Khi ô nhiễm môi trường đã được giải quyết, quá tải dân số và đất chật người đông sẽ trở thành vấn đề lớn nhất của nhân loại. Lương thực, thuốc men và cả nhà ở đều sẽ trở nên thiếu thốn khiến các tệ nạn như cướp bóc, trộm cắp, số lượng tội phạm ở mức độ khủng bố hoặc tổ chức tự xưng đều tăng một cách chóng mặt.
Các bộ óc lỗi lạc nhất thời đại ấy lại ngồi vào bàn nghiên cứu để cùng nhau tìm ra giải pháp, họ đề xuất, họ bác bỏ, cuối cùng một vị lên tiếng:
“Tại sao chúng ta không khai thác 71% diện tích còn lại của Trái Đất?”
Chỉ một câu nói đã có thể khai sáng con đường phía trước. Từ đó, việc chuyển một phần dân số từ mặt đất xuống sinh sống dưới đại dương trở thành mục tiêu hàng đầu của viện nghiên cứu và phát triển mang tên UNDI – một tổ chức khoa học tư nhân đã và đang đi đầu trong lĩnh vực này. Người ta đã tạo ra một bộ đồ với đủ chức năng hỗ trợ sự sống, khả năng bơi tự do trong môi trường nước cũng cực kì linh hoạt, các trạm hải dương với đầy đủ tiện nghi cũng đã được xây dựng.
Niềm hi vọng của nhân loại cứ lớn dần theo sự phát triển của dự án, những chuyến thử nghiệm đầu tiên, những lần tham quan mới nhất và cả những phát hiện chưa từng có về một hệ sinh thái được coi là còn hoang sơ hơn cả vũ trụ ngoài kia, tất cả đều được săn đón và mong chờ. Thế rồi đáp lại hi vọng ấy chính là một nỗi thất vọng nặng nề đến nỗi nó không được công bố. Những nhà nghiên cứu lại làm điều họ phải làm, tất cả các chi nhánh của UNDI trên toàn thế giới lại ngồi vào và nói về vấn đề ấy. Các giả thuyết liên tục được lập ra, tất cả tri thức của nhân loại đều thu bé lại vừa bằng một câu hỏi:
Tại sao bất kì ai mặc bộ đồ ấy sau một thời gian dưới hải dương đều gặp phải hoảng loạn?
“Đó chính là vấn đề tâm lý, từ trong bản năng con người đã nhận biết những yếu tố giúp ta bình tâm như âm thanh, gió, ánh sáng, ngay cả việc hít thở cũng vậy. Hoảng loạn trong phòng tối, sợ hãi khi đi đường buổi đêm chính là ví dụ dễ thấy nhất khi thiếu yếu tố ánh sáng và âm thanh. Tắm nắng khiến người ta thoải mái, nghe nhạc khiến người ta thư thái còn việc hít thở sâu luôn được khuyến khích như một biện pháp tự trấn an. Nói cách khác, để có thể giúp con người thích nghi với đời sống dưới nước, ta cần tìm các yếu tố tương ứng tạo ra cảm giác yên tâm khi ở dưới đại dương.” Một nhà khoa học đứng thuyết trình đưa ra lời giải thích.
Anh ta đeo một cặp kính to, trắng lóa vì ánh đèn hắt vào, cánh tay mảnh khảnh chỉ lên bảng minh họa đằng sau mình. Hội trường lớn, tối đen được lấp đầy bởi những bộ óc cao siêu đang nheo mắt đọc những dẫn chứng và số liệu. Bóng nhà khoa học trẻ gầy như thiêu thân hơi run, có lẽ vì chuyện lần này không chỉ liên quan đến việc thiệt hơn của nhân loại mà giải pháp nhóm anh muốn đưa ra cũng không phải một lựa chọn thường thấy.
Bầu không khí càng lúc càng ồn ào hơn, họ đang bàn tán, anh thanh niên rúm lại, âm thanh đến từ đủ thứ ngôn ngữ rộ lên trong hội trường này. Anh cảm thấy sợ, cái gọi là thất bại dường như đã tới khi giọng thảo luận nặng nề hơn. Siết chặt máy tính bảng trong tay, anh vẫn chẳng thể tự trấn an.
“Trật tự!” Vào đúng lúc mà mắt của người run rẩy trên bục diễn thuyết chuẩn bị mờ đi vì hoảng loạn, một giọng nam trầm bằng Quốc Tế Ngữ vang lên mạnh mẽ. Nhà khoa học trẻ nhận ra nó, thứ giọng của viện trưởng mà khi cất lên có thể đánh sập cả một đời nghiên cứu vất vả của người ta: “Nói đi, làm thế nào để chúng ta giải quyết vấn đề này?”
“Dĩ nhiên chúng ta phải nghiên cứu, hơn nữa, chúng ta phải nghiên cứu toàn bộ các cung bậc cảm xúc của con người, từ những khi hạnh phúc đến cả những lúc nguy hiểm nhất! Nếu có thể thành công giúp một người đứng yên và nhìn thẳng vào một con mực khổng lồ sống ở khu vực Đại Tây Dương, coi như chúng ta đã đại thành công!”
Anh bối rối khi nhận ra lời của viện trưởng nói không phải là đuổi cổ mình khỏi viện và trước khi tâm trí của người thanh niên kịp trở lại minh mẫn, miệng đã tuôn ra một tràng giải thích được uốn lưỡi hàng ngàn lần trước buổi thuyết trình ngày hôm nay. Nhà khoa học trẻ giữ hơi thở ổn định lại và cố bình tĩnh vì hành động thiếu tính toán vừa rồi.
Từ trung tâm của hội trường, ánh đèn pha chiếu thẳng vào người đàn ông đứng tuổi râu dê trong áo blouse trắng, nét hứng thú qua cái nhếch mép nhanh như cánh ruồi của ông đã phần nào giúp anh thanh niên cảm thấy chắc chắn hơn. Anh biết mình đã thành công gợi ra suy nghĩ của viện trưởng bằng những lập luận vừa rồi.
“Viện chúng ta phải thông báo về rủi ro trước khi tuyển người. Ai có sáng kiến gì để tạo ra một môi trường nguy hiểm mà vẫn có người tình nguyện làm thí nghiệm?”
Đám người im lặng lại càng thêm im lặng, từ lúc mà viện trưởng thực sự cảm thấy kế hoạch khả thi, từ lúc mà một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất thời đại này bắt tay vào suy nghĩ, bất cứ câu nói nào chưa được chuẩn bị kĩ càng đều có thể bị ông chỉ ra lỗi. Nói cách khác, câu: “cái mồm hại cái thân” chưa bao giờ hiện thực như lúc này, mọi người sẽ lựa chọn biện pháp an toàn là nín thít.
“Nhóm của bọn tôi có đề xuất. Nguy hiểm, gay cấn trong từng nhịp thở không phải là đặc điểm của các tựa game thực tế ảo tăng cường sao? Chúng tôi muốn tạo ra một tựa game như vậy, tất cả dữ liệu về phản ứng của con người dưới nước sẽ được thu thập và tạo ra bộ đồ có thể đáp ứng các cảm giác an toàn!” Nhà khoa học trẻ lên tiếng, ánh đèn chiếu rõ từng giọt mồ hôi nóng hổi trên khuôn mặt gầy gò.
“Có vẻ thú vị đấy... tên của nó là gì?” Viện trưởng UNDI nhấc người khỏi ghế, nghiêng về phía trước rồi chống tay vào bàn. Mắt ông híp lại như một người già đã lẩm cẩm và hỏi.
Anh thanh niên ngỡ ngàng, cánh tay run mạnh hơn, mạnh đến nỗi mà từ cuối hội trường cũng có thể nhìn thấy dao động. Bằng tất cả hơi sức của mình đối với sự nghiệp, anh gần như đã hét lên:
“Viện chúng ta là Underwater Normalize Development Institute tức Viện Nghiên Cứu Bình Thường Hóa Đại Dương, tên của game thực tế ảo tăng cường sẽ là UNDO: Underwater Normalize Development Online!”
Tiếng xì xào bàn tán vang lên, UNDO, UNDO, cái tên UNDO như để biểu thị cho mục tiêu của nó: sửa chữa sai lầm của nhân loại. Giọng nặng âm, giọng lơ lớ, giọng lai và còn chưa thoát khỏi phát âm của tiếng mẹ đẻ hòa vào nhau cứ như một dàn hợp xướng đa quốc gia, họ nối dài chữ UNDO trong khi anh thanh niên cố cắn chặt môi và cầu nguyện.
“Ai đồng ý khởi động UNDO hãy bấm nút đỏ trên màn hình tương tác.” Viện trưởng cười, đập tay vào bàn, ra hiệu cho đội hậu cần chuẩn bị.
Tiếng bíp bíp kéo nhau kêu vang làm anh thanh niên liên tưởng về tiếng của thiết bị đo điện trở khi kín mạch. Hội trường trực tuyến trước mặt anh là tất cả các chi nhánh trạm hải dương và phòng nghiên cứu UNDI trên Địa Cầu này. Đôi ba người rất thích thú khi nghĩ đến thử nghiệm, việc tình nguyện viên lao vào nguy hiểm làm họ như muốn hát lên: chuột bạch ơi chuột bạch hỡi, đến khi vào lồng chuột vẫn còn vui.
“86% hội đồng đồng ý cho việc khởi động game UNDO, việc đến đây coi như chốt!” Viện trưởng viện UNDI đập tay một lần nữa, hô lớn lên.
Âm thanh vừa thoát khỏi miệng ông không còn được miêu tả bằng sóng âm dao động trong không khí rồi va vào màng nhĩ nữa, nó giống như tiêm vào người nhà khoa học trẻ một liều vaccine lạ lẫm và kích thích tất cả tế bào, khiến chúng lao vào làm việc, khiến chúng mừng nhưng cũng khiến chúng lo cho con đường gian lao đang chờ phía trước.
Anh cố gắng bước từng bước khỏi ánh đèn nặng nề chiếu trên thân mình. Ngay khi xác định mình đã khuất khỏi tầm nhìn của những vị bác học trên kia, nhà khoa học trẻ hét lên:
“Dũng, anh đã làm được rồi!”
5 Bình luận