Dưới con mắt ngỡ ngàng của dì ba, nhỏ Thảo phóng xe về nhà ngay lập tức. Nhưng đừng hiểu lầm là nhỏ định đích thân vào bếp, Thảo luôn luôn là một cô gái rất biết lượng sức của chính mình. Nhỏ vào nhà chỉ là để cất chiếc xe máy thôi, chứ cháo ngon thì sẽ nhờ người khác nấu. Một người vừa lạ vừa quen ấy mà.
Bing bong.
Chẳng bao lâu sau, Thảo đã có mặt ở trước cổng căn nhà kiểu Nhật hôm nọ. Cái nắng chói lóa khiến cô nàng nhễ nhại mồ hôi, song cô nàng không vội vã ấn chuông tiếp mà thong thả đứng chờ. Đợi thêm đâu đó hơn năm phút thì một bà cụ mới chống gậy ra mở cửa cho cô:
- Ồ, Thảo đó hả? Vào nhà đi con, đứng ngoài đây làm gì, nắng nôi thấy mồ.
Nhỏ tươi cười rồi lập tức bước theo bà. Vừa đi, bà cụ vừa hỏi:
- Con qua đây chi dạ, cần mượn cái gì bà lấy cho nè.
Đại khái là bình thường chẳng có mấy ai ghé nhà nhau chơi vào giữa trưa nắng nóng cả, nên bà cụ đoán là Thảo có chuyện cần nhờ, cần mượn. Song bà cụ rất là thoải mái về việc đó, mượn gì thì cho mượn luôn, chẳng có gì phải phiền lòng. Đằng nào cũng là hàng xóm láng riềng tối lửa tắt đèn, giúp đỡ nhau một tí cũng là điều phải. Nói chi nhỏ Thảo đó giờ còn thường xuyên qua chơi với bà và ông, có khác gì đứa cháu gái ruột thịt của bà đâu.
Thảo gãi đầu gượng ghịu:
- Dạ… con cần mượn cháu của bà…
Bà cụ lập tức nói bằng giọng bất mãn:
- Mượn cái thằng đó làm gì. Trưa trờ trưa trật mà nó còn vác xe chạy đi đâu đẩu rồi.
- Dạ con cần nhờ ảnh nấu ăn á…
Thảo lí nhí. Nghe xong, bà cụ trở mặt ngay:
- À à thế thì chờ nó đi.
Nhìn cách bà thay đổi sắc mặt một trăm tám mươi độ, Thảo cười tủm tỉm vì mọi thứ chẳng khác dự đoán của cô chút nào. Rõ ràng là bà của Dương rất bất mãn với anh ta vì ít khi chịu về chơi với hai ông bà, để họ lủi thủi mình ênh song hơn ai hết, họ luôn tự hào về tài năng nấu nướng của đứa cháu nội.
Khi hay bà cháu vừa ngồi vào phòng khách thì có tiếng xe vang lên ở ngay cổng. Dương đã trở lại, anh ta đang mang một thùng xốp trắng muốt vào trong nhà. Nhưng vừa vào trong, anh ta đã thấy ngay Thảo đang ngồi chễm chệ ở phòng khách. Thanh niên đầu đinh vô thức ôm chặt cái thùng hơn nữa rồi hắng giọng hỏi thăm;
- Ủa, qua đây làm gì?
Thảo nói ngay:
- Đại ca ơi, cứu em kèo này đại ca.
- Thôi dẹp, cô tự lo thân đi.
Dương đáp lại một cách rất phũ phàng. Rồi anh ta bê cái thùng xốp đi thẳng vào trong nhà bếp. Nhưng Thảo đâu dễ dàng chịu thua đến vậy. Nhỏ lập tức đứng dậy rượt theo thanh niên đầu đinh, lải nhải không ngừng:
- Đại ca à, chắc anh không nỡ để em làm đứa cháu bất hiếu mà đúng không?
- Nỡ.
Dương trả lời chắc nịch. Thảo lại tiếp tục mè nheo:
- Bà em nhập viện, người ngợm yếu lắm, cần một chén cháo ngon để tẩm bổ lắm đó đại ca.
- Thì đi ra chợ mua.
