Và dù đã hứa một cách rất hùng hồn như thế, nhưng vào buổi sáng tiếp theo, Lam ngủ quên. Nói một cách thật chính xác thì đó là một giấc ngủ hết sức bình thường với cô: mười một giờ đêm đi ngủ và thức dậy lúc bảy giờ sáng. Nhưng ở một huyện hãy còn thôn dã, mọi người thường dậy từ lúc bốn giờ ba mươi.
Bình thường thì bà cháu Tư Khế cũng sẽ đi chợ vào khoảng năm giờ sáng. Thế nhưng hôm nay, chành xe mà Tư Khế làm việc có chuyến xe chạy sớm nên hắn cũng phải tranh thủ ăn sáng trước khi đến chỗ làm. Vậy là hai bà cháu đã có mặt ở chợ vào lúc bốn giờ - khoảng thời gian của các đơn hàng sỉ. Người bán bán sỉ, người mua cũng mua số lượng nhiều, nên nhìn chung hàng vừa đẹp vừa rẻ.
- Ê Khế, nay bây muốn ăn gì?
Ngồi phía sau chiếc xe máy ọp ẹp, bà cụ hỏi đứa cháu bằng giọng điệu thân thương.
- Mua khổ qua đi bà ơi.
Tư Khế đáp. Có lẽ là trong đầu đang nghĩ đến món khổ qua xào trứng nên hắn nuốt nước miếng liên hồi. May là không ai phát hiện ra, bởi lúc này, mọi người gấp gáp chọn mua đủ loại hàng hóa. Kể cả bà của Tư Khế, bà cụ đã nhanh chân chen vào một sạp hàng rau mà hét lên thật to.
- Lấy tui một túi khổ qua đi cô ơi, túi kia kìa.
Bà cụ chỉ trỏ hết sức hào hứng, rồi chọn ra một túi khổ qua trong một loạt túi năm kí đã được chia đều từ trước. Người bán nhiệt tình mang túi hàng ra chất vào phía trước của xe Tư Khế, rồi mới báo giá tiền. Thanh toán xong, hai bà cháu lập tức kéo nhau sang một khu khác cách đó không bao xa. Đó là khu vực tụ tập mọi quầy kinh doanh hải sản trong khu chợ.
- Ê chú, nay có cá thát lát không?
Ông chủ sạp, sau khi thu tiền một thùng mực to từ một khách sỉ, vội vã trả lời:
- Có chứ, đang vô mùa mà. - Với giọng sang sảng và nụ cười thân thiện, người đàn ông đó hỏi thêm - Bà muốn mua loại nào, nạo sẵn hay nguyên con?
Nghe hỏi vậy, bà cụ cũng hơi chần chừ. Phải công nhận rằng mua loại cá đã nạo sẵn thì khỏe cái thân hơn, nhưng loại ấy thường bị thương gia pha tạp với bao nhiêu loại cá khác nên khó mà ngon lành như tự nạo. “Mà nấu cho cháu dâu tương lai ăn thì phải làm loại ngon nhất chứ”, bà nghĩ. Thế là bà vui vẻ cười, trả lời ngay:
- Lấy tui ba kí cá, loại nguyên con nha chú ơi.
Vẫn nụ cười vui vẻ tạo nên thương hiệu, ông chủ nhanh chóng bắt mấy con cá thát lát đang được rọng (*) trong thùng ra, đập chết và cho ngay vào túi nilong:
- Có ngay đây bà ơi.
Nhìn cung cách bà đi chợ, Tư Khế cũng phải hỏi han:
- Sao nay sang dữ vậy cà.
Bà cụ liếc nhìn thằng cháu, nói ngay:
- Còn có bữa nay nữa là con bé Lam nó đi rồi. Mày ăn sao cũng được, nhưng con gái người ta phải được ăn ngon chứ!
Nghe xong, Tư Khế cũng phải chặc lưỡi. Chính hắn cũng không nhớ nổi, rằng từ khi cái cô gái tên Lam kia xuất hiện, hắn đã nghe cái cụm “con gái người ta” bao nhiêu lần. Nào là con gái người ta phải được ăn ngon, nào là không được để con gái người ta làm việc nặng, ôi quả là trọng nữ khinh nam rõ rệt. Sự phân biệt đối xử ấy khiến hắn phải cảm thán rằng bản thân quả là phận trai linh đinh mười hai bến nước đây mà…
- À chú ơi, cho tui xin thêm vài con tôm nhỏ nhỏ nha. Về tui nấu chén canh cho đứa cháu tui.
