Cung đường ẩm thực
Cencelia Đỗ Thiên Bảo
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Chính văn

Chương 13: Hành trình trở về thế giới văn minh

0 Bình luận - Độ dài: 2,114 từ - Cập nhật:

Những tưởng chuyện phải mất bao nhiêu sức lực cho việc nôn mửa là một điều tồi tệ, thế nhưng, việc đó lại vô tình mang lại cho Lam một lợi ích vô cùng to lớn.

- Ê, mày ra đây coi tao có cái gì nè.

Nghe Lam gọi mình bằng giọng phấn khích đến tột độ, Thảo cũng lấy làm ngạc nhiên. Buông điện thoại xuống, nhỏ ngẩng mặt lên xem, ồ thì ra Lam đang cầm trên tay một cái hộ chiếu. Nhưng nhỏ vẫn chưa hiểu lắm rằng rốt cục cái hộ chiếu này có gì đáng để Lam vui mừng đến độ nhảy cẫng lên.

- Là tao có thể xin cấp lại sim rồi đó con kia.

Lam reo lên hân hoan, rồi hun chùn chụt vào cuốn sổ hộ chiếu màu xanh dương kia. Thảo cũng giật mình, đến khi hoàn hồn lại, nhỏ cũng cười ha ha. Chuyện này quan trọng mà, chẳng trách sao Lam vui đến vậy.

Là một người trẻ, Thảo hiểu quá rõ chiếc điện thoại quan trọng với thế hệ bọn cô như thế nào. Không chỉ là phương tiện liên lạc, cái điện thoại còn chiếm lĩnh bao nhiêu vai trò quan trọng khác trong cuộc sống. Nó là công cụ giải trí, là bản đồ, là phương tiện học tập và làm việc. Nó là cái thẻ ngân hàng đa dụng - phần lớn các giao dịch hiện nay đều cần xác nhận OTP. Thế nên, chỉ cần tước cái điện thoại là cuộc sống của mọi người lập tức đảo điên ngay. Chứ đừng nói đến những trường hợp thê thảm cỡ như Lam: không tiền, không điện thoại, không căn cước công dân, quả là một tập hợp hủy diệt.

Nhưng nếu điện thoại quan trọng như vậy thì sao Lam và Thảo không dẫn nhau đi mua ngay cái điện thoại mới? Vấn đề là ở chỗ sim điện thoại, dù họ có mua điện thoại mới thì cũng chẳng lấy lại được sim cũ để dùng. Bao nhiêu thông tin của Lam đều đã được liên kết với số điện thoại trước đó của cô, giờ nếu mua sim mới gắn vào tạm thì cô không thể truy cập vào bất cứ ví điện tử nào để lấy tiền tiết kiệm ra cả. 

Và éo le hơn nữa là vì căn cước công dân của Lam cũng đã bị tên cướp chết tiệt kia nẫng đi luôn, nên cô nàng không thể ra nhà mạng để đăng kí cấp lại sim. Hết cách, Lam chỉ có thể gọi điện thoại với nhà mạng để nhờ họ khóa sim trước. Cô đã định rằng đợi khi mình trở về thành phố sẽ lập tức đi làm lại căn cước công dân rồi mới phục hồi sim sau, và đã chuẩn bị tinh thần là sẽ tốn rất nhiều thời gian cho những việc này. Nào ngờ đâu, hôm nay Lam lại bắt gặp một niềm vui đột ngột: sổ hộ chiếu.

Bản thân Lam cũng chẳng nhớ rằng mình có mang hộ chiếu trong vali, vì nó vốn không phải là hành lý mà cô chuẩn bị. Thế nên, cô hoàn toàn không ý thức được sự tồn tại của cái hộ chiếu ấy và việc Lam tìm ra nó thì hoàn toàn là sự tình cờ. Khi lục trong một ngăn kép của vali để tìm băng vệ sinh - vật dụng thiết yếu của hội chị em - Lam tình cờ phát hiện ra quyển hộ chiếu nằm lẳng lặng trong một ngăn kép. 

- Ủa mà mày đi du lịch trong nước mà mang hộ chiếu theo chi vậy con?

Mượn cuốn sổ hộ chiếu từ tay Lam, Thảo lập tức nêu ra thắc mắc của mình. Lam cũng cười cười:

- Ờ, tao có mang đâu. Mẹ tao bỏ vào sẵn cho tao đó chứ.

Lam nói bằng giọng trêu ghẹo. Đúng là mẹ cô đã chuẩn bị sẵn cho cô thật, nửa năm trước, cả gia đình họ đã có dịp đi Singapore chơi và có vẻ như mẹ của Lam đã để hộ chiếu của cô nằm im trong vali từ khi ấy đến tận bây giờ. Để rồi, vào hôm nay, Lam lại tình cờ tìm thấy hộ chiếu của mình đúng lúc cô cần nó nhất. 