Dương vẫn mạnh miệng. Dù trong lòng thanh niên đã bắt đầu nao núng khi biết chuyện bà cụ hàng xóm đã bệnh ra nông nỗi này. Nói thật thì Dương cũng chỉ mới gặp bà Thảo đâu đó vài lần, vì cậu vốn không sống ở đây, lâu lâu cũng chỉ ở lại chơi vài bữa rồi lại quay về thành phố. Nhưng anh biết là bà cũng nhiều tuổi, vì bà anh thường kể về bà nhỏ Thảo như một người bạn cùng trang lứa với mình. Vậy nên, nghe bà Thảo bệnh, lòng Dương cũng mềm nhũng ra.
- Em mua hết rồi đó.
Thảo thở dài ngao ngán.
- Thề với đại ca là em đã mua hết tất cả loại cháo có bán ở cái huyện này rồi mà bà em vẫn chẳng chịu ăn muỗng nào.
Rồi nhỏ bắt đầu kể chi tiết hơn về câu chuyện mua cháo oan nghiệt đó. Dương nghe mà cũng phải há hốc mồm.
- Vậy luôn?
- Chứ sao!
Dương im lặng. Tận đáy lòng, anh âm thầm mặc niệm cho mấy mươi đồng nghiệp chẳng biết tên kia. Nói gì nói, khổ công nấu ra một nồi cháo ngon, thực khách chưa ăn muỗng nào đã chê thậm chê tệ thì cũng oan cho họ lắm.
- Làm ơn đi đại ca, em van đại ca đấy. Nấu dùm em món cháo gì đó ngon ngon để bà chịu ăn dùm em, cả nhà em đội ơn anh nhiều.
Dương im lặng. Dù rằng trong bụng cũng đã xuôi xuôi, muốn ra tay giúp đỡ nhưng thanh niên ấy vẫn muốn trêu đứa em hàng xóm thêm tí nữa. Song Thảo đâu hay biết chuyện đó. Nhỏ quyết tâm dùng lời nói để dụ dỗ Dương “nhận kèo”:
- Huống hồ nếu bà em chịu ăn món cháo đại ca nấu thì chẳng khác nào lời khẳng định rằng trình độ của đại ca ăn đứt mấy ông bán cháo ở cái huyện này.
Rõ là một phép khích tướng vụng về và trắng trợn. Ai nghe vào cũng biết là nhỏ Thảo đang bơm đểu Dương. Ít nhất thì bà của Dương, người vừa chống gậy xuống bếp hóng chuyện nghe phát là biết ngay, thế nên bà cứ cười tủm tỉm. Ấy vậy mà Dương lại mắc bẫy! Cậu ta rốp rẻng nhận lời:
- Chuyện nhỏ, để đó cho anh mày.
Thấy âm mưu đã thành, Thảo cũng vui như mở cờ trong bụng. Nhìn ông anh hàng xóm vào bếp với khí thế hừng hực, nhỏ bỗng hiểu vì sao anh ta lại chọn nuôi Husky. “Đâu phải tự nhiên mà nhìn nhau thuận mắt đâu, đồng loại cả.” Thảo thầm nghĩ thế. Cô muốn cười thành tiếng, song lại sợ Dương quê quá ngừng nấu cháu nên phải cố nén lại, đến độ mặt đỏ ửng lên như thể đang mắc nghẹn cơm.
Tuy vậy, Thảo đã lo xa. Khi đã vào bếp rồi, Dương hoàn toàn chuyên tâm với việc nấu nướng. Sau khi lấy mớ gia vị ra để sẵn cạnh thớt và mài lại con dao thường dùng, Dương gật gù. Rồi anh ta vui vẻ lấy một thứ gì đó từ trong thùng xốp trắng ban nãy ra. Thảo nhón chân lên nhìn, ồ, đó có vẻ là thịt một loài chim gì đó.
- Cái con kia là chim gì vậy?
Tò mò, Thảo hỏi. Dương không thèm xoay mặt lại mà trả lời luôn
- Chim bồ câu.
Nói xong, anh ta bắt đầu hứng lấy một thau nước rửa lại thịt chim. Kế đến, anh ta đặt con chim vào trong nước rồi bắt đầu luồn ngón tay vào vết mổ ngay giữa ức. Ngón tay linh hoạt luồn qua khoảng trống, rồi nhanh nhẹn rút ra một một khúc xương nhỏ hoàn chỉnh. Thảo nhìn mà há hốc mồm. Trong khi đó, Dương vẫn duy trì sự chăm chú cao độ như thể cả thế giới của anh lúc này đều được gói gọn trong con chim nhỏ bé trước mặt.