Lúc trả tiền, bà cụ mới kì kèo thêm chút đỉnh. Chú sạp cá - vốn hào sảng và dễ tính - lập tức hỏi thăm:
- Cháu bà lớn chưa?
- Nó nhỏ xíu à.
Bà cụ đáp như thế. Ngay sau đó, ông chú sạp cá hốt luôn một nắm đâu đó năm bảy con tép bạc đất to đùng, nhét luôn vào bọc nilong.
- Vậy nhen. Hổng có tính thêm tiền đâu.
- Ờ bà già cảm ơn chú nhiều nha.
Được như ý, bà cụ nở nụ cười hiền lành. Tư Khế và chú bán cá cũng cười theo. Rồi Tư Khế tranh thủ chở bà về nhà thật nhanh để còn kịp thay đồ, chuẩn bị đi lơ chuyến xe khách chạy sớm.
Vì đi gấp nên bữa sáng của hắn rất gọn gàng: chỉ có một bát mì tôm nho nhỏ. Ừ thì là bát mì hảo hảo chua cay thêm mấy con tôm mà hồi nãy bà cụ xin. Tư Khế lập tức vùi đầu vào ăn, chưa đến năm phút đã giải quyết xong bữa sáng. Trước khi đi, hắn không quên rửa sạch bát rồi mới vào trong thay đồ:
- Mà ngoại nè, lát dồn khổ qua nhớ chừa lại vài quả nha. Con nghe Lam kêu cổ muốn nấu khổ qua xào trứng cho ngoại ăn đó.
Nói xong, hắn chạy nhanh như biến. Bà cụ nhìn theo bóng lưng thằng cháu, miệng mắng yêu:
- Ơ cái thằng khỉ gió này.
Không cần nghĩ, bà cụ cũng biết chính Tư Khế là người đòi Lam nấu món kia. “Chứ con gái người ta có muốn khoe tài bếp núc thì cũng phải lựa món gì ngon lành, hoành tráng chứ!” Bụng dạ bà cụ tự bảo nhau như thế.
Rồi bà cụ vào bếp, bắt đầu công cuộc nạo cá thát lát. Cái giống cá ấy tuy có thịt dai giòn ngọt ngon, nhưng ngặt nỗi là lại có rất nhiều xương. Thế nên, người dân đã nghĩ ra một cách thật hay để ăn loài cá này là dùng muỗng nạo hết thịt trên con cá ra, rồi dùng chài quết cho nó thành chả để thêm dai, thêm giòn. Chả cá thát lát mang chiên lên ăn cũng ngon, thả lẩu cũng tuyệt, nhưng nếu đem nhồi vào trái khổ qua thì trên cả tuyệt vời. Chắc chỉ có những người trời sinh không ưa vị đắng mới có thể chê món ăn kia, bằng không nhất định sẽ khen lấy khen để.
Với động tác hết sức thành thạo và nhanh nhẹn, bà cụ nhanh chóng nạo xong đống cá kia vào một cái thao khá lớn. Ngay sau đó, cụ nhanh tay bằm thêm một mớ hành tím rồi cho vào trộn chung với cá kia. Tất nhiên là bà cụ cũng không quên cho tiêu vào để món ăn có vị cay nồng hấp dẫn. Và khâu cuối, bà cụ cho vào một lượng hạt nêm theo sự mách bảo của tổ tiên dòng họ.
- Dạ thưa bà.
Khi bà cụ bắt đầu dùng tay trộn đều hỗn hợp kia thì Lam cũng vừa ngủ dậy. Cô chào bà cụ rồi đi ra sàn nước đánh răng. Đến khi cô trở vào thì bà cụ đã trộn xong, bà lập tức đi tìm cái chày để quết chả. Lam nhìn đống khổ qua bên cạnh, vội vã giành việc:
- Bà ơi, con mang khổ qua đi rửa với móc ruột nhé?
- Ừ. Rửa và móc ruột hết mớ đó nhé, rồi lựa ra cho bà những trái thân to, thẳng để lát bà dồn cá vô hầm.
Khệ nệ khiêng năm kí khổ qua ra sàn nước, Lam nhoẻn miệng cười.
- Dạ, con biết rồi.
- Thấy chỗ để thau với rổ hông bây?
- Dạ thấy chứ.
