Cung đường ẩm thực
Cencelia Đỗ Thiên Bảo
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Chính văn

Chương 02: Vị ngọt, vị chua

2 Bình luận - Độ dài: 2,702 từ - Cập nhật:

Cứ như vậy, Tư Khế đã đèo Thanh Lam đến một quán ăn nọ. Quán vắng lắm, chưa có khách nào ngồi sẵn, chỉ có cô và gã Tư Khế này. Đảo mắt nhìn một vòng quán, thấy tấm bảng hiệu cũ kĩ, vài cái bàn inox lèo tèo, vài cái ghế nhựa ngả màu, Lam biết ngay đây là một quán bình dân. Tuy vậy, Lam lại rất hài lòng vì trong quán vô cùng sạch sẽ. Sạch đến mức mà cô không thấy một vết nước nào vương vãi trên bàn, cũng chẳng có nổi một miếng khăn giấy bị vứt lung tung. Cô nghĩ bụng, rằng “chỉ cần đồ ăn mà ngon nữa là ổn áp”.

- A, Tư Khế hả? Vô đây, mở hàng cho tui nè!

Cô chủ quán, thoạt nhìn đâu khoảng bốn mươi, vui vẻ đón khách. Tay cầm một chiếc khăn màu sáng, cô nhanh nhảu lau lại mặt bàn thêm một lần. Tay lau, miệng cô vẫn cứ luyên thuyên:

- Chà, mấy bữa nay bà con khỏe hơn chưa?

- Dạ cũng khỏe lại rồi.

- Ừ, khỏe lại là tốt. Chứ già cả rồi, bị bệnh người ngợm mệt mỏi lắm con.

 …

Hai người họ người hỏi, người đáp hết sức tự nhiên, Lam đoán rằng họ thân quen lắm. Trong lúc nói, cô chủ quán vẫn luôn tay lau bàn. Cơ mà cô chủ kĩ quá, lau mãi vẫn chưa ngừng tay. Đến khi cô ấy dừng lại, Lam mới phát hiện ra rằng mặt bàn lúc này sạch bóng đến mức dùng soi gương cũng được. 

- Rồi con bé này là ai, giới thiệu cho cô đi chứ?

Cô chủ cười tinh nghịch. Lam, vốn đang ngẩn ngơ “soi gương” giật cả mình. Tư Khế lúng túng gãi đầu:

- Thì bạn con. Bạn mới quen.

- Ồ.

Với một tiếng ờ đầy thâm ý và cái đầu gật gù như thể đã hiểu, không cần nói thì Lam cũng biết là cô chủ đã hiểu lầm. Chả lẽ bây giờ lại nói cho cô chủ nghe rằng cái tên trước mặt hơn nửa tiếng trước đã quát mình một chập hay sao? Huống hồ, người ta còn chuẩn bị bao mình ăn, tốt nhất là không nên nói xấu người ta mới đúng. Vậy nên, dù có hơi xấu hổ nhưng Lam chỉ còn cách ngậm mồm.

- Rồi hai đứa muốn ăn gì nè?

Lúc này, cô chủ quán mới đi vào trọng tâm. Không cần suy nghĩ chút nào, Tư Khế trả lời luôn:

- Y như cũ.

Còn về phần Lam, cô đang dõi mắt ra nhìn phía bảng hiệu. Bánh xèo, biết, bánh khọt, biết luôn nhưng bánh cống là cái gì cơ? Từ trước đến nay, cô chưa từng thấy món này lần nào hết.

- Cô ơi cô, cho con hỏi, bánh cống là món gì vậy?

Bằng giọng thỏ thẻ, Lam hỏi cô chủ quán. Sau vài giây đơ người, cô chủ quán đã cười một trận rồi mới trả lời Lam.

- Bộ con không phải là người ở đây hả? Mà đúng quá nhờ, nhìn màu da dáng vóc này coi, rõ là con gái thành thị, dễ thương quá trời. Mà này, cái bánh cống này ấy là một món ăn vặt của người Khmer. Nó được làm từ bột gạo, đậu xanh, tép, thịt các thứ. Ăn cũng giòn giòn như bánh xèo, bánh khọt vậy á, nhưng ngoài phần vỏ giòn ra thì nhân nó có vị beo béo, đậm đà rất đặc trưng. Ăn thử đi, ghiền á!

Chỉ mới nghe cô chủ tả thôi mà nước bọt của Lam đã bắt đầu tươm ra. Không chờ đợi thêm bất kì phút giây nào nữa, cô nói luôn:

- Cho con một phần bánh cống nha cô.

Cô chủ tủm tỉm cười:

- Rồi nha, hai đứa chờ cô một tí.

Lúc này, Tư Khế cũng quay sang hỏi han:

- Bộ cô chưa từng ăn cái bánh cống nào trong đời thiệt hả?

Lam gật gù:

- Thật đó. Ở trên thành phố, tôi chẳng thấy ai bán món này.

Nghe đến đây, nét mặt Tư Khế bỗng dưng trầm hẳn đi:

- Cô sống ở đấy từ nhỏ tới lớn luôn hả?

Không biết vì sao gã trước mặt hỏi vậy, nhưng Lam vẫn trả lời rất thật thà:

- Đúng rồi đó. Nên tôi có biết bánh Cống là gì đâu. Tôi cũng không biết ở miền Tây này có đến tận chín cái Châu Thành…

Lúc này, cô chủ đã bắt đầu mang món ăn ra. Tay trái xách dĩa bánh cống, tay phải cầm chén nước mắm chua ngọt, rất nhanh, một phần ăn hấp dẫn đã được bày ra ngay trước mắt. Lam giương mắt nhìn dĩa bánh cống, thấy cái nào cái nấy đều dày dặn và vàng rợm. Điểm xuyết trên đỉnh của bánh còn có hai con tép nhỏ, sau khi chiên, chúng có màu đỏ rực trông rất ngon lành. Lam cầm đũa, gắp một cái, toan chấm vào chén nước mắm để đưa ngay lên miệng thì cô chủ quán vội hô lên:

- Ấy, chưa chưa.

Bưng ra thêm một dĩa rau xanh với xà lách, dưa chua và bao nhiêu thứ rau thơm, cô nói với Lam.

- Phải ăn kèm với rau nữa mới đúng bài chứ nhỏ.

Rồi cô quay sang, nháy mắt với Tư Khế:

- Này cái thằng Tư Khế, ăn một cái làm mẫu cho bạn coi đi chứ!

Câu nói ấy khiến cho khóe mắt Tư Khế giật giật. Với biểu cảm bất cần đời, hắn lẩm bẩm:

- Ăn mà cũng cần người làm mẫu nữa sao trời.

Nhưng miệng kêu thế thôi, chứ tay hắn nhanh nhảu ngắt thứ này, gói thứ kia làm mẫu:

- Cô xem nhé, mỗi rau một ít, thêm vài cọng dưa chua. Rồi giờ xắn nửa cái bánh bỏ vô chính giữa nè, nhúng nó vô chén nước mắm chua ngọt nữa là hết xảy.

Lam vụng về bắt chước Tư Khế nhặt mấy cọng rau, gấp nửa cái bánh bỏ vào trong lá xà lách. Cuộn tất cả chúng lại, cô chấm cuốn rau bánh đó vào chén nước mắm chua ngọt ngay trước mặt mình. Vừa đưa bánh vào miệng, đôi mắt của Lam đã sáng rực ngay. “Ngon thật, quá xá ngon”. Vỏ giòn tan, nhân mềm mềm ngầy ngậy, ăn mỗi bánh thôi là đã thấy cuốn rồi. Vị beo béo của đậu xanh, cảm giác mỡ màng thơm ngọt của thịt xay, mùi thơm nhẹ của bột đậu nành và nhiều thứ khác khiến Lam khó mà kiềm nén cơn thèm ăn của mình cho được. Nhất là con tép chiên trên đỉnh bánh, vì đã được chiên ở nhiệt độ cao nên phần vỏ cứng bao bọc quanh nó cũng đã trở nên giòn rụm.

Bánh thôi đã vậy, thế mà khi ăn thêm với và nước chấm thì ngon lại càng ngon. Các loại rau thơm đã mang đến một vị đắng nhẹ trên đầu lưỡi và tạo ra một mùi hương phức tạp, khiến cho món ăn càng hấp dẫn hơn bao giờ hết. Về phần chén nước mắm, nói thật thì hơi ngọt so với khẩu vị của Lam. Đó cũng là điều dễ hiểu vì nhìn chung, người miền Tây thích ăn ngọt hơn hầu hết những xứ khác. Con bạn thân chết tiệt của Lam là một ví dụ tiêu biểu, nhỏ nấu gì cũng thích cho vào thêm cả muỗng đường. Nhỏ bảo rằng phải ngọt mới ngon, và vị ngọt là vị hạnh phúc.

Nhưng Lam muốn đính chính rằng, chén nước mắm này tuy ngọt nhưng không hề ngán. Ngoài việc thích ngọt, người miền Tây cũng ưa chua. Như chén nước mắm này đây, tuy rất ngọt nhưng cũng chứa rất nhiều chanh. Nhờ thế mà hương vị đã đạt được sự cân bằng hoàn hảo. Nhúng đũa vào chén nước mắm để nếm lại vị, Lam bắt đầu ngờ ngợ về nguyên liệu để làm ra món ăn tuyệt vời ấy. Làm nước mắm, không thể thiếu được những món như tỏi, ớt, chanh, đường và một lượng nước mắm ngon nữa. Nhưng hình như không chỉ có thế, Lam còn nghe một mùi thơm thoang thoảng, một mùi mà cô vốn quen thuộc nên cứ thấy ngờ ngợ hoài. “Có khi nào là…” 

- Cô ơi, trong nước mắm của mình có để tắc đúng không cô?

Cô chủ quán, vốn đang bước ra từ từ với dĩa bánh xèo “hoành tráng” trên tay nhoẻn miệng cười:

- Chà, nhỏ này tinh ghê ta ơi. Trong nước mắm có tắc đó nhỏ. Chanh tạo vị, tắc tạo mùi, ngon quá xá ngon đúng hông con!

Tay gói rau gói bánh lia lịa, đầu Lam gật gù:

- Dạ đúng, ngon tuyệt!

Tư Khế - kẻ đang chiến đấu với mẹt bánh xèo to tướng - cũng chen vô nói một câu:

- Chứ còn gì nữa, nói cho cô biết, ở cả cái huyện này, bánh xèo bánh cống của Dì Út Thiệt là số một luôn đó.

Được thực khách khen ngợi hết mực, lòng cô chủ quán vui như trẩy hội:

- Mày đó nha, nịnh gì mà nịnh thấy ghê vậy à.

Tư Khế cười hì hì. Trong lúc đó, Lam nhìn vào mấy cái bánh xèo to tướng kia mà ngơ ngẩn. Trời ơi, to quá. Ở thành phố cũng đầy chỗ bán bánh xèo ra đó, không thiếu, nhưng đây là lần đầu tiên cô thấy người ta bán cái bánh xèo to đến cỡ này. To lắm, Lam đoán là chắc nó cũng phải cỡ khoảng ba mươi xăng ti. Cái nào cái nấy đều có lớp viền vàng tươi, phần tâm giữa bánh thì hơi xém nhẹ nhưng nhìn sao cũng thấy ngon mắt cả. Dù mới vừa ăn một mớ thức ăn chiên xào - mà cụ thể là bánh cống - nhưng Lam vẫn bị màu vàng ruộm của cái bánh làm thèm thuồng. 

“Mà thôi đi.” Khẽ thở dài, Lam ép bản thân dời mắt ra khỏi cái bánh xèo vàng rực kia. Phận ăn chực thì nên biết điều một tí. Nhưng lòng cô vẫn ước ao rằng phải chi cái ví cô vẫn còn đó, cô sẽ gọi luôn chục cái ăn cho đã thèm.

- Muốn thử không, làm cuốn luôn đi. Coi thử bánh xèo của Dì Út với mấy cái bánh trên thành phố cái nào ngon hơn.

Ngay lúc Lam đang chuẩn bị chiến đấu nốt với cái bánh cống cuối cùng thì Tư Khế bất chợt mời cô thử món. Hào hứng hết sức, Lam cầm đũa xắn thử một miếng nhỏ ở viền của bánh xèo. Giòn tan. Giòn đến mức mà chỉ cần bỏ vào miệng là có thể tan ra. Cái kiểu giòn ấy không giống với sự giòn hơi cứng của bánh cống. Tài nhất là cái bánh xèo của Dì Út không hề bị ngấy dầu ngấy mỡ, ăn sướng miệng vô cùng. Lam nhìn sang người phụ nữ đang ung dung ngồi trên ghế nhựa kia bằng đôi mắt thán phục đến tột đỉnh.

- Ngon quá rồi dì Út ơi.

Dì Út lại cười hì hì. Tư Khế cũng cười theo:

- Gì mà khen vội vậy. Thử một miếng ngay giữa bánh, có nhân đồ rồi hãy khen chứ!

- Thì giờ tôi thử liền nè.

Lam đáp. Cô lập tức lấy vài lá xà lách, cuốn một miếng bánh xèo ở giữa để ăn. Khác với phần viền bánh, phần ở giữa nhân này không giòn bằng. Vỏ bánh mềm hơn, dày hơn, nên chỉ cần cắn vào một cái sẽ cảm nhận được ngay vị béo đặc trưng của nước cốt dừa ở đó. Nhân bánh cũng được làm theo công thức truyền thống, gồm giá, thịt ba chỉ và tép sông. Ấy thế mà ngon, tép đậm đà, thịt mọng nước, giá ngọt thanh. Lam thấy không còn gì có thể tuyệt vời hơn được nữa.

- Quá ngon!

Không còn biết khen ngợi gì hơn, cô gái trẻ chỉ có thể dùng những từ đơn giản nhất để bày tỏ sự yêu thích lẫn thán phục của mình. Nhưng ngon mấy thì cũng phải no, vào lúc này, bụng Lam không còn chỗ nào để nhét thức ăn thêm được nửa. Cái miệng vẫn còn ham lắm, song dạ dày thật sự lực bất tòng tâm nên buộc lòng Lam cứ phải giương mắt nhìn Tư Khế ngấu nghiến mà thôi. Quá chán nản, cô ngả lưng ra dựa vào ghế nhựa, dõi mắt nhìn trời nhìn đất. 

Cơ mà, cái gì thấp thoáng xa xa thế kia?

Nheo mắt nhìn xem, một đứa cận sương sương hai độ như Lam mới nhận ra ở phía góc cây xa xa có hai người đang lấp ló. Hình như họ đang cố núp sau gốc cây ấy chứ, nhưng thỉnh thoảng lại ló cái đầu ra nhìn ngó vậy à. Bộ dạng lén lút của mấy đó làm Lam thấy bất an ngay, cô lập tức đưa tay ra khều Tư Khế mà nói nhỏ:

- Ê anh kia, khoan ăn, nhìn qua bên phía kia coi.

Đang cuốn bánh xèo quyết liệt mà bị ngắt ngang, Tư Khế cũng hơi bực bực, nhưng vẫn quay sang nhìn theo phía mà ngón tay Lam chỉ. Mặt hắn lập tức trở nên tái mét khi thấy hai cái bóng quen quen đang thập thò. Ơ cái tấm lưng cong cong kia, ơ bộ đồ bông hoa kia, còn ai khác nữa chứ! 

Thế là hắn lập tức đứng dậy, hét to lên:

- Ngoại ơi, ngoại làm cái gì ở đó vậy?

Từ sau gốc cây, một bà cụ mặt mày hiền từ bước ra ngay lập tức. Sau lưng bà ta là một người phụ nữ cũng đâu đó ba mươi, bốn mươi tuổi, có vẻ là người mồm mép liến thoắng đây mà. Nhưng hãy mặc kệ bà ta đi, vì vào lúc này, bà cụ mới là nhân vật cần chú tâm. Tay chống nạnh, mắt trợn má phồng, song chẳng hiểu sao Lam nhìn vô chỉ liên tưởng đến đám trẻ con phụng phịu chứ không thấy chút hung hăng nào cả?

- Rồi sao hả? Tao đi ngang đây cũng hổng được sao?

Tư Khế thở dài:

- Ngoại đi ngang thì được, có ai nói gì đâu. Nhưng rõ ràng là nãy giờ ngoại núp đằng đó mà, có phải là kiểu tình cờ đi ngang đâu ngoại?

Không còn gì để biện minh, bà cụ bắt đầu tỏ ra ngang ngược.

- Ờ rồi tao núp đó thì sao nào…

Tư Khế hoang mang lắm. Hắn không hiểu, mình cũng chỉ đi ăn có mỗi dĩa bánh xèo thôi, đâu phải chuyện gì to tát mà bà ngoại phải núp lùm ra xem.

- Ờ, mày bây giờ đủ lông đủ cánh rồi, không coi tao ra gì rồi.

Bà cụ nói, có vẻ như hờn dỗi lắm. Tư Khế càng hoang mang hơn:

- Ngoại giận con ăn bánh xèo hông rủ ngoại ăn chung hả? Con nhớ lần trước ngoại kêu già rồi, không muốn ăn mấy món chiên xào dầu mỡ nên con mới không rủ mà…

Lần này, bà cụ tung ra một câu đầy uy lực khiến cả Tư Khế lẫn Lam hoảng cả lên:

- Bánh xèo thì có gì mà thèm. Tao là tao muốn ngó mặt ghệ mày cho biết đó chứ!

Rồi bà cụ quay sang nhìn Lam từ trên xuống dưới:

- Con bé này được, nhỏ nhắn, dễ thương, hiền lành. Cặp mắt chột của mày mở ra cũng biết chọn ghệ quá ta.

Sốc, đứng hình hết mấy giây, hai người trẻ mới kịp hoàn hồn lại để rồi đồng thanh hô to:

- Không phải, bà hiểu lầm rồi bà ơi!

Bình luận (2)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

2 Bình luận

AUTHOR
Chẹp chẹp, chảy nước miếng ~ biết là trọng tâm của ch này nói về bánh cống, và tui cũng đọc lúc 3h chiều, ngay giờ xế. Nhưng tiếc quá, chỗ t ko bán bánh cống, nên chắc chiều đi ăn bánh khọt thay vậy, đọc tự nhiên thấy thèm... 🤤
Xem thêm
ngay Đầm Sen có chỗ bán, nhưng qua lâu vậy không biết còn bán không nữa. Thèm~
Xem thêm