Khi tỉnh lại thì trời đã sáng từ khi nào, tôi khỏe khoắn như chẳng có chuyện gì xảy ra. Áo giáp cũng không có gì hư hại. Lẽ nào trận chiến sống chết hôm qua chỉ là một giấc mơ thôi? Ha, làm gì có chuyện đó, bởi xác con gấu xám vẫn còn chình ình trước mắt tôi đây này.
Hây da! Chỉ trong hai ngày mà suýt chết hai lần thì quả là xui tận mạng. Thôi vậy, lần sau sẽ cẩn thận hơn.
Nguy hiểm thật, nguy hiểm thật, điều cần làm nhất lúc này chắc chắn là ra khỏi khu rừng càng sớm càng tốt. Mà trước tiên cần phải xử lý xác con gấu mới được. Thiêu hay chôn đây? Thiêu thì tốn thời gian với cần nhiều củi quá thể, còn chôn thì cần xẻng, ừm…
Ra là vậy, vừa nghĩ thế, tôi vừa lấy cây xẻng ra từ túi thần. Sau khi tìm được một chỗ thích hợp tôi bắt đầu đào bới liên hồi. Vài phút lao động vất vả trôi qua và một cái hố to tướng sâu hơn ba mét được tạo thành. Tôi đặt xác con gấu xám bất hạnh vào đó rồi lấp đất lại. Chắp tay sám hối trước lỗi lầm của mình và cầu nguyện cho con gấu có thể an nghỉ, lên thiên đàng hoặc đầu thai thành một con gấu tốt.
Khi đã hoàn thành xong mọi chuyện, tôi chuẩn bị lên đường. Tôi đổ đầy bình nước từ dòng sông trong vắt kia. Mấy hôm nay tôi cũng chẳng uống bao nhiêu vì không cảm thấy khát lắm, nhưng chuẩn bị trước vẫn hơn. Ừm, nước ở đây khá ngon, không nhạt nhẽo như ở mấy con suối mà tôi bắt gặp những ngày trước.
Sau đó, tôi bắt đầu đi dọc con sông. Có điều, đây không phải là tốc độ bình thường. Những ngày băng rừng mệt mỏi và những trải nghiệm thoát tim đã cho tôi hiểu rõ hơn một chút về sức mạnh của bản thân.
Tôi thấy mình thông minh lên kha khá, không, gọi là suy nghĩ nhanh hơn mới đúng. Các con số 66.6 và 33.3 có vẻ là một mốc giới hạn sức mạnh.
Nghĩ một cách đơn giản thì tôi chỉ có thể cường hóa hai khả năng lên mức độ tối đa mà thôi. Chẳng hạn như nếu muốn cả tốc độ và sức mạnh đều ở mức cao nhất thì các giác quan khác sẽ không hoạt động đồng thời tôi sẽ kiệt sức trong một nốt nhạc, đại loại vậy.
Thực tế thì cảm giác khó thở, ù tai, mắt mờ hoặc không nhận biết được môi trường xung quanh đôi khi vẫn xảy ra khi tôi không kiểm soát năng lực hợp lý. Nhưng nếu biết điều chỉnh, chắc chắn sẽ có nhiều cách kết hợp để tạo ra những kiểu năng lực cho từng tình huống khác nhau, song vấn đề phức tạp đó thì khi khác hãy bàn tới.
Trở lại vấn đề về cách sử dụng năng lực vào việc đi lại. Đầu tiên, bỏ qua vị giác và khứu giác, vì chúng không quá cần thiết. Còn lại ta có sức mạnh, tốc độ, sức bền, thị giác, thính giác và xúc giác, cộng với giới hạn là 66.6, đó là những dữ kiện của bài toán. Cào bằng từng năng lực vào khoảng gấp mười lần thì sẽ vẫn nằm trong khoảng cho phép, và tôi sẽ sở hữu năng lực gấp mười lần người bình thường gần như là về mọi mặt. Đây là đáp số tôi đưa ra cho bài toán này.
Tất nhiên là không đơn giản như thế, nếu sử dụng năng lực mà dễ và đúng như làm toán vậy thì rõ không ổn. Thực tế, tôi chỉ có thể cố giữ cho cơ thể trong một khoảng nhất định, chắc là khoảng gấp bảy đến tám lần so với người bình thường, và đó chỉ mới là xét về mặt tốc độ. Những thứ còn lại thì chỉ biết cố gắng bắt kịp mà thôi.
Tuy nhiên, đây chỉ là suy luận của tôi, có thể nó ngẫu nhiên phát triển theo hướng này, cũng có khả năng nó không đi theo một con đường tuyến tính nào cả. Nhưng vẫn câu cũ thôi, chuyện gì khó thì cứ để sau, còn bây giờ phải khỏi nơi rừng rú này trước đã.
Tôi đi liên tục. Thật sự là thế đấy, giữ tốc độ tối đa mình có thể, tôi cứ đi không ngừng nghỉ. Một hành trình mệt mỏi về cả thể xác lẫn tinh thần, tinh thần là phần nhiều. Lúc nào cũng phải căng dây thần kinh ra để bộ não hoạt động hết công suất, giống như đang làm bài thi ấy.
Đến lúc xế chiều mặt trời lặn, rồi đến lúc trăng lên tôi vẫn chưa thoát ra khỏi khu rừng này. Nhưng biết làm sao được, vẫn phải tiếp tục thôi.
May là trời không phụ lòng người. Khoảng một giờ nữa trôi qua, cuối cùng tôi cũng đã đến được đích. Một thảo nguyên trải rộng, không còn bất cứ thứ gì cản trở, một vùng trời thoáng đãng được mở ra. Những đồng cỏ mướt rượt, những quả đồi xa xăm bị bóng tối che lấp… À tôi mệt quá rồi, nhưng vẫn chưa dừng lại được, một chút nữa…
Tôi tiếp tục cất bước, từ từ bỏ khu rừng đại ngàn lại phía sau. Rồi khi đã đi được vài cây số, tôi dừng lại dưới gốc cái cây to lớn có cái thân phát phì quá mức. Tôi chỉ muốn ngủ, muốn ngủ một giấc tới sáng, mà chưa được. Nhóm một đống lửa từ những cành khô nhặt nhạnh được. Ăn nhanh bữa tối với thực đơn cũ. Xong xuôi, tôi chui vào trong con nhộng và chợp mắt ngay lập tức.
Sáng hôm sau, mọi thứ có vẻ khá hứa hẹn. Trời đẹp, nắng vàng, mát mẻ và dễ chịu. Thỉnh thoảng lại có những cơn gió mát lành tạo thành những cơn sóng lan rộng cả đại dương xanh mát.
Ở xa xa tôi nhìn thấy những làn khói bốc lên, nó không giống từ một đám cháy, mà giống như khói bếp lò hơn, từng cột từng cột bốc lên cao. Đích đến kế tiếp đã được xác định, và còn gì hợp lý hơn khi nó ở hướng Nam.
Tôi chẳng xác định được khoảng cách từ đây tới đó là bao nhiêu, nhưng cứ đi trước đã. Nếu giữ phong độ như hôm qua, biết đâu ngay trong hôm nay, tôi có thể đến được thị trấn hay ngôi làng đó. Kể ra cũng khá mỉa mai, tôi mắc chứng sợ con người kinh niên mà, song lúc này thì lại mong được gặp người khác, muốn nói chuyện, muốn nhìn thấy mọi người.
