Đại Lộ 29 Tháng Hai
Phước Văn Đoàn
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Đại Lộ 29 Tháng Hai

Chương 03: Hai Kẻ Đổi Thay

12 Bình luận - Độ dài: 6,009 từ - Cập nhật:

Dạo gần đây tôi thường nằm mơ, một giấc mơ về những ngày xưa cũ, khi mà người chị yêu quý của tôi sắp ra đi vĩnh viễn.

Khung cảnh được tái hiện trong giấc mơ ấy là phòng bệnh cuối cùng nơi chị đã nằm. Căn phòng chỉ cỡ 12m², nhưng chẳng hiểu sao ngày đó tôi lại cảm thấy nó rộng rãi vô cùng. Chiếc giường đơn vừa vặn cho một người nằm kê gần cửa sổ, hướng ra khoảng vườn không quá lớn trong khuôn viên bệnh viện, hai bên treo hai tấm rèm mỏng màu sữa. Trên bậu cửa là chậu cây xương rồng nhỏ, có thả vào đó vài viên bi, khiến chúng trở nên lấp lánh hơn dưới ánh sáng mặt trời. Chiếc tủ kính cỡ nhỏ đặt sát bức tường phía đối diện, trong đó có vài quyển sách, bức ảnh chụp gia đình, máy đo huyết áp và đồ đạc linh tinh khác của chị.

Khung cảnh đó thật quá đỗi hoài niệm. Dẫu biết rằng đây chỉ là mơ, là giả dối, là không còn nữa, nhưng tôi vẫn chấp nhận nó mà chẳng hiểu lý do. Đồng thời trong lòng trào dâng lên sự tiếc nuối. Phải rồi, ngày ấy tôi đâu có trân trọng những khoảnh khắc như thế này. Để rồi đến khi không còn nữa mới nhận ra rằng chỉ ở đây, tôi mới có giá trị, vẫn được sống, được yêu thương bằng cả trái tim dù chỉ là từ một người duy nhất.

Và tôi của hiện tại thì muốn tin vào câu nói “đến cuối cùng, thứ giết chết chúng ta chính là kỉ niệm”.

“Này, Sóng ơi!”

Ngay khi một giọng nói vô cùng thân thuộc và hiền dịu vang lên, các đường nét cảnh vật xung quanh đều lập tức mờ nhạt dần, gián tiếp làm nổi bật lên người con gái đang ngồi trên giường bệnh.

Đó là một cô gái đương tuổi thanh xuân, gương mặt thanh tú, dáng người nhỏ nhắn, hai cánh tay hơi gầy vì bệnh tật, thần sắc có vẻ đã không còn sức sống cùng ánh mắt lúc nào cũng đượm buồn. Người con gái từ cử chỉ, giọng nói, nụ cười hiền hậu mà dù có là bảy mươi năm hay thậm chí bảy trăm năm, tôi cũng không thể nào quên ấy, chính là chị Biển. Và lúc này, dường như chị ấy đang muốn nói với tôi một điều gì đó thì phải. Điều mà tôi đã nghe từ rất lâu rồi, luôn khắc sâu vào tâm trí nhưng đột nhiên lúc này lại quên đi. Thấy vậy, tôi liền nhìn chị, vừa khẽ mỉm cười khích lệ.

“Em ** ***** **** ** *** không?”

.

Một thứ ánh sáng chói lòa bao trùm ngay lập tức, xóa đi hình ảnh của chị, nuốt trọn lấy mọi thứ xung quanh, khiến tôi giật mình mà ngồi bật dậy giữa giường. Để rồi khi đến định thần lại thì không khỏi thở dài tiếc nuối:

“Quả nhiên chỉ còn là quá khứ thôi nhỉ?”

Những giấc mơ dở dang như vậy cứ lặp đi lặp lại dạo gần đây. Và từ hôm tôi gặp Gió bên bờ biển, hình ảnh nó tái hiện ngày càng rõ rệt. Như đang muốn nhắc nhở tôi về câu nói của cô gái ấy, cũng như lời hứa cuối cùng với chị Biển chăng?

***

Sau vụ lùm xùm đó, cuộc sống của tôi dường như đã thay đổi đôi chút, theo chiều hướng tồi tệ có, tích cực có. Và mới mẻ cũng tồn tại.

Mỗi sáng khi đến trường, khung cảnh trong lớp vẫn như vậy. Một gã con trai ngồi ngả ngốn trên bàn giáo viên, vừa vui vẻ trò chuyện với hai tên đàn em đang đứng xung quanh, vừa ngắm nhìn thành quả của mình là tấm bảng đầy chữ và hình vẽ nghệch ngoạc.

Tuy nhiên những lời lẽ cay độc hắn viết ra không chỉ nhắm tới mình Gió như trước nữa, mà đã có sự xuất hiện của tôi. Khi ngay chính giữa tấm bảng, một hình trái tim méo mó được vẽ bằng nét phấn hồng, bên trong là hai chữ tương đối lớn: “Sóng Gió”.

