Đại Lộ 29 Tháng Hai
Phước Văn Đoàn
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Đại Lộ 29 Tháng Hai

Chương 08: Hai Kẻ Thất Vọng

0 Bình luận - Độ dài: 10,629 từ - Cập nhật:

“Mày có biết không, Sóng? Rằng cái thứ vô dụng và thất bại thì nên cút khỏi thế giới này đi! Càng sớm càng tốt để tao nhờ!””

.

Tôi ghét câu nói ấy của mẹ.

Bởi nó khiến tôi nhận ra chính vì sự chần chừ, thiếu quyết đoán của bản thân mà một thiên tài như chị Biển phải chết. Điều ấy, dù không chắc chắn, nhưng đâu còn lí do nào thiết thực hơn. Vì nó đã luôn ám ảnh tôi suốt bảy năm nay, mỗi khi lặng lẽ ngắn nhìn tấm di ảnh của chị, hay ngay cả trong giấc mơ về chuỗi ngày xưa cũ. Và hơn bao giờ hết, nó đã phơi bày một sự thật tàn nhẫn, rằng trong mắt mẹ, tôi đơn thuần là một thứ công cụ không hơn, được sinh ra chỉ để giúp bà chạm tay tới mục đích của mình.

Tôi ghét, nhưng cũng biết ơn vô cùng những lời ấy.

Bởi vì ở một góc trong tâm trí, tôi luôn nghĩ rằng: ‘có lẽ không phải như vậy’, ‘có lẽ không hoàn toàn đúng’, ‘phải chăng một lúc nào đó, điều tốt đẹp sẽ xảy ra, vì thế giới luôn biết cách khiến chúng ta phải bất ngờ mà’. Để rồi chẳng biết từ bao giờ, tôi đã lấy nó làm động lực để không ngừng chờ đợi. Cho đến ngày hôm nay, khi mà cái tương lai ấy đã nhấc một chân khỏi vạch xuất phát.

***

“Hự! Aaaaaaa…”

Một cơn đau từ chân phải đột ngột bắn thẳng dọc khắp cơ thể, khiến tôi có cảm giác như toàn bộ cơ bắp vừa bị lộn hết cả ra ngoài. Mà vội vàng bật dậy khỏi giấc ngủ mơ màng, đưa hai tay ôm chặt lấy bắp chân của mình, lăn lộn giữa giường, hai răng nghiến chặt vào nhau, chỉ có cổ họng là phát ra những tiếng rên rỉ đầy tuyệt vọng.

Cái gì thế này? Là chuột rút ư?

Không phải!

Hay là bị vật gì đó đè vào?

Nghĩ thế, tôi liền mím môi, nhăn nhó ngẩng lên để quan sát. Nhưng ngay lập tức, thứ cảm giác chắc chắn là đau đớn đó dịu dần, rồi biến mất thật nhanh. Cho đến khi tôi định thần lại thì nhận ra bản thân đã ngồi thừ giữa giường, hơi thở hổn hển, mồ hôi túa ra làm đầu tóc và cơ thể ướt sũng như vừa tắm xong, mắt nhìn chằm chằm vào cẳng chân phải của mình. Trong đầu đặt ra vô vàn câu hỏi, rằng ‘nó’ rốt cuộc xuất hiện từ đâu.

Tuy nhiên, khi đã hoàn toàn bình tĩnh mà ngồi thẫn thờ giữa căn phòng mười sáu mét vuông thiếu ánh sáng, tôi lại tìm thấy câu trả lời ấy, mà không hề nghi vấn mọi chuyện vừa xảy ra chỉ là cơn ác mộng lấy một lần.

Phải rồi, đây chắc chắn là cơn đau mà người con gái tôi yêu, đang phải chịu đựng mà. Chắc chắn.

.

Những cơn đau như vậy thường xuất hiện trên khắp cơ thể tôi dạo gần đây, từ sau cái ngày tôi nhận ra tình cảm của mình dành cho Gió. Khi thì chỉ như giãn dây chằng loại nhẹ, hay cơn đau lưng của người già, khi thì quặn lại nơi khoang bụng, tựa viêm ruột thừa. Và đôi lúc lại bùng lên nơi đỉnh đầu khiến cả cơ thể tôi lảo đảo.

Dù biết rằng không chỉ riêng tôi, cả Gió cũng phải chịu cơn đau tương tự, dù cảm nhận được nỗi bất hạnh của cô gái ấy, dù lo lắng một điều gì đó viển vông. Nhưng lại chẳng thể mở lời mà động viên hay an ủi cho được, bởi vì để điều tốt đẹp nhất có thể xảy ra, tôi nhất định phải đào sâu chôn chặt thứ tình cảm ấy đến cùng.

Mình đúng là kẻ ngốc thích hành hạ bản thân mà.

Cứ thở dài tự nhủ như vậy, tôi vừa với tay lấy chiếc điện thoại di động trên thành giường. Sau khi ấn ngón tay cái vào nút nguồn, ánh sáng từ màn hình hắt ra hiển thị rõ dãy số điện tử trên đó. Mới có gần năm rưỡi sáng.

Bình thường, nếu thức dậy vào khoảng thời gian này, chẳng kể những ngày nghỉ hay đi học, tôi sẽ đều tặc lưỡi mà hạ lưng xuống giường, tiếp tục thả mình vào giấc ngủ chậm chờn. Nhưng hôm nay, một phần là bởi dư âm của cơn đau vừa rồi, phần còn lại có lẽ là ở thanh thông báo của điện thoại chăng, mà cơn buồn ngủ của tôi đã biến mất từ lúc nào. Trên đó, chính là biểu tượng của trang web DỊCH VỤ KÉO DÀI SINH MỆNH, một hình thức kinh doanh tuổi thọ mà tôi đã lập, nhằm thực hiện kế hoạnh của mình.

Phải rồi nhỉ. Từ lần đầu tiên sử dụng năng lực để hồi sinh chị Nguyệt đến giờ, tôi đã không truy cập nó rồi. Nên vừa hồi hộp ấn vào dòng thông báo trên màn hình cảm ứng, vừa hồi tưởng lại những chuyện đã xảy ra trong mấy ngày qua.

.

Sau giây phút chia li đầy nuối tiếc đó, tôi cũng hiểu đây không phải lúc thích hợp để nói bất kì điều gì với anh Nhật, kể cả lời an ủi hay phí thanh toán dịch vụ, nên chỉ cùng Gió ra về với tâm trạng có phần phức tạp. Nhưng chỉ sau đó hai hôm, khi mà công việc hậu sự của chị Nguyệt có lẽ đã hoàn thành, chị Hạnh lại chủ động tìm đến và đưa tôi một chiếc phong bì dày cộp, kèm theo câu nói buồn bã:

“Anh Nhật…, anh ấy nhờ chị gửi cho Gió cái này. Cậu nói mình là trợ lí nên giúp chị chuyển cho cô bé nhé.”

Nghe vậy, tôi cũng hiểu ra ngay, liền đón lấy, vừa ngắm nghía dòng chữ được viết nắn nót trên đó: ‘Anh xin lỗi vì không thể đưa tận tay cho các em! Cảm ơn hai em nhiều lắm!’. Vừa nghĩ:

Có lẽ anh ấy sợ tình hình sẽ trở nên khó xử chăng? Cơ mà nếu là mình, thì lúc đó cũng sẽ phân vân, không biết nên đối diện với người ta kiểu gì cho phải phép mà thôi.

Nên chỉ tặc lưỡi, xé miệng chiếc phong bì, lôi ra một sấp những tờ polime và bắt đầu đếm. Khi đã xác nhận số tiền ấy hoàn toàn thỏa đáng, thậm chí đối phương còn chu đáo trả dư ra một khoản khá hời coi như tiền tip, tôi liền hài lòng nhét cả vào túi rồi vội vã cúi đầu trước chị Hạnh, nói lời cảm ơn bằng thái độ thật chân thành.

Nhưng dường như chẳng thèm quan tâm tới hành động đó, chị ấy cúi người thấp xuống để có thể nhìn rõ gương mặt tôi mà hồ hởi thán phục:

“Chị khá bất ngờ đấy. Bởi bạn gái của cậu, cô bé có thứ năng lực kì diệu ghê!”

Nghe vậy, tôi chỉ đành cười trừ, nhún vai phủ nhận:

“Đã nói rồi, chúng em chỉ là bạn thôi. Cơ mà, tại sao chị lại có thể bình tĩnh khi chứng kiến điều phi lí đó, và giúp đỡ chúng em? Nếu là người bình thường thì phải cư xử như ông bác sĩ kia mới đúng. Lại còn nói chính xác nguồn gốc của nó là đến từ Đại Lộ 29 Tháng Hai nữa chứ? Chính hành động đó mới khiến em bất ngờ đấy.”

