Lại một buổi trưa mà trời nắng gay nắng gắt như đổ lửa. Cứ như thể là ông mặt trời chễm chệ trên cao kia đang bực bội nên mới trút giận xuống bọn người thấp bé dưới nhân gian. Nóng quá, cái nóng như thiêu như đốt khiến những người thường ngày vốn không xấu tính lắm cũng trở nên cáu gắt, huống chi là một kẻ đã có sẵn tính quạu quọ trong người. Cho nên, dân chúng ở cái huyện Châu Thành này chẳng thấy lạ chút nào khi thằng Tư Khế lơ xe lại chửi khách.
- Tôi nói với cô là xe bọn tôi chở khách đến Châu Thành rồi chứ bộ, cô nhảy lên làm gì rồi bây giờ lại cự nự, bảo là chở cô đến không đúng nơi?
Gã lơ xe có làn da rám nắng nói chuyện bằng cái giọng oang oang. Đã vậy, hắn còn đang đứng chống nạnh bằng cả hai tay, trong khi gương mặt thì nhăn nhó đủ kiểu. Dáng dấp đó khiến cô gái trẻ đứng đối diện hắn tỏ ra hoảng hốt ít nhiều. Song cô nàng vẫn cố gắng phân bua.
- Nhưng tôi muốn đến Châu Thành chứ không phải Châu Thành…
Cô gái nói, giọng dịu dàng, mềm mại. Làn gió nhẹ thoảng qua đầy tinh nghịch, khẽ khàng đẩy tà váy và làn tóc dài của cô để tạo ra những đường nét mềm mại trong không trung.
- Nhưng nhị cái gì, hồi nãy hổng nói, bây giờ nói cũng có được cái gì đâu.
Tư Khế xẵng giọng. Hắn trừng mắt nhìn cô gái, cô nàng vô thức rụt cổ lại ngay. Với dáng người nhỏ nhắn chỉ hơn một mét rưỡi vài phân, cô gái nom quá bé nhỏ so với gã đàn ông khỏe mạnh ngay trước mặt. Sự chênh lệch lớn về thể lực lẫn khí thế khiến cô vừa sợ vừa uất ức vô cùng. Thế mà gã đàn ông kia không bận tâm mảy may, dù cho cô nàng có khép nép đến vậy, gã vẫn quát to:
- Đờ mờ, rồi đứng đó hoài đi, có chịu đi xuống xe không thì bảo?
Hoảng loạn, cô gái vội vã kéo vali tháo chạy khỏi bến xe tạm bợ. Trong khi đó, những người trong bến - vốn đứng hóng chuyện - cũng bắt đầu tụm bảy tụm ba. Tất cả họ đều là người quen của nhau, âu cũng dễ hiểu thôi, vì hàng ngày cũng chỉ có chừng ấy gương mặt ra vào, kiếm sống ở cái bến xe tạm. Nên mỗi khi rảnh rỗi, họ lại ngồi tám chuyện với nhau vài câu cho vui vui.
Như bình thường, xong chuyến, Tư Khế mang tiền bán vé nộp cho chỗ chành xe rồi quay ra phía ngoài mà nghỉ. Nhưng chưa đợi hắn tìm được chỗ ngồi lý tưởng, một gã đàn ông lực lưỡng bước đến, vỗ vai nhẹ vào vai hắn ta:
- Úi chà chà, nay chú mày bị làm sao mà nóng dữ vậy? Con gái con lứa người ta hỏi han tí, sao mày nỡ quát em nó thế kia?
Tư Khế duỗi vai, ngồi xuống một cái bục xi măng sứt mẻ trong chành xe. Rút điếu thuốc ra phì phò, gã nói oang oang:
- Thì trên dường đi, tao thấy con nhỏ đó ngoắt xe. Tao cũng đã hỏi kĩ là nó muốn đi đâu rồi, nó bảo nó muốn đi Châu Thành đó chứ. Chở đã đời, xong mới vừa xuống bến thì nó đã la lối om sòm, bảo bọn tao chở nó đi lạc.
Nghe xong, ai nấy thi nhau lắc đầu.
- Chắc là mày gặp ngay đứa hổng biết đường chứ gì.
- Ờ đúng rồi.
Mấy người đang hóng chuyện thi nhau góp lời, cười cười nói nói, cực kì rôm rả. Trừ gã đàn ông lực lưỡng ban nãy. Sau khi trầm ngâm một lúc, anh ta quay sang khuyên lơn người bạn của mình:
- Mày này. Hồi nãy hình như mày dữ quá đó. Tao thấy con nhỏ cứ như sắp khóc á, cũng tội tội mày ơi!
Một người khác gật gù, có vẻ như rất đồng tình.