Cứ như vậy, một, hai rồi ba con chim đã được rút xương đâu ra đấy. Thảo đứng nhìn chăm chú, bởi động tác rút xương của Dương chuyên nghiệp và đẹp đẽ như thể đang biểu diễn nghệ thuật chứ chẳng phải đang nấu ăn. Khi đã tách xương và thịt chim ra thành hai phần khác nhau, Dương mới rửa lại tất cả xương với rượu nấu ăn trước khi mang chúng lên hầm bằng lửa nhỏ. Rồi anh quay sang sai vặt Thảo:
- Mày đó, chạy ra chợ mua cho anh mớ nấm rơm coi. Nhớ lựa nấm búp ấy, nấm nở không xài được đâu. Mua thêm dùm cái ống tiêm cỡ lớn luôn nha, món này cần dùng đến.
Nói xong, anh ta lấy luôn gạo trong tủ ra rang mà chẳng thèm giải thích gì thêm. Thảo hoang mang cùng cực. “Mua nấm rơm thì dễ hiểu, thả nấm vào cháo cho ngọt. Nhưng mua thêm kim tiêm làm gì vậy trời, để tiêm cháo vô mạch máu bà à?” Nhỏ thầm nghĩ. Để rồi chính nhỏ phải lắc đầu lia lịa hòng xua đuổi những ý nghĩ tà đạo này ra khỏi tâm trí mình. Cũng quen biết nhau nhiều năm nên Thảo quyết định tạm tin rằng Dương chưa khùng đến vậy. Nhỏ tự nhủ với lòng rằng “Thôi, cứ mua về trước đã. Tí là biết ngay anh ta dùng nó vào việc gì.”
Vậy là Thảo lại đội cái nắng đổ lửa chạy thêm mấy vòng chợ để tìm cho được những búp nấm to và chưa nở như yêu cầu của Dương. Sau đó, nhỏ ghé tiệm thuốc mua kim tiêm cho hắn. Công cuộc ấy cũng không mấy đơn giản, nhỏ phải nói với cô dược sĩ rằng mình đang cần kim tiêm về chích thuốc cho heo thì mới thuận lợi mang được “hàng” về.
Thế nên, khi cô về tới nhà thì Dương gần như đã xong việc. Nước dùng và gạo đã nằm chung trong một nồi. Chúng được nấu bằng ngọn lửa lăn tăn, phát ra hương gạo nhàn nhạt. Nhưng thứ khiến Thảo ấn tượng nhất với mớ thịt bồ câu băm nhuyễn. Nó nhuyễn mịn đến mức không thể nào tin được, chẳng khác gì món giò sống được xay bằng cối xay công nghiệp và quết đi quết lại nhiều lần. Nhỏ đứng đó ngắm nghía mớ thịt hết mấy phút rồi mới đến việc đưa đồ cho Dương.
- Của anh đây.
Dương nhận kim tiêm và nấm từ tay nhỏ Thảo, tỏ vẻ rất hài lòng.
- Mua đúng đồ rồi đấy.
Cầm túi nấm trên tay, anh ta lập tức chọn ra đâu đó hơn hai mươi búp nấm to và có độ nở lý tưởng nhất. Nghĩa là những búp nấm này đều đã bắt đầu hơi nhú lên cao nhưng chưa để lộ dù ra chút nào cả. Rồi anh ta nhanh tay gọt bỏ phần rơm ở chân nấm trước khi mang chúng đi ngâm nước muối một hồi. Kế đến, dưới con mắt thao láo của Lam, Dương lấy ống tiêm ra và cho vào ấy một ít thịt đã được bằm dẻo nhuyễn như giò sống. Sau đó, anh ta vớt nấm ra và đâm kim vào búp nấm kia.
Cứ như vậy, phần thịt chim bồ câu siêu nhuyễn mịn được bơm vào trong từng chút từng chút một. Dương làm rất cẩn thận, mỗi búp nấm anh chỉ bơm vào một ít để đảm bảo hình dạng của nấm sẽ không bị thay đổi nhiều sau khi nấu chín mềm.
- Nấu cái gì mà rườm rà dữ vậy đại ca.