Không chỉ riêng tôi mà cả Gió, sau ngày hôm ấy cũng thắc mắc những điều như vậy, và tỏ rõ sự bất an dành cho cô gái đang đứng bên cạnh đây. Nhưng trước một loạt câu hỏi dồn dập cùng thái độ sặc mùi nghi ngại của tôi, chị ấy chỉ quay lưng, hất mấy lọn tóc ra sau vai rồi bước đi, vừa nhẹ nhàng giải thích:

“Về Đại Lộ 29 Tháng Hai thì chị đoán bừa đấy, để có thể lấy cớ kéo ông chú ấy đi ra ngoài. Không ngờ lại trúng. Còn về lí do chị sẵn sàng giúp các cậu thì…” Nói đến đây, chị Hạnh quay lại nhìn tôi, miệng còn nở nụ cười tinh nghịch ra chiều bí ẩn: “… đến một lúc nào đó thích hợp, chị sẽ nói cho.”

Nghe vậy, tôi cảm thấy hơi bất mãn mà vội vã đuổi theo. Nhưng khi khoảng cách chỉ còn chưa đầy một mét, chị Hạnh chợt lên tiếng:

“Tuy nhiên điều chú Long… vị bác sĩ ấy nói… không phải là không có lí.”

“Chị nghĩ vậy à?” Tôi hờ hững hỏi.

“Ừ, chưa bàn đến chuyện Gió đồng ý bị nghiên cứu nhằm tạo chút tiếng tăm, thì việc em ấy đã làm hôm qua thật sự đã giúp ích cho bệnh viện này rất nhiều đấy. Khiến người nhà bệnh nhân chấp nhận ca phẫu thuật đã thất bại, hay không thể tiếp tục quá trình điều trị nữa. Đối với bác sĩ bọn chị đâu phải vấn đề dễ dàng gì.”

“Ra thế.” Tôi gật gù, ra chiều đã hiểu. Nhưng lại ngay lập tức nhớ tới kế hoạch bản thân đang ấp ủ, nên liền ngập ngừng mở lời: “Vậy thì từ nay, mỗi khi bệnh viện có ai đó phải ra đi, ừm… chị có thể giới thiệu họ đến dịch vụ này… được không?”

Tới đây, chị Hạnh đột nhiên dừng lại, khiến tôi cũng giật mình mà lùi về phía sau vài bước. Rồi chị ấy quay sang, nhìn đăm đăm vào mặt tôi bằng ánh mắt có phần phức tạp.

“Tức là cậu muốn hợp tác với bệnh viện này sao?”

Nghiệm ra điều chị Hạnh vừa nói, tuy ngữ nghĩa có hơi nặng nề, song lại hoàn toàn đúng. Tôi liền liếm môi, gật đầu xác nhận:

“Vâng. Chị cũng biết đấy, để tìm ra những người tương thích, giải thích một loạt bản chất của năng lực này, còn phải khiến họ tin và chấp nhận sử dụng dịch vụ của chúng em nữa, thật chẳng đơn giản gì. Nhưng mọi thứ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu hợp tác với bệnh viện, không phải sao?”

Nơi nắm rõ nhất thời gian ra đi của nạn nhân, nơi mà những người ở lại khao khát điều kì diệu sẽ xuất hiện hơn bất kì ai, nơi tập trung một số lượng người vừa đủ để cả tôi và vị khách hàng xấu số kia, không cảm thấy khó xử. Liệu còn địa điểm nào tốt hơn, đáp ứng đủ các tiêu chí ấy hơn bệnh viện này, hay cụ thể là chính căn phòng người ấy đã nằm trước lúc ra đi.

Nghe tôi nói vậy, thái độ của chị Hạnh thoáng chút trầm ngâm như đang suy nghĩ, khiến tôi bất giác lúng túng mà nhìn lảng sang hướng khác. Nhưng chẳng kịp để tôi giải thích thêm một điều vô nghĩa nào nữa, chị ấy đột nhiên quay gót, vừa trả lời tỉnh bơ chẳng hề do dự:

“Được thôi. Đến lúc đó, chị sẽ gọi cho cậu.”

“Điều đó hoàn toàn ổn sao?”

Những tưởng mình vừa nghe nhầm, tôi chẳng nén nổi sự ngạc nhiên mà hỏi lại. Tuy nhiên, chị Hạnh chỉ đáp lại tôi bằng một nụ cười trìu mến:

“Chẳng phải chị đã nói, rằng năng lực của Gió đã giúp ích rất nhiều cho bệnh viện sao? Vả lại, so với việc ngày nào cậu cũng đến đây và trò chuyện cùng bé Dương, thì chút việc nhỏ này đâu có đáng là bao?”

Nói rồi, chị ấy lập tức rảo bước, tiến vào căn phòng điều trị tập trung cách đó không xa, bỏ lại tôi vẫn đứng như trời trồng giữa hành lang bệnh viện. Mãi tới khi cánh cửa kéo ấy sắp sửa đóng lại, tôi mới như hiểu ra điều gì đó, liền vội vã cúi đầu mà lí nhí. Âm thanh trong cổ họng thoát ra nhỏ đến mức chỉ đủ để mình mình nghe thấy:

“Rất mong được chị giúp đỡ ạ.”

Giờ nghĩ lại, tôi mới nhận ra bản thân đã trở thành kẻ xấu xa và độc ác biết bao? Bởi vì mỗi khi tôi có cơ hội được sử dụng năng lực, thì trên thế gian này sẽ lại có một sinh mệnh nữa ra đi. Nhưng để kế hoạch của mình được hoàn thành, nhằm kéo Gió thoát khỏi những cơn đau đã luôn hành hạ cô ấy suốt mười mấy năm nay. Tôi đâu còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc khiên bản thân trở nên tàn nhẫn cơ chứ?

.

Đồng nghĩa lúc này đây, hơn bao giờ hết, tôi hi vọng thứ đang chờ đợi mình chính là thông báo của một công việc mới. Và… khi giao diện của trang web đó được tải xong… thì linh cảm của tôi đã thực sự trở thành sự thật… Khi ở ngay giữa màn hình, một khung yêu cầu dài dằng dặc hiện ra. Khiến tôi không nén nổi sự tò mò mà lướt mắt đọc.

.

“Giới tính: Nam

Tuổi: 53

Thời gian mất: 19 giờ 30 phút, ngày 13 tháng 6.

Địa điểm: Phòng bệnh 404, khoa Ung Bướu, bệnh viện Trung Ương Đảo Thiên Đường.

Gói dịch vụ đã chọn: Gói sáu giờ.”

.

Nhìn chung thì nội dung trong đó chẳng khác với lần anh Nhật chấp nhận hồi sinh chị Nguyệt là bao. Chỉ trừ hai chỗ khiến tôi chú ý, hay nói chính xác hơn là khá kì lạ. Vì thứ nhất, ở mục điền của cả ‘NGƯỜI SỬ DỤNG’ và ‘NGƯỜI ĐĂNG KÍ’ đều chỉ có duy nhật một cái tên lạ hoắc: ‘Nhưỡng’. Và thứ hai, khi kéo xuống phần ‘GHI CHÚ’, tôi nhận ra người ấy còn gửi thêm một vài điều cần lưu ý nữa, nên liền phóng to cả khung hình lẫn đôi mắt vẫn còn ngái ngủ ra để đọc:

“Chi tiết xin vui lòng liên hệ tới bác sĩ Hạnh.”

Vậy ra đây chính là vị “khách hàng” đầu tiên mà chị ấy đã giới thiệu tới chúng tôi à? Tuy nhiên, tôi lại mau chóng gạt phắt nỗi nghi vẫn ấy sang một bên, để dành chỗ cho ba câu hỏi chẳng thể nào tìm ra được đáp án, vừa mới hình thành:

Thứ nhất, tại sao vị khách này lại muốn hồi sinh chính bản thân mình, chứ không phải bất kì một ai khác trên danh nghĩa người thân? Thứ hai, ông ấy mất lúc bảy rưỡi tối, nhưng tại sao phải đến hai giờ sáng, yêu cầu này mới được báo về trang web của tôi? Và thứ ba, nếu biết mình chắc chắn sẽ chết, thì tại sao ông ấy không giải quyết hết mọi vấn vương trong quãng thời gian cuối cùng của cuộc đời. Mà phải lợi dụng thứ dịch vụ đầy tính rập khuôn này để làm điều đó?

Sau tất cả, tôi nhận ra rằng càng cố suy đoán, bản thân lại càng chẳng hiểu chuyện gì đang diễn ra nữa. Nên chỉ biết thở dài mà ngước nhìn ra phía cửa, nơi vừa vang lên tiếng ‘cách’ của khóa phòng bên cạnh, tiếp theo đó là tiếng bước chân đều đều quen thuộc.