- Hay tạm bỏ qua cái bực đi Tư Khế ơi. Giờ nè, mày ra ngoài kia, hỏi lại coi nó đi Châu Thành nào rồi chỉ đường cho nó luôn đi. Chứ cái miền Tây này có tận chín cái huyện Châu Thành, mày mà kệ nó coi chừng nó đi lạc qua tới tận bên Miên luôn đó!
Ngồi nghỉ trong bóng mát được một lúc, bản thân Tư Khế cũng đã nguôi ngoai cơn bực mình. Đảo mắt nhìn quanh nhưng chẳng thấy cô gái trẻ ban nãy đâu cả, hắn lầm bầm:
- Gì mà phiền hà quá trời!
Dứt lời, hắn quăng điếu thuốc đang cháy xuống chân, giẫm mạnh lên nó làm nó tắt lịm. Rồi hắn rảo chân quanh bến để tìm cho ra cô gái trẻ kia. Đi một vòng dưới cái nắng như thiêu như đốt mà chẳng thấy người đâu, Tư Khế lầm bầm “thôi mặc xác nó”.
Nhưng vào ngay lúc đó, hắn lại thấy đứa con gái ban nãy đang ngồi co ro, khóc tấm tức dưới một góc cây me èo ọp. Kể cả như vậy, cô ta vẫn cứ ôm chặt cái va li to tướng vào người.
- Này cái cô kia ơi.
Tư Khế cất tiếng gọi. Âm lượng đã nhỏ hơn hẳn ban nãy, có lẽ hắn cũng biết là cần dịu dàng hơn với mấy đứa con gái đang khóc. "Nhất là cái đứa nó khóc vì bị mình quát" - hắn nghĩ. Mỗi tội là do chất giọng nên người ta vẫn cứ nghe tiếng Tư Khế oang oang.
Cô gái, vốn đang cúi gầm mặt từ từ ngẩng mặt lên. Trên gương mặt xinh xắn cơ man bao nhiêu là nước mắt. Thấy Tư Khế, cô nàng vô cùng lúng túng. Vội vã dùng tay áo quẹt ngang mớ nước mắt ngắn dài đó, cô ta xẵng giọng hỏi lại:
- Sao, anh kiếm tôi làm gì?
Đưa tay gãi đầu, Tư Khế đáp:
- Thì kiếm cô để hỏi coi cô muốn đi đâu, tôi chỉ đường cho.
Cô gái tỏ ra ngạc nhiên:
- Không phải tôi nói rồi sao, tôi đi Châu Thành.
Khóe miệng Tư Khế giật giật. Anh ta nói ngay:
- Má ơi là má, ở cái miền Tây này có tới chín huyện Châu Thành lận. Nói muốn đi Châu Thành thì làm ơn, nói luôn cho người ta biết rằng Châu Thành tỉnh nào.
Lần này thì đến phiên cô gái trẻ vò đầu bứt tai.
- Ấy chết, ở đâu ta.
Không biết nói gì hơn, Tư Khế khoanh tay rồi ngồi chồm hổm xuống để ngang với cô gái nọ:
- Sẵn nói cho má biết, má đang ở huyện Châu Thành của tỉnh Sóc Trăng đó.
Cô gái thở dài một hơi, miệng lẩm bẩm:
- Phải chi có cái điện thoại ở đây, gọi hỏi con Thảo xem nó ở ở tỉnh nào cho vuông.
Nghe đến đây, Tư Khế cũng thấy hơi bực bực:
- Rồi điện thoại cô đâu? Sao không lấy ra gọi hỏi bạn cô, ngồi nghĩ chi cho mắc công vậy?
Cô gái mếu máo:
- Mất rồi.
Dưới con mắt hoang mang của hắn, cô gái kia hét lên.
- Bà má nó, mới mất hồi nãy đó. Bị anh quát xong, tôi đi một mạch ra cổng. Vừa lấy điện thoại ra định tra google map xem mình đang đứng ở đâu thì có thằng chó nào đó chạy Exciter đỏ phóng ngang, hớt luôn cái túi lẫn cái điện thoại của tôi.
Nhìn người đối diện đang tức tối đến độ run lên, tự dưng Tư Khế thấy cô ta cũng tội nghiệp. Cái bộ dáng này chẳng khác gì con chó con nhà bà Tám, mấy hôm chủ đi vắng là bị đám trẻ trong xóm chọc ghẹo đủ đường.
- Hay vầy nè, tôi cho cô mượn điện thoại gọi bạn cô.
Tư Khế đề nghị. Nhưng cô gái lại lắc đầu nguầy nguậy:
- Tôi không nhớ số, bình thường đã lưu sẵn số nó trong danh bạ nên đâu cần thuộc số làm gì.