Trò gán ghép rẻ tiền này đúng là thế hệ học sinh nào cũng có, nhưng cái nhìn của chúng ta về nó qua từng giai đoạn lại khác nhau quá. Ngày còn học tiểu học, chỉ cần tưởng tượng mình bị gán ghép với một con nhỏ mà bản thân chẳng thể ưa nổi thôi, tôi cũng cảm thấy tủi thân và xấu hổ phát khóc lên được. Nhưng hiện tại, đối diện với cái liếc nhìn cùng nụ cười đểu giả của Quân, tôi chỉ tỏ ra chẳng hề để tâm rồi lặng lẽ bước về chỗ. Dù ở một khía cạnh nào đó tôi vẫn thầm cầu mong hắn mau dừng lại.

.

Kết thúc màn dạo đầu, các tiết học vẫn trôi qua ì ạch như thường lệ. Giáo viên giảng bài, học sinh chăm chú lắng nghe, ghi chép, thảo luận sôi nổi lúc hoạt động nhóm, cố gắng kiếm thành tích mỗi khi có cơ hội. Còn tôi và Gió thì chỉ ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ, suy nghĩ mông lung. Hoặc gục đầu xuống bàn để ngủ mỗi khi quá chán mà thôi.

Mọi thứ ban đầu chẳng có gì thay đổi cả. Tuy nhiên lâu dần, tôi nhận ra việc ghi chép bài có khả năng giết thời gian hiệu quả, hơn là ngồi nhìn đồng hồ quay từng vòng đều đặn. Nên đã bắt đầu viết lách vài dòng những nội dung bản thân nghe và hiểu được. Những lúc rảnh tay, tôi liếc nhìn sang Gió, thì lại không khỏi ngạc nhiên khi thấy cậu ấy cũng đang cặm cụi ghi chép gì đó vào trong vở, theo nhịp giảng bài của giáo viên.

Phải chăng cậu ta cũng đang có những suy nghĩ như mình?

Không, chuyện đó không thể nào là thật được.

Tôi tự hỏi rồi lại bác bỏ ngay lập tức.

.

Mỗi khi tiết học cuối cùng kết thúc, tôi thu dọn đồ đạc thật nhanh, rảo bước xuống căn tin nơi đã hẹn với Gió. Và một điều kì lạ nhưng lại rất bình thường, rằng cô gái ấy lúc nào cũng luôn đến sớm hơn, như đã chờ đợi ở đó từ rất lâu rồi.

Ban đầu, cuộc trò chuyện của chúng tôi thường chỉ xoay quanh Đại Lộ 29 Tháng Hai, hoặc cảm nhận riêng và chung về những gì nó ban tặng.

“Cậu đã bao giờ tìm đến nơi đó để thử hóa giải lời nguyền chưa?” Tôi hỏi.

"Có một lần. Vào chu kì ba năm trước.” Cô gái ấy suy nghĩ giây lát, trả lời rồi lại tiếp tục tận hưởng bữa ăn của mình.

“Nó như thế nào vậy?”

“Cậu chưa bao giờ tới đó và tìm hiểu về năng lực của mình ư?” Gió ngạc nhiên thắc mắc khiến tôi có chút bối rối mà lắc đầu.

“Khác với cậu, tôi không có vấn đề gì với nó cả. Nếu không lạm dụng thì cũng chẳng ảnh hưởng quá nhiều.”

Chưa kể một nơi trị an tốt như hòn đảo này, thì có khi cả đời cũng chẳng tìm ra cơ hội để sử dụng năng lực nữa. Nghe tôi giải thích, Gió im lặng, không tỏ thái độ bất mãn hay đồng tình, chỉ trầm ngâm như nhớ lại một dòng ký ức không rõ ràng nào đó. Rồi cậu ấy kể:

“Nói ra thì dài dòng lắm, mà ngắn gọn lại thì tôi đã gặp một ông lão. Khi được hỏi bản thân đến đây vì điều gì, tôi đã không ngần ngại mà hỏi lại, rằng đến bao giờ tôi mới thoát khỏi lời nguyền này. Đến bao giờ thì thứ năng lực bất tử này mới biến mất để tôi có thể chết đi.”

“Vậy người đó, ông ta trả lời như thế nào?” Tôi nôn nóng thúc giục mà chẳng thèm quan tâm đến suy nghĩ của đối phương.

Cậu ấy trả lời, mặt cúi gằm như không muốn để tôi nhìn thấy:

“Năng lực bất tử này đi kèm với bất lão. Và quá trình lão hóa của tôi sẽ dừng lại ở tuổi 20. Độ tuổi mà người ta vẫn cho là đẹp nhất của đời người.”

“Xin lỗi...!” Tôi thành khẩn cúi đầu thật thấp.

.

Nhìn chung, năng lực này đi liền với những điều bất hạnh. Nên mỗi khi vô tình hoặc hữu ý đề cập tới nó, chắc chắn đều sẽ để lại một dư âm. Khiến cuộc trò chuyện của chúng tôi, cho đến khi kết thúc chẳng có chút nào là dễ chịu. Và để tránh điều đó xảy ra, lâu dần, chúng tôi không còn tập trung vào Đại Lộ 29 Tháng Hai nữa. Mà đã lân la sang các vấn đề ngoài lề khác, về sở trường sở đoản, thói quen, điều mình thích hay cách suy nghĩ của nhau về mọi thứ. Để rồi, khi đã quá quen với chuyện đó, tôi lại nhận ra cảm giác gò bó, gượng ép đã biến mất hoàn toàn.

Nghe Gió phàn nàn rằng vì còn là học sinh nên tiền lương cũng khá hạn hẹp, chỉ đủ để chi tiêu những thứ cần thiết.