Vậy ra Gió đã dậy rồi à? Phải rồi, cứ nằm đây mãi thì cũng chẳng giải quyết được gì, lại còn tốn thời gian nữa. Nên cứ ra ngoài mà bàn bạc với cô ấy chút xem sao?

Nghĩ thế, tôi liền xoay người, vươn vai để xua tan đi sự nặng nhọc của cơ thể rồi lồm cồm lết ra mép giường. Khoảnh khắc đôi chân trần tiếp xúc với nền đá hoa mát lạnh, cả cơ thể tôi khẽ run lên, song vẫn cố đứng dậy, tiến về phía cửa, đưa tay vặn tay nắm khiến chốt khóa vang lên một thứ âm thanh lạnh buốt đến ghê người. Trong đầu vẫn tìm kiếm những từ ngữ để chuẩn bị mở lời với cô gái ấy.

Khi bước ra ngoài, dưới ánh sáng yếu ớt hắt vào từ cửa chớp, tôi thấy Gió đang đứng ở bậc trên cùng của cầu thang tầng hai. Cô ấy vận một bộ quần áo ngủ màu trắng, hai tay đưa lên buộc lại mái tóc dài hơi rối, để lộ ra gương mặt vẫn còn ngái ngủ. Ở phần chân của mái tóc vàng nổi bật ấy, dạo gần đây hình như cũng đang dần ngả sang sắc đen cố hữu rồi thì phải. Có lẽ đã bị tiếng mở cửa thu hút, Gió ngạc nhiên quay lại. Và khi hai mắt giao nhau, nhận ra người đó là tôi, cô ấy thoáng chút ngại ngùng mà nói bằng chất giọng bối rối:

“Chào buổi sáng.”

“Cậu chuẩn bị đi làm đấy à?” Tôi không trả lời, chỉ đáp lại bằng một câu hỏi.

“Ừ.” Gió gật đầu: “Mà sao hôm nay cậu dậy sớm thế?”

“À thì...” Nghe vậy, kí ức về cơn đau vừa nãy, thứ đã phá tan giấc ngủ ngon lành của tôi ngay lập tức hiện ra trong đầu. Nhưng khi đang định lên tiếng thì lại nhớ tới lí do để cảm giác ấy hình thành, mà bất giác xấu hổ, không biết nên giải thích sao cho Gió khỏi nghi ngờ, khiến đối phương phải nghiên đầu khó hiểu. Thấy thế, tôi chỉ có thể tiến tới, đưa chiếc điện thoại vẫn đang sáng đèn ra rồi lúng túng nói: “Ừm… Tôi vừa nhận được một yêu cầu mới.”

Gió ban đầu có hơi ngạc nhiên, nhưng ngay sau đó, như đã hiểu ra vẫn đề tôi đang nhắc tới, cô ấy đón lấy và cũng bắt đầu lướt mắt chăm chú đọc, ngón tay cái thỉnh thoảng còn khẽ vuốt nhẹ trên màn hình cảm ứng. Ngày hôm đó, khi tôi ngỏ ý muốn đưa cho Gió một nửa số tiền bán sinh mệnh coi như phí hợp tác, thì cô ấy đã nhất mực từ chối:

“Tôi không cần nhiều như thế đâu. Vả lại chỗ đó, tất cả đều là tuổi thọ của cậu đấy, nên hãy biết trân trọng nó dù chỉ một chút đi.”

Dù nói là vậy, nhưng cô ấy lại không thể để tâm tới một chân lí hiển nhiên, rằng nếu những ngày tháng của tôi ngắn lại dần và cạn sạch, rằng nếu tôi chết đi thì số tiền đó có lớn bao nhiêu đi nữa, cũng sẽ là vô nghĩa. Thậm chí nó còn trở thành một chướng ngại ngăn cản tôi có thể nhắm mắt xuôi tay. Nên giờ đây, khi nhận được yêu cầu hồi sinh người khác, những lời dọa dẫm ấy của Gió: “Tôi chỉ nhận khoản tiền tương đương hai ca làm việc ở siêu thị là đủ rồi. Nếu cậu còn kì kèo nữa thì lần sau tôi sẽ từ chối đấy!” Cứ hiện ra trong đầu, khiến tôi chẳng còn đủ dũng khí để đề nghị cô ấy nữa, mà cứ áy náy mãi không thôi.

Thôi thì tìm cách đưa sau cũng được.

Vừa nghĩ, tôi vừa nhìn ngắm nét mặt dịu dàng của Gió, hiện ra rõ hơn dưới ánh đèn điện thoại, rồi khẽ thở dài thườn thượt. Đợi đến khi cô ấy đọc xong, tôi mới ngập ngừng lên tiếng:

“Vậy nên… lát nữa cậu có thể đi với tôi được không?”

Nghe tôi hỏi, nét mặt xinh đẹp vẫn còn ngái ngủ ấy lập tức tươi tỉnh hẳn lên. Rồi Gió mỉm cười gật đầu:

“Được chứ.” Vừa nói thêm: “Trên đây ghi ông ấy mất vào bảy rưỡi tối hôm qua nhỉ? Nghĩa là còn gần hai tiếng nữa là hết thời hạn có thể hồi sinh rồi, nên chuẩn bị đi thôi không thì muộn mất.”

***

Không biết do chịu áp lực về mặt thời gian, hay chẳng cần phải chuẩn bị gì nhiều, mà khi chúng tôi tới bệnh viện, mục đồng hồ trên màn hình điện thoại mới chạy qua sáu giờ một chút.

Và lúc bước vào trong sảnh lớn của khoa Ung Bướu, tôi không khỏi bất ngờ, vì chỉ mới sáng sớm thôi nhưng nơi đây đã đông nghịt người, tạo nên bầu không khí ồn ào náo nhiệt, chẳng hề giống bệnh viện một chút nào. Họ chủ yếu là người cao tuổi hoặc trung niên, đến trực từ rất sớm để có thể bốc được những lượt khám đầu tiên.

Đang mải nhìn ngó xung quanh thì đột nhiên Gió nắm lấy cổ tay áo của tôi rồi kéo nhẹ, thái độ như vừa phát hiện được điều gì đó quan trọng. Thấy vậy, tôi cũng hướng tầm mắt về nơi mà ngón tay cô ấy đang trỏ vào. Và chẳng mất nhiều thời gian đã nhận ra ngay cạnh quầy phát số, một người phụ nữ xinh đẹp với mái tóc búi cao, khoác hờ trên mình tấm áo blouse trắng, đứng tựa lưng vào tấm kính mà nói chuyện với nữ nhân viên y tế bên trong. Thỉnh thoảng lại nhìn đồng hồ như đang chờ đợi một ai đó. Người ấy không ai khác chính là chị Hạnh.

Sau cái liếc mắt, có vẻ như đã nhận ra sự xuất hiện của chúng tôi, chị ấy thở ra một hơi nhẹ nhàng đưa tay vẫy nhẹ, khuôn mặt dịu dàng mọi khi giờ đã thêm phần nóng vội. Thấy thế, tôi cũng chẳng suy nghĩ nhiều nữa, chỉ khẽ gật đầu rồi cùng Gió lách qua hai hàng ghế chờ đã chật kín người mà tiến lại.

“Hai đứa canh giờ cũng chuẩn đấy chứ?” Khi cảm thấy khoảng cách đã đủ gần, chẳng đợi tôi mở lời, chị Hạnh liền khen ngợi bằng ngữ điệu có phần chê trách.

“Nghe cứ như chị đã biết em chắc chắn sẽ tới ấy nhỉ?” Tôi bông đùa.

“Lại chả?” Chị ấy giả vờ giận dỗi đáp lại: “Cậu mà muộn một xíu nữa thôi thì có khi chị phải đến tận nhà mà lôi đi đấy.”

Ha ha, tôi chẳng thể tưởng tượng nổi khi điều đó xảy ra nữa. Nhưng chỉ cần nhìn vào gương mặt thiếu ngủ và dáng vẻ lo lắng nãy giờ, thì tôi đã tin chị ấy chắc chắn sẽ làm như vậy. Song vẫn chưa thôi nhăn nhở:

“Được một cô gái xinh đẹp như chị đây đến tận nhà để gọi dậy, thì đâu còn gì tuyệt vời hơn nữa chứ?”

“Cậu thật đúng là đồ láu cá! Dạo gần đây, bé Dương toàn hỏi chị cách đối phó, lên kế hoạch để trêu chọc lại anh Sóng của nó. Giờ thì chị đã hiểu lí do rồi đấy.”

Chị Hạnh lắc đầu nhận xét, điệu bộ như đã ngán ngẩm lắm rồi. Khiến cho cô gái bên cạnh tôi cũng bất giác bật cười khúc khích. Rồi chẳng để mất thêm thời gian nữa, tôi đi thẳng vào vấn đề:

“Thế… rốt cuộc là có chuyện gì ạ?