- Rồi giờ cô tính như nào?
Cô gái thở dài:
- Thì kiếm chỗ nào đó để rút tiền ra nè. Rồi lại tìm quán net nào đó để liên lạc với bạn tôi, hỏi xem quê nó ở đâu.
Tư Khế hỏi:
- Cô định rút tiền ở ngoài mấy cây ATM hả? Muốn tìm cây của ngân hàng nào, tôi chỉ cho.
Theo phản xạ, cô gái đưa tay xuống eo, định vớ lấy thẻ trong cái túi đeo chéo bên hông. Nhưng khi ngón tay di chuyển gần tới đích, cô nàng mới nhớ ra là mình đã bị giật mất túi, mặt mày tiu nghỉu ngay:
- Ấy chết, quên. Nãy thằng cướp hốt hết cả điện thoại, thẻ ngân hàng lẫn giấy tờ tùy thân. Đâu có còn rút được xu nào nữa.
Tư Khế bậm môi:
- Tôi thì có thẻ đây, nhưng quan trọng là cô có cách nào để chuyển khoản cho tôi không ấy. Chuyển được thì tôi rút dùm cho.
Nghe vậy, cô gái lại càng xoắn xuýt hơn:
- Về lý thuyết là có, tôi chỉ cần vào quán net nào đó, đăng nhập internet banking là chuyển sang cho anh được. Nhưng…
Vừa nghe đến chữ “nhưng”, gã đàn ông đã cảm thấy có điềm chẳng lành. Quả nhiên, những gì tiếp theo mà cô gái nói thật hết sức đáng lo:
- Nhưng lâu quá không dùng tài khoản online, tôi quên mật khẩu. - để biện minh cho bản thân, cô nàng nói thêm - Mọi khi tôi toàn dùng điện thoại, chỉ cần nhận diện khuôn mặt hoặc vân tay là xong…
Không có kiên nhẫn để nghe nói hết, Tư Khế cắt ngang:
- Tóm lại là cô bây giờ không tiền, không điện thoại, không biết đường đi sang chỗ bạn cô, đúng chứ?
Cô gái trẻ gật gù lia lịa. Nheo con mắt trái, Tư Khế nói luôn:
- Rồi đói bụng chưa?
Câu nói ấy đã thành công khơi gợi cơn đói, thứ đã bị Lam lãng quên bấy lâu nay. Nhưng cô sĩ diện, nên cái miệng cô quyết định lừa dối nội tâm của mình:
- Không, không đói.
Đúng lúc này, bụng cô kêu sột soạt. Lam xấu hổ đến đỏ mặt, Tư Khế bụm miệng cười:
- Rồi sao, no dữ chưa hả?
Hắn hỏi bằng giọng trêu tức. Lam lúng túng đáp:
- Đói, nhưng không còn xu dính túi nào thì phải chịu thôi.
Thầm nghĩ bụng rằng “đã lỡ bao đồng thì bao đồng tới cùng”, Tư Khế nói luôn:
- Đi ăn không, tôi bao.
Lam khẽ khàng gật đầu một cái. Rồi Tư Khế đi đằng trước, cô gái trẻ lẽo đẽo theo sau. Đến chỗ gửi xe, Tư Khế lấy chiếc xe máy cà tàng của mình ra, vỗ yên ra hiệu cho cô gái trẻ. Ấy thế mà Lam cứ đứng trơ ra đó, chẳng chịu lên.
- Qua phía bên kia ăn thôi, có xa xôi gì đâu mà cô không dám lên vậy? Bộ sợ tôi chở cô qua Miên bán hả?
Lam tròn xoe đôi mắt:
- Tôi chờ anh cho mượn nón bảo hiểm mới ngồi xe được chứ.
Hắn chặc lưỡi, ừ quên mất cái vụ này. Nhưng một đứa ế từ lúc sinh ra như Tư Khế thì làm gì có cái nón bảo hiểm thứ hai máng (*) sẵn trên xe! Thế là hắn hô to:
- Lên đại đi, có mấy bước, không bị công an thổi đâu mà sợ.
Lam chần chờ một chút, rồi cắn răng leo lên xe một kẻ xa lạ mà mình chỉ vừa mới biết. Rồi cô chợt nhận ra mình còn chẳng biết anh ta tên gì. Thế là cô hỏi luôn:
- Mà này anh ơi, anh tên gì ấy nhỉ?
Tư Khế trả lời ngay:
- Tôi tên Khế, thứ tư trong nhà, mọi người thường gọi là Tư Khế. Còn cô, cô tên gì?
- Tôi tên Lam, Thanh Lam.
Chú thích:
* máng: phương ngữ miền Nam, có nghĩa là móc, là treo.
3 Bình luận