Thì tôi lại kể với cậu ta rằng bản thân đang sống một mình, nhưng có bố là giám đốc của một công ti nhỏ trong đất liền, nên chưa bao giờ lo nghĩ tới vấn đề tiền bạc. Dù mức sỗng cũng phải tương đối tiết kiệm.

Thấy cậu ấy ngày nào cũng chỉ ăn mỗi phở, rồi lại đi làm đến sáu giờ tối, tôi đã khuyên Gió hãy đổi sang những món cơm, vì sẽ no lâu hơn cũng như đảm bảo dinh dưỡng.

Ban đầu, cô gái ấy có phần ương bướng và cố chấp từ chối. Nhưng chỉ mấy ngày sau, tôi đã thấy chị nhân viên bưng ra một xuất cơm chiên trứng vàng suộm, bốc khói nghi ngút. Bên trên có rắc ít xúc xích và gia vị, đặt sang phía Gió rồi niềm nở mời thưởng thức.

“Đừng hiểu nhầm! Chẳng qua hôm nay nhà bếp hết món tôi thích mà thôi.”

Khi tôi chưa kịp thắc mắc thì Gió đã vội vàng chống chế rồi lại ngượng ngùng lảng sang chuyện khác. Nhưng chẳng hiểu sao từ đó, cách vài hôm cậu ta đổi sang cơm, tần suất cứ thế nhiều hơn khiến tôi luôn phải nhịn cười.

.

“Cậu uống nước gì chứ?” Có đôi lần, vì trời quá nóng nên tôi ngỏ ý muốn mua nước cho Gió, thì cậu ta chỉ nhẹ nhàng trả lời: “Cà phê.”

Đương nhiên đó không phải thứ có thể tìm thấy ở một nơi như căn tin trường cấp ba thông thường. Và nhận định lúc đó của tôi chỉ có một, rằng cậu ta không muốn nhờ vả hay mắc nợ tôi bất cứ điều gì. Chẳng biết có phải đã đọc được nội tâm người khác hay không, mà Gió chỉ nhẹ nhàng giải thích:

"Tôi không đặc biệt thích uống một loại nước ngọt gì cả. Nhưng để tỉnh táo hơn mỗi khi mệt mỏi thì cà phê chính là sự lựa chọn không tồi. Tôi nghĩ vậy.”

“Nghĩ vậy” à? Nghe thế, tôi cũng chẳng chịu từ bỏ, cứ chọn mua hai chai nước ngọt lạnh, loại ít đường rồi đưa một chai cho Gió.

“Cảm ơn.” Cậu ta cúi đầu lí nhí.

.

Và những lúc như thế, tôi nhận ra cô gái này không hề khó gần như mọi người vẫn áp đặt. Gió nói, và cười nhiều hơn trước, thỉnh thoảng còn phụ họa theo tôi bằng những câu đùa hết sức tự nhiên. Hệt như các nữ sinh trung học bình thường khác với bạn bè mình vậy.

Có đôi lần, vài thành viên trong lớp bắt gặp cảnh chúng tôi đang trò chuyện vui vẻ. Tuy chẳng biết họ nghĩ gì nhưng sau đó, cũng như bao lần trước, một vài lời đồn đại không hay về chúng tôi lại xuất hiện, rất nhanh đã trở thành vấn đề nổi trội được bàn tán ngầm trong lớp. Phần lớn, những kẻ đó đã bị ảnh hưởng bởi chiêu trò lố bịch của Quân mỗi sáng, rằng tôi và Gió là một cặp có mối quan hệ thân thiết còn hơn cả bạn bè. Phần còn lại, họ coi tôi là nạn nhân, trong một kế hoạch của cô gái ấy. Được lợi dụng để làm điều vô cùng xấu xa. Rồi sẽ bị vứt bỏ khi không còn giá trị.

Thỉnh thoảng, tôi lại bắt gặp vài ánh mắt đang len lén nhìn về phía mình. Trong đó, có hơn một nửa là chế nhạo, gọi chúng tôi là “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Có người thẳng thừng quay đi, có người cau mày khó chịu. Tuy nhiên ngược lại, dẫu không nhiều nhưng cũng đã dần xuất hiện những người nhìn tôi rồi khẽ mỉm cười thanh thản.

Song, tôi vẫn chẳng mảy may để tâm đến, dù cảm xúc có đôi chút mới mẻ. Có lẽ tôi đang thật sự tự hào, vì ở giữa một tập thể, chỉ mình tôi là được quyền nói chuyện tự nhiên với Gió như thế này chăng? Những khoảnh khắc ấy thật bình yên và nhẹ nhàng biết bao. Chỉ cần một người hỏi, và người còn lại niềm nở trả lời hay nhiệt tình hưởng ứng là đủ.

Tuy nhiên, cho dù có đắm chìm trong những cảm xúc ấy bao lâu đi chăng nữa, tôi vẫn không thể phá bỏ bức tường sừng sững chắn ngang giữa hai người. Lí do đã dẫn đến mối quan hệ này, tôi chẳng bao giờ thôi thắc mắc, nhưng vì tôn trọng lời đề nghị của Gió trên bãi biển, mà tự dặn lòng mình không được hỏi.

Rằng tại sao cô gái ấy luôn phải khiến người khác căm ghét mình đến vậy?

