái chết nào chưa?
Xem thêm
Xem thêm 1 trả lời
Tóm tắt chương: Tuổi thọ Dương + x năm.
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
X năm thì nhiều quá.
Xem thêm
@PhướcĐoàn: x đọc thành chữ "ít" đấy. <(")
Xem thêm
Xem thêm 3 trả lời