“Cứ như là mẹ vẫn luôn phù hộ cho mình vậy.” Lam nghĩ. Tuy rằng chính bản thân cô từng không tin vào những thứ gọi là quỷ thần, nhưng từ sau biến cố ấy, Lam bắt đầu thấy tin tin. Cô bắt đầu hiểu vì sao dân gian lại quan niệm rằng cái chết chưa phải là sự chấm hết. Bởi trong lòng cô luôn loáng thoáng một niềm hi vọng rằng gia đình của mình vẫn đang tồn tại ở thế giới khác. Suy cho cùng, loài người vốn dĩ rất giống nhau. Họ luôn muốn tin rằng những người đã mất đi vẫn còn sự lưu luyến với trần gian, vẫn quanh quẩn ở những nơi mình quen thuộc, vẫn ở bên những người mình yêu thương. Không bao giờ rời bỏ, không bao giờ...

Thấy tâm trạng của Lam có vẻ chùn xuống, Thảo biết ngay là đứa bạn thân của mình lại đang nghĩ về cha mẹ nhỏ. Và nhỏ cũng hiểu rằng mình đâu thể khuyên người ta ngừng đau buồn vì những người họ yêu thương. Nhưng nhỏ cũng không muốn Lam buồn mãi. Thế là nhỏ kiếm chuyện đánh trống lảng ngay:

- Rồi sao, mai làm lại sim thì có mua điện thoại luôn không?

Câu hỏi của đứa bạn lập tức lôi Lam về thực tế. Nhỏ ngần ngừ:

- Ừ thì phải mua, nhưng tao cũng chẳng biết là nên mua như thế nào nữa.

Nói thật thì từ bé đến lớn, Lam chưa từng tự mua cái điện thoại nào cả. Cha cô cũng vậy, gia đình Lam chỉ có duy nhất một người luôn toàn quyền trong việc mua điện thoại là mẹ của cô. Cứ mỗi lần mẹ Lam mua điện thoại mới thì cái điện thoại cũ của bà sẽ được trao cho cô, còn ba cô thì sẽ dùng điện thoại cũ cũ của con gái. 

Và dù toàn dùng đồ cũ là thế nhưng thực tế là chẳng ai trong nhà Lam cảm thấy phiền hà. Tính Lam vốn khá lạnh nhạt, cô không quá quan tâm đến thương hiệu của điện thoại cũng không cần quá nhiều tính năng. Về cơ bản thì cô chỉ cần nghe, gọi ổn, bắt sóng wifi ngon lành và chụp hình lung linh thì càng tốt. Ba của Lam lại càng đơn giản hơn nữa, đối với ông, điện thoại chỉ dùng để nghe gọi. Người đàn ông bận bịu đó luôn phải vật lộn với công việc, chẳng mấy khi có thời gian chơi với cái điện thoại của mình. Thành thử ra dùng dòng nào cũng có khác nhau mấy đâu. Chỉ có mẹ Lam, người phụ nữ thời thượng luôn thích khoe với hội chị em rằng mình rất được yêu thương, là có đam mê với những dòng điện thoại mới. Lắm lúc, Lam đã nghĩ rằng mẹ cô cũng chẳng ham điện thoại mới. Cái bà ham nhất là ánh mắt trầm trồ ngưỡng mộ của những người phụ nữ khác khi nhìn vào cuộc sống hôn nhân viên mãn của mình. 

- Thì mày thích hãng nào chọn hãng đó trước tiên. Xong thì mình dựa vào cấu hình và tầm giá rồi tính tiếp.

Thảo bắt đầu tư vấn như một chuyên gia thực thụ. Nhỏ lải nhải về chế độ, thông số và nhiều thứ khác nữa. Không chỉ vậy, Thảo còn nhiệt tình đề suất hết điện thoại này đến điện thoại kia dựa theo những tiêu chí khác nhau.

Thoạt đầu, Lam cũng chăm chú lắng nghe vì nghĩ là mình cũng cần học cách chọn một cái điện thoại thật ưng. Nhưng Thảo nói nhanh và nhiều quá, càng nghe, Lam càng thấy chóng mặt nhức đầu. Hết cách, cô cắt ngang lời của nhỏ bạn thân:

- Hay mày lựa luôn cho tao đi. Gì cũng được, mày lựa gì tao xài nấy.

Thảo gật gù:

- Cũng được, nhưng mày phải nói cho tao biết là mày có những yêu cầu gì đã.