Cứ mang nỗi tâm tư đó, tôi gần như đã quên bản thân cũng chưa lần nào kể cho Gió nghe về quá khứ của mình cả.

Cho đến ngày hôm ấy.

***

Đó là một buổi trưa đầu hạ, khi kì thi cuối học kì II sắp sửa bắt đầu.

Hệt như mọi năm, thời điểm này, các học sinh đều vô cùng bận rộn để bổ sung kiến thức, nhằm có được thành tích tốt nhất trong cả năm học. Nên số người ở lại trường buổi trưa để tiện tham gia các lớp phụ đạo buổi chiều vì thế mà tăng lên chóng mặt.

Và cũng hệt như mọi ngày, tôi và Gió lại đang thưởng thức bữa trưa tại nhà ăn của trường.

Thì...

Keng!

Đột nhiên, chiếc thìa bằng inox trên tay cô gái ấy rơi xuống đất, phát ra thứ âm thanh lạnh lẽo đến khó chịu, thoáng thu hút sự chú ý của mọi người đang có mặt. Còn Gió lúc này thì đang gắng sức ôm chặt lấy cánh tay phải của mình, nhíu mày, cắn răng như đang cố kìm nén một điều gì đó sắp sửa bộc phát.

Đây không phải lần đầu tiên tôi thấy Gió khổ sở như vậy.

Những “cơn đau” luôn thường trực trong khắp cơ thể cậu ấy, và thỉnh thoảng lại bùng lên vô cùng đường đột. Khiến Gió, một người đã quen với điều ấy cũng không khỏi vất vả chịu đựng. Tuy nhiên “cơn đau” lần này có lẽ mang cường độ lớn hơn bình thường thì phải? Song, có lo lắng thì cũng chẳng giải quyết được gì, nên tôi chỉ đành im lặng. Cho tới khi cảm thấy đối phương đã bình thường trở lại, chẳng vì một mục đích gì, cũng chẳng thể tự ngăn cản được mình, tôi cứ thế lên tiếng:

"Cậu đã từng nghe đến cô gái với danh xưng ‘Hoa Bỉ Ngạn của đảo Thiên Đường’ bao giờ chưa?”

Ngạc nhiên với câu hỏi của tôi, Gió nghĩ ngợi giây lát rồi gật đầu:

"Ở thành phố này, chẳng ai là không biết đến cái tên ấy cả. Đó là bút danh của một cô họa sĩ khá trẻ, có khi chỉ cỡ tôi với cậu bây giờ, nhưng tiếng tăm thì đất nước này, bất kì ai theo ngành hội họa cũng từng nghe qua ít nhất một lần. Tranh của cô ấy thường được ca tụng như kiệt tác và hay xuất hiện trong một góc nào đó của sách giáo khoa mĩ thuật.”

Những điều cậu ta nói hoàn toàn đều là sự thật. Mà không, đó chính là niềm tự hào của những người yêu cái đẹp xuất thân từ đảo Thiên Đường này. Và tất cả câu chuyện xoay quanh cuộc đời của cô gái ấy, tôi là kẻ biết rõ hơn ai hết.

Gió ngừng một lát rồi tiếp tục:

“Nhưng nữ họa sĩ ấy lại không được may mắn vì đã mắc bệnh và qua đời khi tài năng còn đang nở rộ. Hình như tên thật của cô ấy là...”

“Biển. Và cũng là chị gái của tôi.”

Nghe tôi ngắt lời rồi giải thích qua loa như vậy, Gió thoáng ngạc nhiên, sau đó là nghi ngại. Nhưng chẳng biết đã thấy được gì thông qua thái độ của tôi, mà cậu ta chỉ gật đầu chấp nhận rồi nói:

"Tôi hơi bất ngờ đấy. Vì ban đầu tôi cứ nghĩ cậu là con một cơ. Nhưng hòn đảo này chỉ có 300 ngàn người thôi, nên chuyện gì cũng có thể xảy ra được nhỉ?” Đến đây, Gió ngập ngừng, nhìn tôi rồi ái ngại hỏi: “Cơ mà cậu nói chuyện ấy với tôi để làm gì?”

Người bất ngờ là tôi mới phải chứ? Bởi tôi không nghĩ rằng cậu ấy sẽ tin những gì mình nói ngay lập tức. Xong khi nghe Gió hỏi ngược lại vậy, tôi liền hít thật sâu rồi đáp lại rất nhanh, như một lời văn được soạn sẵn từ trước:

“Chị ấy mất vào bảy năm trước. Và cậu cũng biết đấy, trước lúc ra đi, chị Biển đã có một thời gian dài chống chọi với bệnh tật vô cùng khó khăn. Nên khi nhìn thấy vẻ mặt đau đớn của cậu, tôi lại nhận ra rằng trước đây, chắc chắn cậu cũng đã gánh vác một nửa căn bệnh cho chị ấy. Điều mà tôi đã chẳng thể làm được, dù bản thân sinh ra để làm điều đó.” Tôi không dám nhìn đối phương, chỉ cúi đầu: “Vậy nên từ tận đáy lòng, tôi thật sự cảm ơn cậu.”

“Đừng nói như thế...” Sau vài giây im lặng, Gió lên tiếng, chất giọng dịu dàng hệt như mọi khi nhưng thoáng sự đau buồn lẫn tức giận: “Tôi ghét lời nguyền này, nên cũng ghét luôn việc người khác coi nó như một ân huệ lớn lao, một điều tốt đẹp mà tôi đã làm cho họ.”