“Haiz, cô đơn quá lâu rồi chăng?”
Sau vài tiếng đi trên bãi cỏ xanh tươi, tôi tìm thấy một con đường mòn hướng về phía ngôi làng và đi theo nó. Đường đi khá bằng phẳng, thỉnh thoảng lại bắt gặp một vài loài vật ăn cỏ, rồi chốc chốc lại gặp những cây (trông như) bao báp khổng lồ.
Đến lúc xế chiều, đích đến đã gần, được báo hiệu bằng một cánh đồng lúa bạt ngàn đang ở trước mặt. Tôi trở lại trạng thái bình thường và ngồi xuống nghỉ tạm một lúc. Đồng thời suy nghĩ sẽ bắt chuyện với người dân ở đây như thế nào. Phải giới thiệu sao về bản thân, từ đâu tới, có mục đích gì, vân vân và mây mây. À, tôi tên gì? “Lero Hast”, ừm đúng, suýt nữa tôi quên mất điều này.
Trong lúc ấy, tôi trông thấy bóng hình con người. Thôi thì tạm bỏ qua những chuyện phức tạp đi, cứ chào hỏi người ta trước đã. Tôi đi về phía họ, đứng thẳng lưng và bước những bước vững chãi nhất. Dù nhìn vẻ ngoài của tôi khá là bẩn và dơ nhưng dù sao cũng phải thể hiện được thần thái. Tạo ấn tượng tốt là điều quan trọng cần phải làm...
Nhưng… hình như có gì đó kì lạ… bốn người kia đang chơi đuổi bắt à?
Không! Hoàn toàn không có chuyện đó! Hai cô thôn nữ đang bị hai con, ừm là goblin thì phải, rượt đuổi… Mà bây giờ có phải là lúc để hóng chuyện đâu, tôi vắt chân lên cổ chạy tới ứng cứu.
“Khoan, hãy dừng tay lại!!!” Nhưng hình như không ai nghe thấy tôi cả.
Con goblin phóng dao tới. Chân của một cô gái bị nó găm trúng làm cô ngã sõng soài ra đất. Cô thôn nữ còn lại đang cắm đầu chạy thấy thế vội quay lại. Nhưng ngay đó, một con goblin đã bắt kịp họ, nó nhảy xổ lên người cô gái bị thương, rút con dao ra đưa lên cao định đâm một nhát lấy mạng cô thôn nữ.
Tôi đang chạy hết tốc lực, nhưng không kịp mất. Tôi phải nhìn người con gái đó bị giết sao? Không. Tôi lập tức nhặt một cục đá ở ven đường và dùng hết sức bình sinh, ném về phía con goblin. Bằng một cách nào đó, cục đá đập ngay vào đầu con quái khiến nó choáng váng ngã sang một bên, may mắn làm sao!
Con goblin còn lại cũng đã bắt kịp, nó không hề ngần ngại mà tiếp tục tấn công hai cô gái. Nhưng không may, tôi đã tới nơi và tung ra một cước đá văng nó ra xa.
Ngay sau, tôi rút thanh đoản kiếm ở thắt lưng ra và hướng về phía con goblin đang choáng váng. Tôi dùng tay và chân khóa chặt cử động của nó và kề ngay thanh kiếm vào cổ goblin A (tạm gọi). Trong khi đó, goblin B (tạm gọi) đang chật vật đứng dậy.
“Tên kia, dừng lại, bỏ vũ khí xuống!” Tôi nói với goblin B. Đến lúc này tôi mới có thời gian nhìn kỹ giống loài fantasy nổi tiếng này. Ờ, goblin chỉ là goblin thôi. Song, bọn goblin này trông cũng thông minh sáng dạ đấy.
“Ngươi-biết-ngôn-ngữ-của-chúng-ta-sao?” Goblin B bất ngờ đáp.
Nghe đồn là thế giới này có ngôn ngữ chung mà, bọn này không biết à? Vậy là nhờ năng lực thông dịch chăng?
“Ờ, đúng vậy”, tôi đáp. “Mau bỏ vũ khí xuống và đầu hàng đi! Nếu không ta sẽ gi… (khó nói thế nhỉ) sẽ giết tên này đấy!” Tôi vừa kề kiếm ngang cổ goblin A vừa lên giọng uy hiếp.
Goblin B không trả lời mà nhìn chằm chằm vào tôi, đôi mắt nó đỏ ngầu và cái nhìn đầy hận thù. Quả thật nó làm tôi thấy thật hãi hùng. Không như lần đối mặt với con gấu xám, con goblin trước mặt tôi bây giờ yếu hơn rất nhiều nhưng lại mang cảm giác đáng sợ theo cách khác.
Trong lúc đó, goblin A dần dần cựa quậy, cố gắng thoát khỏi sự khống chế của tôi. Nhưng có vẻ nó không đủ sức để làm điều đó. Chỉ với cú ném là đủ khiến nó hấp hối rồi. Tốt nhất nó nên giữ lấy chút sức lực cuối cùng để bảo toàn tính mạng, đừng cố gắng vùng vẫy làm gì.
Tuy vậy, mọi thứ lại đi ngược với những gì tôi nghĩ. Goblin A ngày càng vùng vẫy điên cuồng hơn và hét lên bằng cái giọng khàn đặc của mình, nếu được thì tôi chẳng muốn nghe đâu, ấy thế mà từng chữ từng câu lại rõ ràng đến đáng sợ.
“GIẾT-GIẾT-GIẾT!!!”
Thế là goblin B lao thẳng tới, nó nhắm vào hai cô gái sau lưng tôi. Còn goblin A thì vẫn ra sức vùng vẫy, dùng móng vuốt cố cắt vào tay tôi. Chẳng thể nào hiểu nổi tại sao chúng phải kiên quyết như thế!? Nhưng suy nghĩ đó lúc này không còn cần thiết nữa rồi.
“Xin lỗi…” Vừa dứt lời lưỡi kiếm của tôi đã gắt ngang cổ goblin A.
Ngay lập tức, tôi quay người, đâm mũi kiếm về phía goblin B. Nó hoàn toàn chẳng quan tâm, chỉ nhắm thẳng về phía hai người kia, nhờ đó mũi kiếm của tôi dễ dàng xuyên qua tim goblin B. Và đến khi tôi rút thanh kiếm ra nó chỉ còn thoi thóp chờ chết. Hai sinh mạng vừa bị tước đi. Trên lưỡi kiếm và phần giáp tay phải, máu vẫn còn đọng lại. Sức nặng của máu làm tay tôi rung lên khe khẽ. Khó chịu thật! Nghĩ đến việc tôi phải dần quen với điều này, càng khó chịu hơn nữa…
Phù…
Ôi ôi, tiếp theo mới là vấn đề nan giải hơn đây. Tôi quay mặt lại nhìn vào hai người con gái kia. Thật không may, họ có vẻ khá sợ sệt. Khuôn mặt tái xanh, còn đôi mắt thì đẫm nước. “Với tình huống khó xử thế này chỉ cần một nụ cười tự tin.” Ừm, quyết vậy đi.
