Sau một đêm trằn trọc, nỗi trăn trở của Dương đã được giải đáp. Với sự thuyết phục nhiệt tình từ phía Thảo, Lam cũng đã có mặt ở nhà thanh niên để ăn thử món cháo se. Chuyện đó khiến Dương vui vui, song thực tế lập tức tát vào mặt anh ta một phát. Hóa ra người sang đây ăn cháo không chỉ có Lam và Thảo, mà còn có ba, mẹ và cả cô Thoa nữa cơ.
Nhìn đám đông, thanh niên thầm nghĩ ngay rằng “đông thế này thì ý định ăn hai tô của mình phá sản rồi.” Và chuyện bị giảm khẩu phần ăn bất ngờ khiến cho thanh niên khá là sầu muộn. Tuy vậy, Dương vẫn khoanh tay chào người lớn. Anh ta còn định mở lời mời khách vào nhà, nhưng chưa kịp nói chữ nào thì bà nội của Dương đã nhanh hơn một bước rồi:
- Đông đủ quá nhỉ, vô đây ăn cháo luôn cho vui mấy đứa ơi.
Đã ngồi sẵn vào bàn, bà nội Dương đưa tay lên cao vẫy lia vẫy lịa, ra hiệu cho tất cả mọi người vào ngồi chung. Ở kế bên bà, ông nội tóc bạc phơ ngồi đó với sống lưng thẳng tăm tắp, nhìn như một cây tre hiên ngang giữa đất trời. Từ cái miệng móm mém của ông phát ra lời trêu ghẹo mọi người
- Ai nhanh chân còn, ai chậm chân hết thì ráng chịu à nhen!
Lam và cả nhà Thảo bước nhanh về phía bàn được chuẩn bị sẵn từ trước. Đó là một cái bàn inox hình tròn rất phổ biến trong các bữa tiệc ở nông thôn. Trên bàn trải một cái khăn trải bàn màu trắng tinh, còn có viền ren dệt sợi vàng phức tạp, trông sang trọng và cầu kì. Giữa bàn còn đặt một bình hoa để trang trí, trông khá xinh. Cách bày trí này khiến cho ba mẹ Thảo và cô Thoa trầm trồ một lúc.
Trong khi đó, Lam và Thảo lặng lẽ liếc nhìn nhau. Ờ thì, cái kiểu bài trí này không phải là không đẹp nhưng nó không hợp với không gian xung quanh chút nào cả.
Hai cô gái trẻ đâu biết, rằng hôm qua chính Dương cũng đã rủa cái khăn trải bàn này hết nửa ngày. Vì muốn đãi khách chỉn chu, cậu thanh niên mới cố lục tung nhà để kiếm cho ra một tấm khăn trải lên bàn inox. Nhưng tìm mãi tìm mãi, cậu cũng chỉ thấy duy nhất một một tấm trải bàn viền ren rất… cầu kì. Ngay lập tức, khóe miệng Dương giật giật. Cậu chắc chắn rằng mẹ cậu chính là người đã mua cái này, vì chỉ có mẹ cậu mới nghĩ một cái khăn trải bàn như thế phù hợp với vùng quê thôn dã!
- Rồi, dọn món đi phục vụ.
Bà nội Dương quay sang nói với thằng cháo như vây. Dương - nhân viên phục vụ bất đắc dĩ - nhún nhẹ vai, song chưa vội đi ngay:
- Thảo, vô phụ coi.
- Dạ đại ca em tới liền.
Nhỏ trả lời rồi vội vã đứng dậy chạy theo ngay, nhưng không quên xách cái gào mên theo vào trong bếp. Lam cũng đứng dậy đuổi theo con bạn:
- Để tao phụ mày một tay luôn nè.
Nhỏ nói với Thảo, Thảo cười hì hì rồi lén lén liếc sang Dương. Cả ba người trẻ cùng kéo nhau vào trong bếp.
