Chưa ngồi trong nhà Thảo được bao lâu, Lam đã vội vã chạy ngay vào nhà tắm. Sau một ngày đi lại trên đường xá đầy bụi bặm, lại gặp một con Husky “thân thiện” quá đà nhào vào liếm tay thì việc tắm hiển nhiên đã trở thành ưu tiên số một với cô.
- Ôi trời, phải công nhận là tắm xong đã ghê.
Thay một bộ đồ ở nhà, Lam bước ra khỏi phòng tắm với vẻ mặt sảng khoái. Mái tóc dài đến giữa lưng của cô đã được quấn lại bằng chiếc khăn tắm to đùng. Giương đôi mắt nhìn thảo đang lướt Tik Tok và cười rất vô tri, Lam thỏ thẻ:
- Ê, cho mượn cái máy sấy tóc coi mày.
Buông điện thoại xuống, Thảo vừa đi lấy máy sấy vừa luôn miệng càm ràm:
- Thiệt, chắc kiếp trước tao mắc nợ mày dữ lắm á.
Lam cười hì hì rồi đưa tay ra cầm lấy máy sấy ngay. Không rõ những người khác sẽ cư xử với bạn thân họ như thế nào, chứ cô với Thảo lúc nào cũng chọc ghẹo, cà khịa nhau í ới. Người ngoài nhìn vô khéo còn tưởng là họ ghét nhau lắm, song thực tế thì ngược lại, hai người họ thân thiết chẳng khác gì chị em ruột của nhau. Mà có lẽ là cũng vì quá thân nên cả hai thừa biết là đối phương đang chọc ghẹo mình nên chả bao giờ hờn giận, buồn phiền vì cái kiểu giao tiếp ấy cả. Ngược lại, họ còn thấy thoải mái nữa là…
- Mà này, tao có một cái thắc mắc…
Vừa ngồi Thảo bỗng quay ra nhìn nhỏ bằng đôi mắt dò xét.
- Gì?
Lam hỏi lại, có lẽ là nghe không rõ vì máy sấy đang kêu ù ù.
- Mày bảo nhà ông anh nuôi mày nông thôn lắm đúng không?
Lam lập tức đính chính:
- Là nhà bà ngoại nuôi tao rất nông thôn mới đúng.
Tuy nói là nhận bà Tư Khế làm ngoại nuôi và việc trở thành em nuôi của Tư Khế cũng y hệt nhau, nhưng Lam nghĩ là mình cần nhấn mạnh mối quan hệ nguyên nhân - kết quả. Nói gì nói, cô quý bà lắm nên mới thành em Tư Khế chứ đâu phải ngược lại đâu!
- Ý là nông thôn đến mức nào ấy. Như nhà tao là cũng ở nông thôn nè, mà cũng đầy đủ mấy thứ đồ điện gia dụng. Còn bên đó thì sao, có máy nước nóng, máy giặt, máy sấy gì không?
Lam bẽn lẽn cười.
- Mấy thứ mày kể đều không có hết. Thậm chí còn không có tủ lạnh nữa kìa.
Thảo không khỏi há hốc mồm một phen:
- Trời má, rồi hai bữa ở đó mày sống như thế nào vậy?
- Cũng sống được hết à mày. Cần nước tắm thì dùng củi đun chút là có, nhưng hơi phiền cái là phải khiêng nồi nước vô trong phòng. Quần áo thì phải giặt tay, nên tao không giặt ở đó mà mang sang bên mày giặt ké nè. Tóc thì dùng khăn lau cho ráo rồi để khô tự nhiên. Đồ ăn thì trữ tạm trong thùng cách nhiệt với một ít nước đá mua từ tiệm tạp hóa về xem như một cái tủ lạnh dã chiến.
Nhún vai một cái, Lam mới kể cho Thảo nghe về một nông thôn khác. Nhỏ trưng ra vẻ mặt ngơ ngác, có lẽ là không ngờ thời buổi này rồi mà vẫn có gia đình chưa có cái tủ lạnh để dùng. Im lặng một chút, Thảo mới nói:
- Ê, tính ra những gì mày kể khiến tao hình dung ra nhà tao hồi hai mươi năm trước á con kia.