Tôi rủ sạch lớp máu dính trên kiếm rồi tra nó vào thắt lưng. Sau đó, chỉnh lại phục trang rồi từ từ và điềm tĩnh tiến về phía họ. Lúc này tôi mới để ý đến diện mạo của hai cô gái. Cả hai người đều mặc trang phục thôn nữ giản dị. Khuôn mặt có đôi nét giống nhau, nhìn chung cũng khá dễ thương đấy. Cô gái lớn hơn có mái tóc nâu dài và thắt thành bím, còn cô gái nhỏ thì có mái tóc ngắn cùng màu. Có lẽ họ là hai chị em, người chị lớn chắc tầm mười tám hai mươi, còn cô em thì khoảng tầm chín mười tuổi.
Tôi nở một nụ cười thật tươi và hỏi thăm tình hình hai người đó: “Hai cô không sao chứ?” Kể cũng hơi nhảm bởi cô chị đang bị con dao đâm vào chân mà.
“……. A …ưm…” Cả hai người đều trân trối nhìn tôi mà chẳng thốt nên lời nào. Coi nào, tôi có làm gì họ đâu, sao lại nhìn tôi với ánh mắt sợ hãi thế kia?
“Hai người không cần sợ. Tôi chỉ là một lữ khách qua đường, thấy người bị nạn nên ứng cứu thôi.” Tôi dịu giọng nói. Lời thoại ổn đấy chứ?
Một khoảng thời gian nghỉ để chờ phản hồi, cuối cùng đã có người lên tiếng. “A…ừm, c-cảm ơn anh đã cứu bọn em.” Cô chị ngập ngừng nói.
“Không cần khách sáo, việc nên làm thôi mà. Với lại chân em không sao chứ?”
“A!” Cô chị kêu lên một tiếng, có vẻ như sực nhớ ra cơn đau.
“Chị không bị sao chứ?”
“Ừm, chị không sao đâu, chỉ là có hơi đau chút xíu.”
“À, thật ra thì anh có việc muốn nhờ hai em.” Tôi nói. “Có phải mấy em là người ở làng này không?”
“Dạ… đúng ạ.”
“Nói ra thì cũng hơi xấu hổ, chuyện là anh đã bị lạc đường mấy hôm nay,” tôi nói. “Chẳng tìm thấy nơi nào có người ở cả, lương thực và nước cũng gần hết rồi. Nếu các em thấy ổn có thể dẫn anh đến làng được không?”
“Dạ… vâng, cũng được ạ.” Có đôi chút ngập ngừng nhưng cô chị đã đồng ý với lời nhở vả của tôi.
“Vậy cảm ơn hai em trước nhé. À, quên chưa giới thiệu anh là Lero Hast.”
“A vâng, em tên là Lyly Daisy. Còn đây là em gái em…”
“Lala.” Cô em gái lên tiếng.
Tình hình có vẻ khả quan đây, rồi tiếp theo thì hành động theo lẽ thường nào.
“Lyly này, chân em có vẻ không ổn đâu, để anh cõng em nhé!” Tôi đưa tay về phía Lyly và bảo thế, thật ra thì nếu được tôi muốn xử lý vết thương đó trước, bởi con dao vẫn còn găm sâu trong bắp chân của cô bé mà; nhưng tốt hơn hết là nên để cho người có chuyên môn làm.
“Không cần đâu ạ, thế thì làm phiền anh quá, em tự đi được mà.”
“Ô kê, vậy chúng ta đi thôi.” Tôi đáp, và khi nhìn thoáng qua vẻ mặt của Lyly tôi thoáng thấy có chút bất ngờ, thú vị đấy.
“… Ừm vậy…” Lyly cố gắng đứng lên, cố đi vài bước nhưng lại khụy xuống ngay. Tôi không bỏ lỡ cơ hội, liền đỡ lấy em ấy và thản nhiên bảo: “Như thế không tốt cho vết thương đâu.”
“V-Vậy thì… phiền anh ạ.” Lyly bối rối đáp.
“À khoan, đợi một chút nhé.” Tôi nói, rồi vội chạy biến đi khuất sau một gốc cây. Một phút trôi qua, tôi quay lại.
“Đi thôi nhé.” Tôi vừa nói vậy vừa ngồi quỳ xuống để Lyly bám vào.
“Nhưng hình như, lúc nãy… thanh kiếm…”
“À, anh cất tạm nó đi rồi.”
Có vẻ vẫn còn nghi vấn gì đó nhưng cuối cùng Lyly vẫn để cho tôi cõng. Cũng chẳng nặng là bao. Mùi hương hoa nhẹ nhàng phảng phất trong không khí và sự mềm mại… E hèm, không nên đào sâu thêm, đúng vậy không nên.
“Lala này, em dẫn đường nhé!” Lyly nói.
“Ưm, cứ giao cho em.” Cô bé tươi cười trả lời, trông dễ thương thật đấy. À, hơi lan man rồi.
Chuyện diễn ra sau đó khá là rắc rối. Lúc chúng tôi về đến làng thì trời đã chập tối, cả làng được một phen náo động. Mới đầu, mấy người cảnh vệ còn tưởng tôi là kẻ xấu xa đã làm hại hai cô bé này, họ vây tôi lại và định đập cho một trận nhưng may mắn là mọi chuyện đã được giải thích rõ ràng. Tôi cũng đã gặp mẹ của hai chị em, đó là cô Anna. Ban đầu thì cô còn chẳng để ý đến tôi vì khi nghe được tin dữ cô đã bỏ mặc hết mọi thứ mà chạy tới ôm chầm lấy hai chị em Lyly. Họ vừa khóc, vừa bắt đầu kể lại mọi chuyện. Nghe đâu hình như hai cô bé đã ra khỏi làng để đi hái loại thảo dược gì đấy về chữa bệnh cho mẹ nhưng không may lại gặp phải hai bạn goblin khốn khổ đó. Mọi chuyện tiếp theo thì như những gì ta vừa trải qua thôi.
Việc sau đó là chữa trị vết thương cho Lyly. Họ tới nhà của bác sĩ duy nhất trong làng, nhưng ông đã đi vào thành phố mấy bữa nay rồi, chỉ còn có người con gái, tầm hai lăm hai sáu tuổi ở lại. Khá may mắn, chị này cũng biết về y thuật nên Lyly đã được cứu chữa kịp thời và không có di chứng gì về sau.
Khi mọi việc đã đâu vào đó thì sự chú ý lại đổ dồn đến tôi. Hiện tôi đang ở nhà của trưởng làng để giải thích một số việc. Đại loại thì trưởng làng muốn tôi nói rõ xuất thân cũng như mục đích đến làng và vài thứ khác.
Tôi là anh hùng. Nói vậy là mọi việc xong ngay, nhưng là xong theo kiểu khác. Ngay cả tôi cũng chẳng thể nào tin một câu chuyện hư cấu thế kia. Bịa ra một câu chuyện là phương án hợp lý nhất. Với kinh nghiệm mười hai năm học ngữ văn và hơn hai mươi năm xem phim, đọc truyện, hãy xem tôi chém đây:
“Từ nhỏ cháu đã sống trong rừng cùng với ông. Ngày qua ngày chỉ có cỏ cây, muôn thú làm bạn. Chúng cháu sống trong một căn nhà nhỏ nằm gần con sông chảy qua rừng. Ở xung quanh nhà, ông xây một hàng rào bằng toàn cây nhọn và không bao giờ cho cháu đi ra khỏi đó mà chỉ có ông là người đi săn và hay vắng nhà. Ông cũng thường hay nói là bên ngoài hàng rào là lãnh địa của tụi quái vật khủng khiếp và quỷ ăn thịt người, nên cháu không được ra ngoài; chỉ có ông, người mạnh mẽ nhất mới có thể làm điều đó.