Tuy không phải động tay nhưng Thảo cũng thấy món ăn ấy rườm rà quá thể. Trong khi đó, người tốn công nấu nướng như Dương lại không cảm thấy vậy. Anh ta nói luôn:
- Nếu việc nấu bằng nhiều và rất nhiều bước khiến món ăn ngon hơn thì đấy không phải là rườm rà đâu.
Và khi vừa nói hết câu cũng là lúc anh hoàn thành nhiệm vụ bơm thịt vào trong nấm. Anh ta mở nắp nhìn nồi cháo đang sôi lăn tăn, khuấy đều vài cái để đảm bảo phần đáy không bị khét. Cá nhân Dương khá hài lòng với tình trạng hiện tại: nồi cháo không trắng xóa mà có màu ngà do được nấu bằng nước xương hầm. Quan trọng hơn, nhìn vào nồi sẽ thấy đa số hạt cháo tuy đã nở bung ra tạo nên kết cấu mềm xốp nhưng gần như hình dạng vẫn còn nguyên. Được như thế là nhờ vào việc Dương đã rang gạo trước khi nấu lên, gạo rang vừa khiến nồi cháo thơm hơn lại còn khiến hạt cháo không bị nát.
- Thêm mười phút nữa là xong việc.
Dương nói. Rồi anh ta cho luôn mấy búp nấm vào trong nồi, cẩn thận khuấy đều. Cháo vẫn được nấu trên lửa nhỏ, nó bắt đầu tỏa ra thứ mùi thơm thu hút lạ kì. Thảo nghe mà thấy đói bụng ngang. Nuốt nước miếng, nhỏ hỏi luôn:
- Nồi cháo này chia ra được nhiêu tô vậy đại ca?
Câu hỏi ấy khiến khóe miệng Dương co giật liên tục:
- Ơ kìa, này là tao nấu cho bà mày chứ có nấu cho mày đâu nà.
Nhỏ Thảo hùng hổ đáp:
- Thì cũng phải cho shipper thử món chứ!
Dương quay lại nhìn nồi, nhún vai một cái:
- Được non bốn tô thôi. Không đủ để ăn no đâu cưng.
Thảo nghe mà thấy lòng đau khổ ngang:
- Sao đại ca không nấu nhiều lên chút nữa, nhiêu đó thì ai ăn ai nhịn anh ơi!
Câu nói vô tri đó tất nhiên nhận lại được cái liếc mắt từ phía Dương:
- Nấu cả đống thì lâu chín lắm. Bộ mấy người định bỏ đói bà mình tới chiều luôn ha gì.
Nghe giải thích xong, Thảo xụ luôn cái mặt xuống. Tuy biết là Dương nói có lý nhưng thèm là thèm. Cô bắt đầu tìm cách tối ưu hóa khẩu phần cháo của bản thân. Bà thì chắc chắn được một tô rồi, còn lại ba phần, biết chia sao cho đủ. Nào ngờ đâu, câu nói kế tiếp của Dương đã phá tan “giấc mơ đẹp” của nhỏ:
- Ai ăn ai nhịn không biết, tôi một tô, bà nội tao một tô, bà nội tao một tô. Mày có âm mưu thì tối đa cũng chỉ có thể ăn một tô thôi.
Nghe xong, Thảo méo mặt. Thôi chết, một tô làm sao đủ chia. Nhỏ còn đang muốn cho Lam, ba mẹ và dì Thoa thử ăn cái món cháo công phu độc lạ này nữa mà, một tô cháo sao nhiêu đó người ăn đủ! Chẳng còn cách nào khác, nhỏ lại tiếp tục ăn vạ Dương:
- Không đủ, không đủ chút nào hết. Hay tối nay anh nấu thêm một nồi to hơn đi, mọi người đều có phần.
Dương nghe xong lập tức phá lên cười:
- Ơ kìa, mắc mớ gì tôi phải tốn công tốn sức dữ vậy cà?
Thảo bắt đầu tuôn ra một tràng toàn những lời xu nịnh:
- Thì vì anh là đại ca oai phong nghĩa khí nhất huyện, còn là đầu bếp thiên tài chứ sao.
Dương khuấy cháo, thận trọng cho từng chút muối vào trong nồi. Tuy bị những lời khen vô nghĩa của Thảo khiến mặt vui như hoa sắp nở, nhưng anh ta vẫn lắc đầu:
- Không được, nguyên liệu không đủ. Cái thùng hồi sáng của anh mày có mười con bồ câu thôi à. Để nấu nồi cháo bốn người này tao đã tốn phân nửa nguyên liệu rồi, không còn đủ để nấu nồi to hơn đâu.