- Ờ, nhưng như vậy mới giống nông thôn chính hiệu mày há.
Lam nói nói cười cười. Đột nhiên, cô cảm thấy những chuyện xui xẻo mà mình gặp gỡ hôm nọ âu cũng là cái duyên lành để bản thân được mở mang tầm mắt. Vì nếu không có những sự cố liên hoàn vào cái ngày định mệnh ấy, Lam đã đi một mạch đến nhà Thảo và đây sẽ là căn nhà nông thôn đầu tiên mà cô ghé lại trong cuộc đời. Và rất có thể, cô khi ấy sẽ cho rằng cuộc sống của mọi vùng quê Việt Nam bây giờ đã đủ đầy và thoải mái lắm rồi. Cô sẽ mãi mãi không biết được, rằng ở đâu đó, vẫn sẽ có những nơi như nhà Tư Khế, thiếu thốn đủ thứ nhưng ấm áp tình người một cách kì lạ.
- Mà ở khu đó nhà ai cũng vậy hả? Hay chỉ riêng nhà ổng thôi?
Có vẻ như vẫn còn tò mò lắm nên Thảo vẫn hỏi thêm. Lam ngẫm nghĩ một lúc, rồi đáp một cách dè dặt:
- Chắc… nhà bà ngoại tao cũng là dạng khá đặc biệt rồi.
Trong đầu Lam lúc này văng vẳng những lời tỉ tê tâm sự của bà ngoại. Những lúc rảnh rỗi, ngoại cũng có kể cô nghe chuyện nhà họ một ít. Ngoại bảo hồi đó nhà họ còn nghèo hơn thế nhiều lắm, phải chờ đến khi Tư Khế học xong mười hai, đi làm rồi để dành tiền phụ điệu trong nhà thì mới khá khẩm hơn. Bà còn tự hào khoe với Lam rằng phần nhà trước khang trang đều được xây bằng tiền tiết kiệm của Tư Khế cả.
Thế nên, niềm tự hào về đứa cháu ruột luôn thường trực trong ngoại. Một trong những câu cửa miệng mà ngoại hay nói (khi Tư Khế không có mặt) là “Ai chứ Tư Khế cháu tao giỏi lắm à nhen.” Ừ thì giỏi thiệt, Lam công nhận điều đó. Nhưng cô vẫn cứ thấy tội Tư Khế quá. Trong khi bao nhiêu người cùng trang lứa còn học hành, còn mơ mộng thì anh đã phải sớm phải lao đầu vào cuộc mưu sinh nặng nhọc. Song, kể cả khi cố gắng nhiều như thế mà đời sống hai bà cháu của họ vẫn còn lắm gian nan.
Thảo, sau một hồi ngẫm nghĩ bỗng tặc lưỡi:
- Ừ thì… dù sao ở đâu chẳng có kẻ nghèo, người giàu.
Cả hai lặng lẽ thở dài. Trong khi sấy tóc, Lam vô thức dõi mắt ra cửa sổ. Nhìn xuyên qua lăng kính, cô thấy được cả một vườn xoài màu xanh mơn mởn. Những gốc xoài tuy chưa to lắm song lại có lớp vỏ xù xì, khiến chúng trông già dặn đi hẳn. Và treo lơ lửng trên những hàng xoài kia là hàng hà sa số những quả xoài lớn nhỏ, hầu hết chúng đều mang màu xanh với đủ sắc độ khác nhau. Lam buộc miệng hỏi Thảo:
- Ê, mấy năm trước mày mang xoài lên lớp ăn là sản phẩm của mấy cây này à.
Không cần liếc nhìn, Thảo trả lời ngay:
- Hổng phải đâu, mớ này toàn là Xoài Bưởi với Xoài Cát Chu. Ăn đâu có ngon được như mấy quả Cát Hòa Lộc mà tao mang lên trên thành phố.