Nghe tôi hỏi, chị Hạnh liền quay người hướng tới cầu thang bộ ở cách đó không xa, gương mặt toát lên đầy vẻ bí hiểm. Thấy vậy, tôi và Gió cũng chẳng phản đối mà chỉ chậm rãi bước theo sau. Nhưng ngay sau khi thoát ra khỏi đám đông đang xếp hàng chờ đến lượt ấy, cô gái bên cạnh tôi bỗng ngập ngừng lên tiếng:

“Người đó… có vẻ hơi kì lạ nhỉ? Vì bình thường, chỉ có thân nhân của người mất mới đi đăng kí những dịch vụ liên quan đến việc tiễn đưa mà thôi.”

“Em nói rất đúng.” Thoáng ngạc nhiên với lời giải thích ấy, chị Hạnh gật gù xác nhận rồi tiếp tục: “Ông Nhưỡng… người các em cần phải hồi sinh hôm nay ấy, mất tối qua do mắc một căn bệnh nan y. Nhưng trong thời gian điều trị, chị chưa từng thấy con cái hay vợ của ông ấy đến chăm sóc bao giờ, thậm chí là cả bạn bè và họ hàng thân thích cũng không.”

“Người đó… sống một mình ạ?” Gió hỏi lại.

“Ban đầu thì chị cũng có suy nghĩ tương tự em đấy. Vì cách đây mấy tháng, ông ấy còn đưa cho bệnh viện một số tiền khá lớn, coi như thanh toán phí điều trị và để lo hậu sự nếu chẳng may mình ra đi cơ mà. Bản thân ông Nhưỡng dường như cũng chấp nhận số phận của mình rồi thì phải. Tuy nhiên khi biết bệnh tình trở nặng, tâm trạng ông ấy đi xuống hẳn. Thường xuyên lo lắng đến bỏ bữa và quên uống thuốc nữa.”

Nói đến đây, chị Hạnh đánh một hơi dài:

“Cho đến sáng hôm qua, lúc cảm thấy mình sắp sửa phải ra đi, thì lại tỏ vẻ nuối tiếc lắm. Còn thường xuyên hỏi chị xem có cách để sống thêm dù chỉ là một ngày ngắn ngủi không nữa.”

Khi đứng trước ngưỡng của cái chết, việc có những cảm xúc ấy, âu cũng là điều hợp lí. Nhưng nó chỉ hợp lí nếu họ vẫn còn việc muốn làm, hay còn ai đó để chờ đợi mà thôi. Mọi chuyện xảy ra sau đó, khỏi cần chị Hạnh kể, tôi cũng hiểu tương đối rồi. Tuy nhiên khi vòng qua chiếu nghỉ dẫn lên tầng bốn, tôi vẫn hỏi vu vơ để kéo dài câu chuyện:

“Vậy là chị đã giới thiệu cho ông ấy dịch vụ kéo dài sinh mệnh của bọn em sao?”

“Chứ còn ai trồng khoai đất này nữa.”

Nữ bác sĩ đập tay lên khuôn ngực đầy đặn của mình, vừa nói với chúng tôi bằng thái độ hết sức tự hào. Gương mặt khoái chí như muốn hỏi: sao nào, cậu thấy chị làm tốt không, nếu có thì hãy mau khen chị đây đôi ba câu đi chứ. Khiến tôi chỉ còn biết lắc đầu mà cười khổ. Nhưng rồi cũng chính nhờ những lời ấy mà tôi hiểu ra điều bản thân còn nghi vấn từ lúc tiếp nhận được yêu cầu. Nên khi cảm thấy nơi cần đến đã ở rất gần, mới ngập ngừng thắc mắc:

“Vậy thì… việc ông ấy lựa chọn thời gian hồi sinh muộn nhất có thể, chắc là để chờ đợi một ai đó… hay một thứ gì đó chăng?”

“Chị cũng không biết nữa.” Sau vài giây im lặng, chị Hạnh nhẹ nhàng đáp lại, nhịp bước chân chậm dần, thong thả như chỉ đang đi dạo. Và khi tôi kịp để ý đến những thay đổi đó, thì chị ấy đã dừng lại, ngay trước căn phòng mang số 404, rồi chuyển giọng niềm nở: “Vậy nên nếu đã muốn tìm hiểu như thế thì hai đứa hãy mau làm công việc của mình đi. Biết đâu ông ấy sẽ vui lòng mà tiết lộ điều gì đó không chừng đấy.”

Nghe thế, tôi cũng không chần chừ nữa, chỉ hít một hơi thật sâu, vặn tay nắm rồi đẩy cánh cửa ra.

Sau khi bước vào, cảm nhận đầu tiên của tôi đối với căn phòng này là nó tương đối đơn giản, hay đúng hơn, nơi đây không có quá nhiều đồ đạc như phòng Dương và chị Nguyệt. Chiếc tủ kính kê sát tường trống không, tựa như mới được dọn đi cách đây không lâu vậy. Một chiếc xe lăn gấp lại gọn gàng, đặt ở cuối giường, bên cạnh là chiếc vali kẻ caro màu đen căng phồng đựng đầy những đồ đạc của người đã khuất. Trên nóc tủ thuốc nhỏ mà bất kì phòng bệnh nào cũng có, đặt một quyển Đắc Nhân Tâm khổ lớn, một quyển Kinh Thánh cựu ước bìa đen, và vài quyển dạy về Đức Phật. Nhìn chung thì chẳng có chút liên kết nào cụ thể cả, ngoài việc nó có thể sưởi ấm trái tim đã sớm nguội lạnh, của những người sắp sửa ra đi.

Gu đọc sách của người này… kì lạ thật!

Tôi thầm nghĩ. Nhưng rồi sự mơ hồ ấy lại mau chóng trở thành ngạc nhiên khi hướng ánh mắt về chiếc giường đơn kê ngay sát cửa sổ. Đang nằm trên đó, bị một tấm chăn mỏng màu trắng phủ kín qua đầu, chính là vị “khách hàng” của chúng tôi ngày hôm nay. Dường như nhận ra dáng vẻ trầm ngâm đó, chị Hạnh tiến lại gần rồi hỏi tôi bằng chất giọng đầy phiền muộn:

“Có chuyện gì khiến em lo lắng sao?”

“Ừm…” Tôi ngẫm nghĩ rồi ái ngại đáp: “Em chỉ đang tự hỏi tại sao công việc này lại suôn sẻ như vậy? Năng lực hồi sinh người chết, dù nghe kiểu gì cũng là thứ vô cùng viển vông. Và những kẻ tuyên bố chắc nịch có thể sử dụng được nó như chúng em, thật là ảo tưởng đến ngu ngốc. Nhưng xét theo tình hình hiện tại thì mọi chuyện diễn ra trôi chảy quá. Không hề gặp một chướng ngại nào, cũng chẳng có bất kì ai đứng ra ngăn cản như em vẫn nghĩ. Tất cả những điều đó… đều là do chị làm ư?”

Việc này, quả thật là có chút gì đó vượt ngoài trí tưởng tượng của tôi. Nói ra thì có lẽ không được thuận tai cho lắm, nhưng người phụ nữ này mới chỉ là một bác sĩ hạng hai, thời gian công tác cũng chưa đủ lâu để tạo ra sự tín nhiệm nhất định với cấp trên. Nên việc có thể đảm đương vấn đề khó nhằn này một cách toàn diện như thế, không chỉ riêng mình tôi, mà bất kì ai cũng chẳng thể tin dù chỉ một chữ.

Và đúng như tôi đoán, sau vài giây ngơ ngác, chị Hạnh lắc đầu, vừa vội vàng giải thích:

“Không phải chị mà là bác sĩ Long cơ. Chú ấy có vẻ cực kì hứng thú với năng lực của Gió đấy, nên khi nghe chị nói muốn dịch vụ của các em hợp tác với bệnh viện, chú ấy đã nhiệt liệt tán đồng. Lại còn đứng ra xin phép bệnh viện cho chuyển thi thể nạn nhân từ nhà vĩnh biệt về phòng cũ, để tiện cho hai đứa hơn. Chỉ tiếc là hôm nay chú ấy bận đi công tác trong đất liền nên không thể tới xem được.”

Ra thế. Dù biết vị bác sĩ ấy làm như vậy, hoàn toàn là có lí do cả. Nhưng lúc này đây, sau tất cả những gì ông ta làm, thông qua lời kể của chị Hạnh, tôi lại không thể che giấu nổi sự cảm kích trong lòng mà nhủ thầm: nhất định phải cảm ơn người ta thật chân thành vào lần gặp kế tiếp mới được. Còn hào phóng nói thêm:

“Em xin từ chối việc nghiên cứu sâu năng lực này của Gió. Nhưng nếu bác ấy muốn tìm hiểu, thì chúng em sẵn lòng trả lời một vài câu hỏi nhất định, liên quan đến ‘nó’ và Đại Lộ 29 Tháng Hai đấy.”