Tất nhiên, việc đầu tiên mà Thảo làm khi bước vào bếp là múc đầy gào mên. Chuyện đó khiến Dương nhìn nhỏ chằm chằm, nhưng cậu thanh niên cũng không mở miệng ngăn cản. Dương thừa biết là Thảo lấy một phần về cốt là để bà nội ăn thử, nên thôi, người bệnh xứng đáng được ưu tiên. Trong lúc chờ đợi, anh ta lấy từ trong tủ ra tám cái tô sứ màu đen tuyền trông rất đẹp. Lam có nhìn theo, loáng thoáng thấy trong tủ có tới bốn năm bộ chén dĩa khác nhau, mỗi bộ đều có màu sắc và phong cách khác hẳn. Cô chặc lưỡi:
- Lam, cô mang mấy cái bát này ra trước nha.
Dương nói. Lam đưa tay nhận lấy chồng bát, khẽ gật đầu.
- À mà… xin lỗi chuyện hôm bữa nhen.
Nghe Dương nói, mặt Lam tái đi mấy phần. Cố nặn ra một nụ cười, cô nói với anh.
- Không… không sao đâu. Thảo nó đã giải thích cho tôi nghe về mấy cái con chuột dừa rồi.
Việc nhắc đến chữ chuột khiến mặt Lam càng tái hơn. Song nhỏ vẫn ráng nói cho hết câu:
- Nói… nói chung là mai mốt anh đừng có nhắc lại vụ đó nữa nhá.
Dứt lời, cô nàng vội vã chạy một tăng ra khỏi phòng bếp. Dương vẫn cứ chăm chú nhìn theo. Nói gì nói, đến tận bây giờ, anh vẫn chả hiểu sao cô gái đó lại sợ chuột tới nông nỗi ấy.
Thảo, lúc này đã múc cháo xong, xách trên tay một cái gào mên được đậy cẩn thận. Thấy Dương thừ người ra đó, nhỏ mới khều anh ta:
- Này này. Rồi giờ em mang cái gì ra ngoài kia vậy đại ca.
Hoàn hồn, Dương đáp ngay:
- Chờ tí.
Rồi anh ta soạn ra tám đôi đũa gỗ và tám cái muỗng sứ cũng màu đen tuyền hệt như mớ tô mà ban nãy Lam đã mang đi. Thảo nhận đồ rồi cũng bước ra ngoài luôn, Dương cũng đi theo ngay sau đó. Bằng bàn tay không, một tay anh ta xách một thùng cháo nóng hổi, to đùng ra ngoài, tay còn lại cầm theo một miếng lót nồi đã được làm ẩm sẵn. Dương xách một mạch rồi đặt nó lên bàn ăn ở ngay trước mặt mình.
Kế đến, anh ta bắt đầu chia cháo cho mọi người ở đây. Bước này cũng đơn giản vì cháo se vốn không cần bày trí gì cả. Người múc chỉ cần đảm bảo mỗi tô đều có con se, xương và nước dùng là được. Thậm chí, người ta còn không thả cả hành lá, hành phi vào món ăn nữa. Ai thích vị cay the the thì có thể rắc thêm chút tiêu vào, không có cũng không sao. Nên nhìn vào các tô đã được múc ra thì sẽ thấy một sự tương phản rõ nét. Cái tô màu đen đậm, trong khi phần cháo thì trắng, hơi sánh nhẹ và có rất nhiều con se bên trong. Khi dùng đũa đảo nhẹ tô cháo, người ta sẽ thấy được những khúc xương vốn ẩn náo kĩ lưỡng dưới làn nước đục. Cháo còn nóng, khói trắng bốc lên mang theo mùi hương thoang thoảng của gạo ngon, khiến người ta muốn ăn thử ngay lập tức.
- Ồ, cái này ăn bằng đũa hả Dương?
Ông Hiền, ba của Thảo tỏ ra thích thú khi nhìn tô cháo lạ lẫm ở trước mặt, trong khi cô Thoa thì không mấy quan tâm.
- Đúng vậy, mình cứ gấp con se vào muỗng ăn rồi cạp thêm xương.
- Như bánh canh xí quách vậy á.
Thảo nhanh miệng nói thêm. Lam gật gù, có vẻ như là đã hiểu.
- Rồi, mời mọi người ăn nhé.
Ai nấy bắt đầu cắm mặt vào ăn thử món mới. Trong khi đó, Dương đứng dậy, khéo léo dùng đũa tách thịt ra khỏi xương cho ông bà. Dù rằng làm vậy thì cũng bớt một phần cái thú khi ăn, nhưng ông bà đã già rồi, răng lợi rất yếu nên không cạp xương là tốt nhất.
Ở góc hơi xéo một chút, Lam cũng cầm đũa lên. Cô gấp một con se lên, hít hà mùi hương gạo rồi mới thả gọn nó vào trong muỗng. Kể ra những con se do Dương làm vừa vặn lắm, to nhỏ vừa phải, không ngắn không dài, rất dễ thấm gia vị mà cũng tiện để múc ăn. Tuy chưa nếm nhưng Lam có niềm tin rằng món này sẽ ngon. Nên cô gạn lấy thêm chút nước súp rồi đưa luôn vào miệng.
Và đúng như Lam dự đoán, món này ngon. Nó không ngon theo cái cách làm người ta phải trầm trồ, ngỡ ngàng mà tạo ra một cảm giác vừa hài lòng, vừa tận hưởng. Con se có độ dai vừa phải nhưng không quá quánh dẻo, ngược lại còn khá mềm mại. Lam chỉ cần cắn nhẹ thì nó đã đứt lìa rồi. Vị nước dùng khá đậm đà, nó ngọt vị xương hầm kĩ và có một đồ mặn rất vừa vặn. Nhưng theo thời gian, khi người ăn đã nhai kĩ con se thì phần gạo sẽ hóa thành một vị ngọt trong lành. Nói chung là càng ăn chậm, càng nhai kĩ thì càng thấy cuốn.
- Ê ngon đó.
Thảo không tiếc lời khen ngợi, còn dựng ngón tay cái cho Dương. Dương im lặng cắm đầu vào ăn, tuy nhiên nhìn phần đuôi mắt hơi nhếch lên thì cũng có thể đoán được là anh ta đang rất vui sướng vì lời khen ngợi ấy. Biểu cảm của ba mẹ Lam và cô Thoa cũng không mấy khác biệt, ba người họ đều khen lấy khen để món ăn này. Nhất là ba Hiền, ông đã ngợi khen nhiệt tình đến độ Dương chắp tay nhường cho ông nửa tô cháo cuối cùng còn sót lại trong chiếc nồi lớn.
Có lẽ là vẫn chưa đã thèm, nên ngay sau khi ăn xong, cô Thoa và mẹ Thảo lập tức hỏi thăm Dương cách nấu. Không chút giấu giếm, Dương thật thà kể lại thứ tự thực hiện từng bước cho hai người nghe. Nào ngờ, mới nghe xong bước đầu tiên, hai người họ đã quay sang nhìn nhau. Cũng phải thôi, đâu phải ai cũng có thời gian và kiên nhẫn để ngâm gạo, xay gạo đủ thứ như Dương chỉ vì một bữa sáng.
- Dùng bột gạo có sẵn không được hả?
Mẹ Thảo hỏi lại. Dương ngẫm nghĩ một chút rồi lắc đầu:
- Được thì được đó, nhưng dựa theo kinh nghiệm của con thì dùng loại bột xay sẵn đó không ngon đâu.
Cô Thoa thở dài một hơi, rồi cũng phụ họa theo:
- Dương nói đúng á, vị của bột gạo xay và bột gạo đóng gói khác nhau nhiều á. Chị thấy hông, mỗi lần mình muốn làm bánh thiệt ngon cho đám giỗ thì cũng phải tự xay thôi.
Như bao nhiêu gia đình miền Tây khác, nhà Thảo có truyền thống làm bánh trong những lần đám giỗ. Đồ ăn thì tùy chọn, nhưng bánh là thứ thiết yếu, không thể vắng mặt trong bất kì đám giỗ nào. Và bà của Thảo xưa giờ luôn là một người cầu toàn nên chẳng mấy khi chịu dùng bột xay sẵn mua ngoài chợ. Dù là cần dùng bột gạo hay bột nếp, bà cũng dặn con cháu tự ngâm rồi dùng cối đá của nhà để xay. Nhưng cũng nhờ vậy mà bánh nhà họ làm luôn rất ngon, mang đi biếu bất cứ ai cũng được khen dữ lắm.
- Thôi thì ít bữa nữa đám giỗ cố, mình cúng cố món này luôn đi.
Hóng chuyện hồi lâu, Thảo cũng bày tỏ quan điểm bản thân. Hai người lớn nghe xong thấy cũng có lý nên duyệt luôn.
- Cũng được đó chứ, đằng nào cũng là món ăn truyền thống của nước mình mà. Ờ thì không phải của Sóc Trăng mà của cái xã Mỗ gì đó ở tuốt ngoài Hà Nội, nhưng cứ cúng cho ông cố ăn thử coi. Biết đâu ổng cũng thấy thích không chừng.
- Là xã Hạ Mỗ.
Nhỏ Thảo nhắc lại giùm mẹ. Mẹ Thảo à à, xong lại quay sang hỏi tiếp:
- Thế ông hoàng tử kia tên gì?
Nhỏ nhún vai:
- Ổng tên Lý Bát Lang.
Người không biết sẽ rất khó hiểu vì sao mọi người đang bàn về đồ ăn bỗng nhảy qua chuyện lịch sử. Song thực tế, món cháo se này vốn được gắn với một huyền tích được lưu truyền từ lâu trong dân gian.
Tương truyền, xã Hạ Mỗ vốn là vùng thuộc kinh đô của vua Lý Nam Đế ngày xưa. Và món cháo se này đã được người con thứ tám của vua, Lý Bát Lang, tạo ra để thết đãi binh sĩ sau khi thắng trận. Ờ mà nói ông ấy tạo ra thì cũng không đúng lắm, vì trừ Lang Liêu ra thì chắc chẳng có mấy hoàng tử con vua dấn thân vào nghiệp bếp núc. Ở trường hợp của món cháo se, Lý Bát Lang chỉ ra lệnh để người hầu cận tìm cách tạo ra một món ăn ngon. Nhưng dẫu sao, cũng nhờ việc ấy mà người đời sau có món cháo se. Và vào các dịp lễ lớn, người dân Hạ Mỗ vẫn sẽ nấu món đấy để dâng cúng.
- Tao vô trong rửa chén nhá.
Lam nói sau khi đã ăn húp cạn bát cháo. Nhỏ Thảo cười hì hì:
- Cuối cùng thì mày cũng ăn xong rồi à.
Lam xấu hổ gật đầu. Mãi “ăn chậm nhai kĩ” nên mọi người đã ăn xong từ lâu, chỉ có cô là còn ngồi nhấm nháp.
- Đi, tụi mình đi chung.
Nhỏ Thảo tiến lên, vỗ vai bạn. Rồi cả hai nhanh nhẹn thu gom đám chén đũa trên bàn. Dương cũng phụ một tay, nhưng anh không định đi vào rửa chén chung. Đằng nào thì anh cũng đã bỏ công ra nấu cho mọi người ăn, còn chẳng đòi tiền nguyên liệu mà còn phải tốn công rửa chén nữa thì chán lắm.
Hai cô gái bước song song cùng nhau, vừa cười vừa nói rất rôm rả. Tuy nhiên, ngay khi họ vừa mở cửa ra, họ đã thấy một cảnh tượng kinh hoàng. Lam hốt hoảng đến độ cả người co rụt lại, miệng hét lên.
- Aaaaaaa.
Và ngay tiếp theo đó là một tràng những tiếng loảng xoảng.
4 Bình luận