Được Thảo phổ cập kiến thức gần một buổi, Lam mới biết được là vườn xoài nhà Thảo trồng tới mấy giống khác nhau. Chủ yếu là để đảm bảo luôn có trái cây bán luân phiên là một và cũng đỡ rủi ro được mùa rớt giá hơn khi chỉ trồng một giống.
Vả lại, mỗi giống xoài đều có ưu điểm của riêng nó. Như Xoài Bưởi tuy vị chán, lại có mùi hăng hắc khó chịu nhưng được cái là cây khỏe, không cần chăm cũng sống tốt và sản lượng lại nhiều. Xoài Cát Chu khi sống thì chua ơi là chua, khi già thì bột bột giữa vị ngọt và chua, đến khi chín hẳn mới mang vị ngọt đậm. Xoài Đài Loan quả nào quả nấy đều phải nặng vài ba kí, to tướng như những con heo con vậy. Loại ấy chỉ ngon khi ăn sống, đến khi chín lại có vị lờ lợ chán òm. Riêng Xoài Cát Hòa Lộc mà nhỏ Thảo rất mực tự hào thì thơm phức, ngọt ngay. Khi còn sống đã ngọt rồi, đến khi chín lại càng ngọt lịm. Một quả thôi cũng đã đủ để làm cả căn phòng thơm nức.
- Ê, hay là tụi mình ra đi vòng vòng nghía vườn xoài thử coi.
Lam háo hức đề nghị. Thảo nhếch môi, nhìn nhỏ bạn thân:
- Mày mới tắm luôn á, giờ đòi ra vườn xoài, định vô tắm tiếp ha gì?
Bị hù dọa là thế, song Lam vẫn chẳng quan tâm. Cô ra sức mè nheo, đòi Thảo dắt đi ra thăm quan vườn xoài cho bằng được. Hết cách, Thảo buộc phải chiều theo ý đứa bạn mình. Lục trong nhà tìm ra hai đôi dép kẹp. Nhỏ đưa cho Lam một đôi:
- Xỏ cái này vô chân đi, rồi con dẫn má ra vườn xoài ạ.
Được như nguyện vọng, Lam khúc khích cười. Thảo còn chu đáo phát thêm cho Lam cái nón lá để đội khi ra vườn nữa. Dù rằng trời không nắng nhưng nhỏ vẫn bắt Lam đội vào cho bằng được, vì ngoài vườn cũng có kha khá rủi ro.
- Bộ mày sợ xoài rụng trúng đầu tao à?
Thảo lắc đầu:
- Hổng có đâu, mấy cái cây nó khôn lắm, không bao giờ rụng trái khi có người. Chỉ có mấy con sâu ngu ngốc nhiều khi rơi trúng đầu mày thôi. Hoặc nếu xui hơn nữa thì chim ỉa ngay đầu mày đó con ạ.
Nghe vậy, Lam vội vã đội nón vào ngay lập tức. Và cả hai người họ lập tức bước ra mảnh vườn ở ngay sau căn nhà của gia đình Thảo. Hệt như những gì Lam thấy qua khung cửa sổ, mảnh vườn sau lưng nhà Thảo chi chít những gốc xoài. Gốc nào gốc nấy được trồng thẳng hàng, cách đều nhau nên trông chúng khỏe khoắn lắm. Lá cây xanh mơn mởn, trái non treo lủng lẳng trên cành. Thảo ngửa mặt lên nhìn, rồi nói với Lam:
- Mày về chưa đúng mùa lắm nên tụi nó còn nhỏ xíu hà.
Lam xoay đầu nhìn một vòng, công nhận là trái còn nhỏ thật. Nhưng nhìn vô số trái xoài rũ xuống thành từng chùm trông cũng thích mắt lắm. Chỉ vào một chùm xum xuê những quả, cô hỏi chủ vườn:
- Ê Thảo, mai mốt là nguyên chùm quả này đều lớn lên thành những quả to cho mình ăn hết hả?
Thảo lắc đầu:
- Hổng có đâu cưng. Lớn lên một tí thì cây sẽ tự động rụng bớt quả à. Nó không tự rụng thì nhà tao sẽ tỉa bớt cho nhẹ cành. Chứ không, khi trái to ra, cành bị oằn quá là gãy như chơi con ạ - ngừng một lát, nhỏ mới bổ sung thêm - Vả lại, bắt cây nuôi nhiều quả quá thì cây sẽ bị suy, là mùa sau móp mỏ như chơi.
Thế rồi, Thảo dẫn Lam đi ra phía xa hơn. Ở sát hàng rào quanh vườn là một gốc xoài cổ thụ. Lam biết thế là vì thân cây xoài này lớn lắm, nó to chắc phải gấp bảy gấp tám những cây xoài khác trong vườn. Tán cây cũng rậm rạp đến đáng kinh ngạc, nó che bóng mát được một vùng rõ to.
Giữa lúc Lam hãy còn kinh ngạc về kích cỡ của cây xoài, Thảo tặc lưỡi, nói:
- Có thế chứ.
Chưa đợi nhỏ bạn kịp hiểu mô tê gì cả, Thảo nhanh nhẹn ôm lấy gốc cây xoài, bắt đầu đu cây leo lên. Nhanh như một con sóc, nhỏ đã leo lên một cành to rồi bò ra phía ngoài, bẻ mấy quả xoài đang treo lủng lẳng.
- Chụp nào.
Thảo la lên, rồi ném quả xoài về phía Lam. Lam với tay định chụp song lại hụt mất, thế là mấy quả xoài rơi cái ạch xuống đất luôn. Lắc đầu ngao ngán nhìn nhỏ bạn lon ton chạy đi lụm xoài, Thảo mới từ từ leo xuống. Rồi nhỏ nở nụ cười đắc thắng:
- Thế là có cái chấm mắm đường rồi.
- Mắm đường hả?
Lam hoang mang. Xưa giờ nhà cô toàn ăn xoài chín là chủ yếu, nên chẳng cần chấm gì cũng đã ngon tuyệt. Đôi khi, mẹ cô cũng mua mấy quả xoài già còn xanh xanh về chấm muối ớt hay mắm ruốc ăn chơi. Nhưng mắm đường thì là lần đầu cô nghe.
Thảo gật đầu lia lịa:
- Ừ đúng rồi, chấm mắm đường. Chứ cái quả xoài chưa kịp già này chấm cái khác chắc chua ê răng.
Với tất cả sự tò mò, Lam lẽo đẽo theo Thảo vào nhà. Nhỏ Thảo nhanh nhẹn rửa trái xoài, gọt vỏ rồi bổ ra thành những miếng nhỏ dài cầm rất tiện. Rồi nó giơ cái hột lên cho Lam coi:
- Mày thấy chưa, tao nói quả còn non mà.
Lam gật gù liên hồi. Cô đang đợi nhỏ Thảo pha cái món mắm đường mà nó nói.
Dưới con mắt tò mò của Lam, Thảo cho rất rất rất nhiều đường vào bát, sau đó vơ lấy chai nước mắm trong bếp ra mà đổ vào cho xăm xắp mặt đường. Kế đến, nhỏ tiện tay cầm luôn một miếng xoài khuấy đều hỗn hợp trong chén kia. Đến khi đường đã tan gần hết khiến hỗn hợp nước mắm trở nên sền sệt, Thảo mới gật gù:
- Rồi, chấm thử coi.
Nói xong, nhỏ ăn luôn miếng xoài đang cầm trên tay. Gương mặt nhỏ toát ra sự say mê khó tả. Lam lúc này cũng đã tò mò lắm, cô nàng lập tức cầm một miếng xoài chấm vào chén mắm đường rồi cắn ngay.
“Ừ, ngọt ngọt chua chua mằn mặn, ngon.”
Đó là ý nghĩ đầu tiên khi miếng xoài chạm vào đầu lưỡi Lam. Tiếp đến, nước bọt bắt đầu tuôn ào ạt ra làm loãng đi vị ngọt của nước mắm đường. Và khi ấy, Lam chỉ còn cảm nhận được một vị duy nhất. Cô lập tức hét lên:
- Trời đất quỷ thần ơi, chua quá!
0 Bình luận