“Việc đó thật sự sẽ ổn chứ?”

Chẳng đợi tôi nói hết câu, chị Hạnh nghi ngại hỏi, khiến Gió lập tức quay sang, nhìn tôi bằng ánh mắt ngạc nhiên. Rồi chẳng biết đã hiểu ra điều gì, cô ấy nhanh chóng lấy lại dáng vẻ điềm tĩnh vốn có rồi trả lời thật chắc chắn:

“Vâng, em không phiền đâu.”

“Vậy thì tốt quá!” Nữ bác sĩ ấy thốt lên đầy phấn khởi: “Chú ấy chắc chắn sẽ nhảy cẫng lên vì vui sướng mất thôi.” Sau đó nhanh nhảu đưa tay, vò mái tóc vừa mới chải gọn gàng của tôi rối tung lên, rồi nói bằng giọng điệu tinh nghịch. Rõ là khen nhưng lại mang thành ý trêu chọc: “Thằng em tôi dạo này cũng đáo để thật đấy!”

Khiến tôi thoáng chút bất mãn vì tự dưng bị đối xử như trẻ con, liền luống cuống đẩy chị ấy ra, vừa bối rối lảng sang hướng khác nhằm che giấu đi gương mặt đang nóng bừng đến tận mang tai:

“Thôi nào. Mau thả em ra đi, để em với Gió còn giải quyết cho xong việc này trước đã.”

Nghe vậy, chị Hạnh cũng buông tôi ra, song vẫn cau mày khó hiểu:

“Có chuyện gì mà hai đứa phải gấp gáp thế? Ông ấy mới mất vào bảy rưỡi tối hôm qua, nên chẳng phải vẫn còn hơn một tiếng đồng hồ nữa hay sao?”

“Vâng…” Tôi ngập ngừng đáp: “Năng lực này của Gió cho phép cậu ấy hồi sinh một người ra đi không quá nửa ngày. Nhưng lại khá chung chung chứ không hề có một mốc cụ thể nào cả. Vả lại thời điểm có nhiệt độ cao như thế này, khoảng thời gian giới hạn ắt sẽ ít nhiều thay đổi. Nên nếu không thực hiện ngay bây giờ… em e là sẽ muộn mất.”

“Ừm… lời cậu nói cũng không phải là vô lí.” Sau vài giây suy nghĩ, chị Hạnh gật gù ra chiều đã hiểu. Rồi lập tức quay sang tôi và cô gái bên cạnh mà khẽ gật đầu đồng ý, đôi mắt ánh lên đầy sự tin tưởng và mong chờ điều kì diệu ngày hôm trước sẽ lại một lần nữa được tái diễn.

Thấy thế, tôi cũng không chần chừ nữa. Liền tiến đến, hít một hơi thật sâu, sau đó đưa tay nắm vào hai góc của tấm chăn rồi nhấc lên thật chậm rãi, để có thể nhìn rõ “vị khách” đang nằm bất động trên giường bệnh. Và khoảnh khắc ấy, chẳng biết từ bao giờ hay vì lí do gì, đã khắc sâu vào tận tâm trí tôi như một phần kí ức không thể nào quên.

Đâu phải chúng tôi đã từng gặp nhau trước đây, cũng chẳng đúng khi nói ông ấy đã khiến tôi nhớ lại một điều gì đó trong quá khứ. Mà chỉ đơn thuần nằm ở diện mạo có phần kì lạ của người này chăng? Với cái đầu trọc lốc, đầy nếp nhăn, có lẽ là ảnh hưởng của việc trị xạ. Đôi mắt ốc nhồi sắc lạnh, tại phía đuôi vẫn còn lốm đốm vài vết đồi mồi. Gò má cao làm gương mặt vốn đã gầy, nay lại càng khắc khổ hơn. Nước da màu vàng nghệ chuyển dần sang nhợt nhạt của những người đã ra đi. Khiến tôi cảm thấy ông ta có chút gì đó đáng sợ.

Nhưng cũng chính lúc ấy, lí do khiến “vị khách này” muốn được hồi sinh, dù chỉ là trong một thời gian ngắn ngủi, lại khiến tôi cảm thấy tò mò mà không ngừng suy nghĩ. Nên liền nhìn Gió rồi khẽ gật đầu, vừa mong muốn những uẩn khúc đó sẽ sớm được làm sáng tỏ. Thấy vậy, cô gái ấy cũng không ngần ngại nữa mà bước lại phía tôi.

Sau vài giây quan sát và trầm ngâm suy nghĩ về một điều gì đó, Gió bắt đầu lặp lại hành động ngày hôm trước. Chậm rãi quỳ một chân xuống, cẩn thận nắm lấy bàn tay đã cứng đờ của đối phương rồi áp lên trán, vừa lẩm nhẩm cầu nguyện, trước ánh mắt không hề chớp của chị Hạnh. Và cũng trước sự theo dõi đó, tôi lại nhìn trân trân vào thi thể vị khách. Cho đến khi thứ ánh sáng xanh huyền diệu mà chỉ bản thân tôi thấy hôm trước, một lần nữa hiện ra, thì âm thầm kích hoạt câu thần chú.

[Thời gian: tối đa. Chuyển!]

.

Thời khắc ấy, chiếc đồng trên đầu giường đang chạy gần đến sáu giờ hai khắc.

***

Mùi vị mặn mà và khô hanh của gió biển, từ ngoài khơi xa thổi vào bờ từng đợt. Âm thanh rì rào của sóng, vang lên đều đều tựa khúc nhạc không lời du dương. Tiếng còi tàu ngân một hồi dài thông báo sắp sửa rời bến, đột ngột mà lại vô cùng êm dịu. Cảm giác bỏng rát ở lưng và bả vai khi phải tiếp xúc quá lâu với nền bê tông buổi trưa hè. Tất cả những yếu tố đó, cùng với cơn buồn ngủ đang bủa vây trong tâm trí, đã khiến tôi vô tình tự hỏi một điều đầy vô nghĩa:

Đây là đâu?

Và ngay tại khoảnh khắc đôi mắt đang díu chặt vào nhau này từ từ mở ra, ngước nhìn lên bầu trời trong xanh trải dài đến vô tận phía trên, thì câu hỏi mơ hồ đó đã được trả lời vô cùng chi tiết.

Nơi này. Nơi mà tôi đang đặt cả cơ thể mình lên, lười biếng thả hết tâm trí vào giấc ngủ chập chờn. Nơi mà cô gái tôi yêu đang ngồi bên cạnh, vừa lặng im nhìn ngắm mặt biển đang dậy sóng, vừa ngân nga một gia điệu không lời quen thuộc. Và cũng là nơi ngoài hai chúng tôi ra, xung quanh chẳng còn xuất hiện bóng dáng của một người nào nữa ấy, chính là một cầu tàu cũ, dài cỡ mươi mét hướng thẳng ra đại dương.

Tại sao lại phải hành xác ở đây cơ chứ?

Cứ tự hỏi bản thân như vậy, tôi lại trầm ngâm hồi tưởng những chuyện đã xảy ra suốt mấy tiếng vừa qua, mà trong lòng không khỏi trào dâng lên cảm xúc bất mãn khó tả.

.

Dường như đối với những người cao tuổi, giấc ngủ là một thứ vô cùng xa xỉ. Hoặc cơ thể vị khách thứ hai của chúng tôi không mất nhiều thời gian hồi phục như chị Nguyệt chăng? Mà khi Gió hoàn thành “vai diễn” của mình không lâu, khi chị Hạnh tiến hành xong một loạt các đo đạc phổ thông, rồi tháo chiếc vòng bít của máy đo huyết áp từ cánh tay bệnh nhân ra, ông Nhưỡng đã dần tỉnh lại.

Sau đó, đối diện với vẻ mặt có phần kinh ngạc của người đàn ông ấy, tôi đã trịnh trọng giới thiệu công việc của mình và Gió. Kế đến là giải thích qua loa về bản chất dịch vụ, lời cân nhắc kĩ càng đối phương hãy sử dụng thật tốt quãng thời gian ngắn ngủi mà bản thân vốn dĩ đã mất đi. Rồi kết thúc bằng một lời cảm ơn thật chân thành, và xin phép được rời khỏi căn phòng đó sớm, để tránh phải làm phiền ông ấy thêm nữa.