“Vào những lúc rãnh rỗi, ông có dạy kiếm cho cháu, nhưng ông luôn bảo rằng cháu chẳng có chút tố chất gì, chỉ biết dùng sức mà vung kiếm thôi. Cuộc sống yên bình cứ tiếp tục như thế cho đến khi cháu đã quá lớn để quanh quẩn ở nhà nên cũng có vài lần ông dắt cháu đi săn cùng. Thật sự mọi thứ cũng không đáng sợ như ông nói.
“Nhưng rồi một ngày, trong lúc mải mê rượt theo một con thỏ rừng, cháu bị lạc khỏi ông. Và xui rủi thế nào, cháu giáp mặt với một con gấu xám khổng lồ. Cháu đã cực kỳ sợ hãi và chẳng thể làm được gì cả. Nhưng ngay lúc đó, ông lại xuất hiện và cứu cháu thoát chết. Ông và con gấu xám quyết đấu một trận… cuối cùng con gấu xám ngã xuống với vết đâm chí mạng trên ngực còn ông thì cơ thể đầy đầm đìa máu. Trong khi đó, cháu sợ hãi rút vào một góc.
“Ông đến ngồi xuống bên cạnh cháu, không hề trách mắng rằng cháu vô dụng và nhát gan như thường lệ, mà chỉ nhẹ nhàng xoa đầu cháu. Sau đó, ông ngã xuống và chẳng bao giờ trở dậy nữa. Đó là chuyện của ba tháng trước.
“Sau khi an táng cho ông, cháu trở lại ngôi nhà cũ, song cũng chẳng được bao lâu. Cháu bắt đầu cảm thấy cô đơn và một nỗi đau đớn kì lạ khi cứ sống trong căn nhà đó. Rồi vào một ngày cháu lục tung căn nhà lên thì phát hiện được bộ giáp này và một lời nhắn chỉ vẻn vẹn vài từ: ‘Hướng về phía Nam’. Thế, cháu quyết định lên đường vì một thứ gì đó mình cũng không rõ. Và sau bao ngày băng rừng vượt suối, cháu đã đến được nơi đây.”
Tôi đã vắt óc từ sáng tới giờ, hợp lý không? Trong lúc kể, tôi còn cố thể hiện một khuôn mặt buồn thảm, mà cũng chẳng phải diễn gì cho lắm đó là cảm xúc thường trực của tôi. Lúc trước mọi người vẫn hay bảo rằng tôi có khuôn mặt chán ngắt và là bậc thầy trong việc lan tỏa năng lượng tiêu cực mà… à không liên quan cho lắm, xin lỗi.
Không biết những người ở đây có tin câu chuyện này hay không. Nhưng nhìn phản ứng chăm chú lắng nghe của họ, tôi nghĩ là có, thậm chí có người còn rưng rưng nước mắt nữa. Bỗng ông trưởng làng, ông lão với mái tóc bạc trắng, dùng đôi bàn tay rắn chắc và chai sạm của mình nắm chặt lấy tay tôi:
“Thật lòng lão rất tiếc cho mất mát của cậu và lão cũng xin tạ lỗi vì hành động tắc trách vừa rồi. Đối xử với một vị khách, à là ân nhân cứu mạng của người làng như vậy thật thất lễ quá. Nhưng mong cậu hiểu cho, trong những ngày tháng hỗn loạn này, bọn lão không thể nào hạ thấp cảnh giác được. Bây giờ mọi chuyện đã sáng rõ, cậu hãy ở lại đây để làng có thể báo đáp ân tình này, còn nếu cậu muốn đi đến nơi khác thì bọn lão cũng sẽ cố gắng hỗ trợ.”
Hả, không ngờ mọi chuyện lại dễ dàng như vậy.
“Dạ, cháu vô cùng biết ơn lòng tốt của ông và mọi người. Nhưng trước hết cháu có một vài thắc mắc, mong được mọi người giải đáp ạ.”
“Ồ thế thì cậu cứ hỏi, lão và mọi người đây sẽ dùng tất cả hiểu biết của mình để trả lời.” Trưởng làng đáp. “Thắc mắc của cậu là gì, cậu Lero Hast?”
“Cứ gọi cháu là Lero là được rồi. Mọi người cũng cứ gọi cháu như thế nhé!” Tôi vừa nói thế vừa quay mặt về phía những người còn lại trong ngôi nhà, sau khi nhận được cái gật đầu vui vẻ, tôi lại tiếp tục: “Vâng, thắc mắc của cháu là…”
‘Do cháu còn thơ dại chưa biết gì về thế giới này nên mong mọi chỉ bảo ạ’, đại loại thế. Một con người hầu như chẳng hiểu biết gì về thế giới mà mình đang sống quả thực nghe quá vô lý, nhưng sau khi dựng nên câu chuyện kia thì tôi đã hợp lý hóa được sự vô lý này rồi.
Thế là trưởng làng tốt bụng giảng giải cho tôi mọi thứ. Một bài thuyết minh dài dằng dặc về địa lý, lịch sử, văn hóa từ xa xưa đến nay. Một vài thông tin tôi nghe tai này ra tai kia, nhưng có những thông tin tôi đã ghi lại kỹ càng vào bộ não của mình.
Nghe bảo hôm nay là ngày 27 tháng 9 năm 2112 tính theo niên lịch Hoperia (niên lịch chuẩn ở thế giới này). Và nơi đây là làng Rie, một ngôi làng bình thường nẳm biên giới giữa quốc gia con người và Ma tộc. Nơi đây nằm ở phía Tây Bắc thành phố Sern Rigte, trong lãnh thổ của vương quốc Hoperia thuộc đại lục Origina.
Tôi được biết thêm, mặc dù nằm ở vị trí nguy hiểm nhưng làng Rie chẳng mấy khi bị cuốn vào chiến trận, lý do theo họ nói là do sự bảo hộ của khu rừng. Khu rừng phía bắc (nơi tôi bắt đầu hành trình) có tên là rừng mê hoặc Lartzod, được lấy theo tên của cây đại thụ cao nhất trong khu rừng ấy, nghe nói đó là loại cây đã tồn tại từ thuở khai thiên lập địa và đã tuyệt chủng gần hết.
Rừng mê hoặc là một khu rừng cực kỳ nguy hiểm với đủ thứ quái vật ăn thịt người, những hiểm họa không bao giờ có thể lường trước và đặc biệt là khi đã đi vào khu rừng này, không một ai có thể thoát ra được. Song trưởng làng cũng giải thích thêm, rằng khu rừng tuy mang sự bí hiểm khôn lường, nhưng những điều đáng sợ trong đó chưa bao giờ quấy rầy đến thế giới bên ngoài và câu chuyện về một vị thần sống sâu trong rừng Lartzod, mang hình dáng một con sói đen. Ngài chính là người bảo hộ cho khu rừng và thảo nguyên rộng lớn trải dài xuống phía Nam, bao gồm cả làng Rie.