Nghe Lam cười khanh khách, bà cụ tỏ ra hết sức yên tâm. Rồi bà dồn sức vào tay, bắt đầu quá trình quết chả rất hao tâm tổn sức. Trong khi đó, Lam cũng bắt đầu cuộc sống rửa khổ qua. Thật lòng mà nói thì chúng nhiều hơn mức tưởng tượng, dù thường đảm nhiệm vai trò rửa rau cho gia đình nhưng chưa bao giờ phải rửa nhiều đến thế. Bởi vì nhà cô chỉ có ba người thôi, gồm ba, mẹ và bản thân cô. Thế nên, họ thường chỉ mua một lượng đồ ăn vừa phải, để gia đình có thể ăn hết ngay trong ngày hôm đó.
Nhưng bà của Tư Khế rõ ràng là một phạm trù khác. Bà có một lối sống rất miền Tây, rằng nấu món gì cũng nấu cho thật nhiều. Rồi Lam tự an ủi bản thân rằng số mình vẫn còn hên, đằng nào thì cô cũng mới chỉ phải rửa năm kí khổ qua thôi chứ chưa phải rửa tận năm kí những loại rau lá như mồng tơi, bồ ngót. Chứ không thì e là cô sẽ mất cả buổi sáng cho chuyện nhặt rau, rửa rau mất!
Rửa xong mớ khổ qua, để ráo, Lam mới quay vào trong hỏi bà:
- Bà ơi, giờ mình mổ dọc khổ qua hay cắt đôi vậy bà?
Thường thì nhà Lam sẽ cắt đôi cho dễ móc ruột, nhưng cô không chắc thói quen của các gia đình khác như thế nào.
- Bây thích sao thì làm vậy.
Bà cụ nói lớn, tiếng vọng oang oang ra đến tận sàn nước ở phía ngoài. Lắng tay nghe, Lam còn loáng thoáng nghe mấy tiếng chài vang lên đều đặn. Bà cụ vẫn còn đang quết cá say sưa và miệt mài lắm, còn Lam thì bắt đầu sơ chế khổ qua. Chọn những trái to, thẳng, đẹp, Lam cắt chúng ra làm đôi và lấy một cái muỗng inox để làm dụng cụ móc ruột của chúng.
Từ khi Lam còn bé, mẹ cô đã dạy cô thủ thuật này. Chỉ cần một cái muỗng inox đủ cứng cáp thôi là dễ dàng đâm xuyên qua phần ruột khổ qua vốn khá mềm, lại xoay một vòng thì có thể lấy được hết phần lõi chứa đầy hạt ra khỏi trái. Làm bằng cách này thì nhanh gọn lắm, không thua gì cách móc bằng mũi dao mà còn an toàn hơn rất nhiều. Chẳng mấy chốc, cái rổ bên cạnh Lam đã chứa một mớ vỏ khổ qua. Cô đứng dậy, mang chúng vào trong cho bà cụ.
- Con để ở đây cho ngoại một mớ trước nha, lát con lại xách vô thêm.
Cô nói, giọng thoáng qua một nét gì buồn bã. Lam vội vã bước ra ngoài sàn nước, nhưng bà cụ đã nhạy cảm phát hiện ra sự bất thường ở cô. Vội vã buông chài, bà cụ chạy nhanh đến và nắm lấy tay Lam:
- Sao vậy con, tự nhiên sao con lại buồn ngang vậy nè.
- Con…
Sau mấy giây ngập ngừng vì chẳng biết phải kể từ đâu, cơn buồn tủi trong Lam bỗng tuôn ra như cách mà nước sông xô vỡ con đê chắc chắn. Vô thức, cô ngồi xổm xuống, người co lại thành một khối rồi bắt đầu nức nở liên hồi. Tuy không hiểu gì hết, nhưng bà cụ biết là mình cần an ủi đứa nhỏ tội nghiệp kia. Bàn tay to của bà chậm rãi vỗ vào lưng Lam, rồi vuốt từ trên xuống thật chậm rãi.
- Sao, con sao vậy?
Được vỗ về, Lam càng khóc to hơn, cô khóc hu hu như một con nít. Một lúc sau, cô bắt đầu ý thức rằng mình không nên khóc nữa, cô liên tục đưa tay lên lau nước mắt nhưng tiếng nức nở vẫn vang lên từ nơi cuống họng và nước mắt vẫn cứ tuôn ra không ngừng. Phải một lúc rất lâu sau, cô mới thỏ thẻ:
- Con nhớ mẹ con quá, bà ơi!
- - - - - -
Chú thích:
(*) Rọng: phương ngữ miền Nam, chỉ việc thả cá vào trong một không gian có chứa một ít nước để giữ chúng trong trạng thái sống nhằm giúp khách mua có thể ăn được thịt cá tươi ngon.
2 Bình luận