Nhìn chung, mọi chuyện đều diễn ra theo trình tự không khác gì lúc tôi sử dụng năng lực để hồi sinh chị Nguyệt cả. Chỉ trừ một việc duy nhất. Đó là khi mà tôi sắp sửa vặn tay nắm để mở cánh cửa màu vân gỗ ra, thì ngay lập tức, ông Nhưỡng đã lên tiếng ngăn cản, bằng thái độ như đang muốn giãi bày điều gì đó. Rồi trước một tôi vẫn còn ngơ ngác, ông ấy quay sang nữ bác sĩ đang đứng bên cạnh mà đề nghị:

“Cháu có thể cho bác thử đứng dậy được không?”

Hiểu ý, chị Hạnh dù lo lắng, song vẫn miễn cưỡng vòng tay ra sau lưng, lê cả cơ thể nặng trịch của người đàn ông tới sát mép giường, chu đáo đeo lại đôi dép đi trong nhà, vào bàn chân khẳng khiu cứng nhắc. Sau đó, cúi xuống để đỡ ông ấy như ý nguyện.

Và, ngay tại khoảnh khắc ông Nhưỡng đứng thật vững chắc giữa nền đá hoa bóng loáng, khi chị Hạnh chẫm rãi buông hai cánh tay gầy guộc ra, giây phút mà đến cả tôi và Gió cũng chẳng rõ người đàn ông ấy đang muốn làm gì. Thì đối phương vừa nghiến chặt răng, như những người mới tập vật lí trị liệu đang cố chịu đựng một cơn đau, vừa nhấc cẳng chân đang run rẩy lên mà bước thật chắc chắn tiến về phía chúng tôi. Những bước chân ban đầu còn tương đối chậm chạp, trong thoáng chốc đã nhanh dần và tự nhiên hơn rất nhiều.

Cho đến khi khoảng cách đã đủ gần, ông Nhưỡng mới cúi xuống, nắm thật chặt lấy bàn tay đang buông thõng của Gió mà nở một nụ cười mãn nguyện. Thì cái đầu trọc lốc, vầng chán cao đầy nếp nhăn, đôi mắt ốc nhồi sâu hoắm cùng gương mặt hốc hác đến kì dị. Tất cả những thứ mà tôi từng coi là đáng sợ ở ông ấy, bỗng chốc không còn chút đáng sợ nào nữa, mà ẩn sâu trong đó lại là niềm hạnh phúc đến tột cùng. Rồi ông ấy lên tiếng, tuy không khóc nhưng giọng nói lại thật nghẹn ngào:

“Bác đã từng nghĩ không biết bao nhiêu lần, rằng bản thân sẽ chẳng thể nào đi lại trên chính đôi chân này nữa, rằng sẽ không thể sống tiếp cho đến ngày hôm nay, rằng đã vĩnh viễn mất đi cơ hội để hoàn thành ước vọng của mình từ rất lâu rồi. Thế mà bây giờ, tất cả những điều không tưởng ấy lại có thể thực sự xảy ra.”

Tới đây, ông Nhưỡng buông bàn tay trắng ngần xinh đẹp của Gió ra, hít một hơi thật sâu, sau đó nhìn đăm đăm vào chúng tôi như để ghi nhớ thật kĩ gương mặt của hai kẻ xa lạ rồi ngập ngừng lên tiếng:

“Bây giờ… bác không biết cảm ơn sao cho đủ nữa… nên chỉ có thể nói như thế này. Không phải thứ năng lực đó, cũng không phải việc bác có thể được sống lại như thế này. Mà chính công việc hai đứa đang làm mới là thứ kì diệu hơn tất thảy.”

.

Hệt như lần trước, ngay sau khi chia tay vị khách hàng của mình rồi rời khỏi căn phòng bệnh sặc mùi thuốc sát trùng đó, thì cơ thể của tôi bắt đầu chịu tác dụng phụ của việc sử dụng năng lực ở mức tối đa. Nhưng lần này, thay vì xuất hiện cảm giác mệt mỏi đến rã rời, chiếc dạ dày của tôi lại bắt đầu biểu tình bằng những âm thanh nghe chẳng hề thân thiện một chút nào.

Nhận ra điều đó, Gió liền đưa tay lên che miệng mà bật cười thành tiếng. Rồi trước một tôi với các cơ mặt đang nóng bừng lên vì xấu hổ, cô ấy vừa quệt đi giọt nước đọng trên mí mắt, vừa đề nghị nhưng giọng điệu lại như đang trêu đùa:

“Nghe tiếng bụng cậu sôi làm tôi cũng cảm thấy hơi đói rồi. Chúng ta đi ăn chứ?”

“Ừm.” Tôi lúng túng gật đầu, còn tự cứu mình bằng cách lảng sang chuyện khác: “Cơ mà nghe cậu nói tôi mới nhớ ra, cũng đã lâu rồi chúng ta không ăn cùng nhau ở một nơi nào đó đông người nhỉ?”

Lần gần đây nhất chính là trong buổi hẹn hò đầu tiên của tôi và Gió khi kì nghỉ hè chỉ vừa mới bắt đầu. Trước đó là tại căn tin của trường THPT Đảo Thiên Đường vào mỗi buổi trưa. Từ hôm ấy đến nay, thực ra cũng không lâu như tôi nói, song mỗi lúc nhớ tới nó, tôi lại vừa cảm thấy bồn chồn hoài niệm, vừa muốn lắng nghe cảm nhận của Gió về khoảng thời gian ấy. Nhưng khi không nhận được câu trả lời nào rõ rệt, tôi mới quay sang, và chẳng hiểu sao cô nàng bên cạnh tôi đây lại đang bối rối. Gương mặt đỏ rực tới tận mang tai cùng thái độ ngượng ngùng như đang muốn che dấu một thứ gì đó chẳng hề rõ ràng.

Quả nhiên cảm xúc xấu hổ cũng không thể tự nhiên sinh ra hay mất đi, nó chỉ truyền từ người này sang người khác thôi nhỉ? Tôi thầm nghĩ.

.

Giải quyết xong chiếc bụng đói meo của mình bằng một hộp xôi thịt cho thêm nhiều hành khô, thấy vẫn còn khá sớm để về nhà, nhưng lại là quá muộn để bắt đầu ca làm, Gió ngỏ ý muốn cùng tôi lên thăm bé Dương một lát. Nghe vậy, tôi vốn đã định gật đầu đồng ý, nhưng lại nhớ ra hôm nay cô bé có lịch khám sức khỏe từ sáng đến tận trưa mới xong, nên đã bác bỏ ngay lập tức. Mà định bụng sẽ đi tìm thú vui mới để giết thời gian cho qua ngày.

Tuy nhiên, khi vừa rời khỏi nhà ăn bệnh viện, thì tại khu vườn mà ngày trước tôi hay tới để giải khuây, trên chiếc ghế đá dưới tán lá bàng xòe rộng, xuất hiện bóng dáng bốn người đàn ông tuổi đã xế tà đang tươi cười trò chuyện. Và một trong số họ chính là ông Nhưỡng.

Nhưng nếu không dựa vào ngoại hình có phần kì dị đặc trưng, thì cũng thật khó để tôi có thể nhận ra đối phương ở khoảng cách này. Bởi vì trông ông ấy bây giờ khác với vị khách hàng mà chúng tôi từng biết nhiều quá. Khi dễ thấy nhất là bộ đồng phục kẻ xanh của bệnh nhân, từ lúc nào đã được thay thế bằng một bộ quần áo mang phong cách cổ điển, gọn gàng và tươm tất hẳn lên. Những cử chỉ cùng biểu cảm trên khuôn mặt, dù vẫn hơi gượng gạo, song đã không còn nhuốm màu sắc của sự mệt mỏi như lúc vừa mới hồi sinh nữa.

Cho đến khi cô gái bên cạnh tôi cũng nhận ra sự xuất hiện của ông Nhưỡng, thì người đàn ông đó đã dứt khoát đứng dậy, không ngần ngại bắt tay với cả ba người đang có mặt, vừa bày tỏ những lời chân thành nhất để chuẩn bị rời đi. Và cũng chính lúc ấy, trong tâm trí tôi lập tức bùng lên muôn vàn câu hỏi chẳng thể nào tìm ra đáp án ngay được.

Rằng trong ngày hôm nay có điều gì sẽ xảy ra, khiến ông ấy phải khao khát sự hồi sinh đến thế. Rằng nếu nó vô cùng quan trọng, không thể nào bỏ lỡ, thì tại sao thái độ trên gương mặt của đối phương lại ung dung tự tại như thế kia. Rằng ông ấy sẽ làm gì tiếp theo, và sẽ hoàn thành được ước nguyện của mình như thế nào.

Để rồi chẳng biết từ bao giờ, cả tôi và Gió đã len lén bước theo ông Nhưỡng mà rời khỏi bệnh viện Trung Ương Đảo Thiên Đường. Với một thứ linh cảm tồn đọng trong tâm trí, rằng tại nơi đó, tất cả mọi thắc mắc của tôi chắc chắn sẽ được trả lời.