“Nhờ ngài mà làng rất ít khi chịu ảnh hưởng bởi chiến tranh.” Trưởng làng nói tiếp. “Nhưng dạo gần đây, làng chúng ta liên tục bị quấy rầy bởi bọn goblin, chẳng biết chúng từ đâu ra nữa. Lão đã cử vài người đi tuần, cũng đã cắt cử thêm người canh gác và gia chắn hàng rào. Tình hình sau đó lắng dịu hơn chút, một tuần rồi chúng ta không còn nhìn thấy bọn nó nữa. Nhưng không ngờ chúng vẫn còn lãng vãng, thậm chí dám tấn công người làng như thế. Cậu có nghĩ bọn chúng đang âm mưu gì không, cậu Lero?”
“Vâng, có lẽ chúng vẫn đang ẩn nấp quanh đây đợi chờ cơ hội.”
“Theo lão thấy thì cậu nên ở lại đây một thời gian sẽ tốt hơn.” Trưởng làng nói. “Ngôi làng này cách thành Sern Rigte cũng gần năm mươi dặm đấy, có biết bao nhiêu hiểm nguy trên đường đi. Nhưng, nếu cậu muốn ra đi sớm thì bọn lão cũng sẽ tìm cách giúp đỡ.”
“Vâng, cảm ơn mọi người, cháu sẽ ở lại đây ít lâu. Thế có làm phiền mọi người không?”
“Không đâu chàng trai, cậu là ân nhân cứu mạng Lyly và Lala mà. Không phải ngại, có việc gì cần thì cứ nhờ mọi người nhé! À còn nữa, có thể vài tuần sau chúng ta sẽ rời khỏi đây, lúc đó cậu đi cùng với bọn ta sẽ an toàn hơn nhiều đấy.”
“Vâng? Mọi người định rời bỏ nơi này sao ạ?” Tôi không khỏi thắc mắc.
“Đúng vậy, nguy cơ chiến tranh đang ngày càng lớn.” Trưởng làng buồn bã nói. “Trước đây cũng có những thời điểm như vậy nhưng làng ta vẫn trụ lại nơi đây là vì có giao ước không được tấn công vào làng của dân thường. Nhưng theo những gì lão nghe được thì Ma tộc đã phá vỡ giao ước đó rồi, lão đoán bọn goblin xuất hiện gần đây chính là minh chứng làng đang bị nhắm đến. Dù sao thì tính mạng dân làng vẫn quan trọng hơn. Mọi người đã bàn bạc rất kỹ mới đi tới quyết định này. Lão cũng đã cử vài người đến thành phố nghe ngóng tin tức và những gì họ nhận được chẳng khả quan chút nào. Nếu không có tin gì tốt lành thì chắc chỉ hơn hai tuần nữa chúng ta sẽ phải di tản đến Sern Rigte.”
Không khí xung quanh chùn xuống buồn bã, mặt ai nấy đều ảm đạm và một khoảng lặng dài trôi qua.
“A ha ha tại sao lại nói những chuyện thế này trước mặt khách quý chứ? Trước hết phải lo tiếp đón cậu Lero đây thật nồng hậu mới phải!” Trưởng làng vui vẻ lên tiếng để phá tan sự im lặng. “Đêm cũng đã khuya rồi, phải tìm cho cậu một chỗ để nghỉ ngơi. Nhà ta thì cũng không được rộng cho lắm-”
“Cháu có ý kiến thưa trưởng làng.” Một giọng phụ nữ vang lên, đó là cô Anna. “Cậu Lero đây là ân nhân cứu mạng của hai bé nhà cháu, phải để cháu trả ơn mới phải đạo. Với lại, trong làng này chỉ có duy nhất nhà cháu là mở quán trọ, nên dù như thế nào cũng phải để cho chúng cháu tiếp đãi.” Cô Anna nói bằng giọng cực kỳ kiên quyết khiến tôi có chút bất ngờ. Bởi ấn tượng ban đầu của tôi về người phụ nữ này là cô khá dịu dàng và cảm giác yếu ớt thế nào ấy, ừm nói đúng hơn là giống người bệnh, mà hình như cũng có nhắc đến chi tiết đó thì phải.
“Theo lẽ thường thì đúng thế, nhưng mà…” Trưởng làng lưỡng lự đáp, và sau khoảng vài giây suy nghĩ ông mới nói tiếp. “Thôi được rồi, vậy thì cậu Lero sẽ ở nhà cô Anna vậy.”
Tôi không có quyền gì ở đây nhỉ, mà dù sao tôi cũng không có ý định phản bác.
Mọi người giải tán ai về nhà nấy, còn tôi thì theo cô Anna, Lyly và Lala về nhà của họ. Mặc dù trước đó họ đã cảm ơn tôi rồi nhưng giờ vẫn rối rít cảm tạ làm tôi được một phen bối rối chẳng biết làm thế nào.
Ngôi nhà của họ có hai tầng và một trệt, cả nhà cô Anna thì ở tầng trệt còn tôi được phân vào căn phòng ở tầng hai, căn phòng tốt nhất theo như cô nói. Sau đó, tôi được cô Anna cho mượn tạm một bộ quần áo (chắc là của chồng cô) và đi tắm táp chút.
Phải rồi, từ khi đến thế giới này tôi chưa tắm lần nào. Ê, đừng nghĩ tôi ở dơ nhá, dù đã bao nhiêu ngày trôi qua nhưng tôi không bốc mùi đâu, tôi cảm giác như cơ thể mình còn chẳng có bài tiết nữa là, ngay cả đi nặng hay đi nhẹ cũng không nốt. Có vẻ năng lực tối ưu hóa đang phát huy tác dụng. Nhưng mà nghe có vẻ không giống con người nhỉ.
Thôi thì đành chịu vậy, Đấng sáng tạo không cho ai tất cả. Kể cũng có hơi đáng sợ với cái cơ thể giống hệt đồ nhựa này. Quả là năng lực tối ưu hóa mà; chỉ tập trung vào những thứ cần thiết. Chắc mấy thứ bíp bíp bíp cũng bị bỏ qua mất, gần đây tôi đã không cảm thấy gì rồi, chẳng biết nên vui hay buồn nữa. Nhưng phải đính chính lại cho rõ là tôi vẫn hoàn toàn bình thường ít nhất là về tư tưởng và sở thích. Đương nhiên là không cần tới bíp bíp bíp thì cũng có những cái thú vị hơn bíp bíp bíp nhiều… Haiz…
Tắm xong tôi quay lại thì thấy cả ba mẹ con cô Anna đang ngồi đợi bên bàn ăn.
“Thật ngại quá, bọn cô chỉ có mấy món này thôi.” Cô Anna nói.
“Dạ không sao đâu, vậy là đủ rồi.”
Bữa ăn khá ngon. Bánh mì kèm thịt xông khói, một chút salad và súp. Lâu lắm rồi tôi mới lại có một bữa ăn chung với mọi người, kể cả là ở thế giới trước thì cũng… có quá nhiều khoảng cách.
Trong bữa ăn thỉnh thoảng chúng tôi cũng trò chuyện, chủ yếu là mấy chuyện phiếm thôi và tôi cũng biết thêm một điều là vết thương của Lyly sẽ cần một vài tuần để hồi phục, trong khoảng thời gian đó thì em ấy sẽ phải ở nhà dưỡng bệnh. Nói là trò chuyện nhưng thật ra tôi chỉ ngồi nghe và lúc cần thì chêm thêm vào mấy câu cảm thán, kể ra cũng nhàn.