Vì món cháo chưa ăn đã thấy ngon, Thảo nhiệt tình bày mưu tính kế.
- Bồ câu thì dễ mà đại ca. Nhà bác Chín Nghĩa ở đầu đường nuôi nhiều lắm, lát em chạy qua mua là có ngay.
Ấy thế mà Dương lắc đầu nguầy nguậy:
- Không có được đâu. Tao đã nghía bồ câu nhà ấy rồi, không phải hàng xịn. Nhà ấy nuôi toàn cái ngữ bồ câu Pháp, tuy con to, nhiều thịt, mau lớn nhưng hương vị thì chẳng thể nào so sánh được với giống bồ câu ta.
Dừng lại một chút để lấy hơi, anh ta bắt đầu phun ra một tràng dài với tốc độ nhanh như đọc rap:
- Đã vậy còn nuôi bằng cám công nghiệp nữa chứ, làm sao so được với mớ bồ câu anh vừa dùng. Mấy con bồ câu ta đó được nuôi bằng các loại hạt có hàm lượng dầu phong phú như hướng dương, đậu phộng và cả oliu tươi. Mỗi tuần, chúng còn được ăn thêm trứng luộc để đảm bảo dinh dưỡng đồng đều. Thế nên, dù mấy con bồ câu kia không quá to nhưng con nào con nấy đều có tỉ lệ thịt mỡ rất hoàn hảo.
Lần này đến phiên Thảo há hốc mồm. Trời ạ, một món bình dân và nông thôn như bồ câu cũng bị anh ta biến thành hàng cao cấp ư?
- Nói chung là chiều không có nấu cháo bồ câu được.
Dương đưa ra kết luận cuối cùng. Vài giây sau đó, anh ta mới bổ sung thêm:
- Nhưng nếu vẫn thèm cháo thì chiều nay tao sẽ nấu món cháo se cho. Món đấy là đặc sản làng Hạ Mỗ, có hẳn huyền tích kể về nó nữa cơ, thú vị lắm.
Nghe đến đây, Thảo vội vã gật đầu lia lịa. Miễn ngon là được, xưa nay cô chưa từng câu nệ vào tên món ăn. Nhưng sự chú ý của Dương lúc này không nằm ở đứa em hàng xóm kia, đã có việc khác đáng để anh ta chú ý hơn thế. Đó là việc múc cháo ra khỏi nồi.
Rắc một ít tiêu, thả thêm vài lá hành đã được cắt nhỏ từ trước lên trên mặt, tô cháo màu kem ban nãy đã nâu hơn một chút. Nhưng nhìn nó vẫn ngon lành lắm, Thảo chỉ cần nhìn thôi cũng đã thấy thèm thuồng. Về phía thanh niên đầu đinh, anh ta từ tốn hít một hơi toàn mùi cháo và tỏ ra hài lòng lắm. Dưới con mắt chăm chú của đứa em chết tiệt ở cạnh nhà, Dương múc nửa muỗng đầu tiên, từ từ cho vào miệng. Sau khi cẩn thận nhấm nháp hương vị cháo, anh mới quay sang nhìn Thảo, nói:
- Ngon lành.
Xong xuôi, anh ta mới liếc Thảo.
- Rồi còn đứng đó làm gì mà không về lấy tô lấy gào mên (*) qua đựng cháo vậy ta?
Thảo nhìn nồi cháo mấy lần mới lưu luyến rồi đi.
- Nhất định không được ăn lố phần em nha đại ca.
Dương nghiêm mặt:
- Mày nghĩ anh mày là ai?
Được hứa hẹn, nhỏ Thảo phóng như bay về nhà để lấy dụng cụ đựng cháo. Nhưng khi quay trở lại, nhỏ lại bắt gặp ngay cảnh tượng thanh niên Dương đang múc thêm cháo cho mình. Vậy là nhỏ đã hét lên bằng giọng phẫn uất chưa từng thấy.
Chú thích:
(*) Gào mên: phiên âm từ camen, là một loại dụng cụ để đựng thức ăn mang đi và thường có khả năng giữ nhiệt.
0 Bình luận