• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Quyển 3 - Director's cut

Chương 55

8 Bình luận - Độ dài: 5,964 từ - Cập nhật:

Đúng như phán đoán của Jenny, có một thủy đạo nằm bên dưới của tầng lăng.

Hai bên là mặt tường thẳng đứng, thủy động dài rộng cỡ một mét, phạm vi cử động áng chừng một mét vuông. Hoa văn hai bên không đem lại thông tin, hoặc cũng có thể vì lúc đó tôi bị nỗi lo hết không khí chi phối nên chỉ biết hối hả cắm đầu đạp chân về phía trước. Tôi chỉ nhớ họa tiết không phải là điêu khắc, cũng không hàm chứa ký tự cổ, là những đường rãnh vuông gấp khúc, giống như ai đó đã khắc một mê cung thu nhỏ ở trên tường. Những đường rãnh được lấp đầy bởi tử ngọc phản quang theo quầng sáng của đèn mỏ bên hông tôi. Theo ánh đèn tôi bơi đến đâu, ánh sáng tím nhấp nháy như có năng lượng chảy ở trong các rãnh đến đó.  

Nói một mét vuông khi bạn ở trên cạn có vẻ như không phải là quá kinh khủng, nhưng chỉ khi bạn đặt mình vào vị trí của tôi mới hiểu được cảm giác dễ dàng muốn bỏ cuộc. Ngay cả muốn lộn người quay trở lại nếu không kiểm soát được tâm lý cũng dễ dàng rơi vào hoảng loạn, vùng vằng mà chết đuối.

Sáng nay ngoài trời nhiệt độ là mười hai độ C, ngâm mình dưới làn nước lạnh đã là một kiểu tự hành hạ. Tôi có thể nghe tiếng răng mình va vào nhau lập cập trong khoang miệng, da thịt run lẩy bẩy khi tiến về phía trước. Ngay cả chiếc áo khoác ngấm nước cũng trở thành trở ngại chống lại tôi, làm chùn chân, thêm sức nặng kéo tôi chìm xuống dưới.

Da đầu căng, ý niệm duy nhất còn ở lại trong đầu là bao giờ đường hầm này kết thúc. Đường hầm càng lúc càng hẹp lại không biết có phải do ảo giác mà nên. Đèn mỏ không quét hết được, còn làm không gian trong nước thêm mờ ảo. Một cảm giác cô độc, bất an ắt đi cả cái lạnh choán lấy kiểm soát tâm thức tôi. Nếu không phải vì Jenny đã làm chuột bạch đi trước tôi một đoạn, có lẽ tôi đã càng tuyệt vọng hơn, khi ấy lại là câu chuyện về nỗi sợ tiềm ẩn từ hư vô, chẳng biết mình đang lao đầu vào chỗ như thế nào.

Chẳng hiểu vì sao một người như Jenny lại hứng thú với những thứ cảm giác như thế này, có lẽ nếu may mắn trở về, tôi sẽ giới thiệu cho con nhỏ ấy sự tồn tại của video game. Khi đó thì tha hồ khám phá lăng mộ, hấp dẫn, an toàn hơn rất nhiều.

Bầu bạn với tôi chỉ có ánh sáng u ám chập chờn từ chiếc đèn mỏ, mà tôi đoán nếu có chết cũng chỉ còn nó ở bên mà thôi. Trước khi quyết tâm lao đầu xuống tôi cũng đã ý thức là mình có thể bỏ mạng. Tôi vốn là con người của khoa học, chẳng bao giờ đi tin vào những chuyện tâm linh, quỷ quái. Nhưng nếu lúc này bạn nói có con hà bá nào đang lẩn khuất sau lưng tôi, chuẩn bị kéo chân tôi lôi vào một ngóc ngách nào đó, thì không hẳn là tôi sẽ không tin bạn đâu.

Nhưng tôi không được phép sợ hãi, vì càng sợ tôi sẽ càng để tiêu tốn nhiều ô xi.

Khí trong lồng ngực tôi ngày càng ít, càng lúc, càng bị áp lực ép cho muốn mở miệng ra hít một hơi. Có lẽ tôi cũng đã chạm tới giới hạn của mình rồi. Tôi hết sức giữ bình tĩnh, dùng chút nhận thức quờ quạng tiến lên phía trước. Cánh tay giả không đồng nhất khiến cơ thể tôi bì bõm rất buồn cười.

Không có đồng hồ, tôi không biết mình đã bơi được bao lâu. Quá trình giữ bình tĩnh dần chuyển thành bài kiểm tra sức chịu đựng. Không khí rút hết đi khiến tôi không thể nghĩ thông thoáng được nữa. Nghĩ đến chuyện quay trở lại thì cũng quá muộn rồi. Tôi vô thức ngoi lên hy vọng vào một phép màu, thì bị cộc đầu vào mặt trần hang cứng nhắc. Dĩ nhiên rồi, tôi đang ở rất sâu dưới lòng đất cơ mà. Tôi giống như con cá bơi ở trong đường ống thủy cung, chỉ có điều, hệ thống trao đổi khí của tôi là phổi chứ chẳng phải là mang.

Bố mẹ sinh ra xinh xắn đầy đủ như thế, lại chọn bỏ mình trong mộ cổ hoang vu. Lại lôi theo cả em gái, cả nửa kia của mình xuống dưới đây, tôi chẳng còn ai để trách, ngoài trách bản thân mình quá hấp tấp.

Không được, nếu tôi quay trở lại, tôi chẳng thể đưa mọi người thoát ra được khỏi đây. Bản năng sinh tồn là ý thức căn bản nhất, trỗi dậy, khuất phục nỗi nợ bên trong tôi, bắt não tôi phải vô thức ra lệnh cho tất cả những bộ phận còn lại trên cơ thể bình tĩnh để đôi chân tập trung đạp về phía trước.

Tôi không còn giữ được nữa, buột miệng hớp một hơi. Nước lạnh chờ đợi suốt bấy lâu đua nhau tràn vào trong lồng ngực. Tôi sặc sụa vũng vẫy trong trạng thái đang trôi nổi, nhìn khối bọt nước tuôn ra từ miệng mình.  

Không thể xui xẻo đến mức đó chứ, nước lấp đầy cả khoang ruột, khiến tôi nhìn thấy cả bữa sáng trong bụng mình phun ra, tan vào làn nước trước mặt tôi.

Một mình lạc lõng giữa lạch nước ngầm dưới đáy của mộ cổ, giờ thì chẳng còn ai cứu được tôi. Cơ thể tôi nhẹ bẫng nổi lên trên mặt nước, và bị cản lại bởi trần hang.

Cảm giác tồi tệ tôi trải qua không ít, bây giờ có thể tự tin thêm cảm giác khi chết đuối vào danh sách trải nghiệm của mình rồi. Tôi không còn đủ minh mẫn để nghĩ ngợi nữa, mọi suy nghĩ trong đầu tôi nhòa đi, tan vào trong làn nước.

Tôi tự hỏi làm sao mà Jenny có thể vượt qua được tất cả những thứ này? Con nhỏ đi trước tôi một lúc, nếu có chết đuối, thì cũng phải nhìn thấy xác rồi chứ? Giờ thì cô ấy còn có thể ở đâu.

Trước khi ngất lịm đi một bàn tay đưa vào trong nước, túm lấy cổ áo tôi.

_ _ _

Tôi dần lấy lại ý thức, ánh sáng tràn vào trong hai mắt, tôi nhớ mình đã chớ ra rất nhiều.

“Được rồi, bình tĩnh, bình tĩnh đi Hana, cậu ổn rồi...”

Tôi cảm thấy một bàn tay dịu dàng xoa lưng mình. Cổ họng tôi đau rát, tôi thở gấp gáp, chút chút lại chớ ra một cục nước từ bụng.

Cảm giác đầu tiên khi lấy lại được nhận thức là cái lạnh tê tái khi rời khỏi nước. Bao bọc tôi là mùi tanh tưởi của bãi nôn. Cả người tôi vẫn ướt như chuột lột, quần áo giày dép đều ngấm nước, dính chặt vào da thịt, nhưng chẳng có cách nào để thay thế, cũng chẳng có gì quấy lấy để giữ ấm thêm.

Tôi co cuộn mình run lẩy bẩy. Giống một người vô gia cư.

Lấy lại được hơi thở, tiếp đến là thị giác. Tôi nhìn thấy hai chiếc đèn mò nằm lăn lóc ở trên đất, nước lênh láng chảy ra từ các thiết bị chiếu sáng, cuốc chim.

Tôi nhận ra cây cuốc chim với lưỡi hình răng cưa, là cây cuốc mà Jenny đã dùng để đào mật đạo xuống đây mà.

“Ổn rồi, ổn rồi... có tớ ở đây rồi...”

Tiếp đến là giọng duyên dáng cất lên ở sau lưng tôi, tôi ngoái đầu lại, để thấy một gương mặt không quá xa lạ.

Là Jenny, cô ấy đang lo lắng cho tôi.

“Cậu nhìn này Hana, xem bọn mình đang ở đâu này!”

Chờ cho tôi lấy lại được bình tĩnh. Jenny bẻ một gậy huỳnh quang giơ cao lên trên đầu tôi. Theo cánh tay của cô ấy tôi đưa mắt nhìn lên. Trong quầng sáng của gậy huỳnh quang, một phong cảnh mới hiện lên.

Chúng tôi bây giờ đã ở trong một không gian rộng lớn hơn rất nhiều. Có những dây xích khổng lồ len lỏi ở trong đá, những bụi lân tinh lấp lánh và ánh trăng rọi xuống tù khe hở trên trần động.

Dây leo từ bên ngoài rủ xuống tạo nên thảm thực vật phong phú. Tôi thấy mình ngồi ở trung tâm của một hồ nước có chu vi hình vuông, nổi lên trên mặt nước là bốn sàn đá với những chùm hoa nở rộ.

Và ở giữa của hồ nước, cũng là chỗ tôi đang tựa vào, có một cỗ quan tài, lung linh trong những bụi phấn, được chiếu sáng từ ánh trăng xuyên qua khe hở trên trần động.

_ _ _

Jenny nói tôi ngất xỉu ngay khi chạm tới hồ nước này. Cô ấy đang nghiên cứu những điêu khắc trên bốn sàn đá, thì thấy tôi quằn quại ở dưới kia.

“Cậu phát hiện ra gì rồi?”

“Rất nhiều.”  -  Cô mỉm cười với tôi.

Jenny lúc này đã cởi bỏ trang phục thám hiểm để lộ ra một bộ đồ bơi ở bên trong. Áo sơ mi cởi cúc thắt vạt lại. Ngoài việc cô ấy không thấy lạnh hay sao thì tôi thấy ghen tị với ý tưởng đó của cô ấy. Cùng trải qua một hành trình mà một đứa thì nhếch nhác thảm thảm thương, một đứa thì càng ngày càng năng động, quyến rũ.

“Vậy ra cơ quan để kích hoạt thác nước hồi sáng chính là được cất giấu trong động này.”

Jenny yên lặng trước những câu hỏi vô nghĩa của tôi, chống hông dán chặt hai con mắt vào những dây xích, bánh răng bằng đá giấu trong các bức tường khớp từng rãnh với nhau, hệt như một cỗ máy khổng lồ.

“Thật đáng kinh ngạc... để xây dựng được một quần thể kiến trúc với quy mô như thế này ở trong lòng núi thì phải mất bao nhiêu người, bao nhiêu thời gian, và bao nhiêu chất xám đây.”

Tôi xem sổ ghi chép của Jenny. Trong lúc tôi mê man cô ấy đã chép lại sơ đồ bộ máy kia. Cô nàng có hoa tay, nét vẽ cũng vôc cùng đẹp. Tôi còn thấy cô để lại một vài gạch đầu dòng, giả định rằng người xưa đưa công nhân, đá tảng và nguyên vật liệu xây dựng vào từ khe núi phía trên. Họ thả dây thừng xuống, rồi cẩu mọi người ra sau thi công. Bởi vậy nên mới có thể xây dựng được một công trình kiến trúc khép kín trong lòng núi như thế này. Khu kofun ở bên kia được xây dựng sau khi dây chuyền ở đây đã hoàn tất, về phần bên đó, chỉ cần cửa còn mở thì việc ra vào để xây dựng không phải là bí ẩn.

Tôi bước đến toan mở nắp quan tài ra, thì Jenny đánh nhẹ vào tay tôi.

“Cậu chưa mở nó ra sao?”

Jenny lại trao tôi cái nhìn nghịch ngợm và ẩn ý. Cô nàng tháo camera dự phòng nhỏ giắt bên hông ném cho tôi.

“Lúc này sao?”

“Ừm, còn khi nào nữa chứ?”

Mizuki không còn, tôi đoán cô ấy không còn lựa chọn nào khác ngoài tôi.

Jenny lấy từ túi chống nước mà con bé vẫn đeo bên hông ra một số mỹ phẩm, nói tôi chờ một chút rồi chấm chấm, chỉnh trang lại tóc áo. Trang phục lúc này đã hong khô. Sau đó cô đưa cho tôi một thỏi son nhưng tôi đành từ chối. Tôi lại ho ra một cục nước, tôi thì chẳng còn tâm trí mà lo đến ngoại hình nữa, còn rùng mình lạnh muốn chết đây.

Theo bước Jenny tôi bắt đầu lia ống kính.

Gian động có cấu trúc hình lục giác, sáu mặt tường là sáu bức tranh, và ở giữa là hồ nước và cỗ quan tài mà tôi đã nói. Tôi đoán chúng tôi đang ở trong lòng của ngọn núi bên cạnh.

Khác với gian Kofun sơ sài bên kia không gian bên này bày biện khá chi tiết, tạo cảm giác giống với một phòng tranh.

Khe núi mở ra trên trần thông ra với bên ngoài, tôi ra sức hít lấy hít để không khí vào lồng ngực. Ở dưới đất chưa đến một ngày, nhưng tôi có thể cảm nhận được rõ khác biệt với lượng không khí ở bên kia.

Dù lối thoát đã ở ngay trên đầu, nhưng khe núi lại nằm ở ngay giữa trung tâm của đỉnh động. Hang động có mái hình vòm, vậy trên trừ khi bạn là một con thạch sùng, bạn vẫn chưa gần hơn chút nào với lối ra.

Tâm điểm của gian này là sáu bức họa cổ trên mặt tường, cỗ quan tài và bốn mặt đá nổi giữa hồ nước. Xem ra muốn thoát ra ngoài, chỉ còn cách vận dụng những gì sẵn có ở đây cùng Jenny.

Jenny vén khóm leo đang che đi một tranh cổ vẽ trên tường, tôi chiếu đèn vào giúp cô.

Thứ nhất, chưa cần biết nội dung bức tranh ra sao, chỉ cần nhìn vào nét vẽ cũng đã đem lại cho hai đứa tôi một thông tin vô cùng lớn rồi.

“Cậu có nghĩ giống tớ không Jenny?”

“Nét... nét vẽ của chị Rin!”

Chính là cùng một nét vẽ với bức tranh vải mà Jenny đã mua được ở buổi đấu giá.

“Vậy ra đây là câu chuyện của chị ấy... tớ... tớ không biết phải nói gì...”

Hai mắt Jenny lấp lánh trong ánh đèn pin. Nghẹn ngào không nên lời. Những gì tôi thấy chỉ là bức tranh vẽ trên tường, nhưng những người làm nghề khảo cổ như cô ấy có thể kể lại cả một câu chuyện từ bích họa và phù điêu.

Theo chiều kim đồng hồ, chúng tôi bắt đầu với bức tranh đầu tiên. Màu sắc bích họa vô cùng rực rỡ, dưới ánh sáng chập chờn lại trở nên lấp lánh. Điều khiến tôi kinh ngạc, là gian phòng này thông ra với không gian bên ngoài, không phải là không gian khép kín như gian kofun ở bên kia. Vùng núi này nhiều sông suối, độ ẩm của Kyushu lại tương đối cao so với phần còn lại của đất nước, vậy mà màu sắc của những bức tranh tường lại được bảo tồn gần như đến hoàn hảo.

Với số hiểu biết ít ỏi của tôi, chủ yếu là những kiến thức bề nổi về Ai Cập cổ, thì người xưa sẽ phơi khô thạch cao trước khi sơn, và sau đó tráng một lớp nhựa cây bọc lấy tranh. Điều này giải thích tại sao rất nhiều bức tranh tiếp xúc với các yếu tố tự nhiên, chẳng hạn như những bức vẽ trên các ngôi đền, vẫn tồn tại rất tốt, thậm chí là tồn tại tới hàng ngàn năm.

Nhưng mấu chốt vẫn nằm ở độ ẩm, khác với Kyushu Ai Cập có lợi thế là khí hậu khô ráo, tôi không muốn làm phiền Jenny nên tạm dừng lại ở đây, nói nữa lại thể hiện mình là người thiếu hiểu biết.

Cô ta đi đi lại lại vừa trầm trồ thán phục, vừa ngắm nghía hình vẽ trước mặt rồi chỉ tay vào một vị trí trên bức bích họa, nơi có rất thuyền mành, nói: “Đây là vương quốc Lưu Cầu!”, lại chỉ vào những người nhân trong bức bên kia: “Kìa, đó chính là tàu buôn Phương tây đang theo con đường tơ lụa mà băng qua vùng biển này đó.”

Tôi nhìn lên chỗ mà Jenny chỉ, trong đó có rất nhiều dải mực xanh đỏ mô tả thường phục cư dân vương quốc Lưu Cầu thời bấy giờ. Lưu Cầu bao gồm một phần của Đài Loan và Okinawa, tôi đã nghe câu chuyện này truóc đây rồi, tuy nhiên dưới lời kể của Rin chỉ là những thông tin mờ ảo. Có nét vẽ, có màu sắc, mới hiện nên như những thước phim chân thực sống động.

Ngôi làng trong bức hình nằm trên một hòn đảo ngoài khơi, kiến trúc gợi cho tôi nhớ đến lâu đài Shuri của thành phố Naha trên chính đảo. Chung quanh là núi là biển, sơn thủy hữu tình. Trẻ em vui đùa trên phố xá, phụ nữ sửa soạn đi trẩy hội... bức tranh trải dài một mặt tường, từng cử chỉ sinh hoạt trong bức hình, từng nhân vật li ti đều được tỉa tót rất cẩn thận, toát nên cái hồn của một vùng biển ngõ giao thương. Về tầm cỡ thì thành phố này không thể đem đi so với cố đô cũng chẳng thể so bì với chính đảo, nhưng nhiêu đó cũng gợi lên cái hồn của một huyện trấn thành thị giao thương, chẳng cần có âm thanh cũng tự nghe được tiếng trẻ em đang cười đùa trên phố, tiếng thương nhân đang chào hàng. Tôi nhận về một không khí lạc quan vui vẻ, trên môi mỗi người đều mang một nụ cười. Biển nam không giàu có trù phú như kinh đô, nhưng đem lại cho con người ta cảm giác tự do, phóng khoáng.

Jenny dừng lại hồi lâu ở bức thứ hai, một chút biểu hiện kinh ngạc khẽ thoảng qua gương mặt.

“Sao thế?”

“Hana... bức tranh này tớ đã từng thấy trước đây rồi.”

Tôi cũng lại đó để chiêm ngưỡng cùng cô ấy. Jenny đặt tay lên bức hình. Trong hình, là hình ảnh những thuyền mành nghiêng ngả cùng bão gió, và bên dưới là những bóng đen giơ tay lên từ mặt biển.

Tôi nhớ ra rồi, trong đoạn hội thoại giữa hai đứa tôi lần đầu gặp mặt trong văn phòng của Ichimori Jenny đã kể cho tôi nghe. Đây, là bức tranh cổ trong bảo tàng thành phố Naha, bức tranh Jenny đã dùng làm bằng chứng để thuyết phục Rin bán bức còn lại cho mình mà.

“Nếu như như một trong hai bức tranh vải của chị Rin là bản sao của một trong sáu tấm bích họa này, thì bức còn lại của tở cũng...”

Hai tay cô run rẩy, Jenny mở rộng tấm tranh vải trong tay cô, đối chiếu với những bức còn lại trong bộ tranh lục bích trên tường.

Khi nhìn thấy từng đường chỉ, khớp vào với từng nét bút trên tường thứ năm. Cả hai đứa tôi không rét mà run, cả máy quay trên tay cũng không chú tâm cầm vững.

Trong bức thạch hoạ thứ năm đang hiện hữu, có một người đàn ông mặc quần áo dân chài giương cao tay lên trời xanh. Trong bức tranh, cũng có những cánh tay đen đúa với lấy từ từ phía. Ánh sáng từ vật nhỏ bé trong lòng bàn tay ông ta toả ra như mặt trời, đẩy lùi những cánh tay đen ngòm về với bóng tối xa xôi.

Hai đứa ngoái đầu về tấm thứ sáu, cũng là tấm cuối cùng khép lại câu chuyện. Bầu trời trong xanh trở lại, người người hân hoan nhảy múa. Đảo nam lại trở về với cuộc sống vô lo vỗ nghĩ của thường ngày, câu chuyện khép lại tròn trịa, để lại cơn ác mộng ở sau lưng.

Vậy là, suy luận của Jenny đã đúng. Fujiwara Eji đã dùng một ‘hiện vật’ trong tay ông để cứu sống quần đảo Okinawa khỏi đại dịch thây ma lần đầu tiên. Vậy nếu như đây là cái kết, thì chân tướng của thứ cổ vật kia nhất định phải nằm trong hai bức nối tiếp mở đầu và kết thúc, chính là hồi ‘diễn biến’ trong câu chuyện về Fujiwara Eji.

Toàn bộ tập trung của hai đứa tôi dồn về bức họa 3 và 4, cùng lúc đó, toàn bộ bí mật của hai trăm năm lịch sử được hé lộ.

Bức hình thứ ba, khắc họa một thuyền mành đâm đầu vào cơn bão. Vòi rồng dữ dội, bao vây lấy con tàu. Tương phản với màu sắc tươi sáng của trấn cảng, biển mẹ lại mang một màu sắc u tối và tàn nhẫn. Nét vẽ và cách phân bổ màu của Rin rất sáng tạo, nếu không muốn khen là đi trước cả thời đại, khắc họa những sấm chớp, mưa giông mà đoàn người đang gặp phải. Bạn chẳng cần phải người có trí tưởng tượng phong phú cũng có cảm giác như bức tranh tĩnh như có chuyển động, cảm tưởng như con tàu ấy đang chấp chới, ngụp lặn, vũng vẫy trong những cuộn sóng khổng lồ.

Ở đầu tàu ấy, Jenny bảo tôi quay cận cảnh theo hướng ngón tay của cô. Bốn người quật cường đứng ở trên mũi thuyền, nét mặt ai nấy đều mang một lòng quyết tâm, quả cảm. Tới bức này tôi mới được chứng kiến dung nhan của người thầy thuốc, nhà văn, người hùng trong giân dan. Bởi trong bức tranh của Jenny, ông ấy bị bao trùm trong luồng sáng nên dù có cầm tận tay tôi cũng không thể nhìn rõ mặt.

Bốn nhân vật được vẽ ở vị trí trung tâm, ắt hẳn là bốn nhân vật chính trong hành trình cùng Eji cứu quê nhà. Người đầu tiên, là một chàng thủy thủ sáng lạn, cao lớn. Người thứ hai là một cô thiếu nữ tóc đen trong bộ váy truyền thống, người thứ ba là một chàng thư sinh mảnh dẻ tuấn tú, và người thứ tư là một cụ bà nhỏ bé chống gậy.

Thoạt đầu tôi cứ ngỡ Eji huyền thoại, người nam nhi một tay chấm dứt dịch bệnh năm xưa, hẳn là chàng thủy thủ vạm vỡ kia cơ. Bởi vì trong tác phẩm Băng thành, Eji cũng tự ký rằng trước khi gặp nàng Asuka chàng thường nhảy từ tàu này qua tàu kia, phiêu bạt khắp giang hồ. Nhưng Jenny đã sớm chỉ ra rằng trang phục của người giương báu vật trong bức tranh của cô, lại trùng vào trang phục mà cậu thư sinh mỏng manh đứng giữa đang mặc, chứ không phải cậu thủy thủ.

Tôi chưa bao giờ nghĩ, Fujiwara Eji, người vượt ngàn trùng đại dương cứu Okinawa lại có thể là một chàng thư sinh, mảnh dẻ thanh tú như thế này.

Tôi bị thu hút đặc biệt bởi người con trai ấy, chàng mềm mại quá. Đôi mi Eji luôn mơ màng. Tôi vô thức đặt tay lên vuốt ve hình của chàng.. Nếu tôi là nàng Asuka, dù tôi có xinh đẹp ngạo nghễ đến mức nào, tôi cũng chẳng thể nào chối từ một con người có vẻ đẹp nên thơ đến mức ấy.

Càng nhìn tôi cũng càng nhận ra Eji không thể là ai khác trong tấm hình. Bởi vì chàng là người duy nhất mang trong mình một cảm xúc khác xa với tất thảy những thành viên đoàn còn lại. Trong khi những người còn lại đều mang một tâm thế lo âu, sốt ruột trước đại dương hung hiểm thì đôi mắt sâu hút của người con trai ấy, che đậy bởi lòng quyết tâm là một nỗi buồn sâu thẳm. Nỗi buồn mà chỉ có người mất đi người mình yêu thương nhất, mới có thể tạo ra được một ánh nhìn phức tạp đến thế. Tôi ngầm hiểu được chuyến hành trình này xảy ra sau khi chàng mất đi Asuka. Người con trai ấy không còn gì để mất nữa, chàng không lo lắng, chàng chỉ có một đích đến mà thôi.

Cũng đứng trên con thuyền là đoàn tùy tùng của ông ấy. Người bên cạnh là một phụ nữ cao ráo, mảnh mai, nàng có mái tóc đen dài truyền thống. Tôi chỉ liếc cũng nhận ra ngay. Cả hai đứa cùng không kìm được đồng thanh: “Đó là chị Rin kìa!”

Bộ tứ vượt đại dương ngoài Eji và Rin còn có hai người quan trọng khác. Một là một bà lão tóc bạc trắng, lưng còng, tay mang cây gậy dài. Nhìn giống một bà phù thủy. Tôi chưa từng nghe đến sự tồn tại của nhân vật này trong bất cứ ghi chép về câu chuyện của Fujiwara Eji trước đây. Nhưng nếu bà ấy thực sự đủ ấn tượng với Rin để cô ấy vẽ đứng chung cùng hội Eji, thì tôi đoán cũng là một nhân vật không tầm thường.

Và cuối cùng là người thủy thủ mà tôi đã tưởng nhầm là Eji. Sau khi ngắm nhìn chàng thật kỹ, tôi cũng tự nhận thức được vai trò của con người này. Đó là một thanh niên sán lạn, ngực trần phơi ra, rất có tướng chinh phạt. Nếu người ngoài xem tranh mà không biết câu truyện đằng sau nó, dễ ngộ nhận là tranh vẽ Võ Tòng. Nhìn thấy bóng người đó, con tim tôi không khỏi không bùi ngùi. Riêng người này qua nét vẽ của Rin có gì đó hơi mơ mộng... hơi huyễn hoặc, thậm chí, khuôn mặt của chàng ta còn chăm chút hơn ba người kia một chút.

Tôi nhớ lại tấm ảnh cưới vẽ tay trong tập tin bị mã hóa của Rin. Nhớ về người thuyền trưởng trong bức vẽ ấy. Một người thủy thủ từng bị lịch sử bỏ quên, một người cha, người đã từng trao cho Rin những đứa trẻ... một người từng làm cho cô mỉm cười.

Bức tranh đem lại cho tôi và Jenny mỗi người một cảm xúc khác nhau. Trước một kiệt tác từ quá khứ, thứ thông tin mà Jenny đọc ra không phải ngưởi trên thuyền gồm những ai, cảm xúc của họ như thế nào, mà nhìn vào con thuyền và những cơn sóng dữ, cô kinh ngạc thốt lên.

“Con thuyền... Eji rời khỏi quần đảo Okinawa? Vậy là... vậy là... Eji không phải là người đã tạo ra phương thuốc, mà ông ấy chỉ là người ra khơi để tìm kiếm nó.”

Chẳng kịp để cho tôi có thời gian phân giải cảm xúc, tôi hãn còn chưa kịp hỏi Jenny cô có biết thêm gì về bà lão và chàng thủy thủ đó không, thì cô ấy đã kéo tôi đến bức tranh thứ tư.

Dù làm nghề nghiên cứu về lịch sử, thế nhưng cô gái này chẳng bình tĩnh gì cả. Tôi thấy cô luôn hành động nóng vội, chỉ chăm chăm hướng về phía trước.

Và bức tranh thứ tư, mảnh ghép bí ẩn nhất về câu chuyện của Fujiwara Eji, phần còn khuyết của câu chuyện cổ mà không một ai kể lại trong suốt hai trăm năm, cuối cùng cũng được đưa ra ánh sáng. Rất nhiều học giả đã từng nghiên cứu về người thầy thuốc bí ẩn này, thậm chí, trong mỗi lời bình của một biên tập viên tái bản Băng thành Okinawa, mỗi người lại mang trong mình một giả thiết khác nhau. Người thì cho rằng Fujiwara Eji là người không có thật, người lại cho rằng do Fujiwara Eji là một nhà văn, ông ta đã thêu dệt nên câu chuyện này để tác phẩm của mình thêm phần sinh động. Có người lại cho rằng, Fujiwara Eji thục sự là một thầy thuốc, nhưng những cánh tay màu đen không có gì ghê gớm mà chỉ là đại diện cho một đợt đậu mùa.

Tất cả những suy luận của bao nhiêu bộ não đó, trong suốt hai trăm năm, rốt cục đều đi vào ngõ cụt bởi vì có quá ít dữ kiện. Trước mặt tôi và Jenny đây, chính là câu trả lời. Một câu trả lời duy nhất, chính xác nhất, bác bổ toàn bộ những người học giả mà tôi đã đọc trong sách trước kia.

Thứ nhất, phản đối lại trường phái cho rằng Fujiwara Eji chỉ là một nhân vật biểu tượng, Fujiwara Eji, là một người có thật, và tôi cùng Jenny, đã có dịp may mắn được gặp gỡ cô em vợ của ông ta.

Thứ hai, đại dịch thây ma lần đầu tiên, đã từng xảy ra hai trăm năm trước đây, không hề mang tính trừu tượng. Và trong câu chuyện có thật và duy nhất mà Rin để lại cho chúng tôi: Fujiwara Eji, đã không tạo ra phương thuốc ấy mà ông đã vượt ngàn trùng dại dương đến một hòn đảo xa xôi, để hái nó về.

Tôi như bị tê liệt trước hàng loạt những thông tin mới, còn Jenny, hai mắt cô sáng lên, khi cuối cùng cũng được diện kiến thứ kho báu cô tìm kiếm suốt đời mình.

“Nó là một bông hoa... Hana... Bông hoa nở ngày tận thế!”

Bức họa thứ tư trong bộ thạch bích mang một màu sắc thần thoại, lung linh khác xa năm bức tranh còn lại. Trong bức hình ấy, Eji đang quỳ gối trước một ngai vàng dưới gốc cổ thụ. Theo sau người là đoàn người tuỳ tùng trong đó có cô em vợ Kyoko.

Quốc vương là một người da trắng như tuyết, mắt đỏ như máu, có mái tóc trắng muốt màu bạch kim. Ngài khẽ thấp mình trao bông hoa vào tay Eji, một bông lan trắng, tỏa ra một quầng sáng lung linh huyền ảo.

Không chỉ có mình quốc vương, những người dân của vương quốc ấy cũng đều mang một màu da trắng, mắt đỏ, tóc trắng, thuần khiết. Nhắc đến đây tôi cũng có cảm tưởng mình đã từng gặp một người như thế đâu đó trước đây rồi.

Cây cổ thụ uy nghiêm giữa một khoảng vườn kín, từng chấm trắng trên các cành cây cao, là muôn vàn những bông lan trắng. bao bọc lấy cả không gian như những vì sao trên bầu trời đêm. Xung quanh cây, bốn trụ trắng hướng về trời cao, đâm thẳng đến chốn thiêng đường.

Phía sau của ngai vàng, dưới gốc cây cổ thụ, một tượng phật đang say ngủ.

Tôi và Jenny lại bên cỗ quan tài. Cả hai đứa đều đã biết thứ ở trong là gì. Jenny nhắc tôi phải giữ máy quay thật chắc, bởi vì khoảnh khắc cô mở cỗ quan tài ra sẽ là giây phút quan trọng nhất trong sự nghiệp của cô ấy.

Dù tôi không thích tính cách phô trương của Jenny nhưng khám phá lăng mộ này là toàn bộ tâm huyết của cô ấy. Tôi lùi lại phía sau, trìu mến nhìn một người bạn của mình đạt được mong ước.  Trong ánh mắt cháy bỏng của cô bé ấy là lửa đam mê, cô ấy xứng đáng có được thời khắc ấy, tôi không nên phá hỏng nó.

Jenny dùng hết sức mình đẩy nắp quan tài ra.

“Thưa quý vị và các bạn, tôi là Jennifer Catherine Swift, người đã dành cả cuộc đời mình để tìm kiếm bí mật của Fujiwara Eji. Và tôi xin công bố với cả thế giới này, bông hoa thần chữa được mọi bệnh tật ở trên đời.”

Nắp quan tài bằng đá dịch chuyển tạo nên một âm vang chối chát. Tôi theo kịch bản của Jenny bước đến bên cạnh cô, hướng ống kính vào trong.

Biết tính Rin, lẽ ra hai đứa tôi nên chuẩn bị trước tinh thần lại bị đem ra làm trò đùa mới phải.

Trong bóng tối của quan tài không có một thi thể nào hết, cũng chẳng có bông hoa nào. Khói bụi tản mác hết. Trên lớp vải lụa lót đen thẫm, là một chiếc chìa khóa bằng bạc, đính một hạt tử ngọc nhỏ bằng đầu móng tay.

“Cắt cắt...” – Jenny thần hồn nát thần tính, cuống quýt kêu tôi kết thúc đoạn video mất mặt của nhỏ.

Tôi lại bên cùng chiếu đèn vào bên trong. Jenny lật tấm vải lụa lót ra: “Hay là có lớp quan tài khác ở bên trong?”

Đằng sau mỗi câu đố của Rin, lại là một câu đố khác bên trong. Người cẩn trọng như cô ta, chẳng dễ gì dâng tận tay cho ai thứ gì.

Lúc này tôi mới có cơ hội quan sát họa tiết bên ngoài cỗ quan tài đá của Rin. Bên ngoài chỉ có họa tiết rồng mây, giống với các quan tài quý tộc chế tác cùng thời, không đem lại quá nhiều thông tin bổ ích.

Jenny giữ lại chiếc chìa khóa, chúng tôi không biết nó dành cho thứ gì, nhưng Rin đã xây cả một lăng mộ để chôn giấu nó, thì không thể là một vật tầm thường.

“Hay là có khi nào, hạt phấn của bông hoa kia nằm trong viên tử ngọc đó không?”

Trong giờ khắc túng quẫn con người ta có thể nghĩ ra hàng vạn khả năng khác nhau, đáng tiếc, trí tưởng tượng phong phú không có ích cho những tình huống như bây giờ.

Tôi tích cực giúp Jenny, đưa tay vào mặt bên trong quan tài sờ lần. Xây cả một lăng mộ hoành tráng như thế này, quan tài kích cỡ bằng một người nằm, vậy mà chỉ để giấu một chiếc chìa khóa hay sao?

Chợt đầu ngón tay tiếp xúc với những chấm sạn nhô lên, một cảm giác quen thuộc ùa về, kèm theo đó là một cơn ớn lạnh chạy dọc khắp sống lưng. Nếu như chỉ có một chấm nhỏ nhô lên, thì tôi đã không hốt hoảng, nhưng đằng này, lại là nhiều chấm nổi khác nhau, thẳng hàng, xếp ngay ngắn theo trình tự 2 ngang 3 dọc.

Tôi sợ hãi rụt tay khỏi quan tài. Ký ức cùng Rin chơi trò chơi điện tử trên những chuyến xe ùa về trong cùng một lúc. Chợt, bắt gặp hình ảnh Jenny đang cắn đầu ngón tay cô lo lắng, đột nhiên giữa tôi và cô xuất hiện một khoảng cách. Người con gái đứng trước tôi đây, sao bỗng vừa thân quen vừa xa lạ thế này.

Tôi không giấu được hoảng hốt cố giữ nỗi sợ trong từng đợt thở gấp gáp. Lăng mộ này được xây từ gian đoạn nào... tại sao tôi mới chỉ giới thiệu chữ nổi cho Rin cách đây hơn một năm, mà trong cỗ quan tài nằm dưới huyệt mộ xa xôi không biết đã ngủ quên bấy lâu này, lại có một dòng chữ nổi được giấu kín như vậy.

Hơn nữa, trong gian phòng lúc này chỉ có hai người tôi và Jenny. Một người là nhà khảo cổ học người ngoại quốc và một người biết chữ nổi. Thông điệp để lại cho tôi, nhất định không phải câu đố vẩn vơ mà là một thông điệp gãy gọn, trực tiếp, ám chỉ chính giây phút này.

dung-tin.png

nha-khao-co.png

nguoi-ngoai.png

quoc.png

Bình luận (8)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

8 Bình luận

CHỦ THỚT
AUTHOR
Tài liệu cho các cậu giải đố nha
depositphotos-303152522-stock-illustration-braille-is-a-tactile-writing.webp
Xem thêm
AUTHOR
TRANS
Đừng tin nhà khảo cổ người ngoại quốc
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
@Dahlias: chỉ thế là nhanh =.=
Xem thêm
Thật ra đọc đoạn này mới nhận ra Rin tính hết r.
Xem thêm
Tộc ng kia nghe quen thật, dù sao cx đến lúc giải đố r yee.
Xem thêm
Vừa dịch 3 chữ cái đầu đoán ngay nội dung tổng thể
Xem thêm
@Cá bé: có nên nói là đúng như dự đoán không nhỉ :))
Xem thêm
Từ những dữ kiện trên cộng thêm câu trả lời của Dah thì t mạnh dạn đoán jenny là boss, nhưng nếu vậy thì rin còn tiếp xúc với nhỏ làm gì? Khó hiểu phết :v
Xem thêm