Căng da bụng, chùng da mắt! Tôi trở về phòng nơi có giường và chăn êm, nệm ấm. Vậy là sau khoảng thời gian ngủ bờ ngủ bụi, tôi cuối cùng đã có một chỗ nghỉ chân an toàn thật sự. Ơn trời, tôi đã ở đây.
“… Lero, Lero!” Ai đó đang ngắt nhéo tôi.
“Hả, gì vậy? Ai là Lero thế?” Tôi bật dậy thì bắt gặp nhóc Lala đang chưng ra biểu cảm phiền toái nhìn tôi. “À à, là mình.”
“Anh còn định ngủ nướng tới bao giờ thế? Thức ăn đã chuẩn bị xong rồi, mau xuống ăn đi, tụi em đang đợi đấy.” Nói rồi, Lala vụt chạy biến đi.
Lero, cũng không quan trọng lắm.
Sau khi ăn sáng với gia đình cô Anna tôi ngồi chơi xơi nước một lúc. Có gì để làm đâu. Lyly thì rõ là vì vết thương nên chẳng đi lại mấy, còn cô Anna trông có vẻ không được khỏe cho lắm, khuôn mặt cô lúc nào cũng nhợt nhạt. Hai người ấy bây giờ đang ngồi đan len để giết thời gian thôi. Chỉ có Lala là cứ lăn xăn chạy giỡn. Được một lát thì dường như đã trông thấy khuôn mặt buồn chán của tôi nên cô Anna mới bảo Lala dẫn tôi đi tham quan quanh làng.
Tôi đương nhiên không từ chối.
Ngôi làng này khá rộng, khoảng vài trăm người sống ở đây. Tôi theo chân Lala đi hết nơi này tới nơi khác. Gặp bác Peter, cô Linda, ông Jacob, chị Megan và còn nhiều người khác nữa. Hơi khó để nhớ mặt tất cả, hi vọng là không phải gặp họ một mình.
Lúc hôm qua trời tối nên tôi chẳng để ý quá nhiều. Những ngôi nhà ở đây mang cảm giác vừa cổ kính vửa hiện đại, đa số đều xây chắc chắn bằng tường gạch hay đá, có mái nhọn và lợp ngói, chẳng biết so với thế giới cũ thì chúng thuộc kiểu kiến trúc nào nhỉ?
Đi khỏi khu dân cư là đến vùng canh tác với các loại cây như lúa mì, nho, táo, củ cải, cà rốt… mọi người thì đang làm việc chăm chỉ trên đồng, thế mà khi chúng tôi đi qua họ vẫn vui vẻ chào hỏi, quả là những người thân thiện và hiếu khách. Qua khu trồng trọt là đến khu chăn nuôi, ở đây trâu, bò, gà, lợn đều có đủ.
Đi đủ một vòng chúng tôi trở về nhà nhưng lúc này có vẻ khá đông vui. Hình như là bà con chú bác đến thăm hỏi, vừa thấy bóng họ là Lala đã dắt tay tôi chạy đi nơi khác.
“Về nhà lúc này phiền phức lắm. Chúng ta đi chỗ khác chơi đi!”
“Ừ, ý hay!”
Thế là Lala dắt tôi đến một ngôi nhà quen quen, chính là nhà của vị bác sĩ hôm qua. Trước cửa nhà có để bảng tên ‘Varga’, ngôi nhà khá rộng, kiến trúc đơn giản mộc mạc nhưng lại dễ chịu và thanh lịch; khu vườn quanh nhà trồng đủ loại hoa màu sắc sặc sỡ và chắc chắn là được chăm sóc kỹ càng. Trong lúc tôi còn đang ngắm nhìn vẻ đẹp của căn nhà thì bé Lala đã chạy biến vào trong từ lúc nào rồi. Tôi vội theo sau thì chỉ nghe được tiếng chào trong trẻo của cô bé.
“Em chào cô ạ!” Lala nói thế với chị gái đang đứng ở phía cuối hành lang.
“Chào Lala, em đến chơi cùng các bạn đấy à?”
“Ưm!” Lala gật mạnh đầu rồi chạy vào căn phòng ở phía sau chị gái.
Một chị gái với mái tóc dài đen được búi cao, đôi mắt to tròn đen láy, cùng làn da có chút sạm màu. Xét từ diện mạo bên ngoài chắc chị này không phải người ở đây.
“Xin chào, cậu là Lero phải không?”
“Vâng, đúng vậy ạ. Còn chị đây là?”
“Tôi là Jolie Varga. Dù nói có hơi muộn nhưng rất vui được gặp cậu và cảm ơn cậu vì đã cứu hai chị em họ.” Chị ấy vừa nói vừa đưa tay về phía tôi.
Tôi đưa tay ra bắt. “Vâng em rất hân hạnh.”
Sau đó chị Jolie dắt tôi vào căn phòng mà trước đấy Lala đã vào trước. Căn phòng khá lớn, to cỡ phòng học, mà đích thị là phòng học rồi. Bàn ghế được sắp xếp ngay ngắn thành từng dãy, ở xung quanh toàn là sách, chúng được cất trên kệ, cũng khoảng vài trăm cuốn chứ chẳng ít đâu.
Trong căn phòng này, ngoài Lala ra còn bảy đứa trẻ khác nữa, có nhóm đọc sách, có nhóm vui vẻ chạy nhảy, Lala thuộc nhóm sau.
Chẳng có gì làm, tôi ngồi nói chuyện với chị Jolie (thực ra là do chị ấy bắt chuyện trước).
Nghe bảo chị Jolie và người cha làm bác sĩ là người từ nơi khác chuyển đến, cũng hơn bảy năm rồi. Trước đây làng cũng có một người bác sĩ khác là chủ ngôi nhà này, bà cũng kiêm luôn việc dạy học cho đám nhóc trong làng. Nhưng tám năm trước bà ấy lâm bệnh, sức khỏe ngày càng yếu, thế nên bà mới viết thư nhờ cha của chị Jolie người vốn là học trò của mình đến giúp đỡ. Song, khi hai cha con tới thì mọi chuyện đã quá muộn, bà lão không qua khỏi, phút cuối đời bà giao lại căn nhà và nhờ họ làm tiếp công việc của mình. Cha của chị Jolie đã khá băn khoăn nhưng cuối cùng cũng đồng ý.
Vậy là họ ở đây tới bây giờ, người cha thì làm bác sĩ chữa bệnh cho dân làng, còn cô con gái thì dạy học cho tụi nhóc, nghe đâu thì chị chỉ biết dạy cho chúng biết đọc, viết, mấy phép toán cơ bản cùng vài kiến thức thông thường mà thôi. Còn lại thì chị Jolie thường mở cửa phòng học kiêm thư viện này để chúng tự tìm hiểu.
Quả thật họ mới tốt bụng làm sao. Và vì sự tốt bụng ấy nên tôi cực kỳ cố gắng lắng nghe một cách rất hứng thú dăm ba câu chuyện phiếm tào lao của chị Jolie. Và chúng kéo dài mãi cho đến khi Lala bám lấy tay tôi đòi về do đã quá giờ cơm trưa một chút.
Trước khi về tôi có hỏi mượn chị Jolie một vài cuốn sách. Và với tính cách của mình, chị ấy nhiệt tình giới thiệu, khá nhiều loại: cổ tích, ngụ ngôn, truyện phiêu lưu, huyền thoại về anh hùng, bách khoa thư thực, động vật, côn trùng… Nhiều lắm, nhưng tôi chỉ mượn chị ấy có bốn quyển: một là sách về địa lý; hai và sách về lịch sử thế giới; ba là sách dạy phép thuật có tên: ‘Cùng học phép thuật (cơ bản của cơ bản)’; cuối cùng là sách về rừng mê hoặc Lartzod.
“Cậu cứ đọc đến khi nào xong thì trả, dù sao để đây cũng chỉ đóng bụi thôi.”
Tôi cảm ơn chị thủ thư và cùng Lala đi về nhà.
Sau bữa trưa, mọi người lại trở về với công việc của mình. Nói là thế chứ thật ra cũng chẳng có việc gì làm. Tôi quyết định lấy một cuốn sách để đọc và hấp dẫn tôi lúc này nhất chính là cuốn sách về rừng Lartzod.
Trang đầu tiên là dòng mô tả của cuốn sách: ‘Những khám phá về rừng mê hoặc Lartzod’ và bên dưới có một chú thích: “Đây là ghi chép về tự nhiên của nhà thám hiểm Athea E. Elrd. Tất cả những thông tin trong sách đều được quan sát và ghi nhận trong hai mươi năm từ năm 584 đến năm 605 và có tham khảo một phần ‘Bách khoa toàn thư nguyên bản’.”
Năng lực phiên dịch đang hoạt động tốt. Nhưng đọc chữ thì còn hơi khó, mới nhìn vào thì không hiểu ngay mà phải một vài giây sau mới bắt đầu đi vào trạng thái đọc được nội dung. Kiểu đọc này thật mỏi mắt và cần phải có một sự tập trung cao độ.
Mục lục thẳng tiến. Có khá nhiều đề mục, quá nhiều thì đúng hơn. Phần mục lục mà chiếm tận bốn trang. Đến khi đọc tới mấy phần tôi quan tâm thì mắt đã hoa lên hết rồi.
Đầu tiên là cây mê hoặc. Tôi dò theo tiêu đề ‘Cây mê hoặc Magtaci’ và đến trang cần tìm. Wow, thật sự phải bái phục sự đầu tư của tác giả cho cuốn sách. Cuốn bách khoa toàn thư này chứa đầy hình minh họa của các loài sinh vật trong khu rừng, kém theo đó là những mô tả chi tiết.
Hình ảnh tổng thể của cây mê hoặc hiện lên qua một trang minh họa vẽ tay. Ở phía dưới là những hình vẽ nhỏ miêu tả chi tiết từng bộ phận. Trang tiếp theo đó thì toàn là chữ, mô tả quá trình phát triển của cây và những thông tin mang đầy tính sinh học. Phần lớn tôi bỏ qua, nhưng chi tiết quan trọng nhất thì không.
“Quả của loài cây này tiết ra một mùi hương đặc biệt nhằm thu hút con mồi. Mùi hương có thể lan xa hàng chục dặm, gây tác dụng tức thời và dẫn dụ con mồi đến.” À, đó chính là loại trái cây ngon tuyệt mà tôi vẫn ăn tới tận hôm qua đấy. Theo như sách viết thì loại quả này chứa một loại độc tố thần kinh gây choáng, ảo giác, hoang tưởng và cả chất gây nghiện nữa. Độc tính từ một quả cũng đủ để đẩy nạn nhân rơi vào trạng thái ảo giác kéo dài. Và cứ vậy sống trong một thế giới hoang tưởng và tiếp tục quanh đi quẩn lại nơi đó, không bao giờ thoát ra được. Cuối cùng khi cái chết đến, nạn nhân sẽ biến thành chất dinh dưỡng cho cây tiếp tục phát triển…
Phù, lạnh hết cả người. Bằng một cách thần thánh nào đó mà tôi vẫn còn sống tới bây giờ… Hah, đùa thôi, mọi thứ đều nằm trong tính toán của tôi, một sự thử nghiệm để đem lại giá trị khoa học cần gắn với nguy cơ nào đó. Haha ha ha ha…
Vấn đề tiếp theo tôi tò mò chính là lai lịch của con sói đen mà người làng gọi là thần và cũng là kẻ mà tôi đã giáp mặt mấy ngày trước. Nhưng lần này thì không có thông tin… Thế, tôi đành tìm đến thứ đập vào mắt mình lúc này: ‘Gấu xám sát thủ’. Một vài mô tả như sau: bậc thầy săn mồi, loài đứng đầu chuỗi thức ăn, khả năng đặc biệt: xóa bỏ sự hiện diện của bản thân… Thôi, vậy là đủ hiểu rồi, kể ra thì tôi cũng không phải bất cẩn gì mấy, chỉ là do kẻ thù quá nham hiểm.
Mà, lần sau phải cẩn thận hơn mới được.
“Anh Lero đang xem gì thế?” Giọng nói vang lên bên cạnh. Khi quay đầu nhìn lại, tôi bắt gặp ánh mắt chăm chú của Lyly đang dán chặt vào trang sách mà tôi lật mở.
“Vài thứ linh tinh ấy mà.”
“Woa, anh đọc được cổ ngữ sao? Giỏi thật đấy!”
“Hả? Cổ ngữ?” Cổ ngữ là cái monkey gì? Sau vài giây suy nghĩ, tôi nói tiếp. “Lúc trước ông của anh có dạy nhưng ông chỉ nói là học cho biết thôi. Đây là cổ ngữ à?”
“Đúng vậy ạ.” Lyly đáp. “Đó là ngôn ngữ chung trước đây mà con người đã sử dụng. Đến bây giờ nó vẫn còn được lưu lại trong một vài cuốn sách từ ngàn năm trước. Em nghe nói cổ ngữ rất phức tạp và số lượng người biết đến loại ngôn ngữ này rất ít ỏi, trong làng này chỉ có duy nhất một người là cô Jolie là có thể đọc hiểu được thôi, vậy mà anh Lero có thể đọc được nó, anh giỏi thật!”
Ôi, nghe sướng tai quá đi! “Không ghê gớm đến thế đâu.” Tôi ngại ngùng đáp.
“Anh Lero giỏi thật mà. A, em nhờ anh chút chuyện có được không ạ?” Lyly bảo thế, và đương nhiên là tôi gập ngay quyển sách lại và lập tức giúp em nó rồi.
Cũng không có gì to tát, Lyly chỉ nhờ tôi đọc cho nghe mấy câu chuyện cổ tích gì đó thôi, chỉ có điều, chúng được viết bằng cổ ngữ (theo lời Lyly). Và thế là giờ kể chuyện bắt đầu. Tôi và Lyly ngồi cạnh nhau và lật giở từng trang sách, loại truyện có kèm tranh minh họa ấy. Tôi đọc từng câu từ trong cuốn sách và Lyly lắng nghe một cách chăm chú. Cô bé này cũng khá dễ thương đấy… nhưng, sao tôi lại cảm thấy buồn thế nhỉ?
Ừm, chắc tôi có vần đề về thần kinh thôi, đừng quan tâm làm gì.
Tôi cũng muốn kể cho các bạn nghe về nội dung câu chuyện cổ tích đó, nhưng buồn lắm, nên để lần sau vậy.
Đến chiều thì Lala rủ, à không, là ra lệnh cho tôi phải đi hái trái cây cùng con bé nên chuyên mục kể chuyện đành tạm hoãn lại. Nhà họ có một vài mảnh đất quanh đây, cũng trồng đủ loại cây trái, nhưng dạo gần đây do sức khỏe không tốt nên cô Anna phải để Lyly và Lala lo hết việc đồng áng. Bây giờ thì lại thêm Lyly bị thương nữa, quả là vất vả thật.
Những ngày tiếp theo vẫn êm ả trôi qua. Thời gian của tôi chủ yếu là rong chơi cùng Lala, thỉnh thoảng đọc truyện cho Lyly và nếu có hứng thì đi hái hoa quả, vậy thôi. Cũng có lúc Lyly nhờ tôi dạy làm mấy bài toán cộng trừ nhân chia, hình học, xác xuất, ước lượng gì đấy nằm trong phần bài tập ‘thu-đông’ của em ấy.
Nghe đâu lớp học của chị Jolie chỉ kéo dài từ xuân đến hạ thôi, phần còn lại là thời gian nghỉ (vì nhiều lý do). Không biết trình độ dân trí ở thế giới này thế nào nhỉ, do chiến tranh liên miên nên chắc cũng có nhiều cái khó.
Một điều khá bất ngờ là ở nơi đây giấy và bút lại phát triển từ sớm. Giấy dù hơi có màu vàng úa nhưng độ mỏng, độ trơn và độ bám khá tốt, có thể nói cũng tiệm cận loại giấy ở thế giới trước. Còn về phần công cụ ghi chép thì có bút và phép thuật, nhưng bút vẫn đóng vai trò quan trọng hơn, tôi đã thử viết bằng bút rồi, nét hơi to một tí nhưng chất lượng mực ra rất ổn.
Còn một điều thú vị hơn mà tôi đã học được trong mấy ngày rảnh rỗi này đấy. Thú thực là khoảng thời gian qua tôi chẳng đọc được một trang sách nào cho ra hồn cả, vì nhiều lý do phần lớn là vì tôi quá bận với Lyly và Lala. Nhưng “Cùng học phép thuật (cơ bản của cơ bản)” thì không thể bỏ qua được. Cuốn sách này không phải sách dạy phép thuật thuần túy mà chỉ là những thứ cơ bản đúng như tên của nó mà thôi, nhưng ít nhất tôi có áp dụng được một chút.
Sách viết rằng ở thế giới này nguyên tố phép thuật được chia thành năm loại chính là đất, nước, lửa, khí và sinh thể, cộng với đó là những phân nhánh nhỏ hơn hoặc kết hợp từ các loại trên như gió, sấm sét, nham thạch, băng...
Tuy không đi vào chuyên sâu nhưng cuốn sách cũng cung cấp một vài thông tin về cách phép thuật hoạt động, về ma lực và mấy thứ khác nữa.
“Phép thuật là một trong số những cơ chế sử dụng ma lực trực tiếp”, chữ ‘những’ ở đây có lẽ đang nói đến đấu pháp, chiến kỹ và cả Gift chăng? “Mỗi người đều có một lượng ma lực nhất định”, chênh lệch ma lực là điều hiển nhiên nhưng thông thường lượng ma lực của người trưởng thành sẽ rơi vào mức trung bình. Và “dù lượng ma lực có cao nhưng không đồng nghĩa với việc có thể dùng tốt phép thuật”, nghe rõ là vô lý, nhưng lại có gì đó rất thuyết phục.
Tôi đã thử một vài loại phép thuật trong cuốn sách, và phần lớn là thất bại, hình như là do không tương thích. Sau bao nhiêu lần thử cuối cùng tôi cũng thực hiện được một phép duy nhất là phép gọi lửa. Câu thần chú thì khá dài dòng bla bla nhưng khi đã quen được thì chỉ cần nghĩ lướt qua là có thể thực hiện được, cảm thấy khá dư dả nên tôi chêm thêm câu “Fire” cho đỡ chán. Ngọn lửa được tạo thành chỉ be bé cỡ lửa từ quẹt gas nhưng rõ ràng đây là một thành tựu đáng kể.
Kể cũng hơi thất vọng, tôi đã tưởng tượng ra cảnh mình bắn phép chíu chíu đấy, vậy mà kết quả lại nhạt toẹt. Ở làng cũng hiếm khi thấy có ai sử dụng phép thuật, theo lời mọi người thì dù biết nhưng họ chỉ dùng chúng khi thật sự cần thiết chứ trong cuộc sống hằng thì chỉ cần dùng mấy thứ dụng cụ ma lực là được (nghe đâu là do mấy nhà giả kim chế tạo).
Thời gian thấm thoắt thôi đưa, đã được một tuần kể từ khi tôi tới làng Rie rồi. Một khoảng thời gian khá là nhàn nhã và thoải mái... Nhưng có chút không ổn, hình như tôi đã quên mất nhiệm vụ của mình thì phải. Không ổn, hoàn toàn không ổn chút nào! “Ngày mai, nhất định ngày mai mình sẽ đưa ra quyết định! Chắc chắn vậy.” Tôi lại hứa với bản thân như thế một lần nữa.
“Chào buổi sáng, cô Anna.” Tôi nói thế khi bước tới phòng bếp.
“A, chào cháu.” Cô Anna vui vẻ đáp lại. Nhưng, trông cô có vẻ không khỏe cho lắm, dạo gần đây cũng ít thấy cô Anna ra ngoài, sắc mặt thì ngày càng tệ hơn. Tôi hỏi thăm thì cô nói chỉ là bệnh cũ tái lại thôi, không cần phải lo lắng. Lyly đã dần hồi phục nên cũng giúp đỡ công việc nhà cho cô Anna, còn Lala thì vẫn vô tư nhưng thỉnh thoảng cũng quan tâm chăm sóc mẹ lắm đấy. Vậy mà khi tôi hỏi họ cứ nói mấy câu đại loại như không sao, tôi không cần bận tâm.
Mà xét cho cùng thì tôi cũng chỉ là khách thôi nên chẳng việc gì phải đào sâu vào chuyện gia đình của họ làm gì.
Lại nói tới chuyện làm khách, có lần khi tôi cảm thấy việc ăn nhờ ở đậu này hơi kì nên đã định trả tiền và còn nói ngon ngọt đưa ra đạo lý các kiểu để họ nhận; nhưng cuối cùng cô Anna vẫn nhất quyết từ chối. Những người này quá tốt bụng rồi!
Sau khi ăn sáng, như thường lệ tôi và Lala sẽ đến nhà chị Jolie, có vẻ con bé thích chơi với mấy đứa trẻ ở đó; còn với tôi thì lại là chuyện khác, lỡ mà chị Jolie có hỏi cảm nghĩ về những cuốn sách tôi đã mượn thì chắc phải chém gió thôi chứ thực sự mấy hôm rồi tôi chả đọc gì cả...
Song, tất cả những suy nghĩ của tôi bỗng dung gián đoạn vì một sự việc. Ngay khi tôi và Lala vừa bước tới ngưỡng cửa thì một âm thanh trầm đục vang lên. Lúc quay người lại, thì trước mắt tôi là cảnh tượng cô Anna - người vừa lúc nãy còn nói câu “Đi vui vẻ nhé!” - đang ngã quỵ trên sàn. Theo sau đó là tiếng hét thất thanh của Lyly và Lala: “MẸ ƠII!!!”
0 Bình luận