- Nghe gọi được, lên mạng sương sương được, chụp hình ổn thỏa thì càng ngon. Tao chẳng quan trọng việc nó là của hãng nào đâu.

Nằm sắp trên giường, Lam nói. Cô nàng vô thức ngáp một cái, thoạt nhìn uể oải cực kì.

- Nhưng kinh phí của mày là bao nhiêu cơ.

Thảo hỏi. Lam lăn quay ra nằm ngửa, mắt nhìn trần nhà:

- Thế mày cho tao mượn được thêm bao nhiêu. Có sim, có điện thoại xong thì tao trả tiền cho mày được ngay ấy, không cần lo.

Thảo nhún vai, đáp:

- Vấn đề không nằm ở chỗ cho mày mượn bao lâu, mà vấn đề là ở chỗ tao có bao nhiêu để cho mày mượn ấy. Vét hết túi tao thì cũng chỉ còn bốn triệu nữa thôi. Nghèo rồi mày à!

Lúc này, Lam mới chợt nhận ra đứa bạn mình vốn không giàu có gì. Cũng phải thôi, từ sau khi tốt nghiệp, nhỏ Thảo đã về quê làm trong một công ty du lịch gần nhà. Công việc lương không cao lắm, lại còn bắt thử việc ba tháng nhưng có ưu điểm lớn là làm việc gần nhà. Và Thảo thì vốn có sẵn dự định về quê sống cùng mẹ cha nên đã nhận lời ngay lập tức. Nhỏ bảo, chỉ cần ráng qua ba tháng đầu tiên thì mọi thứ sẽ ổn thỏa…

Nhưng trăm tính ngàn tính đi chăng nữa thì cuộc đời này vẫn biến đổi khôn lường. Trong năm nay, kinh tế nước nhà đột nhiên lao dốc đến chóng mặt, ngành du lịch mới vừa khởi sắc sau đại dịch covid lập tức lao đao. Công ty của Thảo cũng là một trong những nơi bị ảnh hưởng trực tiếp. Làn sóng sa thải bất ngờ xuất hiện, không có gì bất ngờ là một nhân viên thực tập như Thảo cũng có tên. Cứ như vậy, nhỏ đã thất nghiệp được hơn hai tháng.

- Thế thì mua cái nào bốn triệu đổ xuống.

Lam nở nụ cười rạng rỡ. 

- Mày có dùng được đồ giá rẻ không đó?

Thảo nói, giọng hơi do dự. Nói gì nói, xưa nay Lam toàn dùng mấy cái điện thoại giá đâu đó gần hai chục triệu, giờ bắt dùng điện thoại chưa tới bốn triệu thì có chịu nổi không?

- Có làm sao đâu, cứ mua dùng tạm. Lỡ mà thật sự dùng không được thì tao mua thêm cái khác là được chứ gì.

Lam cười hì hì. Đằng nào thì cô cũng không thiếu tiền cho lắm, lỡ mua điện thoại giá rẻ về mà dùng không quen thì xem như bỏ tiền mua một bài học thôi.

- Phú bà nói chí phải.

Thảo gào lên. Rồi nhỏ nhào vô thọc lét đứa bạn thân, cả hai cùng cười giỡn một trận. Căn nhà vốn yên ắng trở nên náo nhiệt hơn bao giờ hết, khi đôi bạn trẻ đã cười đến độ đau thắt cơ hoành, họ mới ngừng tay.

- Thôi, thua, không giỡn nữa.

- Ừ không giỡn nữa.

Cả hai vừa nói vừa cười ha hả. Để rồi sau đó, cả hai người họ cùng im lặng nhìn lên trần nhà.

- Nè Thảo, cảm ơn mày nha.

Lam nói lên lời cảm ơn từ tận đáy lòng. Ở đời, đâu dễ gì tìm được một người sẵn sàng đi mấy mươi cây số để đón mình về chơi, đâu dễ gì tìm được một người dám cho mình mượn đến những đồng xu cuối cùng trong thẻ của họ.

- Xời, ơn nghĩa gì ở đây.

Thảo phủi tay, nói. Xong rồi nhỏ lại nở nụ cười đê tiện:

- Hoặc nếu phú bà thấy biết ơn dân nữ quá thì nhớ bù đắp cho dân nữ bằng thật nhiều tiền.

Lam ừ một tiếng thật khẽ. Thảo cũng chẳng quan tâm lắm, nhỏ đứng dậy, tắt đèn lớn trong phòng rồi bật đèn ngủ lên. Chẳng bao lâu sau, hai người họ đã chìm vào một giấc ngủ thật sâu. Trong cơn say nồng, họ nhoẻn miệng cười trong vô thức.

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận