Đã đến lúc những vệt ráng chiều vàng rực dần úa tàn đi, và cũng đã đến lúc bóng đêm nở rộ. Đó cũng là lúc mà loài người bắt đầu rảnh rỗi, và thường thì họ sẽ dành thật nhiều thời gian để nghĩ ngợi về những sai lầm của riêng mình. Như bao nhiêu người khác, vào khoảng thời gian ấy, Lam cũng bắt đầu nghỉ ngợi lung tung. Cô cảm thấy việc mình xiêu lòng trước lời rủ rê ngủ lại chơi của bà tên Tư Khế đã là một sai lầm lớn.
Nhưng mà bà cụ đã làm gì Lam để cô nàng “tuyệt vọng” đến vậy?
Rất đơn giản, bà cụ chị bắt Lam đi ngủ sớm.
Từ nửa tiếng trước, tức là đâu khoảng sáu giờ rưỡi, bà của Tư Khế đã vội vã rủ rê Lam:
- Nhỏ ơi, vô ngủ với bà nè con. Tối lắm rồi đó!
Câu nói ấy làm Thanh Lam - một cô gái thành phố chính hiệu - vô cùng hốt hoảng:
- Mới giờ này mà mình đi ngủ rồi hả bà?
- Ừ, chứ sao. Tối lắm rồi đó con, tụi gà tụi vịt ngoài vườn đều đã lăn ra ngủ hết rồi.
“Gà với vịt làm sao mà giống người cho được.” Lòng Lam thầm nghĩ như thế. Nhưng thấy vẻ mặt chờ mong của bà cụ, cô cũng không dám cãi lời. Lẽo đẽo theo sau bà cụ vào phòng, Thanh Lam ồ lên kinh ngạc vì thấy một món đồ mà đã lâu lắm rồi cô không thấy: cái mùng.
Mùng chắc chắn là một loại vật dụng không thể thiếu trong phần lớn gia đình, nhất là khu vực miền Tây lắm sông nhiều nước. Ở đây vốn lắm mũi, nếu tối không chịu giăng mùng kĩ lưỡng thì e là sẽ khó mà có giấc ngủ ngon. Khổ nỗi, Lam sinh ra và lớn lên ở thành phố phồn hoa. Tổ ấm của gia đình cô nằm trong một quần thể chung cư trung cấp, tuy không quá sang trọng nhưng về cơ bản là có đầy đủ mọi tiện nghi, bao gồm dịch vụ diệt côn trùng định kỳ. Cộng thêm việc gia đình họ sống trên tầng mười tám - một vị trí đã khá cao - nên nhà họ hiếm khi phải đón tiếp những vị khách không mong đợi như bọn muỗi. Thành thử ra, từ ngày dọn vào chung cư mới, nhà họ đã không cần đến mấy cái mùng kia.
- Rồi, giờ chui vô trong. Bà cháu ta cùng nhau tấn mùng cái là ngủ luôn.
Với vẻ mặt uể oải, Lam ngoan ngoãn làm theo. Chui vào mùng, tấn kĩ các góc bằng cách dùng chiếu đè lên vải mùng ở ba bên bốn phía, hai bà cháu họ đã nằm xuống cạnh nhau. Vào lúc này, họ đang ở một khoảng cách rất gần nhau, Lam đoán là bà cụ sẽ tiếp tục sự nghiệp mai mối Tư Khế cho cô như những gì bà làm lúc chiều vậy.
Thế nhưng, cuộc đời vốn dĩ chứa đầy những bất ngờ. Thay vì hành động theo dự đoán của Lam, bà cụ chỉ quay sang cười hì hì, hỏi cô “ngủ đua không” rồi lập tức lăn ra ngủ ngay và luôn. Hoàn toàn không có một chút dấu hiệu nào của chứng mất ngủ ở người già cả! Trong khi đó, một người trẻ như Lam cứ lăn qua lăn lại, hết nhìn trần nhà đến nhìn vách tường mà vẫn chưa thấy buồn ngủ. Toan vớ điện thoại lên bấm như thói quen thường nhật, song, cô chợt nhớ ra điện thoại của mình đã bị cướp từ sáng mất rồi.