.

Tuy nhiên những gì diễn ra trước giây phút đó lại khiến tôi không thể nào thất vọng hơn. Vì sau khi thong thả đi bộ, men theo con đường bao biển dẫn xuống thị trấn thưa dân phía Tây Bắc, ngay dưới chân của một ngọn đồi. Việc mà người đàn ông đó làm trong suốt ba tiếng đồng hồ tiếp theo, chỉ đơn thuần là… đi chơi mà thôi.

Ban đầu, tôi đã nghĩ: Có lẽ họ là những người vô cùng quan trọng của ông Nhưỡng, hoặc chí ít cũng phải chiếm được sự tín nhiệm nhất định để ông ấy có thể an tâm mà ủy thác lại đôi điều trước lúc lâm chung chăng? Nhưng khi đối phương rời khỏi căn nhà thứ năm sau gần ba mươi phút trò chuyện vui vẻ với gia chủ, mà chẳng có chút trang trọng nào của một lời từ biệt cả. Thì nhận định của tôi đã thay đổi hoàn toàn, rằng ông Nhưỡng đây chỉ đang… tìm cách giết đi khoảng thời gian ít ỏi của mình không hơn.

Và khoảnh khắc mà người đàn ông đó bước vào căn nhà thứ sáu, một ngôi nhà cấp bốn ở gần bến tàu cũ, tách biệt hẳn với khu dân cư, thì tôi đã hoàn toàn từ bỏ mục đích muốn tìm hiểu bí mật của mình.

Để rồi đồng điệu với suy nghĩ ấy, tôi lại chán nản nằm phơi nắng trên cầu tàu được xây dựng bằng bê tông ở gần đó. Mặc kệ mặt đường đang nóng dần khiến tấm lưng trở nên bỏng rát, tôi vẫn cố chấp chịu đựng, như để thay lời muốn nói: Tôi đã kiên nhẫn đủ rồi, nên bằng một cách nào đó, dù ít dù nhiều hãy cho tôi biết sự thật đi! Mà chẳng hề nhận ra bản thân chỉ đang đòi hỏi sự thương hại từ người khác không hơn. Thậm chí còn lôi Gió vào mớ hỗn độn này nữa.

.

Tôi cứ nằm đó, cứ suy nghĩ vẩn vơ mà chẳng nhắm tới một mục đích cụ thể nào cả.

Cho đến tận khi cánh chim hải âu mang màu trắng thuần khiết, vừa chao liệng giữa nền trời trong xanh cao vời vợi biến mất khỏi tầm mắt lơ đễnh. Thì tôi của lúc ấy, có lẽ do chịu áp lực từ một thứ cảm giác bức bối, tương tự như khi ta dù đã nóng lòng muốn làm điều gì đó quan trọng, nhưng tiến độ lại chỉ mãi dậm chân tại chỗ. Mà bất giác đưa hai bàn tay nhớp nháp mồ hôi lên vò tung mái tóc rối mù của mình, rồi vùng vằng hệt đứa trẻ con để xả hết cơn buồn bực cố hữu:

“Aaaaaaaaaa! Tại sao tôi lại tốn thời gian và công sức cho cái việc chẳng đâu ra đâu này nhỉ?”

“Không ngờ một kẻ trước giờ luôn ‘tốn thời gian và công sức cho những việc chẳng đâu ra đâu’ như cậu lại nói được câu đó đấy.”

Gió giả vờ ngạc nhiên trêu đùa khiến tôi không khỏi bất mãn mà ngồi bật dậy. Nhưng sau khi nhìn thấy nụ cười tươi rói của cô ấy, thì lại ngượng ngùng mà hỏi vu vơ nhằm lảng sang chuyện khác:

“Cơ mà tôi vẫn chẳng hiểu tại sao bác Nhưỡng lại sử dụng dịch vụ này, chỉ để làm những việc như thế nhỉ?”

Câu hỏi ấy, tôi vốn dĩ chẳng cần lời hồi đáp, vì như vậy thì có khác gì đang lợi dụng công việc để soi mói chuyện đời tư của người khác đâu? Một hành động bỉ ổi không hơn. Song, Gió vẫn nhẹ nhàng đưa tay lên vén mấy lọn tóc mai ra sau vành tai rồi nghiêng đầu thắc mắc:

“Cậu nghĩ điều đó là vô nghĩa sao?”

“Không hẳn.” Tôi vội vàng lắc đầu, nhưng sau một hồi suy nghĩ thì chỉ còn nước nhún vai đồng tình: “Thực ra thì cậu nói cũng đúng nhưng lại nặng nề quá. Ý tôi là lúc này đây, bác ấy nên ích kỉ hơn một chút và chỉ cần quan tâm đến những thứ mình thích. Thế là đủ rồi.”

Nếu Gió có gặng hỏi thêm nữa để xác nhận, tôi vẫn sẽ trả lời chắc nịch: “đương nhiên”. Và một khi vô tình rơi vào hoàn cảnh đó, tôi nhất định sẽ làm như vậy. Sau vài giây im lặng. cô gái ấy rời mắt khỏi mặt biển đang dậy sóng để nhìn sang tôi, như muốn nói thêm một điều gì đó. Nhưng chưa kịp lên tiếng thì…

“Chẳng phải là người của dịch vụ hồi sinh đó sao?”

Một giọng nói khàn khàn quen thuộc chợt vang lên phía sau cắt đứt cuộc hội thoại còn dang dở. Rồi với một dự cảm chẳng lành, tôi và Gió vội vàng quay lại, thì lập tức nhận ra ông Nhưỡng đang ở đó, cách chúng tôi khoảng độ mươi mét từ lúc nào. Nên liền đứng bật dậy, phủi qua lớp bụi bám trên quần áo, sau đó lật lại vẻ mặt giả tạo của mình mà niềm nở đáp như một thứ kĩ năng ứng xử cần thiết của nhân viên đối với khách hàng:

“Vâng, bác đấy ạ?”

Tuy nhiên lúc đối diện với câu hỏi: “các cháu tới đây làm gì vậy?” của người đàn ông đó, thì tôi lại không biết trả lời ra sao, nên liền dè dặt liếc sang cô gái bên cạnh, cũng đang lộ rõ vẻ bối rối trên khuôn mặt. Nhận ra sự lúng túng của chúng tôi, ông Nhưỡng chỉ nở một nụ cười hiền hậu, vừa thong thả bước lại gần, vừa nói như đã tường tận tất cả:

“Không lẽ hai đứa đã theo bác tới đây sao?”

Câu hỏi ấy đã khiến tôi chột dạ, và chỉ xém chút nữa thôi thì đã thồi thồi thú nhận. Nhưng khác với tôi, chỉ sau độ vài giây dao động, Gió đã mau chóng lấy lại được dáng vẻ điềm tĩnh mọi khi. Và chỉ chờ đến khi đối phương bước ngang qua mình, hạ người ngồi khoanh chân ngay sát mép cầu, cô ấy mới thẳng thừng đáp:

“Vâng. Chúng cháu rất xin lỗi vì đã đi theo mà không hỏi ý kiến của bác từ trước.” Rồi lại biện minh ngay: “Nhưng tất cả cũng là vì muốn đề phòng trường hợp tệ nhất có thể xảy ra thôi ạ.”

“‘Trường hợp tệ nhất’ mà cháu nói là gì vậy?”

Trong lúc cả tôi lẫn ông Nhưỡng vẫn còn chưa hiểu, thì Gió khẽ ném về phía tôi một cái liếc mắt, như đang nhìn kẻ nào đó tương tự, là minh chứng rõ rệt nhất cho điều mình sắp sửa nhắc tới. Đồng thời nở trên môi một nụ cười đầy ẩn ý:

“Ừm… Dịch vụ này của chúng cháu vốn dĩ là để những người đã ra đi có thể hoàn thành ước nguyện của chính mình. Nhưng không phải ai cũng sẵn sàng tuân theo nguyên tắc đó, và trước đây từng xuất hiện không ít trường hợp như vậy. Khi phải đối diện với dấu chấm hết của sự sống, bên trong họ bỗng nảy sinh những suy nghĩ vô cùng cực đoan, đơn cử rằng ‘nếu kiểu gì chẳng chết, thì tại sao cứ phải tỏ ra mình là người lương thiện làm gì? Tại sao không làm những việc trước nay mình chưa từng nghĩ tới?’. Và cũng từ đó, một loạt các hành động vô cùng kinh khủng bộc phát, mà họ gọi là để ‘trả đũa thế giới này’. Song, cốt chỉ để thỏa mãn chính bản thân kẻ đó không hơn.”

Tất cả những gì Gió vừa giải thích, đương nhiên đều là dối trá.