"Xin lỗi!” Tôi bối rối.

Tỏ lòng biết ơn ai đó khi họ giúp đỡ mình chính là gián tiếp muốn nhờ vả họ lần sau. Nhưng điều đó lại không hề đúng với Gió. Bản thân tôi cũng luôn hiểu cái chân lí hiển nhiên ấy mà lại phạm phải sai lầm một cách ngu ngốc như vậy.

Sau đó, ngay trước khi bầu không khí giữa hai chúng tôi bị bao trùm bởi sự cảm thông không đáng có, cô gái đối diện đột nhiên nhìn tôi rồi hỏi. Một điều mà tôi vẫn luôn đào sâu chôn chặt bấy lâu nay:

“Cậu nói mình sinh ra để gánh vác thay căn bệnh cho chị gái, liệu nó có liên quan gì đến năng lực ‘hồi quang phản chiếu’ của cậu không?”

Từ rất lâu trước đây, tôi đã luôn muốn một ai đó có thể vui lòng lắng nghe về câu chuyện của mình. Như một lí do để thỏa hiệp với sự bức bối của bản thân vậy. Nên lúc này, tôi cứ thế vừa hồi tưởng lại những dòng kí ức nằm sâu trong hồi hải mã, vừa kể. Còn Gió thì lắng nghe chăm chú.

.

Từ khi còn nhỏ, tôi đã luôn bị chị Biển cướp hết tình yêu thương của bố mẹ. Mà lí do có lẽ là bởi chị ấy luôn nổi trội hơn tôi về mọi mặt. Hội họa, sắc đẹp, khả năng giao tiếp, thành tích học tập. Thứ duy nhất tôi có thể tự hào và lên mặt với chị, chính là một cơ thể khỏe mạnh mà thôi. Vậy nên tuy ghen tỵ, nhưng trong lòng tôi vẫn luôn thầm ngưỡng mộ chị hơn bất kì ai.

Đồng điệu với suy nghĩ bản thân dù có cố gắng cả đời cũng chẳng thể vượt qua chị, tôi cũng chấp nhận luôn việc bố mẹ yêu thương chị hơn là điều đương nhiên. Và đối xử với tôi như kẻ thua cuộc cũng chẳng bất công gì. Mà so với chị, tôi chỉ là kẻ thất bại. Nên hai chị em được quan tâm như nhau thì mới là thiếu công bằng. Ở vị trí của bố mẹ, có lẽ tôi cũng làm như vậy. Yêu thương đứa xứng đáng hơn, đầu tư vào đứa có tiềm năng hơn thì có gì sai?

Chỉ hiềm một điều tôi luôn thắc mắc, rằng nếu đã không cần tôi như vậy, thì tại sao còn sinh ra tôi làm gì? Và chỉ đến năm chín tuổi, cái ngày mà chị Biển phải cấp cứu vì căn bệnh tim bẩm sinh đột ngột chuyển biến xấu, tôi mới hiểu ra sự thật phũ phàng ấy.

Mẹ tôi là một người phụ nữ có liên quan đến thứ căn nguyên của mọi chuyện: Đại Lộ 29 Tháng Hai. Tôi không biết lí do bà trở thành “khách hàng quen” của cái nơi chết tiệt ấy. Có lẽ trước đây, bà từng vô tình tìm thấy, rồi nhân cơ hội ấy để thực hiện một ước nguyện nào đó chăng? Cơ mà với tôi nó cũng chẳng quan trọng cho lắm.

Mẹ cưới bố khi còn khá trẻ, rồi sinh ra chị tôi. Đó đáng lẽ là điều may mắn nhất đối với bà vì đã mang lại cho thế giới một nữ thiên tài. Nhưng khi mẹ mang thai tôi, khi mà tài năng của chị đang ở cái thời hoàng kim thì cũng là lúc căn bênh quái ác đó được phát hiện. Khoảnh khắc bác sĩ công bố sinh mệnh của chị chỉ còn kéo dài được vài năm, chẳng biết vì đâu mà mẹ đã đi đến một quyết định vô cùng điên rồ. Đó chính là để tôi chết thay chị.

Và năm tôi vừa tròn một tuổi, vào cái ngày ấy, mẹ đã ôm tôi đến Đại Lộ. Rồi cầu xin khi chị Biển mất, toàn bộ tuổi thọ của tôi sẽ được chuyển sang cho chị. Đối với mẹ lúc ấy, chỉ cần đứa con gái đầu lòng được sống là đủ, còn tôi có ra sao cũng không còn quan trọng nữa.

.

Ban đầu, khi nghe mẹ kể về lí do mình được sinh ra, với tâm lí non nớt của một đứa trẻ, tôi đã hoàn toàn suy sụp và cố chấp khước từ. Nhưng sau một thời gian dài bị gia đình tạo sức ép cả mềm mỏng lẫn cứng rắn, cộng thêm tình hình bệnh tật của chị càng ngày càng nặng, mà lời nguyền thì không cách nào hóa giải. Tôi dần dần cũng đã thay đổi suy nghĩ, chấp nhận cái chết thay cho chị như mục đích duy nhất để bản thân tồn tại.

.

Thế nhưng...

.

Chị Biển vẫn chết, một cái chết đã được định sẵn từ rất lâu rồi.

Và tôi thì vẫn sống như còn cả tương lai phía trước.

Năng lực của tôi bằng một cách nào đó đã bị thay đổi, trở thành hồi sinh người mới chết tối đa sáu giờ đồng hồ. Khi nhận ra thì đã quá muộn, chẳng thể vãn hồi được nữa.

Đối diện với cái chết của chị Biển, mẹ đã không ngừng nguyền rủa tôi bằng những lời lẽ tàn độc nhất mà một người làm mẹ có thể nói ra. Để rồi vẫn không thể nào chấp nhận được việc ước vọng mười năm trời bị chính con trai của mình đạp đổ, bà đã sang chấn tâm lí nặng nề, đến độ không thể sống như một người bình thường được nữa. Nên bố tôi đã quyết định đưa bà về đất liền, nơi có cơ sở y tế tân tiến hơn để điều trị.

Còn tôi, từ ngày ấy tôi đã thu mình lại, chẳng bao giờ chủ động tạo mối quan hệ với bất kỳ ai, cũng chưa từng cố gắng thay đổi bản thân mà cứ sống một cách bất cần đời. Bởi tôi luôn lo sợ mình sẽ lại một lần nữa phản bội lại lòng tin của họ, khiến họ đau khổ như cái cách tôi đã phá tan những điều tốt đẹp của gia đình mình vậy.

Tuy nhiên, việc tự tách biệt với mọi người khiến tôi mau chóng bị xem như một kẻ ngoại đạo không hơn, và thường xuyên phải nghe những lời chỉ trích, bàn tán đầy ác ý sau lưng:

“Sao thằng đó lúc nào cũng ở một mình nhỉ?”

“Nó có chú ý gì trong lớp đâu.”

“Ờ, tao chắc chắn là nó còn chẳng học hành gì hết.”

Để rồi chẳng biết từ bao giờ, mỗi khi có ánh mắt hướng về phía mình, tôi thường tự ý lồng tiếng cho những suy nghĩ của họ bằng lời lẽ chẳng mấy tốt đẹp gì, như một thói quen khó bỏ.

“Nó nghĩ như thế là ngầu lắm sao? Thật kinh tởm!”

“Biến đi. Đồ phiền phức!”

“Đúng là tên lập dị.”

.

Tôi cứ thế kể, Còn gió thì im lặng lắng nghe.

Đã có lúc gương mặt cậu ta bối rối thấy rõ, như tôi vẫn không thể kìm lại được lời nói đang tuôn ra ào ào như thác đổ. Tôi xả hết những nỗi niềm hỗn độn giấu kín trong lòng để lôi kéo sự đồng cảm. Và khi nhận thấy bản thân đã vô tình thu hút sự tò mò của vài kẻ hiếu kỳ đang có mặt tại đó, tôi mới mau chóng khép lại câu chuyện về quá khứ của mình. Còn Gió dường như đã thấu hiểu hết các cảm xúc trong tôi lúc này, nên chỉ một lát sau, cậu ta mới lên tiếng bằng chất giọng dịu dàng:

“Sau những điều đó, liệu cậu có căm ghét gia đình mình không?”

“Có chứ!” Tôi xác nhận không chút do dự nhưng rồi lại ngập ngừng ngay: “Tuy nhiên, căm ghét bố mẹ một phần thì tôi lại ghê tởm bản thân mình mấy phần.”

Bởi vì chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, toàn bộ nỗi lực, niềm hạnh phúc, sự kì vọng kéo dài suốt mười năm trời của mẹ. Tất cả những điều tốt đẹp nhất ấy đã bị tôi vo tròn lại rồi ném đi không thương tiếc.

Suy cho cùng, ai mới là kẻ đáng trách đây?

Bầu không khí giữa chúng tôi đột ngột trùng xuống và ngột ngạt vô cùng, tựa như chỉ cần thở thôi cũng sẽ khiến đối phương khó xử. Nhưng ngay trước khi tôi kịp lên tiếng thì Gió khẽ bật cười:

“Nếu cậu nói rằng mình không nên sống tiếp, thì tôi còn đáng chết hơn cậu cả nghìn lần ấy chứ.”

Chẳng ai có thể hiểu rõ được cảm xúc của người khác khi chưa đặt mình vào vị trí của họ. Mà kể cả khi khi rơi vào hoàn cảnh tương tự, suy nghĩ của mỗi người cũng có phần khác biệt.

Những lời Gió nói như đang muốn mỉa mai sự yếu đuối của tôi, nhưng tôi lại chẳng hề phản đối. Bởi vì sâu thẳm trong ánh mắt dịu dàng buồn bã ấy, cùng thái độ giả tạo chẳng hợp với Gió một tẹo nào. Tôi biết rằng đây chính là cách cậu ấy dùng để an ủi một kẻ chẳng ra gì như tôi.

Và sau tất cả những điều đó, tôi thầm nghĩ sự hiện diện của Gió đã cứu rỗi tôi đến nhường nào. Nếu không có cậu, tôi đã bị đẩy đến bước đường nào nữa đây?

.

Khi những học sinh cuối cùng bước ra khỏi căn tin để chuẩn bị cho tiết học chiều, Gió ngước nhìn đồng hồ, thấy sắp đến giờ làm, cậu ta đứng dậy, ngắm nhìn những tia nắng chói lòa ngoài cửa sổ.

Tôi vẫn còn trầm tư nhưng không thể nán lại lâu hơn được nữa.

"Về nào.” Gió nhìn tôi, trìu mến nói.

"Ừ!” Tôi gật đầu đáp lại.

***

Lễ tốt nghiệp.

Đó là thời điểm mà bất kì học sinh nào cũng đều có cảm xúc bồi hồi tiếc nuối, xen lẫn với sự háo hức khi đang mong chờ một điều mới mẻ sắp xảy ra.

Tôi cũng không phải là ngoại lệ. Mặc dù những mùa hè trước đây, tôi không như vậy. Bởi bản thân chẳng có gì để quyến luyến hay hi vọng cả. Mùa hè này thì khác, dường như là vì cô gái đang đứng bên cạnh thì phải.

Nghĩ đến cảnh ba tháng hè không còn được gặp và trò chuyện với cô ấy vào mỗi buổi trưa nữa, tôi lại cảm thấy buồn buồn khó tả, như vừa đánh mất một thứ gì đó quan trọng vậy. Thực tâm thì tôi mong những tháng ngày cuối cùng của năm học lớp Mười này cứ dài ra mãi.

.

Khi lễ bế giảng kết thúc, học sinh các lớp tập trung lại để chụp một bức ảnh tập thể với giáo viên chủ nhiệm, nhằm lưu giữ lại những khoảnh khắc đáng nhớ nhất tuổi thanh xuân của đời mình. Sau đó là chia ra từng nhóm nhỏ, có người chụp riêng với thầy cô mình quý mến, lại có kẻ chụp chung với đám bạn thân của mình. Và lớp tôi cũng vậy, chỉ trừ hai con người, một nam một nữ, đang đứng từ đằng xa trông lại. Đó chính là tôi và Gió.

"Cậu không định tham gia cùng họ à?”

Thấy tôi trầm ngâm, suy nghĩ miên man, cô gái bên cạnh liền giả đò khiêu khích.

“Chẳng phải cậu cũng thế hay sao?” Tôi hờ hững hỏi lại để thay cho câu trả lời.

“Tôi cá là bản thân sẽ gây khó dễ cho họ mất. Và cũng chẳng mong những tấm ảnh quý giá đó trở thành thứ vô giá trị.”

Gió vừa nói, vừa đảo mắt về nhóm có khá đông các nữ sinh đang tụ tập. Tôi không rõ cuộc trò chuyện của họ bàn về điều gì, nhưng đại loại là có một cô bạn sẽ phải chuyển vào đất liền học, để tiện cho công việc của bố mẹ. Thì đột nhiên nhận được sự quan tâm của hầu hết mọi học sinh trong lớp. Đã có những giọt nước mắt quyến luyến không muốn rời xa, nhưng cũng có những nụ cười và lời hứa hẹn đầy sáo rỗng, để người trong cuộc cảm thấy nguôi ngoai.

Rồi khi mà tôi nghĩ rằng cuộc nói chuyện vu vơ vừa rồi đã kết thúc, thì Gió đột nhiên nói tiếp:

“Đằng nào thì sớm thôi, những tấm ảnh đó sẽ bị lẳng vào xó. May mắn hơn là một góc nào đó của quyển album. Và chắc chắn chẳng nổi mấy người sẽ còn mở ra xem, để hồi tưởng lại ngày hôm nay bằng những kí ức đẹp đẽ đâu. Nên ngay từ khi bấm máy, nó đã được xác định rằng còn tác dụng, hay chỉ là thứ hàng xôn vô giá trị rồi.”

Hai lời nhận định của Gió đối nghịch nhau quá. Nhưng không phải là tôi không hiểu những gì cậu ta vừa nói. Nên liền phụ họa thêm băng thái độ có phần bỡn cợt:

"Điều an ủi lớn nhất đối với kẻ bại trận là có một kẻ bại trận thảm hại hơn nhỉ?”

“Đừng hâm, ý tôi không phải thế.” Gió gục gặc đầu, cố nén cười đáp lại.

Chúng tôi cứ đứng như vậy, vừa nghịch vài chiếc xác ve bám đầy vào thân cây, vừa trò chuyện qua lại. Một lát sau, khi cảm thấy đã thích hợp, tôi mới hít thật sâu rồi nhìn Gió, hỏi:

“Nghỉ hè rồi, cậu có dự định gì không?”

“Vẫn là đi làm thêm thôi.”

Câu trả lời cùng vẻ mặt điềm nhiên của cậu ấy đã khiến tôi không khỏi thất vọng. Nhưng cũng không ngừng hi vọng mà tiếp tục:

"Ngày mai vừa hay lại là Chủ nhật, nếu cậu hứng thú thì đi chơi với tôi một hôm có được không? Như những người bạn ấy.”

Dường như tôi vừa nói điều gì đó thừa thãi thì phải. Nhưng thấy đối phương vẫn im lặng, tôi liền không bỏ lỡ cơ hội mà nói thêm:

“Nơi mà chẳng thể đi một mình ấy, cậu rất ít khi đến đó mà, phải không? Tôi cũng vậy đấy. Nên tận hưởng một ngày cũng đâu có sao? Đằng nào thì chúng ta vẫn còn khối thời gian cơ mà.”

Thật khó để phân tích điều đó có đúng đắn hay không, nhưng một lát sau, Gió không nhìn tôi, chỉ gật đầu đồng ý:

"Được thôi. Dù sao tôi cũng đang có chuyện muốn nói với cậu.”

“Có chuyện muốn nói” à? Nghe tới đây, tôi mới nhận ra rằng từ sáng đến giờ, lúc ở cạnh tôi, Gió có vẻ khác mọi ngày lắm, dường như đang lưỡng lự một điều gì đó thì phải. Nghĩ thế, tôi lại càng mong chờ ngày mai mau đến, nên liền vội vàng trao đổi điểm hẹn với cô gái ấy. Lúc ra về còn không quên nói vọng theo:

“Hứa rồi đấy nhé!”

Mà trong lòng ngập tràn thứ cảm xúc có lẽ là hân hoan.

.

Chẳng biết có phải vì quá nôn nóng cuộc hẹn ngày mai hay không, cả đêm hôm đó tôi cứ chằn chọc mãi mà chẳng thể tìm thấy giấc ngủ. Cho đến nửa đêm thì một cơn khát xuất hiện, khiến tôi phải lần xuống phòng khách để uống nước.

Nhưng khi vừa đưa chiếc cốc lên ngang miệng, thì tay phải vốn rất bình thường, lại như bị xé toạc, đứt lìa khỏi cơ thể vô cùng đột ngột. Ngay lập tức, một cảm giác đau đớn chạy dọc sống lưng, truyền thẳng lên não rồi lan khắp cơ thể. Khiến tôi vội vàng ôm lấy cảnh tay vào lòng, quỳ gục xuống đất mà quằn quại trong vô vọng.

Tuy nhiên, chỉ một lát sau, cảm giác ấy dịu dần, chuyển thành nhức nhối rồi biến mất, tôi mới nhận ra cơ thể mình vẫn còn nguyên vẹn, chẳng có lấy dù chỉ là một vết cắt, mọi bộ phận vẫn hoạt động bình thường, như chưa hề có gì xảy ra cả. Dù quần áo thì ướt sũng và chiếc cốc vừa cầm trên tay rơi xuống đất, vỡ tan thành từng mảnh.

Vừa rồi có khi nào chính là cơn đau?

Bình luận (12)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

12 Bình luận

Lễ tốt nghiệp.
Đó là thời điểm mà bất kì học sinh nào cũng đều có cảm xúc bồi hồi tiếc nuối, xen lẫn với sự háo hức khi đang mong chờ một điều mới mẻ sắp xảy ra.
Tôi cũng không phải là ngoại lệ. Mặc dù những mùa hè trước đây, tôi không như vậy. Bởi bản thân chẳng có gì để quyến luyến hay hi vọng cả. Mùa hè này thì khác, dường như là vì cô gái đang đứng bên cạnh thì phải.
Nghĩ đến cảnh ba tháng hè không còn được gặp và trò chuyện với cô ấy vào mỗi buổi trưa nữa, tôi lại cảm thấy buồn buồn khó tả, như vừa đánh mất một thứ gì đó quan trọng vậy. Thực tâm thì tôi mong những tháng ngày cuối cùng của năm học lớp Mười này cứ dài ra mãi.


"Lễ bế giảng" mới đúng chứ:v
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
Tại vì ở phân đoạn sau tôi cũng viết lễ bế giảng r. Nên sợ sẽ lặp từ. Mà tôi nghĩ nó cx có chung ý nghĩa cả.
Xem thêm
"Tôi hơi bất ngờ đấy. Vì ban đầu tôi cứ nghĩ cậu là con một cơ. Nhưng hòn đảo này chỉ có 300000 người thôi, nên chuyện gì cũng có thể xảy ra được nhỉ?” Đến đây, Gió ngập ngừng, nhìn tôi rồi ái ngại hỏi: “Cơ mà cậu nói chuyện ấy với tôi để làm gì?”

Hạn chế viết kiểu 300000 nhé, 300 ngàn mới hợp mắt hơn.
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
Ok tôi sẽ sửa liền
Xem thêm
Thấy cậu ấy ngày nào cũng chỉ ăn mỗi phở, rồi lại đi làm đến 6 giờ tối, tôi đã khuyên Gió hãy đổi sang những món cơm, vì sẽ no lâu hơn cũng như đảm bảo dinh dưỡng.
Ban đầu, cô gái ấy có phần ương bướng và cố chấp từ chối. Nhưng chỉ mấy ngày sau, tôi đã thấy chị nhân viên bưng ra một xuất cơm chiên trứng vàng suộm, bốc khói nghi ngút. Bên trên có rắc ít xúc xích và gia vị, đặt sang phía Gió rồi niềm nở mời thưởng thức.
“Đừng hiểu nhầm! Chẳng qua hôm nay nhà bếp hết món tôi thích mà thôi.”


Ok, tác giả thích cơm chiên thật đấy. Nhưng nếu rắc hành phi kèm dưa leo vào thì ngon hơn đấy.
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
Tôi thích cơm vs phở từ ngày xưa rồi, h đi học đại học ít đc bố rang cho nữa nên viết để nhớ lại kỉ niệm ấy mà. Nhưng cơm rang mà trộn nước dưa thì đúng là tuyệt phẩm
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
Cuối chương này là bắt đầu mở màn cho 1 chuỗi drama. Tôi định cho nó xuất hiện sớm hơn nhưng vẫn phải ngâm đến tận bây h
Xem thêm
Xem thêm 5 trả lời