“Chán thật chứ.” Lam nghĩ. Lại lăn lộn thêm một lúc nữa mà vẫn chưa thể chìm vào giấc ngủ, cô quyết định lén ra ngoài hóng gió một lúc cho khuây khỏa tinh thần. Cẩn thận tấn mùng lại để đảm bảo không con muỗi nào có thể làm phiền đến giấc ngủ của bà, Lam hít một hơi thật sâu rồi tung tăng đi ra sân trước hóng gió.
Nhưng kìa, vừa bước ra cửa trước, Lam đã thấy phía trước kia còn có người khác. Còn ai khác ngoài Tư Khế nữa, anh ta đang ngồi trên bậc thềm xi măng với chiếc áo thun cũ mèm và điếu thuốc sắp lụi hẳn. Nghe tiếng động, anh ta quay lưng lại thì thấy Lam ngay.
- Cô cũng không ngủ được à?
Tư Khế mở miệng nói trước. Lam ừ, rồi cũng ngồi xuống bậc thềm y hệt như anh ta:
- Ừ. Dân thành phố làm gì có ai đi ngủ giờ này.
Chẳng hiểu sao, sau khi nghe Lam nói, Tư Khế lại tỏ ra trầm ngâm.
- Mà cô kể tôi nghe đi, thành phố là một nơi như thế nào vậy?
Câu hỏi kì lạ đó khiến Lam rất đỗi ngạc nhiên:
- Ủa gì kì vậy? Anh làm lơ mà, là đi đó đi đây đủ chỗ, bộ không biết thành phố như thế nào sao?
Không trả lời Lam ngay, Tư Khế hơi chúi đầu về phía trước. Khoảnh khắc đó, bóng đèn trắng bệch trên trần nhà rọi xuống ngay đầu hắn, khiến một kẻ có thân hình to lớn bỗng trở nên nhỏ bé lạ kì. Trong tư thế nghiêng đầu như vậy, phần tóc mái hơi dài của Tư Khế vừa vặn che đi được một phần con mắt của hắn ta. Cô đơn - đó là tất cả những gì mà Lam cảm nhận được từ kẻ ngồi đối diện:
- Tôi, tôi cũng hay đến đó lắm chứ. Nhưng tôi chưa từng ở lại đó đêm nào.
Ngập ngừng, hắn nói. Lam cũng tiếp lời:
- Bộ công việc bận rộn đến độ không có thời gian ở lại chơi đêm nào hả?
Tư Khế im lặng. Thật lâu, thật lâu sau đó, hắn mới hỏi lại Lam rằng:
- Cô có từng biết cái cảm giác phải chật vật trốn tránh thứ gì đó hay không?
Giương đôi mắt tròn xoe, cô nhìn hắn. Tư Khế, lúc này đây với một nụ cười giễu cợt trên mặt, khó nhọc gằn từng chữ, từng câu:
- Tôi trốn Sài Gòn đấy. Tôi sợ nó, sợ không lời nào tả được nên không dám ngủ lại ở đó đêm nào.
Lam hoang mang:
- Nhưng… tại sao?
Thật sự, đây là lần đầu tiên trong cuộc đời Lam nghe có ai đó nói rằng họ sợ hãi, họ trốn tránh Sài Gòn. Vì từ trước đến nay, cô chỉ thấy hằng hà sa số kẻ sẵn sàng rời xa quê hương để tiến về nơi chốn ấy. Vì việc học, vì mưu sinh, người ta có muôn ngàn lý do để chen nhau đến cái đô thị phồn hoa, đông đúc nhưng nhỏ hẹp ấy. Đã có bao nhiêu người sẵn sàng chấp nhận cuộc sống thiếu thốn trong những căn nhà trọ chỉ vẻn vẹn vài chục mét vuông? Lam không biết chính xác, nhưng cô tin những người như thế nhiều lắm. Và hôm nay, lần đầu tiên, cô gặp một kẻ trốn chạy khỏi Sài Gòn.
Sau khi dí tàn thuốc xuống nền xi măng cho tắt lịm, Tư Khế lầu bầu:
- Xem như tui khùng mới kể cho cô nghe mấy cái chuyện này.
Hắn nói rất nhỏ, nên Lam không nghe rõ mấy, chỉ loáng thoáng chữ “khùng”. Toan xù lông vì nghĩ người đối diện chửi bản thân, nhưng cô quyết định im lặng vì Tư Khế đã bắt đầu kể chuyện.
- Chừng hai chục năm trước đây, có hai đứa trẻ mới lớn ở vùng nông thôn đâm đầu vào chuyện yêu đương, rồi nhất quyết đòi cưới nhau cho bằng được. Khi đó, đứa con gái mới mười sáu còn đứa con trai cũng chỉ hơn một tuổi thôi. Cưới hỏi xong, năm sau, đứa con gái có bầu. Thế là đứa con gái bỏ luôn việc học, ở nhà lo chuyện sinh đẻ...
Những diễn biến sau đó nhìn chung cũng chẳng có gì khó đoán. Một cặp vợ chồng trẻ, chưa trưởng thành chín chắn, chưa có công ăn việc làm ổn định thì chuyện cự cãi, xích mích với nhau là chuyện sớm muộn thôi. Vì chán ngán ông chồng không nghề ngỗng gì còn có thói đam mê cờ bạc, rượu chè, cô gái đó quyết định ôm con về nhà ngoại. Đến khi con ba tuổi, cô ta đã giao hẳn con cho mẹ, khăn gói lên Sài Gòn, bảo là đi làm thuê để kiếm tiền.
- Cái cô… trong câu chuyện đó là mẹ của anh hả?
Lam thỏ thẻ. Tư Khế gật đầu. Lại hít một hơi thật sâu, anh ta mới kể tiếp.
- Ừ, là má tui đó. Bà ấy đã đi lên Sài Gòn làm việc, cũng không rõ là làm gì. Mấy năm đầu thì bả vẫn nhớ tui là đứa con mà bả đứt ruột đẻ ra. Nhưng về sau thì… haiz, hơn chục năm không gặp thì có khác gì người dưng nước lã đâu. Mỗi tháng bả gửi về cho tui với ngoại mấy trăm nghìn để sống là coi như xong nghĩa vụ. Rồi sau đó nữa thì bả cưới chồng mới, có con mới. Từ đó đến nay, bả chưa từng về thăm tui và ngoại ngày nào. Tui ghét bả vì bả bị cái Sài Gòn phồn hoa nuốt chửng rồi. Nhưng tui ghét cả cái Sài Gòn đã nuốt chửng bà má của tui nữa.
Đâu còn bộ dạng hung hăng thường thấy ở một gã lơ xe nóng tính, Tư Khế lúc này cứ như một đứa trẻ đang đau buồn, hờn giận, uất ức, tủi thân. Lam nghe mà cũng buồn theo, cứ tưởng cô mất cha mất mẹ đã buồn, nào ngờ người khác có mẹ còn sống mà cũng không khác gì đã chết. Mà không, khác chứ. Ít nhất, Lam đã được cha mẹ mình yêu thương đến tận những giây phút cuối cùng. Trong khi Tư Khế, dù có mẹ còn sống nhưng bà ta đã sớm không còn chia chút tình thương nào cho hắn nữa.
- Khoan đã, nãy giờ anh chỉ nói tới mẹ, thế còn cha ruột anh đâu?
Chợt nhớ ra, Lam hỏi. Tư Khế đáp gọn lỏn bằng vẻ mặt khinh khỉnh:
- Chết rồi.
Ngừng một lúc, hắn ta mới nói thêm:
- Thì từ hồi mẹ tui bỏ ổng đi, ổng vẫn tiếp tục cờ bạc, rượu chè các kiểu. Nghe nói thiếu tiền người ta nhiều quá nên bị chư dị (*) đâm lòi ruột, chết luôn hồi lúc tui một tuổi rưỡi rồi.
Dù cái kết của kẻ được nhắc đến khá ghê rợn, song giọng của Tư Khế vẫn dửng dưng như thể đang kể về cái chết của một con vịt, con gà. Lam im lặng, tự dưng, cô hiểu được vì sao thái độ của Tư Khế khi kể về cha lại khác hẳn khi kể về mẹ. Dẫu sao thì hắn cũng đã từng được mẹ yêu thương, nên hắn mới ngóng trông chờ đợi. Nhưng qua sau bao nhiêu tháng ngày mòn mỏi, qua bao nhiêu lần bị đối xử thờ ơ, nỗi chờ mong ấy đã biến thành niềm oán trách khôn cùng. Còn với cha thì sao? Tư Khế gần như không có kí ức gì về ông ta, đã sớm xem ông ta là người xa lạ thì đâu còn cảm xúc gì mạnh mẽ nữa.
- Mà kể ra ấy, so với cha già mắc dịch đó thì bà má tui vẫn tốt với tui hơn. Ít nhất là bả đã cho tiền ngoại nuôi tui từ khi tui còn nhỏ tới tận khi tui học lớp 10. Ít nhất là bả đã làm khổ qua xào trứng cho tui ăn…
- Dăm ba cái khổ qua xào trứng, chờ đó đi, sáng mai tôi làm hẳn nguyên nồi cho anh ăn.
Lam nói một cách hùng hổ. Nhưng Tư Khế hiểu là cô gái đó đang muốn an ủi mình. Mặc dù được người ta thương hại thì kể cũng chẳng có gì hay ho, nhưng hắn biết ơn lắm. Dẫu sao thì, khi thương hại, người khác cũng quan tâm đến mình.
Thế nhưng, kể cả khi đã hiểu rõ lòng tốt của cô gái đối diện, Tư Khế vẫn cứ cà khịa người ta:
- Được không đó tiểu thư. Chứ tui nhìn cách cô phụ bà làm vịt nấu tiêu hồi chiều là biết tài nấu nướng của cô cỡ nào rồi.
“Ừ thì mình không biết nấu món đó thật. Nhưng khổ qua xào trứng thôi thì đâu có khó gì!" Lam nghĩ vậy. Thành thử ra, cô cũng phản bác lại ngay:
- Ê ê, đừng có khinh nhau nha. Mai đi, rồi tôi nấu cho anh thấy.
Tư Khế nhúc nhích cái cổ, miệng cười cười:
- Ờ, để rồi coi. Nhưng cũng khuya rồi, cô vô trỏng(**) ngủ đi.
Bị gợi nhắc về kiếp nạn đi ngủ, Lam giật cả mình:
- Đâu, đã mấy giờ đâu mà anh kêu là khuya vậy?
Tư Khế thở dài, móc điện thoại từ trong túi ra xem giờ:
- Cô nương ơi, bảy giờ rưỡi tối rồi đó.
Lam lắc đầu nguầy nguậy:
- Xời, mới bảy giờ rưỡi mà khuya hôm cái gì.
Rồi như chợt nhớ ra điều gì, cô thỏ thẻ ngay:
- Mà Tư Khế này, anh cho tôi mượn điện thoại xíu đi, để tui liên lạc với con bạn của tui. Mất tích sáng giờ, chắc nó lo cho tôi lắm.
Khóe miệng Tư Khế lại giật giật:
- Cô nói không nhớ số điện thoại của bạn cô mà.
- Thì tôi đâu có nhớ số nó. Nhưng tôi nhớ số tài khoản facebook của tôi, cứ đăng nhập vào rồi liên lạc trên đó cũng oke.
Lam cười bẽn lẽn. Tư Khế nhìn cái điện thoại, rồi mới mở lời:
- Mượn xài facebook thì xài ít ít thôi nha, cô mà nướng hết dung lượng 3g của tui thì biết tay tui đó!
- Biết rồi.
Lam đáp chắc nịch. Nhưng ngay khi Tư Khế vừa quay lưng, chuẩn bị trở vô nhà thì Lam vội vã níu anh ta lại ngay:
- Hay anh cho tui số tài khoản ngân hàng đi, tui nhờ con bạn chuyển tiền vô cho anh. Nướng của anh bao nhiêu, tui trả đủ.
- Thiệt hông?
Tư Khế tỏ vẻ bán tín bán nghi:
- Nhờ bạn cô chuyển được, sao cô không nhờ từ sáng mà chờ bây giờ mới nhờ vậy.
- Thì sáng bối rối quá đâu có nhớ gì nữa. Phải chờ đến đêm, trời tối mát mẻ não tôi mới bắt đầu tỉnh tỉnh lại nè.
Lam vội vã biện hộ cho bản thân.
- Ờ, nói thì nhớ mà làm đó.
- Nhớ rồi!
- Nhớ cái gì, nhắc lại thử coi?
- Nạp 3g trả lại cho điện thoại của anh. Và ngày mai nấu khổ qua xào trứng.
- - - - - - - - - - - - - - -
Chú thích:
* chư dị: phương ngữ miền Nam, có nghĩa là xã hội đen.
** trỏng: phương ngữ miền Nam, có nghĩa là trong ấy.
0 Bình luận