Tuy nhiên nó lại trôi chảy đến mức khiến tôi nhớ ra một bản chất khác của Gió mà mình đã quên, thứ đã cấu thành nên người con gái tôi yêu hiện tại. Phải rồi nhỉ? Che giấu cả quá khứ, năng lực và tình cảnh mình đang chịu đựng. Cố chấp nghĩ bản thân là nguyên nhân chính gây ra cái chết của bố mẹ. Âm thầm bảo vệ tất cả mọi người bằng cách làm họ hiểu nhầm về mình. Cả việc chấp nhận lời đề nghị đóng giả “kẻ sở hữu khả năng hồi sinh người chết” thay tôi nữa. Từ trước đến giờ, Gió vẫn luôn là vậy, luôn lừa dối ngay cả chính bản thân mình, để người khác có thể sống một cuộc đời tốt đẹp hơn.

Và, lời nói dối của cô ấy, nó thuyết phục đến mức gây dựng ngay được niềm tin tuyệt đối cho vị khách hàng kia. Nên sau đó, ông ấy chỉ gật gù đáp, giọng điệu còn vương chút gì đó như đang cảm thông:

“Cho nên hai đưa mới phải lén lút đi theo nhằm giám sát và ngăn chặn kịp thời những hành vi không đúng mực kiểu vậy sao? Bác hiểu rồi. Nhưng công việc này xem chừng cũng vất vả quá nhỉ?”

Khiến tôi vốn biết ơn, lại càng thêm cảm kích trước sự cao thương của cô gái tội nghiệp ấy. Dù chẳng thể nào ngờ tới, rằng Gió, lúc này đây cũng đang giấu tôi một bí mật động trời.

.

Sau lời nhận xét đầy bi quan đó, không thấy chúng tôi trả lời, ông Nhưỡng liền chủ động chuyển cuộc hội thoại sang hướng khác:

"Cơ mà hai đứa đã đi theo bác đến tận đây rồi, thì hẳn phải có vài điều muốn hỏi, đúng chứ?”

Ban đầu, tôi còn tưởng mình vừa nghe nhầm, vì đâu có ai nghĩ thứ bản thân đã dốc sức tìm kiếm suốt mấy tiếng đồng hồ lại xuất hiện dễ dàng như thế. Nên cứ hết nhìn vào tấm lưng của người đàn ông đó rồi lại nhìn sang cô gái bên cạnh để xác nhận. Nhưng sau khi nhận ra nụ cười đầy tự tin trên khuôn miệng xinh xắn của Gió, tôi mới không chần chừ nữa, liền hít một hơi thật sâu mà ngập ngừng lên tiếng:

"Vâng. Ừm… nói thế này thật không hay cho lắm… nhưng cái khao khát được sống thêm dù chỉ là một ngày, cảm xúc mãn nguyện khi điều đó trở thành hiện thực của bác. Nếu đem so sánh với những việc bác đã làm trong phần lớn khoảng thời gian ít ỏi vừa qua, cháu chẳng thấy có chút nào là tương xứng cả. Nên… khi vẫn còn có cơ hội, cháu thật sự muốn biết lí do bác muốn hồi sinh là gì ạ?”

Càng bày tỏ suy nghĩ của mình, âm thanh trong cổ họng tôi phát ra càng nhỏ. Và chẳng biết từ bao giờ, nó đã chuyển thành lí nhí, tưởng chừng có thể bị gió cùng tiếng sóng biển rì rào át mất. Tuy nhiên, dù không cần phải nghe hết, ông Nhưỡng dường như vẫn hiểu rõ những gì tôi đang cố diễn đạt. Nhưng mãi đến khoảnh khắc cơn sóng thứ tư vỗ vào thành cầu, khiến vài giọt nước bắn tung lên trắng xóa, thì người đàn ông đó mới chậm rãi mở lời bằng một câu hỏi vu vơ:

“Mọi chuyện ấy à? Nguồn cơn của nó đã bắt đầu từ cách đây mười mấy năm, và có thể còn lâu hơn thế. Nhưng tất cả những điều đó, đối với bác cũng chỉ như vừa trải qua một giấc ngủ dài mà thôi, nên thú thật… bác cũng chẳng biết phải bắt đầu từ đâu nữa.”

“Nếu cảm thấy khó khăn quá thì…”

Sau lời bộc bạch đầy phiền não đó, tôi chỉ còn biết bối rối chối từ. Song, đối phương ngay lập tức ngăn cản:

“Không sao.”

Và dù không thể nhìn thấy sự biểu cảm của ông Nhưỡng, thông qua chất giọng khàn khàn buồn bã, tôi vẫn nhận ra ông ấy đang đau khổ vô cùng:

“Cách đây độ hơn hai mươi năm, thời kì mà xã hội còn vô cùng biến động, pháp luật vẫn chưa được áp dụng chặt chẽ như hiện tại. Thì ở mọi thành phố trong đất liền xuất hiện rất nhiều băng đảng lớn nhỏ, là nơi tụ tập của những kẻ cặn bã, làm những việc mà bây giờ người ta gọi là bất lương đấy.”

“Giai đoạn bất ổn đó, trước đây cháu có nghe qua vài lần rồi ạ.”

Khẽ gật đầu sau lời nhận xét đó của tôi, ông Nhưỡng liền hít một hơi thật sâu, như đang băn khoăn điều gì đó thật khó để diễn tả thành lời:

"Ừm... nói thế này đúng là có hơi khoa trương, nhưng bác cũng từng mang danh thủ lĩnh của một băng đảng khét tiếng nhất nhì thành phố phía Bắc. Chuyên cử đám đàn em đi gây gổ, cướp bóc, phá hoại, tổ chức đánh bạc, tranh chấp địa bàn làm ăn, giải quyết ân oán cá nhân… hay thậm chí là giết người. Nói chung là làm tất cả những việc xấu xa nhất, mà mọi tổ chức giang hồ có thể làm lúc đó.”

Khoảnh khắc ấy, ban đầu tôi đã không thể thoát ra khỏi suy nghĩ nghi ngờ, rằng đây chỉ là một trò đùa của ông Nhưỡng không hơn. Bởi vì nếu như đó là một bí mật mà bản thân đã chôn giấu suốt mấy mươi năm, thì đâu có dễ dàng gì đem ra kể cho hai kẻ xa lạ như thế. Nhưng vào giây phút nhận ra người đàn ông sắp sửa rời khỏi thế giới này đây, vừa nói ra điều vô cùng tế nhị đó bằng thái độ hết sức dửng dưng, như không hề có chút nào là bịa đặt. Thì hai tai tôi lập tức ù đi, đồng thời mọi sự nghi ngờ cố hữu đã chuyển ngay thành sợ hãi mà chẳng rõ lí do.

Tuy nhiên, trái với tâm trang lo lắng đến bất an của tôi, ông Nhưỡng chỉ tiếp tục câu chuyện của mình:

“Đó chỉ là công việc thôi, còn về phía gia đình thì bác từng có một đứa con trai tên Đồi, là con của bác cùng người vợ đã mất khi vừa mới sinh ra nó. Và Núi, đứa nhóc bằng tuổi với Đồi mà bác nhận nuôi. Khi bố mẹ của nó, cũng là hai người bạn thân nhất của bác, đã qua đời trong vụ thanh toán nội bộ của một băng đảng ở thành phố bên cạnh. Đó vốn dĩ là gia đình hạnh phúc… vô cùng hạnh phúc đối với những tên tội phạm như bác.”

Giọng điệu nhuốm màu tiếc nuối ấy đã thoáng khơi gợi lại trong tôi cảm giác như vừa đánh mất thứ gì đó vô cùng quan trọng. Nên dù chẳng rõ mọi chuyện sắp sửa xảy ra, tôi vẫn tự ý thức được rằng đây chính là màn mở đầu cho một chuỗi biến cố dài dằng dặc. Đã khiến người từng thỏa mãn với cuộc sống êm đẹp của mình như ông Nhưỡng, trở thành kẻ cô độc đến tận lúc lâm chung. Liền thắc mắc để đẩy nhanh tiết tấu:

“Vậy hiện tại, tình hình của họ như thế nào rồi ạ?”

Không trả lời vội, người đàn ông đó chỉ khẽ lắc đầu, nhặt chiếc lá đã khô héo nằm trỏng trơ gần đó lên mà thảy xuống biển. Rồi mới vừa trầm ngâm ngắm nhìn cảnh tượng nó bị con sóng sàu bọt trắng xóa nhấn chìm, vừa thẫn thờ lên tiếng:

“Cả hai đứa nó… đã không còn ở đây nữa rồi."

Khoảnh khắc ấy, chẳng hiểu vì cớ gì, trái tim trong lồng ngực tôi tưởng chừng như đã chững lại một nhịp nghẹn ngào.

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận