Đại Lộ 29 Tháng Hai
Phước Văn Đoàn
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Đại Lộ 29 Tháng Hai

Chương 09: Hai Kẻ Trùng Phùng

3 Bình luận - Độ dài: 6,517 từ - Cập nhật:

"Để thứ công việc kinh tởm đến đủ đường đó lấn quá sâu vào điều thiêng liêng nhất của mình, thì cuộc sống hiện tại cũng là cái giá mà bác phải trả thôi. Một bản án không thể nào xứng đáng hơn được nữa.”

Vừa buông lời nhận xét đầy cay đắng cùng tiếng thở dài não nề, ông Nhưỡng vừa hồi tưởng lại phần kí ức không thể nào quên trong quá khứ. Rồi bắt đầu kể bằng chất giọng buồn buồn điềm đạm.

.

Mọi chuyện xảy ra có lẽ là vào mười lăm năm trước, năm năm sau ngày ông Nhưỡng nhận nuôi Núi, và cũng là khi hai người con trai của ông ấy vừa tròn mười tuổi.

Đồi, do sinh thiếu tháng, lại còn mắc thêm căn bệnh đã di truyền người bà mẹ quá cố, khiến thể trạng của cậu luôn yếu ớt hơn rất nhiều những đứa trẻ đồng trang lứa. Hiểu được tình cảnh đó nên ngoài việc học văn hóa trên trường, ông Nhưỡng đã chẳng bao giờ cho phép Đồi động đến bất kì công việc nặng nhọc nào cả. Đồng thời dành tặng cậu một tình yêu thương vô cùng sâu đậm.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa người cha đó khinh miệt hay ghét bỏ đứa con trai không cùng huyết thống của mình, chỉ là ông ấy luôn nhìn nhận nó theo hướng cực đoan hơn mà thôi. Bởi vì khác với người anh trai nuôi của mình, ngay từ khi còn nhỏ, Núi đã luôn là một đứa trẻ hiếu động và khỏe mạnh. Nhưng cái cách mà cậu thể hiện điều đó thì không phải ai cũng có thể tưởng tượng ra, và chấp nhận ngay được.

Khi nơi cậu thường hay lui đến không phải chỗ dành cho trẻ con, mà là căn phòng sặc mùi trầm hương và xì gà. Mối quan hệ của cậu hầu hết đều là các thành viên bất hảo của băng đảng, chứ không phải với bạn bè cùng lớp. Đồng nghĩa thay vì thích xem các bộ phim hoạt hình trên tivi như mọi đứa trẻ đồng trang lứa, thứ mà cậu thường theo dõi lại là những ván bạc đỏ đen có thể lấy đi sinh mạng của cả một gia đình, những cuộc giao dịch ngầm vô cũng căng thẳng, hay thậm chí là những vụ tranh chấp địa bàn làm ăn đầy máu lẫn nước mắt. Tất cả chỉ vì một mục đích duy nhất, rằng một ngày nào đó, cậu có thể thanh toán toàn bộ món nợ mà lũ xấu xa kia đã gây ra cho bố mẹ ruột của mình.

Nhận ra mối thâm thù không thể nào xóa bỏ đó, khả năng lãnh đạo thiên phú, cùng lòng chung thành vô điều kiện với tổ chức, mà chẳng mất nhiều thời gian, ông Nhưỡng đã quyết định cậu chính là người sẽ gánh vác cả sự nghiệp mà bản thân gây dựng. Nên không ngần ngại dạy cho đứa con trai nuôi của mình tất cả mọi kiến thức mà một ông trùm băng đảng xã hội đen cần phải sở hữu, từ phương thức kinh doanh đến kĩ năng chiến đấu thượng thừa.

Còn Núi thì cũng chưa bao giờ có ý định sẽ khiến bố phải thất vọng cả. Khi mười ba tuổi đã thực hiện thành công không biết bao nhiêu cuộc giao dịch tiền tỉ. Và một năm sau đó, cậu có thể dễ dàng hạ đo ván người thầy của mình, một Tứ Đẳng Huyền Đai Karate trong chớp mắt.

Tuy nhiên, kẻ mạnh nhất thường đi đôi với kiêu ngạo nhất. Và núi thì cũng không phải là ngoại lệ của cái chân lí tưởng chừng hiển nhiên đó. Vì ngay khi chiếm được sự tín nhiệm tuyệt đối từ các lão làng cốt cán trong tổ chức, cậu đã lập tức tiến hành mục đích của mình bằng một lời tuyên bố, rằng sẽ xóa sổ băng đảng của những kẻ trực tiếp gây ra cái chết cho bố mẹ cậu năm xưa.

Ban đầu, ông Nhưỡng đã một mực phản đối vì còn e sợ uy thế đang ngày càng lớn mạnh, cùng mối quan hệ rất thân thiết với lũ chính trị gia của chúng. Song, trước sức ép vô hình mà Núi tạo ra, thái độ thù địch tồn tại qua gần hai thập kỉ và cả tấm chân tình dành cho người bạn cũ nữa. Nên chỉ sau đó ít lâu, ông ấy đã chấp nhận, với điều kiện là cậu phải tuân theo toàn bộ kế hoạch ông đề ra. Nghe vậy, dù không muốn nhưng Núi vẫn biết là đâu còn phương án nào khả quan hơn, nên chỉ đành miễn cưỡng gật đầu đồng ý.

Mà chẳng thể ngờ được rằng, ấy chính là quyết định sẽ khiến cho mối quan hệ giữa hai người họ không còn vẹn nguyên như thuở ban đầu được nữa. Bởi vì…

“…vào hôm đó, cái ngày mọi chuyện chắc chắn phải được tiến hành, thời điểm mà cuộc hội quân với phân đội của Núi chuẩn bị diễn ra. Thì Đồi… đã bị một nhóm tội phạm khác bắt cóc trên đường đi học về. Với yêu cầu rằng bác phải nhượng lại cho chúng những mối làm ăn tốt cùng toàn bộ địa bàn hoạt động, đồng thời rút khỏi giới bất lương sớm nhất có thể nếu không muốn tình hình trở nên tồi tệ hơn.”

“Vậy nên… bác đã đơn phương hủy bỏ kế hoạch để đi giải cứu anh Đồi ư?”

Sau lời bỏ lửng của ông Nhưỡng, tôi như lờ mờ hiểu ra điều gì đó, liền hỏi lại bằng ngữ điệu có phần nặng nề. Khiến đối phương chỉ biết ngẩng lên, nhìn ngắm những gợn mây ti tích tựa một bãi cát bên bờ biển trên nền trời rộng lớn. Vừa đáp với thái độ như đang trách móc nhẹ nhàng:

“Đâu chỉ riêng gì bác, bất kì ai khi rơi vào hoàn cảnh đó, đều sẽ làm điều tương tự thôi. Hỗ trợ cho đứa kém về thực lực, quan tâm tới đứa gặp nhiều nguy hiểm hơn và lo lắng cho đứa có ít khả năng an toàn hơn, thì có gì sai?” Vừa hít một hơi thật sâu nhằm lấy lại sự bình tĩnh mọi khi rồi nói tiếp: “Tuy nhiên, cái mà bọn chúng thực sự muốn, đâu phải những thứ vật chất có trong giao kèo, mà chỉ đơn thuần là để giải quyết toàn bộ ân oán cá nhân… Nên không những không thể cứu được đứa con trai ruột của mình, ông bố này còn phải tận mắt chứng kiến nó ra đi trong khi bản thân chẳng thể thay đổi bất cứ điều gì cả.”

Và như để che giấu đi thứ cảm xúc khó coi sắp sửa tuôn trào, ông Nhưỡng lập tức lảng sang chuyện khác:

“Còn về phân đội của Núi… dù không cần bác kể, chắc hai đứa ít nhiều cũng đoán ra tương đối rồi nhỉ?”

Điều tất yếu để biến cố nào đó trong cuộc đời, trở thành nỗi ám ảnh đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay, thì hiển nhiên phải là một chuỗi những thứ kinh khủng nối tiếp nhau diễn ra. Nhiều đến nỗi đủ sức che lấp đi những tia sáng hiếm hoi tưởng chừng là cơ hội để kéo người đó thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn đó, đồng thời nhấn chìm họ xuống tận cùng của sự tuyệt vọng. Nên lúc này đây, ngay tại khoảnh khắc phải đối diện với minh chứng xác đáng nhất cho cái chân lí tưởng chừng hiển nhiên ấy, thì mọi sự ngờ vực ban đầu của tôi, bỗng chốc hướng tới một và chỉ một nhận định duy nhất.

"Nói thế…” Tuy nhiên, trong khi vẫn chưa biết phải trả lời câu hỏi ấy như thế nào cho thỏa đáng, thì một giọng nói trong trẻo chợt vang lên: “… không lẽ anh Núi đã không chờ đợi lệnh từ bác mà tự ý hành động sao?”

Và khi nhận ra đó là lời thắc mắc từ cô gái nãy giờ vẫn lặng im mà nhìn vô định vào đường chân trời thẳng tắp, thì tôi đã không khỏi bất ngờ. Song lại thầm cảm ơn Gió khi đã gián tiếp giúp tôi nói ra những suy nghĩ thật khó để có thể diễn đạt thành lời.

Tuy nhiên, có lẽ cũng muốn thử thách tính kiên nhẫn của chúng tôi thêm chút nữa chăng. Mà ông Nhưỡng không trả lời vội, chỉ chậm rãi lôi từ trong túi áo ngực ra một bao thuốc còn mới cứng vừa mua từ cửa hàng tạp hóa ngoài đầu phố. Sau vài lần nện nhẹ vào lòng bàn tay, thuần thục xé tấm lá bạc, rồi rút ra một điều thuốc đã hơi nhàu nát, người đàn ông ấy mới từ tốn xác nhận lại bằng chất giọng điềm đạm mọi khi. Dù chấp nhận nhưng trong đó vẫn tồn tại chút gì tựa hồ đang vô cùng đau khổ:

“Cũng chẳng thể trách được, vì tính cách bồng bột và cứng đầu đó mới chính là một phần làm nên con người nó mà. Chỉ hiềm một điều mà không ai có thể lường trước được, rằng ngày hôm đó, phân đội của thằng bé đã thất bại hoàn toàn, cả trong cuộc xung đột lẫn kế hoạch rút lui mà hai bố con bác đã bàn tính từ trước. Để rồi cái giá tổ chức phải chịu, chính gần bốn mươi thành viên rơi vào ổ phục kích của lũ cớm, và hơn mười người đã vĩnh viễn ra đi mà thân xác chẳng còn lành lặn.”

“Mọi chuyện sau đó diễn ra như thế nào ạ?”

Vừa lắng nghe câu hỏi có phần vội vàng của tôi, ông Nhưỡng vừa đưa điếu thuốc đó lên môi, một tay chắn gió, tay còn lại thì đánh lửa vài cái bằng chiếc hộp quẹt rẻ tiền, sau đó liền hút một hơi thật dài khiến tàn thuốc đỏ rực lên dưới ánh mặt trời. Rồi mãi cho đến khi hơi thở trắng đục tan biến dần, đến nỗi chỉ còn như những sợi khói mỏng manh tưởng chừng có thể hòa lẫn vào không khí bất kì lúc nào. Người đàn ông ấy mới tiếp tục kể bằng thái độ chẳng chút nào là thay đổi.

.

Sau một loạt quyết định sai lầm gây nên vụ lùm xùm không dễ gì làm êm dịu lại đó, tổ chức dần đánh mất vị thế của mình trong giới làm ăn. Bản thân ông Nhưỡng cũng vì thế mà bị rất nhiều những người vốn từng là anh em chí cốt, quay lưng một cách không thương tiếc. Cho đến khi kịp nhận ra thì các mối quan hệ cùng quyền lực ông ấy dày công gây dựng trong suốt mấy mươi năm lại chẳng thể giúp Núi thoát ra khỏi vòng lao lí như đã từng làm trước đây được nữa.

Để rồi vào ngày hôm đó, cái ngày ông Nhưỡng phải đi tham dự phiên tòa xét xử vụ xung đột do Núi và phân đội của hắn là chủ mưu. Phải nghe lũ thẩm phán vốn đã bị mua chuộc, tuyên bố những tội danh mà phần lớn là bịa đặt, những hình phạt quá đỗi nặng nề so với một đứa trẻ vị thành niên như Núi, và phải đối diện với đứa con trai nuôi của mình. Thì từ tâm khảm của người đàn ông ấy đã hình thành một nhận định vô cùng xấu xí, song lại ghim sâu vào tiềm thức tựa thứ mà người ta thường gọi là sự thật hiển nhiên. Rằng:

“Thằng bé hẳn là phải căm ghét bác lắm đấy.”

“Bác nghĩ vậy ư?”

“Cái ‘nghĩ’ đó, để mà nói về vẻ mặt lạnh tanh của Núi dành cho bác, lúc nó vừa rời khỏi vành móng ngựa, thì thật chẳng chính xác chút nào đâu. Dùng từ ‘chắc chắn’, có lẽ sẽ xứng đáng hơn đấy.”

Chờ đợi ông Nhưỡng giãi bày phần còn lại câu chuyện về quá khứ của mình, tôi mới lên tiếng hỏi một điều không thể nào vô nghĩa hơn, nhằm khỏa lấp đi bầu không khí khó xử đang chờ trực bao trùm. Tuy nhiên, có lẽ dù biết rằng tôi vốn chẳng cần một câu trả lời cụ thể nào cả, người đàn ông đó vẫn đáp lại một cách chắc nịch như vậy sau khi hút thêm một hơi dài. Rồi vừa ném điếu thuốc vẫn còn cháy dở xuống mặt biển đang dậy sóng, vừa nhả ra làn khói mờ đục mỏng manh, ông ấy mới tiếp tục giải thích:

“Bởi vì đến tận bây giờ, dù cho bác có tới thăm, viết thư hay gửi quà vào không biết bao nhiêu lần đi chăng nữa, dưới danh nghĩa dù là người thân hay bạn bè, thì Núi cũng đều một mực cự tuyệt. Như cái cách mà chúng ta thường đối xử với những kẻ bản thân căm ghét đến tột cùng vậy. Đó… âu cũng là cái giá bác phải trả, khi đã gián tiếp đẩy thằng bé tới án tù kéo dài mười năm đó thôi nhỉ? Một hình phạt xứng đáng đến độ khiến ông bố tồi tệ này chẳng thể nào biện minh thêm được nữa…”

Cái cảm giác khi bị chính gia đình, những người mà chúng ta vẫn luôn tin tưởng bỏ rơi, hoặc thậm chí lôi ra làm mảnh ghép để giúp họ chạm tay tới mục đích của mình đó. Một kẻ đã luôn phải đối diện, chịu đựng rồi chấp nhận suốt bảy năm qua như tôi, ít nhiều cũng thấu hiểu nó đau đớn tới nhường nào.

Tuy nhiên, ngay tại khoảnh khắc nghe được những lời bày tỏ nghẹn ngào của ông Nhưỡng, thì mọi sự cảm thông vốn đang dành cho Núi của tôi, bỗng chốc đã chuyển thành ngạc nhiên khi vô tình nhìn thấy điều mà bản thân vẫn luôn tìm kiếm. Đồng thời bất giác bật ra thành lời nỗi nghi vấn ấy lúc nào chẳng hay:

“Bản án mà anh Núi phải chịu là mười năm tù giam ư? Vậy thì có khi nào, hôm nay chính là ngày anh ấy được trao trả tự do? Hay chính xác hơn, lí do để bác sử dụng dịch vụ hồi sinh của chúng cháu, chính là vì muốn chờ đợi anh ấy trở về ạ?”

Trước một loạt những câu hỏi dồn dập đó, ông ấy lập tức quay sang, xoáy thẳng cặp mắt ốc nhồi sâu hoắm đang đầy rẫy sự ngạc nhiên đó vào kẻ vừa thắc mắc, khiến tôi không khỏi lúng túng mà vội vàng lảng sang hướng khác. Nhưng chỉ sau đó vài giây ngắn ngủi, đôi mắt sắc lạnh ấy rất nhanh đã trùng xuống, vầng trán cũng dần dãn ra làm gương mặt của ông Nhưỡng bỗng chốc trở nên thật hiền dịu. Mà tiếp tục xác nhận bằng thái độ trầm trầm lãnh đạm:

“Phải. Hôm nay chính là ngày Núi sẽ được khôi phục lại quyền công dân của mình. Và cũng là ngày mà bác đã luôn chờ đợi suốt quãng thời gian đằng đẵng vừa qua, để có thể gặp lại mà nói ra những điều cần phải nói với thằng bé. Dù đã biết trước biết rằng nó sẽ chẳng bao giờ chịu hiểu, dù cơ hội cuối cùng sắp sửa kết thúc. Thì lúc này đây, bác vẫn luôn hi vọng trong vô vọng, rằng điều kì diệu ấy sẽ thực sự xảy ra, như việc hai đứa hồi sinh bác vậy.”

Rồi, người đàn ông ấy lại mau mắn nhìn ra biển, vừa hỏi chúng tôi bằng chất giọng đầy vui tươi đối với một người vốn đã ra đi, nhưng lại không khó để nhìn ra chút nuối tiếc đầy đau khổ:

“Này. Một người cha tồi tệ hết thuốc chữa như bác, đúng là cứ nên an phận mà chết đi nhỉ?”

Nghe xong những lời đó, chẳng hiểu vì cớ gì mà cổ họng tôi bỗng nhiên nghẹn cứng cả lại, tựa như đang bị cục đớm lớn chắn ngang. Khiến tôi chẳng thể thốt lên bất kì một lời nào nữa mà chỉ phát ra những âm thanh ậm ừ xấu xí nơi thanh quản. Dù thực tâm, tôi vẫn hiểu ngay bây giờ, hoặc không bao giờ còn cơ hội nữa, mình buộc phải làm, hay chính xác phải nói ra.

Một điều nhằm an ủi tâm trạng đã luôn day dứt khôn nguôi, để người đàn ông đó trút bỏ mọi niềm trăn trở với cái thực tại nghiệt ngã này. Một điều có thể khỏa lấp đi phần trọng trách khiến khách hàng của mình ra đi thanh thản, mà những kẻ mang danh “người đưa tiễn” chúng tôi đây vẫn còn chưa thể thực hiện được. Một điều nào đó thật trân thành, đủ để tôi thay cho lời tạ lỗi vì đã khơi gợi dòng hồi ức đau buồn không thể nào quên. Và hơn tất thảy, ngay tại khoảnh khắc khi vô tình nhìn thấy điểm tương đồng giữa cả hai, từ trong tâm khảm tôi bỗng bùng lên một suy nghĩ. Rằng nếu có thể giúp cho người cha ấy thoát khỏi nỗi ám ảnh, xuất phát từ những lỗi lầm trong quá khứ, thì tôi nhất định sẽ nhận lại được sự thứ tha, không phải từ ai khác mà là ở chính bản thân tôi. Có lẽ…

Nên liền vừa lục tìm trong vốn từ điển ít ỏi những câu chữ thích hợp nhất, vừa liếm ướt đôi môi khô khốc làm đầu lưỡi thấm đẫm chất vị mặt mà của gió biển và mồ hôi lăn dài trên má. Tôi hít một hơi thật sâu như để cố nén lại những cảm xúc bức bối đang bủa vây lấy từng nhịp thở của mình mà chuẩn bị mở lời.

Thế nhưng…

.

"Thất vọng thật đấy! Khi người mà tôi luôn hằng ngưỡng mộ, từ bao giờ lại trở thành một ông già mít ướt và sến súa, đến độ khiến người ta muốn phát khóc lên được như thế này cơ chứ?”

.

… ngay trước khi tôi kịp lên tiếng, thì một giọng nói đột ngột vang lên lanh lảnh, đồng thời phá tan bầu không khí căng thẳng đang chuẩn bị nhấn chìm cả bến tàu cũ vắng vẻ này.

Những lời đó, hiển nhiên không đến từ tôi hay Gió, cũng chẳng phải người đàn ông nãy giờ vẫn luôn bị dằng xé bởi những nỗi tâm tư dày đặc kia. Mà là của một người khác, một kẻ hoàn toàn xa lạ chẳng biết đã xuất hiện và lắng nghe cuộc trò chuyện vô cùng sầu não của chúng tôi từ bao giờ. Nên liền vội vàng quay lại. Và ngay tại khoảnh khắc nhận ra người đứng đó, cách chúng tôi độ vài mét chính là một gã thanh niên mà bản thân chưa lần nào gặp mặt, tôi đã không khỏi kinh ngạc nên cứ hết nhìn hắn, rồi lại nhìn về phía ông Nhưỡng mà bất giác bật ra thành tiếng sự nghi vấn của mình:

“Anh… là ai?”

Tuy nhiên, đáp lại tôi…

… chính là sự im lặng đến từ tất cả những người có mặt.

Song, dù không nhận được bất kì câu trả lời nào như bản thân chờ đợi. Dù ông Nhưỡng vẫn chỉ ngồi đó mà trầm ngâm dõi đôi mắt già nua ngắm nhìn đường chân trời thẳng tắp phía xa xăm. Và dù cho thứ đang xen vào khoảng lặng thiếu tự nhiên này, chỉ là những cơn gió và tiếng rì rào của sóng biển. Thì sau những lời trách móc, vốn chỉ dành cho người đã quá đỗi thân thiết của gã thanh niên ấy, cùng sự im lặng đến bất thường đến từ người đàn ông kia. Trong tâm trí tôi vẫn bùng lên một thứ linh cảm cực kì mơ hồ về mối quan hệ giữa hai người bọn họ.

.

Để rồi…

.

…. giây phút mà chàng trai mang vóc dáng dong dỏng cao, do vận một bộ quần áo kiểu âu cũ kĩ, nước da ngăm đen khỏe mạnh, gương mặt góc cạnh lởm chởm râu, mái tóc tổ quạ rối mù cùng ánh mắt thoáng lộ ra một nỗi buồn khó tả kia. Bước những bước chân thật từ tốn và thanh thoát tiến về phía chúng tôi, vừa khẽ cằn nhằn một tràng dài mà có lẽ, à không, chắc chắn chỉ mình ông Nhưỡng là có thể tường tận ngay được, bằng chất giọng sang sảng đầy sức sống:

“Tôi đã tính lên tàu từ tối hôm qua cho sớm rồi, nhưng vì vướng phải chút rắc rối vớ vẩn tự phát sinh nữa, nên mới chỉ về đến nơi độ gần một tiếng trước thôi. Xin lỗi nhé! Cơ mà ông cũng tệ thật đấy… ừm… phải nói là dại dột thì đúng hơn, khi cơ thể thì đang mắc một đống bệnh nhưng vẫn dẫn xác đi khắp nơi như thế. Bộ muốn chết hả? Có biết chỉ đi tìm ông thôi đã khiến tôi vất vả như thế nào không?”

.

… giây phút mà tôi nhận ra, hai bờ vai gầy gò của người đàn ông nãy giờ vẫn lặng im, cứ như chẳng hề nhận ra sự tồn tại của chàng thanh niên phía sau mình kia, trong khoảnh khắc ngắn ngủi đã khẽ khàng dao động. Cùng với đó là hơi thở dài thườn thượt, tựa như khi ta đang cố kìm nén một cảm xúc mãnh liệt sắp sửa trào dâng.

.

… khoảnh khắc người thanh niên ấy bước ngang qua tôi và Gió, rồi dừng bước và nghiêng đầu hỏi, một câu hỏi mà bản thân anh ta vốn dĩ đã tìm ra đáp án:

“Này. Sao ông cứ im lặng mãi vậy? Hay là… chỉ mới có hơn chục năm chưa gặp mà ông đã quên luôn tôi luôn rồi sao?”

.

Thì cơ thể tôi trong thoáng chốc đã run lên, tựa như có một dòng điện vừa xẹt qua. Bởi thứ cảm quan vốn mơ hồ đến nỗi chẳng hề có cơ sở để chứng minh vừa rồi, ngay lập tức đã trở nên vững vàng hơn bao giờ hết. Đồng thời lại không khỏi gửi gắm vào đó một niềm hi vọng mãnh liệt, rằng chàng trai đang đứng trước mặt tôi mà nở một nụ cười trìu mến đây, có khi nào… chính là…

Thế nhưng, ngay trước khi tôi kịp lên tiếng thắc mắc thì vị khách nãy giờ vẫn luôn thả hết tâm trí vào những nỗi trầm tư đột nhiên buông ra một hơi thở dài. Rồi vừa chống tay xuống nên bê tông mà đứng dậy, vừa chầm chậm lên tiếng bằng chất giọng run run, nghẹn ngào. Nhằm phản bác lại cái nhận định đầy tính áp đặt của chàng trai. Và cũng như để gián tiếp xác nhận lại nhưng trăn trở đang bủa vây lấy tâm trí tôi vậy:

“Quên ư? Cách đây vài năm, ta từng được nghe một câu nói như thế này, rằng: Trong cuộc đời mà mỗi chúng ta phải trải qua, ai cũng sẽ đều tồn tại những kí ức về một người nào đó vô cùng quan trọng. Mà dù cho cuộc sống có yên bình hay sóng gió, dù sinh mệnh ấy có ngắn ngủi hay dài lâu, dù nhận thức có bị cản trở bởi tuổi già, bệnh tật hay biến cố. Thậm trí, dù có phải trải cả qua hạnh phúc lẫn khổ đau, thì những kỉ niệm ấy chắc chắn sẽ chẳng thể nào mai một. Và bây giờ, khi đã dư dả thời gian để nhìn lại, ta mới nhận ra bản thân cũng sở hữu thứ kí ức tương tự thế.”

Tới đây, ông Nhưỡng liền từ từ quay lại để nhìn rõ diện mạo của chàng trai đang đứng ngay đằng sau mình một đoạn. Đồng thời cũng khiến chúng tôi có thể dễ dàng trông thấy những thay đổi thông qua tâm trạng của ông ấy. Những biểu cảm trên gương mặt đó, ban đầu không gì khác ngoài sự rụt rè, tựa như khi ta sắp sửa phải đối diện với những tội lỗi to lớn mà bản thân đã từng gây ra trong quá khứ.

Song, chỉ vài giây ngay sau khoảnh khắc cặp mắt ốc nhồi sâu hoắm, chứa đựng đầy nỗi lo âu kia hướng lên. Thì chẳng mất nhiều thời gian, tôi đã có thể nhận ra thứ cảm xúc mà chắc chắn là sự hạnh phúc nhỏ nhoi đang tồn tại và dần trở nên mãnh liệt, trong tâm trí của người đàn ông đó. Rồi ông ấy nói tiếp những lời mà không chỉ riêng chàng thanh niên vừa khẽ nở một nụ cười trìu mến kia, mà cả tôi nữa, cũng đang chờ đợi bằng bất cứ giá nào:

“Trong trí nhớ của ta thì nó là một thằng nhóc có phần hiếu động, nếu không muốn nói là cực kì nghịch ngợm, khi luôn chỉ quan tâm tới những thứ mà mọi đứa trẻ đồng trang lứa chẳng bao giờ hứng thú cả. Dẫu ta vẫn luôn biết đó chỉ đơn thuần là cách để nó chứng minh cho ta thấy bản thân đã trưởng thành mà thôi. Một thằng nhóc lúc nào cũng cư xử hết sức vô lễ và hống hách với tất cả mọi người, nhưng lại sẵn sàng làm tất cả mọi thứ để trả thù cho gia đình mình. Một thằng nhóc có những bước đi chẳng bao giờ phát ra tiếng động, nhưng luôn muốn bản thân phải thật hào nhoáng, thật nổi bật trong mắt người khác. Và… kể ra thế này thì đúng là có hơi thất vọng một chút, bởi vì dù là một trong hai đứa con trai mà ta vô cùng yêu quý, nhưng lại chưa từng gọi ta là ‘bố’ lấy một lần. Ừm… con thấy đấy, rằng dẫu đã hơn mười năm trôi qua, hay thậm chí là lâu hơn nữa, ta vẫn luôn, và sẽ luôn nhớ như in tất cả những gì thuộc về thằng nhóc đó. Vậy nên khi nó đang đứng ngay trước mặt ta như thế này, thì làm sao ta lại có thể quên được cơ chứ? Núi!”

Phải. Chàng trai ấy không ai khác chính là anh Núi, người con trai ông Nhưỡng đã luôn chờ đợi suốt hơn mười năm trời đằng đẵng. Người đã khiến ông ấy không ngừng dằn vặt đến tận lúc sắp sửa ra đi, người có thể sẽ giúp ông cảm thấy thanh thản mà dễ dàng chấp nhận cái chết của mình. Và cũng là mảnh ghép quan trọng còn thiếu trong toàn bộ kế hoạch ban đầu của bản thân tôi.

Tuy nhiên, sau những lời nói xuất phát từ tận trái tim đó, thì ông Nhưỡng, có lẽ do đã quá xấu hổ vì điều bản thân chưa bao giờ bày tỏ đó chăng, mà chỉ biết ngập ngừng lảng sang hướng khác. Vừa để trốn tránh ánh mắt của đứa con trai đang hướng thẳng vào mình, đồng thời như muốn che giấu đi những thứ cảm xúc đang dần lộ rõ hơn trên khuôn mặt. Vừa gượng gạo biện minh:

“Ta… chỉ là cảm thấy có chút gì đó… hoài niệm mà thôi.”

Nghe vậy, chàng trai vốn là nhân vật chính của cuộc trùng phùng ấy, chàng trai nãy giờ vẫn chỉ nhìn đăm đăm, nhằm khắc ghi thật kĩ diện mạo người đàn ông vô cùng quan trọng, trong suốt cuộc đời thăng trầm của mình ấy. Bỗng chốc nở một nụ cười thật mãn nguyện, một nụ cười như đã giải tỏa hết những khúc mắc cùng nỗi lo âu đang còn tồn đọng. Rồi đáp lại bằng giọng điệu có phần trêu trọc:

“Chỉ cảm thấy hoài niệm thôi, chứ không phải là đang xúc động đến phát khóc đâu nhỉ, ông già?”

“Đừng có suy từ bụng ta ra bụng người như thế chứ, thằng oắt!” Chẳng thèm đợi anh Núi có thể nói hết câu, ông Nhưỡng ngay lập tức ngắt lời, mà không hề nhận ra đôi mắt và gương mặt mình đang dần bị chính những mạch cảm xúc phiền phức của bản thân chi phối. Hoặc có lẽ đã biết từ rất lâu rồi, song, vẫn cố chấp kìm nén nó vào lòng rồi cứng cói nói tiếp: “Chẳng phải ta đã từng nói rằng ‘giọt nước mắt của một người đàn ông chỉ được phép rơi khi họ không thể bảo vệ và vô tình đánh mất đi những người mình vô cùng yêu quý’ thôi ư?”

“Vậy thì…” Sau vài giây im lặng, có lẽ cũng giống như tôi, cũng đã nhìn thấy thứ khác xa so với những lời chắc nịch của người đàn ông đối diện, anh Núi liền nở một nụ cười đắc thắng mà nhún vai hỏi ngược lại: “…. vì cớ gì, mà ông lại mang vẻ mặt đó cơ chứ?”

Thoạt nghe thấy câu hỏi đầy tự mãn đó, ông Nhưỡng liền vội vàng đưa tay lên, chạm vào gò má nóng rần của mình với thái độ có phần bất an. Và, khi nhận ra nó đang giàn dụa nước, ông ấy mới liền bối rối dùng cánh tay đang nổi rần lên những mảng da gà to tướng, gạt ngang đôi mắt rưng rưng. Nhằm che đậy đi thứ biểu cảm mà bất kì người đàn ông nào cũng muốn chôn giấu trước những người mà họ yêu thương.

Thế nhưng, dẫu có mạnh mẽ và cứng rắn đến đâu, dù cho đã quá quen với việc chịu đựng trong suốt một khoảng thời gian dài đằng đẵng, dù đã kinh qua nhiều nốt nhạc trầm bổng của cuộc đời, dù luôn cố chấp áp đặt lí tưởng của mình vào những quy tắc đầy tính rập khuân. Thì tại giây phút tự ý thức được rằng bản thân đã không còn có thể kìm nén điều mình buộc phải kìm nén nữa rồi ấy, lý trí của ta chắc chắn sẽ phải miễn cưỡng chấp nhận nó như đang chấp nhận đầu hàng vô điều kiện, rồi lại phó mặc mọi chuyện cho trái tim mà thôi.

Ông Nhưỡng cũng vậy…

Bởi vì, khi đã thật sự bị đắm chìm trong những gam màu phức tạp của muôn vàn niềm hạnh phúc cùng một phần nhỏ nhoi của nỗi đau khổ bi thương, người đàn ông đó có lẽ mới chịu buông bỏ hoàn toàn. Từ việc lau đi hai hàng lệ đang tuôn ra nơi đôi mắt ầng ậng nước, đến nỗ lực mím chặt đôi môi để không phải phát ra những tiếng khóc nức nở. Và hơn tất thảy chính là việc chối từ, bác bỏ hàng loạt các định kiến vô lí, những tư tưởng chẳng biết do ai đặt ra, về giới hạn một người cha được phép bày tỏ cảm xúc với người con trai của mình.

Mà ông ấy lập tức lao tới, dang rộng hai cánh tay đã gầy guộc vì bệnh tật ra, ôm thật chặt lấy cả cơ thể săn chắc ấy vào lòng, dụi đầu vào bờ vai của chàng trai ấy. Khiến cho dòng thời gian của tôi, trong khoảnh khắc ấy, vì một lí do nào đó tưởng chừng như đã ngưng đọng hoàn toàn. Khiến cho khung cảnh đang hiện hữu trước mắt tôi, khung cảnh của một cuộc tương phùng ngắn ngủi, khung cảnh mà cả hai người dù chẳng cần phải giãi bày cũng vẫn có thể tường tận rõ ràng những nỗi tâm tư mà đối phương đang hằng mong mỏi, khung cảnh mà người ta nghĩ rằng nó chỉ tồn tại trong thứ gọi là cổ tích ấy, bỗng chốc trở nên thật đẹp đẽ và huyền diệu vô cùng. Đồng thời khiến cho cả tôi, một kẻ luôn thờ ơ với tất cả mọi thứ vốn không thuộc về mình, cũng đang cảm thấy chút gì đó có lẽ là mãn nguyện, mà dõi mắt theo từng cử chỉ nhỏ nhặt nhất của hai người họ.

Ông Nhưỡng vẫn cứ khóc…

… cho đến lúc cô gái bên cạnh kéo nhè nhẹ vào đuôi áo tôi, rồi ra hiệu rằng muốn rời đi để tránh làm phiền giây phút tái ngộ đang diễn ra trước mắt.

… cho đến lúc anh Núi đưa đôi tay đã chai sạn, vỗ nhè nhẹ như để xoa dịu tấm lưng đang run lên từng hồi của người bố nuôi tội nghiệp.

… cho đến lúc cả hai chúng tôi đã rời khỏi bến tàu cũ, và cùng nhau bước ngược lại con đường đã đến.

Người đàn ông đó mới có thể bật ra được những lời thổn thức giữa tiếng khóc nghẹn ngào. Nhưng lại chẳng thể nào bị hòa lẫn bởi thứ âm thanh rì rào, tựa bản nhạc cổ điển du dương của cả gió và sóng biển, dù chỉ là một chút:

“Ôi, thằng nhóc mắc dịch, từ bao giờ mà con lại lớn đùng và xấu tính như thế này hả?”

***

“Ừm… Núi này, theo lịch thì sáng hôm nay, con mới trả hết án, và nếu có trở về thì cũng phải ngày mai hoặc sớm nhất là tối hôm nay cơ mà. Hay là do ta nhớ nhầm ngày nhỉ?”

Sau khi sắp xếp lại gọn gàng những cảm xúc hỗn độn của mình, khi cả hai người họ cùng ngồi ngay sát mép bờ bê tông mà cùng nhìn về một nơi nào đó ngoài đại dương xa thẳm, thì ông lão đã lên tiếng hỏi người con trai của mình như vậy.

“Không phải do ông nhớ nhầm hay gì đâu, chỉ là vì đã có quá nhiều người biết chuyện tôi được ân xá vào ngày hôm nay rồi, nếu cứ khư khư theo cái lịch đó thì chắc chắn sẽ phiền phức lắm, chưa kể còn có cả đống kẻ thù muốn nhân cơ hội này để giải quyết mọi hiềm khích nữa chứ. Nên tôi đã phải nhờ lão quản giáo viết hộ vài tờ đơn để được ân xá sớm hơn một ngày đấy. Cơ mà việc đó cũng lôi thôi chẳng kém j đâu, khi còn phải cải tạo thật tốt và lập thêm cả đống thứ thành tích vớ vẩn khác nữa.”

Rồi chẳng thèm đợi người đàn ông bên cạnh kịp lên tiếng, chàng trai đó khẽ buông một tiếng thở dài ngao ngán mà đột ngột hạ giọng:

“Vả lại… đi được tới đây là quá xa rồi, có lẽ tôi nên từ bỏ thì sẽ tốt hơn.”

“Con đang muốn nói về điều gì?”

“Ừ thì… gọi là ‘làm lại cuộc đời’ hay ‘bắt đầu lại một lần nữa’ đúng là có hơi văn vẻ thật, nhưng tôi đang tính sẽ như thế đấy. Rời khỏi giới bất lương đầy biến động để về đây, tìm một công việc gì đó không quá quan trọng cái lí lịch của mình. Vất vả cũng chẳng sao đâu nhưng chỉ cần được yên ổn là đủ rồi.”

“Vậy cũng tốt.”

..........

"Có chuyện gì vậy?"

“Có điều này… biết là không dễ dàng gì để chấp nhận, mà thực ra ta cũng chẳng mong đợi gì nhiều rằng con sẽ chấp nhận thứ tồi tệ như thế cả. Nhưng dẫu sao thì trong lần cuối cùng hai bố con mình còn được ngồi với nhau này, ta vẫn muốn bản thân có thể nói, và con thì có thể lắng nghe. Dù chỉ một chút thôi cũng là quá đủ rồi.”

“Hể! Lần cuối cùng ư? Chậc. Ông bị bệnh, tôi hiểu. Ông khó lòng qua khỏi, tôi hiểu. Ông không còn nhiều thời gian để sống, tôi cũng hiểu. Nhưng đâu nhất thiết phải hành động giống những kẻ sắp sửa rời khỏi thế giới này như thế? Cực đoan quá đấy.”

“Không phải là ‘sắp sửa’ đâu. Bởi vì ta vốn dĩ đã chết… từ tận buối tối hôm qua rồi. Và sinh mệnh này chỉ còn có thể kéo dài thêm độ một tiếng đồng hồ nữa thôi.”

“……….”

“……….”

“Nếu nói là tôi tin ông, thì đó chắc chắn là dối trá. Tuy nhiên… suy cho cùng, từ trước đến nay, ông chưa từng lừa dối tôi bất kì lần nào cả. Nên… những điều mà ông đã luôn giấu kín trong lòng đó, dù phi thực hay tàn nhẫn thế nào đi chăng nữa, song một khi dàn trải ra có thể giúp ông bớt đi phần nào gánh nặng, thì tôi sẽ sẵn lòng lắng nghe, và sẽ cố gắng thấu hiểu trong khả năng của mình.... chắc chắn…”

“Cảm ơn con.”

“Thế nhưng… trước đó thì… có thể cho tôi đoán được không? Rằng điều ông đang muốn nói… có khi nào liên quan đến việc ông bỏ rơi phân đội của tôi để đi giải cứu anh Đồi năm xưa. Hay một điều gì đó tương tự thế, đúng chứ?”

“Ừ thì… đại loại là vậy. Trong suốt hơn mười năm nay, ta đã luôn muốn gặp… để có thể xin lỗi và mong con tha thứ. Rằng nếu ngày đó ta chọn lựa đúng, thì có lẽ… cuộc sống của con sẽ không trở nên tồi tệ, và ta… cũng sẽ không đánh mất đi tất cả mọi thứ như bây giờ.”

“Không! Ông sai rồi, bởi vì ông vốn chẳng làm bất cứ điều gì đi ngược lại với cái định kiến mà ta thường gọi là cương thường đạo lí cả. Nhưng nếu hôm ấy, ông quyết định cứu tôi và bỏ rơi con trai thực sự của mình, thì tôi sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho ông đâu, ông già.”

“Dù cho con có nói thế… thì ta…”

“Tôi chưa bao giờ ghi hận ông cả. Đồng nghĩa điều mà tôi muốn nghe từ ông nhất bây giờ, không phải là một lời xin lỗi, mà nó phải là thứ bản thân ông đã luôn muốn nói ra từ tận đáy lòng đấy, người cha hoàn hảo của tôi.”

“Ta hiểu rồi. Núi ạ… mừng con… trở về!”

“Vâng! Con đã trở về rồi đây, thưa bố!”

Bình luận (3)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

3 Bình luận

CHỦ THỚT
AUTHOR
Etou. Tôi đăng từ 6h tối rồi nên chắc kèo là có kha kha người đã đọc trước đó. Nhưng dù sao thì vẫn cảm ơn ông đã ủng hộ :))
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
lời xin lỗi.
tôi không biết phải bắt đầu từ đâu nữa, nhưng rất xin lỗi mọi người vì dù dung lượng của chương này ít hơn hẳn những chương còn lại, chỉ vỏn vẹ độ 6,5k từ, mà thời gian hoàn thành lại chậm hơn những chương trước đến 2 ngày. là vì mấy ngày nghỉ lễ, tôi toàn lao đầu vào kiếm tiền rồi đi chơi đi bời cắc kiểu mà chẳng dành chút thời gian nào để viết. Nhưng chương sau tôi sẽ cố gắng hoàn thành trong thời gian sớm nhất có thể. trân trọng!
Xem thêm